Soi học

Bài học Chủ nhật: Pan – ông 35 của tích Hy Lạp cổ 17. 06. 12 - 7:58 am

Pha Lê

 

.

 

Chúng ta đã học về các nàng tiên, về chuyện liên quan đến các nàng tiên như Orion, nhưng đây vẫn là một đề tài dài dòng. Để hiểu sâu thêm nữa và học về nhiều tích liên quan tới các nàng tiên xinh đẹp nữa, xin mời mọi người đọc qua tích về thần Pan – thần của giới tính, nhạc đồng quê, thiên nhiên hoang dã. Ông cũng là thần hộ mệnh của các chàng chăn cừu (chứ Pan không phải là thần nồi niêu xoong chảo nhé, dù Pan trong tiếng Anh thì đúng là xoong chảo). Tên La Mã của Pan là Faunus hoặc Faun.

Tác phẩm “Pan và Daphnis”, 100 năm trước Công Nguyên, hiện nằm tại Bảo tàng Khảo cổ Naples. Đây là tượng bằng đá hoa cương, do dân Roman copy theo bản gốc (bằng đồng) của Hy Lạp. Pan là một vị thần nửa người nửa dê, biểu tượng là ống sáo Zampona (sáo nhiều ống), dê, rùa và dương vật. Trong tác phẩm này, Pan vừa đang dạy sáo cho cậu thiếu niên Daphnis vừa tìm cách quyến rũ cậu này. Daphnis lúc còn trai trẻ có quan hệ tình cảm với vài nam thần, nhưng sau này thì yêu một cô tên Chloe. Chuyện tình của Daphnis rất lãng mạn và nổi tiếng, nhưng xin dành cho một bài học khác.

 

Trước tiên vẫn là phần sơ yếu lý lịch. Theo các truyện Homeric Hymn thì Pan là con trai của sứ giả Hermes và một trong số con gái của Dryopos (không thấy nhắc đến Dryopos là thần gì, nam hay nữ). Còn các tác giả Herodotus, Apollodorus, và Hyginus thì nói thêm rằng đứa con gái ấy có tên Penelope, nàng này là một tiên núi. Riêng Pausanias thì nói Penelope (vợ của Odysseus) phản bội chồng khi ông vắng nhà nên sinh ra Pan, có điều chắc là do hai tên Penelope trùng nhau nên Pausanias lộn thôi. Một bản nữa của Nonnus thì nói Pan là con của Hermes và một nàng tiên nào đó tên Sose.

Phổ biến nhất vẫn là những bản kể rằng Pan là con của Hermes và tiên núi Penelope. Chuyện diễn ra như sau: một ngày nọ tính lông bông đưa vị thần Hermes đến khám phá vùng Arcadia. Phong cảnh ở đây quá thơ mộng, với sông uốn quanh và các loại thú rừng lạ mắt. Cảnh đẹp khiến Hermes nổi hứng yêu, thế là chàng vớ ngay lấy cô tiên núi Penelope và cả hai trải qua nhiều đêm vui vẻ ngọt ngào. Chín tháng sau Penelope sinh Pan, nhưng vừa thấy hình dạng nửa người nửa dê là bà mẹ trẻ hãi quá, quăng con xuống đất. Nhưng Hermes thì rất khoái bộ dạng nghịch ngợm của Pan nên chàng đem con về đỉnh Olympia. Tất cả các thần linh ở đây đều thích Pan, nhất là bợm nhậu Dionysus, vì Pan vui vẻ, hay cười, và rất lém.

Chung số phận với hầu hết các nam thần, tích về Pan chủ yếu cũng xoay quanh các đề tài như tụ tập hội hè, hiếp dâm, nhậu nhẹt. Vừa hoang dã vừa thừa hưởng tính lông bông của bố nên Pan rất lung tung. Bình thường thì Pan sống ở trong rừng, trên núi, thường xuyên dạy các chàng chăn cừu cách thủ dâm (chuyện thật 100%, theo tích Hy Lạp thì Pan là người “phát minh” ra hành động này), cũng vì thế mà biểu tượng của Pan là dương vật, và kiêm luôn chức “thần hộ mệnh” cho các chàng chăn cừu. Rảnh thì Pan tới nhậu cùng Dionysus, đi săn với Artemis, hoặc lởn vởn cạnh Venus. Pan có tài thổi sáo rất hay, nhạc của Pan thường là nhạc đồng quê, mộc mạc, chứ không hàn lâm như nhạc của Apollo. Pan cũng từng có một cuộc thì âm nhạc với Apollo, nhưng tích này xin kể sau cho nó đỡ rối.

Tác phẩm “Tiếng sáo kỳ diệu của Pan”, do John Reinhard Weguelin vẽ bằng màu nước vào năm 1905. Tiếng sáo của Pan quá hấp dẫn, đến nỗi một nàng tiên cây (Hamadryades) cũng phải dỏng tai nghe. Nếu thuộc bài thì mọi người cũng sẽ nhớ ra rằng tiên rừng, tiên cây hay được vẽ chung với Pan.


Tác phẩm “Pan tỏ lòng kính trọng Diana”, Annibale Carracci, thế kỷ 16. Chàng Pan nửa dê (và có cả con dê biểu tượng đi kèm) tỏ lòng kính trọng với thần săn bắn Artemis (đội vương miện và cầm cung) bằng cách đưa cho nữ thần một gói gì đó như gói quà.

 

Tác phẩm “Pan và Venus”, Poussin, 1630. Trong tranh, Pan đang giúp Venus leo lên lưng dê (không biết dê có chịu nổi Venus không đây). Cupid (có cánh) đang chơi trò bứt lá cây, còn bên tay phải là hai bé đang uýnh nhau. Một bé có lẽ là Harmonia – chị của Cupid, bé kia là một Satyr. Tại sao Pan trong tranh của Poussin lại không nửa người nửa dê nhỉ?

 

Lý do vì sao một số họa sĩ không vẽ Pan nửa người nửa dê là vì sang thời La Mã, Pan (lúc này đã cải tên thành Faunus) hay bị lầm với giống Satyr. Satyr, theo đúng tích Hy Lạp, là đám đầy tớ của Pan. Họ cũng hoang dã, quậy, và dâm giống chủ. Satyr là các chàng trai cao to lực lưỡng, có tai nhọn, tóc xoăn dài, râu rậm rạp, có đuôi ngựa, và hay đội lá nho.

Đây là hình vẽ một Satyr trên chiếc đĩa Hy Lạp cổ, khoảng 500 năm trước Công Nguyên. Satyr có tóc xoăn, râu dài, cầm sáo (bao đựng sáo treo trên dương vật). Satyr theo hầu Pan nhưng thực chất thì ngoại hình không giống Pan mấy.

 

Có điều, sang đến thời La Mã, Satyr chuyển ngoại hình từ ‘tai nhọn, đuôi ngựa’ sang một ngoại hình y chang ông chủ Pan, Satyr bắt đầu có sừng, và cũng có hình dáng nửa người nửa dê. Vì giống chủ quá nên mọi người bắt đầu nhầm, không biết đâu là Satyr, đâu là Pan.

Tác phẩm “Các nàng tiên và một Satyr”, William Adolphe Bouguereau, 1873. Họa sĩ vẽ cảnh các nàng tiên đang vui vẻ bên chàng Satyr. Satyr cũng nổi tiếng là dâm nên rất hợp để các họa sĩ vẽ chung với tiên, có điều chàng Satyr này (chắc tại thấy nhiều tiên quá) nên trông chàng hơi lưỡng lự khi các cô níu kéo. Satyr nhìn y chang Pan, nếu không phải do tên tranh thì dám mọi người sẽ nhầm là Pan lắm.

 

Cũng vì rất dễ nhầm lẫn như vậy nên một số họa sĩ vẽ Pan như người bình thường thay vì nửa người nửa dê, nhằm tách Pan ra khỏi đám thuộc hạ của mình.

Đây là bức vẽ tường “Pan và các nàng tiên” tại thành phố Pompeii cổ kính, có niên đại khoảng 1 năm sau Công Nguyên. Pan này cầm sáo, đội lá nho, và có con dê đi kèm để mọi người tiện phân biệt. Thân hình của Pan giống như một nam nhi bình thường chứ không hề nửa người nửa dê.


Tác phẩm “Lễ mừng Pan”, Poussin, 1636. Hình do bạn Hiếu Thiện có hảo tâm tìm giúp SOI. Không biết đây là tiệc mừng gì nhưng trông nó cực kỳ ăn chơi, nhộn nhịp. Pan chắc là chàng đứng bên trái (ôm cô tiên đang ngồi trên lưng dê), vì mặt chàng này rất giống chàng Pan trong bức “Pan và Venus” ở trên (cũng do Poussin vẽ). Nằm giữa tranh là cảnh Satyr và một nàng tiên đang vờn nhau. Trong bức “Pan và Venus”, Poussin vẽ Pan như một người bình thường, nên chắc chắn anh chàng nửa người nửa dê này là một Satyr. Rắc rối nhỉ?

 

Tích về Pan còn nhiều rắc rối nữa, và còn dính tới nhiều nàng tiên xinh đẹp. Chiếc sáo Zampona biểu tượng của Pan còn có tích hẳn hoi, xin kể tích này vào tuần sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: Pan – ông 35 của tích Hy Lạp cổ
– Bài học Chủ nhật: Pan và Syrinx – thêm một cô biến thành cây vì ghét trai

– Bài học Chủ nhật: Thần tiên cũng có “Olympia Got Talent”

 

 

Ý kiến - Thảo luận

16:49 Wednesday,29.11.2023 Đăng bởi:  Pha Lê
Daphnis có thể đi chung với Pan vì cậu là nhà thơ, mà đã là thần thì thường khoái những ai có tài năng nghệ thuật nên việc nhà văn nhà thơ đứng cạnh/có quan hệ với thần thánh là bình thường, các mối quan hệ kiểu này cũng không đòi hỏi sự chung thủy.
Còn người nguyền Daphnis không phải là Pan mà là một nàng tiên Nymph. Daphnis hứa hẹn yêu một mình nàng nymph này như
...xem tiếp
16:49 Wednesday,29.11.2023 Đăng bởi:  Pha Lê
Daphnis có thể đi chung với Pan vì cậu là nhà thơ, mà đã là thần thì thường khoái những ai có tài năng nghệ thuật nên việc nhà văn nhà thơ đứng cạnh/có quan hệ với thần thánh là bình thường, các mối quan hệ kiểu này cũng không đòi hỏi sự chung thủy.
Còn người nguyền Daphnis không phải là Pan mà là một nàng tiên Nymph. Daphnis hứa hẹn yêu một mình nàng nymph này nhưng sau đó lại quan hệ với một cô khác nên nàng tiên mới nguyền cho mù. 
1:07 Wednesday,29.11.2023 Đăng bởi:  edinburgh
Có phải Pan có cảm tình với Daphnis nhưng vì chàng phản bội ổng nên ổng nguyền cho Daphnis mù lòa không?
...xem tiếp
1:07 Wednesday,29.11.2023 Đăng bởi:  edinburgh
Có phải Pan có cảm tình với Daphnis nhưng vì chàng phản bội ổng nên ổng nguyền cho Daphnis mù lòa không? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả