Nghệ sĩ Việt Nam

Về các họa sĩ trong ĐIỂM ĐẾN I 23. 03. 12 - 10:29 am

Thông tin từ Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam

 

.

ĐIỂM ĐẾN I

Khai mạc: 17h thứ Bảy ngày 24. 3. 2012
Thời gian: từ ngày 24. 3 đến hết ngày 1. 4. 2012
Địa điểm: Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam (số 66 – Nguyễn Thái Học, Hà Nội)

 

"Vũ điệu 1", Ngô Hải yến, sơn dầu, 120cm x 200cm, 2010

 

Ngô Hải Yến

Sinh năm: 1971 tại Hà Nội.

Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành hội họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2007.

Vẽ trên các chất liệu sơn mài, sơn dầu và màu nước trên lụa. Ngô Hải Yến vẽ phái nữ rất nhiều trên tranh. Hội họa của chị bộc lộ rõ một tâm hồn hướng nội, khao khát cuộc sống tinh thần tự do, một tình yêu nam nữ phóng khoáng, mãnh liệt.

 

"Mãnh lực 1", Yusof Ghani, chất liệu tổng hợp trên vải bố, 58cm x 45,5cm x 3 tấm, 2011

 

Yusof Ghani

Một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất Malaysia hiện nay.

Sinh năm 1950. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, từ năm 1968 đến năm 1976, ông kiếm sống bằng việc làm đồ thủ công mỹ nghệ, vẽ tranh minh họa cho sách thiếu nhi, rồi làm họa sĩ, người vẽ minh họa tại Bộ Nông nghiệp Malaysia và làm người chuyên giới thiệu các kỹ thuật vẽ tại Học viện Thủy sản của Bộ này.

Năm 1977, ông về Kuala Lumpur sinh sống và làm họa sĩ đồ họa cho truyền hình Malaysia (RTM). Hai năm sau, ông ghi danh học về đồ họa tại George Mason University (bang Virginia, Mỹ). Năm 1980, ông bắt đầu quan tâm đến mỹ thuật sau cuộc gặp với giáo sư hội họa Walter Kravitz của nhà trường. Ông theo một số khóa học chọn lọc về mỹ thuật, tham gia các triển lãm mỹ thuật trong nhà trường và ngay lập tức được đánh giá cao. Năm 1982, ông theo học một khóa sau đại học về mỹ thuật tại Catholic University, Bang Washington, rồi tốt nghiệp cao học tại đây năm 1983.

Năm 1984, ông được mời triển lãm tranh cá nhân tại gallery uy tín của Washington tên là Anton gallery trên đồi Capitol (the Capitol Hill). Một sinh viên, lại là sinh viên nước ngoài, được mời làm triển lãm ngay sau khi tốt nghiệp, là điều chưa từng có trong tiền lệ của gallery này. Triển lãm được nhà phê bình nghệ thuật Jo Ann Lewis của Washington Post nhận định là “sự ám ảnh” (the Haunting) với một bài viết khá dài.

Ông vẽ trừu tượng, thích thú với cách vẽ của hai họa sĩ trừu tượng người Mỹ nổi tiếng thế giới là J. Pollock và W. de Kooning. Ông từng theo đuổi các chủ đề trong tranh như Khiêu vũ, Mặt nạ, Chơi, Xanh.

Hai bức tranh trong triển lãm tại Việt Nam lần này mới được hoàn thành trong năm 2011, với chủ đề Mãnh lực (Force).


"Núi No.4", Zaim Durulaman, chất liệu tổng hợp trên vải bố, 70 x 120cm, 2010


Zaim bin Durulaman

Sinh năm 1966, sống và làm việc tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Sau khi tốt nghiệp đại học công nghệ Mara (MARA University of Technology) năm 1988, chuyên ngành nghệ thuật và thiết kế đồ họa, ông làm họa sĩ tự do. Ông từng tham gia nhiều triển lãm quốc tế tại Việt Nam, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Dubai,… Hiện nay, ông giảng dạy tại khoa Nghệ thuật và thiết kế, đại học Selangor, Malaysia.

 

"Bữa ăn tối", Nguyễn Thân, sơn dầu trên vải, 120 x 100cm

 

Nguyễn Thân

Sinh năm 1948, quê gốc ở Ninh Bình. Ông hiện sống và làm việc tại TP. HCM. Ông có một gallery tại gia, nơi trưng bày các sáng tác hội họa và điêu khắc của ông.

Trước năm 1975, ông từng đạt một số giải thưởng mỹ thuật quan trọng. Ông từng làm đủ mọi nghề để sống, trong đó có công việc gắn liền với hình ảnh về một họa sĩ được xem là “dị biệt” của đất Sài Gòn là đạp xích lô. Năm 1991, ông trở lại với công chúng yêu nghệ thuật bằng một triển lãm tại gallery Hồng Hạc. Từ đó trở đi, ông liên tục được mời tham gia nhiều triển lãm mỹ thuật trong và ngoài nước. Ông cũng có tranh trong cuộc đấu giá tranh “Nghệ sĩ và nghệ thuật châu Á thế kỷ XX” của nhà đấu giá Sotheby Singapore (năm 1997).

Chủ đề quan trọng trong sáng tác mỹ thuật của ông là người phụ nữ, với phong cách vẽ giàu tính biểu hiện, nồng nhiệt và hào sảng.

 

"Gió", Vũ Hòa, chất liệu tổng hợp, 60 x 120cm, 2010

 

Vũ Hòa

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội niên khóa 1981 – 1986 nhưng từ năm 1975, ông đã có sáng tác được chọn trưng bày tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc đầu tiên sau giải phóng miền Nam, năm 1976, khi ông vừa tốt nghiệp hệ trung cấp mỹ thuật. Sau khi học xong đại học mỹ thuật, ông đi Pháp định cư, có nhiều triển lãm nhóm và cá nhân quanh nước Pháp và Mỹ. Ông bận rộn với công việc ở cả ba thành phố, Hà Nội, Paris và TP. HCM nhưng hội họa của ông lại cho thấy một sự tĩnh lặng, trong đó có xen lẫn sự thư thái, bối rối và đầy ngẫm ngợi.

 

"Ngày dài 1", Ngô Văn Sắc, chất liệu tổng hợp, 124 x 106cm, 2011

 

Ngô Văn Sắc

Sinh năm 1980 tại Hà Nội.

Hiện là giảng viên tại khoa Âm nhạc và Mỹ thuật, Đại học Sư phạm  Hà Nội. Trong series sáng tác mới nhất trưng bày tại triển lãm nhóm lần này, anh muốn nói đến khía cạnh ứng xử của con người với nhau trong thời hiện đại. Con người ngày càng xa cách nhau mặc dù có thể liên lạc với nhau hàng ngày qua các phương tiện liên lạc, giao tiếp thông minh như internet, điện thoại di động, mạng xã hội. Sự trơ lỳ hoặc đóng kín cảm xúc về nhau, dành cho nhau giữa người với người phải chăng là nguyên nhân của những xung đột, rạn vỡ và thậm chí là tội ác?

Ngô Văn Sắc sử dụng giấy báo, acrylic trên các bản khắc gỗ như một sự thử nghiệm khả năng làm mới chất liệu, gây hấp dẫn thị giác và mở ra nhiều lối đi vào câu chuyện của anh cho người thưởng ngoạn.

 

"Thời đại số # 1", Lưu Tuyền, sơn dầu, 90 x 150cm, 2011

 

Lưu Tuyền

Sinh năm 1982 tại Thái Bình.

Anh theo đuổi trường phái cổ điển (ngày nay không nhiều họa sĩ theo đuổi) để từ đó dần tiến đến phong cách nghệ thuật của riêng mình. Khi bắt đầu vẽ hiện thực năm 2008, anh tự thấy mình chịu ảnh hưởng bởi phong cách của các danh họa Hà Lan TK XVII (đặc biệt là J.Vermeer) từ bố cục đến một số kỹ thuật đặc tả… Dần dần, những tác phẩm của anh đã chuyển biến dần sang hiện thực mang hơi hướng siêu thực.

Trong triển lãm Điểm đến I này, anh giới thiệu một lát cắt trên hành trình nghệ thuật của mình với hai sáng tác trong năm 2009, Thời đại số I và II. Ý tưởng sáng tác nảy sinh khi anh đọc những bài báo nói về trẻ em bị chứng bệnh thần kinh (do chơi game quá nhiều), bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên… đặc biệt là căn bệnh “tự kỷ” đang rất phổ biến ở trẻ em hiện nay. Anh đã đặt mình vào mối liên hệ với trẻ em, thời thơ ấu của chính mình và tuổi thơ của các em ngày nay. Anh dùng những hình ảnh gián tiếp, cùng tính logic về các vấn đề trong tư tưởng (búp bê, con hạc giấy, lồng chim, ô tô đồ chơi…) để biểu đạt hàm ý rộng hơn, nhiều tầng nghĩa hơn, sâu hơn ở bên dưới bề mặt tác phẩm.

 

*

Bài liên quan:

– 24. 3: ĐIỂM ĐẾN I – Đừng bỏ lỡ nhé!
– Về các họa sĩ trong ĐIỂM ĐẾN I

– ĐIỂM ĐẾN 1, mà theo họa sĩ Bằng Lâm là “không gian mới, co giật mới”

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả