Bàn luận

Cá tính-tự tính-vô tính và “vô loài” trong cái kính lúp/rọ nghệ thuật “mà thôi”, “cả thôi”! 07. 01. 12 - 7:28 am

Vũ Lâm

SOI: Tóm lại đây là một bài viết về nghề, về đời, và có “đá xéo” SOI một tí ở đoạn cuối :-). Tác giả đưa ra một số phân loại mới đối với người làm nghệ thuật và người thưởng lãm nghệ thuật, tuy đọc loằng ngoằng đấy nhưng cũng thú vị. Mong các bạn không quá bắt bẻ câu chữ theo nghĩa đen của từ điển khi thảo luận. Lần này chúng ta thử thảo luận một cách khác xem nhé, và mong là Vũ Lâm sẽ cùng tham gia, cho dù người thảo luận chỉ dùng nick.

.

*


Trong một đêm khuya thanh vắng cũng ở nơi mây trắng núi nhọn hoắt Lai Châu ấy, tôi nhớ lại bài viết Hiện tượng mây trắng trong sáng tác. Chợt nghĩ ra nó chưa mãn ý được với cả những điều mình thầm nghĩ và tâm niệm lẻ tẻ trong cái đầu ôm đồm quá khứ lâu nay, bèn viết thêm bài này – như một bài đối sánh, cho vui. Phương pháp luận của tôi rất kém. Rất kém về lập luận theo các logic thông thường. Tôi tạm gọi là logic liên tưởng “linh tinh con bà beng”, những cái “vô chiêu” liên tưởng này nó hơi vỉa hè củ chuối một chút, bởi không có luật nào của “luận” cả, hình như nghiêng về phía tư biện thì nhiều hơn. Nghe nó vui tai là được. Chân thành cảm ơn SOI đã đăng bài viết này.

1.

Con người sinh ra ai cũng có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được.” Chân lý ấy trong đạo Phật sẽ được mở rộng hơn là: Mỗi hạt giống tự tính đều sánh vai ngang bằng trước Thượng đế. Một sinh mệnh người hay sinh mệnh kiến cũng có giá trị ngang nhau. (Về khái niệm “hạt giống tự tính” là thế nào, tôi đã đề cập trong bài viết Hóm hỉnh hồng, kiểu Trần Hoàng Sơn).

Những “hạt giống tự tính” nếu được bảo toàn năng lượng thì sẽ sinh ra những tâm hồn thuần khiết và trí tuệ thuần khiết. Những tâm hồn thuần khiết có thể sinh ra thần đồng thơ/nhạc kiểu như Moza. Còn trí tuệ thuần khiết có thể sinh ra các thần đồng kỳ thủ hoặc thần đồng trong một số khoa học. Còn trong giới nhà văn, họa sĩ có sinh ra thần đồng được không? Xin thưa, mặc nhiên là không có đâu. Đó là những kẻ phải “sục xuống bùn” thoát tung lên thành “máu và hoa” hay “bướm và hoa” gì đó. Phải ăn đòn đủ. Phải có đời sống, phải có kinh nghiệm sống,… vân vân và vân vân. “Văn vô sơn thủy vô kỳ khí/Nhân bất phong sương vị lão tài” là vậy. Trong văn, trong họa phải có những yếu tố độ dày của “giờ bay” thì mới “thành khí” được. Thần đồng thì đâu đã kịp sống nhiều mà “sục bùn”.

Việc sống của con người. Tựu trung lại có hai nhu cầu lớn nhất là nhu cầu tình dục và nhu cầu “lộn tâm hồn trái túi”. Nhu cầu tình dục hiểu theo nghĩa rộng ra là yêu thích ham muốn mọi vẻ đẹp của sự sống chứ không phải chỉ là nhu cầu tình dục giữa hai giống đực và cái. Nhu cầu này do đặc tính chung của vật lý sinh thể thúc đẩy. Còn nhu cầu “lộn tâm hồn trái túi” là nhu cầu chia sẻ, phơi bày, tâm tình (do tự tính thuần khiết thúc đẩy). Hai nhu cầu này luôn luôn mâu thuẫn nhau. Nhu cầu tình dục làm cho tâm hồn và trí tuệ trở nên phức tạp, sinh ra lắm ngăn (phải ủ mưu nhiều, tính toán nhiều, băn khoăn bối rối, ủ dột mày chau nhiều) nên con người càng xa rời tự tính đi.

Bởi tự tính là “tự nhiên nhi nhiên” không phân chia cao thấp, thiện ác, trái phải, đen trắng, thế nên tự tính cũng sinh ra một lực hấp dẫn ngược lại, là nhu cầu phải lộn trái những cái túi lắm ngăn ấy ra cho nó đỡ nhọc. Phải tự thú, phải phơi bày, kể lể, xin người khác hoặc các đấng tạo hóa hoặc người bạn mới quen sự cảm thông, chia sẻ. Thiên Chúa giáo rất hay khi đẻ ra cái tiết mục “xưng tội”. Còn bên Phật đạo thì đến chùa cầu cúng để xin xỏ và bố thí (bây giờ được tán tụng om sòm nhất là đầu tư xây các khu kiến trúc du lịch tôn giáo to tướng, hoặc là góp ít tiền dựng tượng Phật bà thạch cao trắng, hoặc đầu tư xe Hummer rước xá lị về) cho tâm an, cũng là một kiểu xưng tội. Chúng ta thấy trong truyện, phim rất nhiều cảnh đôi khi những kẻ cứng rắn, tâm hồn vốn kín bưng đôi khi lại rất sướt mướt thổ lộ hết quá khứ trước những người vừa gặp ở ga tàu bến xe vỉa hè. (Ví dụ như phim Forrest Gump chẳng hạn).

Nhu cầu “lộn trái túi” và nhu cầu tình dục có thể mô hình hóa tạm gọi là “cởi” và “buộc” Với cái thuyết “nam trói – nữ cởi” của tôi (trong loạt bài về performance trước đây: Nam trói vs Nữ cởi) thì phụ nữ thích cởi, thích “giải tỏa” hơn, và đàn ông thích mua dây buộc mình hơn bởi những nhu cầu tình dục đa dạng hơn. Quy luật này có lẽ sinh ra bởi phụ nữ gần tự tính hơn đàn ông. Hay có thể nói cách khác, phụ nữ chính là hiện thân của tự tính nguyên thủy. (Các bạn phụ nữ đừng vui vội. Vì phụ nữ đó là phụ nữ nói chung, còn mỗi người phụ nữ chỉ là một mảnh mang ít nhiều tự tính nguyên thủy thôi. Và đã gọi là mảnh – miếng thì đều méo mó cả. Cũng như đàn ông là các mảnh hiện thân sờ sờ của nhu cầu tình dục méo mó mà thôi. Chưa kể đến những người lạc giới ít ỏi nữa).

Hai cái nhu cầu sống của con người này cũng là hai nguồn nguyên liệu chính của mọi loại nghệ thuật. Nhu cầu tình dục đặt ra trong nghệ thuật là để làm mồi, để câu cái sự hấp dẫn, để người ta phải chúi mắt vào. Kể về cái hay, cái biến ảo lâm ly của các thú chơi hay một quá trình vật vã sống nào đó, hay vẽ một người đàn bà đẹp khỏa thân thì cũng đều là nguyên lý dùng các thứ “buộc” để câu dẫn, để làm mồi người xem cả thôi. Nhưng giá trị cuối cùng là việc “cởi” như thế nào cơ. Bởi giá trị nhân văn cuối cùng để được nhân loại phong thưởng tôn vinh cho người làm nghệ thuật là công việc phải “lộn trái càng nhiều các túi, các ngăn” càng tốt.

Mỗi người xem–độc giả, khán giả, người thưởng thức, khách mua… là một cái túi tối tăm. Nếu họ xem tác phẩm mà cái đống túi tâm hồn trí tuệ phức tạp lằng nhằng của họ được “lộn ra” thì họ khoái, họ thanh thản. Tác phẩm nghệ thuật tốt, là một ngôi chùa, một nhà thờ để càng nhiều người chui vào “lộn túi” cho nó an tâm với cái phần tự tính mà Thượng đế ban cho mỗi người. Thế nên tác phẩm tốt sẽ gần nghiễm nhiên là tác phẩm không trước thì sau càng được nhiều người mua, thưởng thức, thích thú, săn đuổi (là một nghĩa đen thêm nữa của từ “lộn túi”).

Nguyên lý của nghệ thuật là việc đặt lên bàn cân âm dương của việc sử dụng “câu dẫn” và “giải thoát”; “buộc và “cởi”; đặt ra các “nhu cầu tình dục” đa dạng rồi lại “lộn trái túi”. Càng nhiều các pha cặp đôi “câu dẫn” – giải thoát; “buộc”-“cởi”; “tình dục”-“lộn túi” này đan chéo vào nhau phức tạp nhưng có lý, có nhịp điệu theo một gói thời gian – không gian ước định như thế nào đó thì chứng tỏ người làm nghệ thuật càng giỏi, trình càng cao. Ai đã đọc truyện chưởng Kim Dung, Nghìn lẻ một đêm, Đại dương truyện (Ấn Độ), tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, hay xem phim truyền hình Mỹ Vượt ngục, Mất tích. Hay đọc truyện trẻ con như Harry Potter, Bảy viên ngọc rồng, Đô rê mon, Lucky Luke… thì đều bị dúng “ngập ngụa” mê mẩn trong cái tài giỏi của những người làm ra nó. Biết nguyên lý mà vẫn phải xem, bởi vì cái trữ lượng vỏ đời sống thực tế mới lạ, hấp dẫn, thông minh, bất ngờ được bao phủ ngoài những nguyên lý nọ nhiều quá, làm cho các giác quan không hề biết chán.

 

2.

Thế còn những nguyên lý ấy hiện ra trong mỹ thuật thì sao? William de Kooning vẽ đàn bà trông phát khiếp, như cái đống giấy bị vò nhàu. Picasso vẽ Những cô nàng Avignon khỏa thân đấy chứ, nhưng trông như mấy khúc củi đẽo dở, có ma nó thèm. Còn Rembrandt mới hài hước, vẽ Danaenhư một “củ khoai tây” béo xồ ấy, có sao? Chứ đâu có đẹp mọng mắt long lanh như những sự tích thần thoại Hy lạp được minh họa bằng tranh của các họa sĩ cổ điển tầm tầm vô vàn kể trong các bài học thứ Tư và Chủ nhật hàng tuần trên SOI đâu!

Tranh của William de Kooning

 

“Những cô nàng Avignon”, Picasso.

 

“Danae”, Rembrandt

 

Những họa sĩ cổ điển trung bình thì chú trọng vào việc “buộc” và “câu dẫn” nhiều hơn. Và đa số họa sĩ trung bình thì thế, bởi người xem trung bình của họ cũng chỉ khoái mắt được cái độ câu dẫn tầm tầm. Còn tầm cỡ họa sĩ Phục hưng kiêm nhà khoa học vĩ đại kiểu như Leonardo de Vinci hoặc những nhà nhân văn chủ nghĩa bậc cao, tâm hồn đại lượng mênh mông cỡ như Rembrandt đi làm họa sĩ thì mới chú ý đến việc “cởi” và “lộn túi” con người trong tranh của họ ra được. Vả lại, các cặp đôi “buộc – cởi” như tôi nói thể hiện trong mỹ thuật (đại diện là hội họa) chẳng hạn, là chuyện giữa hình – màu, độ sâu và “ngon”, sức căng, sức chín, sức cứa mắt của một bề mặt, nội lực và tình cảm; trí tuệ thể hiện ra ngoài nét bút (rất rõ trong thư pháp Trung Hoa) ấy rất phức tạp và trừu tượng, chứ không phải vì cái tranh ấy vẽ nội dung cái gì, cô gái đẹp trong thần thoại hay đôi giày rách của Van Gogh. Những điều này con mắt “thần” có thể thấy, con mắt “trần” thì chịu chết. Nên không thể biện giải bằng lời được, nhất là với những con mắt thịt, tâm hồn xôi thì bó tay nữa. Chưa kể việc phải xem tận mắt các bản gốc, xem độ “làm cong không gian” của các bức tranh, bức tượng toát ra năng lượng tác động tới những đối vật xung quanh nó thế nào mới có thể bình được. Cho nên mỹ thuật là một thứ rất khó để bình luận bằng lời. Tác phẩm lại là độc bản khó có thể sao chép. Nên chuyện đắt giá tụ lại một tác phẩm là chuyện đương nhiên, chưa kể trò đấu giá và trò đua nhau săn đuổi sưu tầm của xã hội tư bản, giải ngân tiền để mua “mây trắng” về làm của riêng càng đẩy giá mỹ thuật lên rất… tợn!

 

3.
Bây giờ bàn sang chuyện cá tính. Cá tính trong đời sống là một thứ lâu nay con người ta thích. Làm cái gì đó hay hơn, độc đáo hơn nhiều người khác cùng làm trong công việc đòi hỏi tính sáng tạo thì sẽ được khen là “anh này có cá tính”. Đến thời dân chủ tư sản “hoành hành” năm trăm nay thì cá tính ngày càng được đề cao. Nhưng phải nói thêm là trước đây, thời phong kiến, nhất là phong kiến Trung Hoa chẳng hạn, thì cá tính là một sự nguy hiểm. Là dân đen thì ai cũng nên cố mà giấu nhẹm cá tính đi, không là mất đầu, sẹo to bằng cái bát như chơi. Chỉ có một số anh hùng mới được thể hiện được cá tính. Mà đáng thương thay, các anh hùng chính khách Trung Hoa lật đổ các vương triều, các đại vương khởi nghĩa tựu trung đa số là các tay giết người. Giết càng nhiều người càng được dân gian phong anh hùng lớn. Điều này thì văn hào Lỗ Tấn đã từng tổng kết lâu rồi.

Riêng tôi, tôi cho rằng “cá tính” nếu xét trong sự đối diện với tự tính, thì đó là một “sự hư hỏng của con người”. Bởi vì đến thời này, theo một số thuyết “mạt thế luận” thì chẳng phải con người đã “hư hỏng” quá rồi sao, khi mà can thiệp vào đời sống tự nhiên đến mức độ tàn bạo, sinh ra vũ khí nguyên tử để dọa “thịt” lẫn nhau chứ có chống được người hành tinh khác nào đến xâm lược Trái đất như các phim Mỹ hay chiếu đâu. Bởi vì theo tôi, các đấng thiêng liêng cao cả gieo hạt giống “tự tính” vào mỗi con người là như nhau, thì đáng nhẽ mọi con người phải lớn lên như nhau – như một bầy cừu nhân bản cho len và thịt đúng tiến độ, đủ định mức mới đúng chứ. Mọi thứ sản phẩm của con người làm ra (kể cả tác phẩm nghệ thuật) đáng lẽ cũng phải cũng phải giống nhau (trước tự nhiên). Một sản phẩm không giống các sản phẩm khác tức là có lỗi đối với tự nhiên. Như một số máy móc có hạt sạn rơi vào bánh răng, thế là cái sản phẩm làm ra bị lỗi, sứt một tí. Món đồ ấy trở nên “có cá tính” ngay. Ai có thú sưu tập những đồ lặt vặt đều biết những đồng xu lỗi, những con tem in hỏng, những đồ gốm méo hoặc có nước men quá lửa có tuổi rất lâu (tức là kèm theo một câu chuyện để kể về cá tính ấy), thì có khi đắt giá hơn nhiều những đồng xu tròn dập đều, những con tem không sai chính tả hoặc in nhầm, những đồ gốm hoàn hảo. Chủ nghĩa tư bản khôn ngoan biết đến điều này, kích thích cái thú “săn cá tính” nên thi thoảng sản xuất ra những loạt đồ hạn chế, chỉ bán cho một số ít người thượng lưu hoặc làm quà tặng. Còn bình thường thì thế giới tư bản họ sản xuất ra một món đồ nào đó, dù tốt và hoàn hảo đến mấy cũng không dùng công nghệ ấy quá lâu năm.

Lớp thanh niên bây giờ được kích thích “xài” đồ hiệu, gọi là “có phong cách”, “thể hiện cá tính”, stylist. Tôi thấy buồn cười hết sức, đông đảo các em đều mắc mưu của chủ nghĩa vật chất cả thôi, các em ạ. Con người có cá tính (nhấn mạnh: trong sự đối diện với tự tính nhé) chẳng hay hớm gì đâu. Chẳng qua chỉ là một thứ “máy hỏng” mà thôi. Lớn lên như mọi người, nhưng đầu óc khác người. Họ có thể có một số năng lực vượt trội người thường, nhưng sống cạnh họ rất mệt. Ai trải qua thời học sinh – sinh viên đi ở nội trú thì biết. Cùng phòng cái thằng “có cá tính” một tí, tuy sau này nhiều kỷ niệm ôn lại cho đỡ tẻ, nhưng cái lúc hiện tại sống với nó thì nhức cả đầu. Nếu nó giỏi thì luôn được làm gương để thầy cô khen, các bạn cứ gọi là gầm mặt đau khổ và ganh tị. Còn nếu nó không phải thằng giỏi học mà hay nghịch phá thì tất nhiên ở cùng ăn vạ lây là cái chắc. Đa số những danh nhân của nhân loại hồi trẻ đều “cá tính” hơn người. Nhưng ai ở sát cạnh danh nhân đều phải hứng chịu những cái mặt trái của cá tính ấy cả. Người ở cạnh danh nhân có thể phát biểu với báo chí hoặc hàng xóm thì ca ngợi nọ kia, nhưng với con cháu trong nhà nói thật thì họ kể hết chuyện khổ do danh nhân gây ra mới biết. Bởi người cá tính thì đa số đều ích kỷ hoặc vị kỷ. Có vị kỷ thì mới tập trung được thời gian mà làm được việc họ có năng lực vượt trội hơn người khác. Đó cũng là cái nỗi chẳng sung sướng gì của chính họ, bởi nó dẫn đến sự cô đơn rất nhanh!

Những người làm nghệ thuật (tôi tập trung vào việc nói chuyện về người làm nghệ thuật chứ không bàn về những người làm khoa học, hay có máu phiêu lưu, là ba loại người mà phần trước tôi gọi là “có nhiều mây trắng” trong đầu. Chỉ bởi vì tôi không biết gì về khoa học hay phiêu lưu cả. Hic). Một mặt phía “tự tính” mà nói thì đúng là có nhiều mây trắng trong đầu hơn người khác thật. Nhưng về mặt phía “cá tính” mà nói, thì số người là “máy hỏng”, “đầu có sạn sỏi” đi vào con đường làm nghệ thuật cũng nhiều. Mà quy luật ở đâu (nước nào, nhóm, vùng nào) cũng vậy, số “chất lượng thấp” phải nhiều hơn số chất lượng cao là cái chắc. Vậy những con người làm nghệ thuật lại có thể biểu hình hóa kiểu thô thiển (của tôi) thế này: “mây trắng” + “máy có hạt sạn rơi vào bánh răng” = “một người làm nghệ thuật có cá tính”.

Ở cái nơi như ở ta hiện nay mà “chủ nghĩa vật chất – tinh thần vật dục” đang xâm lấn lan tràn, thì con người làm nghệ thuật có cá tính nếu không may mắn bị vật dục đè hiếp, hoặc bản lĩnh yếu mê muội vào những thứ “nhân nghĩa vớ vẩn”, nhân cách “một mình” không tự luyện cho cao cường, lại mải bị lôi kéo đi a dua, a tòng vào những chỗ chợ búa cãi cọ, nói xấu, rỉa rói con người, thì mây trắng trong đầu chẳng mấy chốc mà dễ bị bốc hơi đi lắm. Cái còn lại thì là gì ai cũng biết.

Tôi thích cách ví người nghệ sĩ giỏi như con trai mang ngọc. Hạt sạn rơi vào trong “bánh răng” cơ thể con trai. Để chống lại “vật thể lạ” khỏi chết thối vì bị thương, con trai phải nhả xà cừ bao quanh hạt cát đó. Người nghệ sĩ giỏi, cho tác phẩm hay cũng ít như trai cho ngọc trong tự nhiên vậy (trung bình phải 3 tấn trai mới tìm được 3 – 4 con trai cho ngọc hoàn hảo). Con người bình thường chúng ta, không có “cá tính” gì mấy, lại may mắn không bị “sạn rơi vào máy”, thì trước “ông xanh” hầu hết là “trai thịt”, dùng để Tạo hóa thí nghiệm nấu canh mà thôi. Còn lại các loại trai bị rơi sạn vào “máy”, tạo được số ngọc be bé, hoặc chết thối vì bị thương, cũng không phải là ít…

 

4.

Bàn về vô tính, người ta thường nói chính là cái phẩm chất nằm trong những người hồn nhiên hoặc trẻ con chưa lớn tới cái đoạn sinh ra “nhu cầu tình dục” và “lộn trái túi”. Ở với trẻ con hoặc người đơn giản, “hồn nhiên như cô tiên” ít “cá tính” nói chung rất dễ chịu, tuy hơi “đạm” một tí. Các nhà nho xưa rất trọng cái chữ “đạm” này. Họ chú trọng thanh bạch, đạm bạc, để khỏi bị nhu cầu tình dục chi phối mà cũng không phải phiền toái với nhu cầu “lộn trái túi”. Chữ “vô tính” đối diện với “tự tính” và “cá tính” trong vòng khuôn cái kính lúp (rọ) nghệ thuật của tôi là ý chỉ về phía số đông người thưởng thức, người mua xem bình thường. Cái “đám đông vô tính” này là nơi cung cấp nhân lực cho nghệ thuật. Biết đâu lúc nào đó nó sẽ cung cấp một cái “máy hỏng” nhiều mây trắng trong đầu phát sợ cỡ như Gauguin (Gô–ganh) cho nghệ thuật, thế chẳng hạn. Nghệ thuật mà có phẩm chất “vô tính” bị lẫn nằm trong các loại “nghệ thuật phong trào” thì xem hơi nhanh chán. Nhưng được cái nó chân chân thật thật và lành, xem chỉ hơi nao nao chứ không quặn tim hay nhức đầu như xem loại nghệ thuật “có cá tính”. Loại nghệ thuật này càng có tuổi thì mới càng được giá. Còn đương thời thì bao giờ loại nghệ thuật có cá tính cũng bị săn tìm trước.

 

5.

Trong tác phẩm Thần khúc (La divina commedia – trường ca của nhà thơ Italia thời Trung cổ Dante Alighieri (1265-1321) tưởng tượng về chuyến du hành của nhà thơ qua ba tầng khác của thế giới: Địa Ngục, Tĩnh Ngục và Thiên Đường. có kể một chuyện về những kẻ “vô loài” như thế này. Khi nhà thơ xuống địa ngục thì thấy một đám đông kêu gào cứ phải luôn luôn vòng quanh cửa địa ngục không được dừng. Nhà thơ mới hỏi người dẫn đường đó là “cánh nào đấy”? thì được trả lời rằng đó là những kẻ “vô loài”, Chúa cũng từ mà Quỷ cũng chối vì chúng không ở cõi ác cũng như cõi thiện.

“Con thuyền của Dante”, tranh Delaccroix

 

Trong cái kính lúp (rọ) nghệ thuật của mắt tôi, cái “vô loài” đối diện với tương quan “cá tính”, “vô tính”, “tự tính” ấy thì nó như những hạt bụi vậy. Nó giống bụi khí toát ra ở những chỗ giữa đường giữa chợ, ba vạ phải xen lẫn quấy. Có những triết lý hay góp ý đôi khi rất sâu sắc nước đời, nhưng lại xen giữa lung tung beng những rác thải xả xì trét nhảm nhí. Tốt thì ít mà đểu láo thì nhiều. Tôi phát hiện có gì đó tương đồng giữa cái gọi là “bụi khí vô loài” này với các cái gọi là “comment ẩn danh” trên mạng xã hội sinh ra từ “nền dân chủ mạng”. Đó chính là một thứ “vô loài” trong nghệ thuật, và rất nhiều. Cái phần “vô loài” này nó không chịu trách nhiệm gì cả. Không đứng về thiện ác, cũng không hay và cũng không dở. Nhưng nó ít nhiều cũng tăng phần sinh khí sôi động cho đường dẫn tới sự quan tâm nghệ thuật. Ít ra nó cũng có tác dụng của một chất “phân bón”. Đơn cử ví dụ với chính tôi. Nếu bài nào tôi viết được đăng ở SOI mà có ít comment thì tôi không mấy hứng viết tiếp. Nhưng bài nào có nhiều comment, kể cả comment rất chi là khó chịu, thì đâm ra lại có hứng mà viết tiếp (viết tiếp cái vấn đề nghệ thuật mình quan tâm chứ không phải cãi cọ với “phân bón” nhé). Và khi nào tôi buồn, tôi hay giở đi giở lại những bài cũ của tôi ở trên SOI để xem có cái comment mới nào không, để xem mà cười chơi cho nó thú.

*

Tóm lại, lối đi của nghệ thuật là: Một hạt giống tự tính sinh ra từ vô tính, lấy vô loài làm phân bón, nếu lớn lên được thì thể nào cũng có đận phải trải qua, phải mắc vào cá tính, nhưng đích cuối là vươn đến tự tính toàn thể. Đó có vẻ là chu trình tất yếu cũng của mọi loại nghệ thuật. Theo tôi là như thế. Trình độ của các loại nghệ thuật, các tác giả tôi được biết thì tôi nhận thức chủ yếu bằng các nấc thang phát triển như thế.

Chúc người đọc vui vẻ!

P/S: Nom đi nom lại thì thấy có vẻ cái “lối đi của nghệ thuật” ấy cũng giống lối đi của một con người.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:08 Friday,23.1.2015 Đăng bởi:  LC

Bài này của Vũ Lâm thật là lý luận. Về cơ bản đây là cái móng quan điểm để hắn xây ngôi nhà phê bình, cho Mỹ thuật, trong cái nghiệp mài phím hắn theo đuổi. Tốn khá mây trắng và ...pin laptop đây he he


...xem tiếp
23:08 Friday,23.1.2015 Đăng bởi:  LC

Bài này của Vũ Lâm thật là lý luận. Về cơ bản đây là cái móng quan điểm để hắn xây ngôi nhà phê bình, cho Mỹ thuật, trong cái nghiệp mài phím hắn theo đuổi. Tốn khá mây trắng và ...pin laptop đây he he

 
17:12 Sunday,28.12.2014 Đăng bởi:  Gia phạm

Quả là Vũ Lâm có cách "dạo chơi nghệ thuật" rất khoái! Nghệ sĩ hay nghệ thuật phải là độc nhất mới hay được. Cho nên "mây trắng" và cái vụ hạt sạn rơi vào máy phải xem như là một ÂN HUỆ CỦA TẠO HÓA đã ban cho kẻ này mà không cho kẻ khác. Hình như lịch sử nghệ thuật chưa bao giờ ghi tên một nhà "thông thái thông thường" nào.
...xem tiếp

17:12 Sunday,28.12.2014 Đăng bởi:  Gia phạm

Quả là Vũ Lâm có cách "dạo chơi nghệ thuật" rất khoái! Nghệ sĩ hay nghệ thuật phải là độc nhất mới hay được. Cho nên "mây trắng" và cái vụ hạt sạn rơi vào máy phải xem như là một ÂN HUỆ CỦA TẠO HÓA đã ban cho kẻ này mà không cho kẻ khác. Hình như lịch sử nghệ thuật chưa bao giờ ghi tên một nhà "thông thái thông thường" nào. Mà nói thẳng ra thì cả nhà khoa học nữa. Chả lẽ là một "người thông thường" mà lại có thể sáng tạo sao?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả