Chính trị

Đố bạn: Vợ một tổng thống, muốn làm tổng thống, ở nước nào? 13. 01. 16 - 7:55 am

Sáng Ánh

 

Hillary Rodham Clinton. Hình từ trang này

Mỗi bận ứng cử viên Hillary Rodham Clinton vẽ ra viễn tượng “lịch sử” một phụ nữ đứng đầu ngành hành pháp là cử tọa vỗ tay rào rào. Đây là chuyện bà làm thường xuyên khi vận động tranh cử, làm mỗi ngày, và mỗi bận cử tọa của bà đều ồn ào hưng phấn, đến nỗi đứng dậy mà cổ vũ. Trong chương trình của ứng viên này, không thấy nhấn mạnh đến bình quyền gì đó hay cách mạng giới tính, chỉ cần nhấn mạnh đến giới tính của ứng viên là đủ, và tất nhiên, về phía đảng Cộng hòa, cựu Tồng giám đốc Hewlet-Packard là bà Carly Fiorina cũng không bao giờ quên nhắc là bà mặc váy.

Carly Fiorina. Hình từ trang này

Mới ta (ở Mỹ), nhưng cũ người. Tại Âu châu già nua và cằn cỗi, đứng đầu hành pháp (thủ tướng hay tổng thống) từ mấy chục năm nay kể ra có cả tá. Hiện nay, đang tại chức, tứ nữ anh hào của châu này có Đức quốc, Ba Lan, Na-uy và Latvia. Ở vị trí nguyên thủ quốc gia, cũng tại châu này có những 5 bà đang tại chức, Thụy Sĩ *, Kosovo, Lithuania, Malta và Croatia, không kể đến quốc gia tí hon San Marino (tại Ý). 

Thủ tướng Đức Merkel hồi Giáng sinh 2013, đang nhìn một thiếu niên vẽ mặt nhọ nồi đóng giả một trong ba vua phương Đông đến mừng Chúa ra đời . Ảnh từ trang này

Nếu nói đến quá khứ thì vô kể, mà ứng cử viên tổng thống ôm hận thì cũng có Ségolène Royal tại Pháp.

Bà này ngược lại với bà Clinton, không có chồng giá thú mà sống chung với một chàng đến mấy con. Sau khi bà thất cử (bị Nicolas Sarkozy đánh bại) thì người tình sống chung cũ của bà, ông Francois Hollande, không viết hồi k‎í trên giường lâm ly mà giật khỏi tay bà chức ứng viên của đảng Xã hội và đắc cử trả thù nhà (cũ).

Royal và Hollande hồi 1999, khi nàng làm việc ở Bộ Giáo dục và chàng là lãnh tụ đảng Xã hội. Ảnh của AFP, từ trang này

Tuy đã bỏ nhau hậm hực, ông vẫn mời bà làm bộ trưởng trong nội các, và tuy đã bỏ nhau hậm hực bà vẫn chấp nhận nhìn cái bản mặt khó ưa của thằng cha này chí ít là vào ngày thứ Tư của mỗi tuần khi Pháp họp chính phủ. Nói cách khác thì tại Pháp, bà ứng viên này không nhờ hơi hướm của tình lang mà ngược lại, còn cào mặt ông để lấy chức ứng viên của đảng. Sau đó, đến lượt ông, và thành công, theo truyền thống ga-lăng của quốc gia, vẫn ưu ái bà trong việc nước việc làng (bộ Môi trường nội các 2014). Nói cách khác nữa, thì nữ ứng viên tổng thống Pháp 2007 không nhờ chồng mà nam ứng viên tổng thống Pháp 2012 cũng chẳng nhờ vợ, phân biệt rành rọt việc nước với việc nhà mà cử tri tại đây cũng biết thế.

Royal và Hollande hồi 2015, khi quan hệ đã rất căng thẳng trong công việc. Ảnh của Romuald Meigneux, từ trang này 

Việc lục đục trong nhà ngoài dinh này họa chăng chỉ có ở Peru. Năm 1990 Alberto Fujimori (gốc di dân Nhật) được bầu làm tổng thống quốc gia Nam Mỹ này. Năm 1992, phu nhân Suzana Higuchi lên tiếng tố cáo chồng là tham nhũng độc tài lại không rửa chén và lười đổ rác.

Tổng thống Peru Alberto Fujimori và phu nhân Susana Higuchi. Hình từ trang này

Lủng củng nội bộ đưa đến ly dị năm 1994, con gái bà Susana Higuchi thay mẹ làm đệ nhất phu nhân. Bà Higuchi bèn lập một đảng chính trị mới và ra tranh cử thị trưởng thủ đô nhưng thất bại. Bà biến khỏi chính trường vì đối lập với chồng, tuy tố cáo của bà có thật, và chồng cũ hiện đang nằm khám mút mùa Lệ Thủy vì những tội danh này. 

Cựu tổng thống Peru nhiệm kỳ 1990-2000, ông Alberto Fujimori, tại tòa ở Lima ngày 7. 11. 2013. Ảnh: Ernesto Benavides, từ trang này

Con gái của hoa anh đào và đường gươm Nam Mỹ này, cựu đệ nhất phu nhân Keiko Fujimori (sinh 1975) thì đắc cử đại biểu quốc hội sau khi cha của bà mất chức. Năm 2011, trong khi ông nằm ấp và bóc lịch mấy mươi thu thì bà ra ứng cử tổng thống, thất bại với 48% số phiếu ở vòng nhì.

Keiko Fujimori và cha. Ảnh từ trang này

Chuyện con vua vợ sãi thì vô khối. Phụ nữ đầu tiên đứng đầu một quốc gia Hồi giáo (Pakistan) là anh thư (và liệt sĩ) của dân chủ (và của Hoa Kỳ) là bà Benazir Bhutto. Bà làm thủ tướng vì tên bà nghe rất quen với quần chúng. Bà là con của thủ tướng Ali Bhutto, và là cháu nội của một thủ tướng bang Ấn Độ (trước độc lập). Sau khi bà bị giết, chồng bà là ông Ali Zarif (biệt danh Mr 10%) nhờ xếp tàn y để dành hơi vợ nên cũng làm tổng thống và cậu con lăm le sẽ có ngày.

Thủ tướng Benazir Bhutto và chồng là ông Ali Zarif. Hình từ trang này

Ngay tại quốc gia thù địch kế cạnh, bà Indira Gandhi là con của thủ tướng Nehru, mẹ của thủ tướng Rajiv Gandhi. Vợ ông Rajiv là người gốc Ý nên chỉ nhận làm chủ tịch đảng chứ không ra ứng cử thủ tướng, ngôi này để dành do cho con là cậu ấm ba Rahul sáng sủa mặt mày nhưng hình như khờ khạo cái đầu chứ không phải con tim.

Sonia Gandhi (giữa) và mẹ chồng là Indira Gandhi (trái), cậu em Rahul Gandhi và chị gái Priyanka Gandhi. Ảnh từ trang này

So với phụ nữ nguyên thủ các quốc gia Hồi giáo, nếu chỉ xét về mặt này, thì Hoa Kỳ chẳng là cái đinh gì hết. Tại Bangla Desh Hồi giáo, cầm quyền hay đối lập đều là phụ nữ trong vài thập niên thừa. Bà Khaleda Zia là phu nhân một cố tổng thống thì kỳ phùng địch thủ của bà, Sheik Hasina, là con của một cố tổng thống khác chứ sao nữa, bộ kém mày à.

Tại Bangla Desh: bà Khaleda Zia( trái) và bà Sheik Hasina (phải). Hình từ trang này

Một người con của cố tổng thống làm nguyên thủ một quốc gia Hồi giáo khác (và là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới) là bà Megawati Sukarnoputri. Putri mang nghĩa là “ái nữ” hay “công chúa”, thí dụ hoa hậu Indonesia được gọi là Putri Indonesia.

Tại Indonesia: bà Megawati Sukarnoputri. Hình từ trang này

Ra khỏi khu vực Hồi giáo, nhưng không ra khỏi khu vực gia đình, thì các bà nguyên thủ, thủ tướng ôi thôi vô kể. Tổng thống Philippines, là thuộc địa cũ của Mỹ đi trước cả nước mẹ với bà Corazon Aquino (góa phụ của thượng nghị sĩ đối lập bị ám sát) và bà Gloria Macapagal-Arroyo. Bà này tên dài hơn chân (bà cao dưới 1m50) vì tên chồng Arroyo thì không ai biết nhưng bố bà là ông Diosdado Macapagal thì từng làm tổng thống, nên bà dùng cả họ bố lẫn họ của chồng. Bà Aquino ở trên chỉ dùng họ chồng theo tục của phụ nữ Philippines-và Tây phương- vì không ai biết bố bà là ai (Riêng bà Hillary Clinton giờ thích được gọi là Hillary Rodham-Clinton để tỏ “tôi còn là tôi chứ không phải chỉ là vợ ông Clinton nào đó”. Phần bà Gandhi, chỉ dùng tên chồng để lập lờ tuy chồng bà chẳng có liên hệ gì với nhân vật Mahatma Gandhi. Cậu ấm con trai bà Buhtto thì dùng thêm họ mẹ và mang tên Bhutto-Zarif để cho người ta còn biết ngay cậu là con của bà nào).

Cựu tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo nhận giải “Don Quijote de la Mancha” từ Vua Tây Ban Nha Juan Carlos of Spain tại điện Zarzuela, Madrid hồi 15. 4. 2010. Ảnh từ trang này

Cựu thủ tướng Thái Lan thì xinh đẹp còn hơn ông anh của bà. Chị hai của bà, kém nhan sắc hơn, không phải vì thế mà không có hoạn lộ. Nói qua, chồng của bà chị hai này từng có lúc làm thủ tướng (Somchai Wongsawat, sau anh rể và trước em dâu, thành tích trong 3 tháng cầm quyền là bị biểu tình đuổi chạy mất dép, theo nghĩa đen, tuột giày Gucci). Ngay bà lãnh tụ đối lập Myanmar cũng là con gái của cha già lập quốc.

Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tiếp tổng thống Mỹ Obama hồi 2012. Ảnh từ trang này

Nói vậy không phải là các nữ lưu trên không xứng đáng với chức vị, nhiều bà tài năng có lẽ còn hơn cả danh gia dòng họ và bà Clinton biết đâu cũng sẽ thế, và sẽ làm chỗ đứng trong lịch sử của ông nhà bà bị lu mờ (là một điều chẳng mấy khó khăn). Tại Argentina, Cristina Kirchner chắc vượt qua tài lèo lái và lãnh đạo của chồng và tuy mới thất cử nhưng có cơ may trở lại ghế vào kỳ bầu cử sau? Cũng tại nước này bà Isabel Peron làm tổng thống nhờ đức cố lang quân huyền hoặc (Juan Peron). Bà là vợ ba của lãnh tụ này và được bầu lên nhờ hơi thừa của bà vợ hai của ông, Eva Peron, từng được quần chúng sủng mộ. Bà Eva (Evita) Peron  không giữ chức vụ nào nhưng mang tước “lãnh đạo tinh thần của quốc gia” và ảnh hưởng sâu sắc đến chính trị cho đến khi bà qua đời lúc mới tuổi 33.

Tổng thống Argentine Cristina Kirchner và chồng bà là Nestor Kirchner (cũng từng là tổng thống Argentina) có một mối quan hệ thân thiết với cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez. Hình từ trang này

Các nữ lãnh tụ không xuất thân từ nơi tăm tiếng, tuy không có cái lợi khởi đầu này nhưng cũng không có cái hại là phải tự chứng tỏ hay là tự xác định về sau. Đây là trường hợp của Golda Meir (Israel) hay Margaret Thatcher (Anh quốc), Michele Bachelet (Chile)… và ngoài phạm vi của bài này.

Tại châu Phi, các phu nhân hài lòng với chính trị trong hậu trường hay chỉ lo việc nhà hơn việc nước (tức là phần business). Thí dụ, ở Gabon, Pascaline Bongo được bố cho làm ngoại trưởng rồi bộ trưởng phủ tổng thống nhưng chỉ thích đi chơi đây đó, 2008-2010 tốn 86 triệu USD tiền thuê chuyên cơ. Khi bố bà mất (2009) bà bị người em cùng cha khác mẹ giật mất ngôi và bơm bà lên chức vụ “đại diện tối cao của quốc gia”. Lại nói qua nếu tổng thống Omar Bongo (bố bà Pascaline Bongo) viết hồi k‎í “Những người đàn bà đi qua đời tôi” thì Thương Tín hết đường bán sách (mà bi đát nhất là phu nhân bỏ ông đi theo một anh thợ sơn hai dòng máu Phi châu và Việt Nam biết lẩy Kiều và bị ông cho ám sát tại Pháp).

Bà Pascaline Bongo. Hình từ trang này

Ngoài ra, con gái của tổng thống Dos Santos (Angola) thì chỉ lo làm tỉ phú. Một biệt lệ là Winnie Mandela, xung khắc với đường lối của chồng nhưng không thành công độc lập trên chính trường.

Giờ trở lại tựa của bài viết này. Tổng thống Zimbabwe, ông Robert Mugabe gần trăm tuổi, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen (ông sắp 92). Ông trị nước cũng gần được 100 năm (35 năm) và khi xấp xỉ 100 (vào lúc 70 tuổi) ông vẫn chưa có thì giờ mà làm câu đối cho hoa hậu như giáo sư Vũ Khiêu nhà ta. Ngày ấy, một cô thư k‎í trong phủ 28 tuổi, đã có chồng làm sĩ quan không quân, được ông để mắt đến vì tài sử dụng phần mềm Microsoft. Lái được máy bay thì đã khó nhưng nào có khó bằng lái cả quốc gia, nên cô chịu khó mà bỏ chồng lấy tổng thống lụ khụ mặc dù ông không có cái hào hoa và bay bổng của các chàng phi công.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe mừng sinh nhật lần thứ 91 với vợ là Grace hồi tháng 2. 2015. Hình từ trang này

Năm 2018, khi Mugabe 94 tuổi, bà tuyên bố ông sẽ vẫn ra ứng cử và bà thề sẽ đẩy xe lăn cho nguyên thủ đến mức đúng 100 là 2024. Tuy nhiên, người vợ hiền này còn phải ứng phó với bao nhiêu chuyện ngoài sức khỏe của chồng và có lẽ tốt nhất là bà ra ứng cử để cho ông còn rảnh rỗi mà dưỡng già thơ phú. Nghe đâu ngay Tập Cận Bình mới đây khi gặp Mugabe còn khuyên nhủ, tôi thấy bác dạo này cũng yếu, sao bác không về mà đuổi gà cho nó bớt nhọc thân. Gà thì không biết bà Grace Mugabe có nuôi trong nhà hay không, biệt danh của bà là Gucci Grace và bà thích tiêu sầu bằng mua sắm hơn là chăm gia súc (ông chồng của bà là ngoại lệ).

Bà Grace Mugabe hồi 2015, năm bà ứng cử tổng thống. Hình từ trang này

Việc giới tính bình quyền thấy chẳng mấy liên hệ với việc nguyên thủ làm phụ nữ cho lắm. Hiện, bình đẳng nhất trên thế giới có lẽ là trong phong trào PKK tại khu vực người Kurd tại Turkey và Syria. Trong tổ chức này và những nơi họ tự trị (Rojava tại Syria), lãnh đạo bao giờ cũng có đôi, 1 ông 1 bà. Bầu cử quốc hội vừa rồi, phong trào đưa 50% ứng cử viên 50% ứng cử viên nữ (kiểu đảng Xã hội Pháp) và có thêm 10% đồng tính. Khác với đảng Pháp, là các phụ nữ được đưa vào những vị trí dễ trúng cử và trên 40% trúng cử của phong trào là phụ nữ khiến toàn quốc hội Turkey hồi giáo 15% là phụ nữ (số phụ nữ trong quốc hội và thượng viện Hoa Kỳ là 20%).

Sao thì, (quay lại lần nữa với đầu bài), vào giờ phút này, giữa Hillary Clinton và Grace Mugabe, chưa rõ là ai sẽ là tổng thống phụ nữ đầu tiên của quốc gia mình, chẳng biết được.

*

*Đứng đầu hành pháp Thụy Sĩ là một Hội đồng Liên bang 7 người, thay phiên nhau làm Chủ tịch nước mỗi người 1 năm.

Ý kiến - Thảo luận

20:11 Saturday,16.1.2016 Đăng bởi:  dilletant
Bài có nhiều drive đẻ ra một đống liên tưởng. Có vẻ tác giả muốn đưa ra một cái hộp (Pandora?) từ đó thò ra quyền lực nữ. Nhưng VN từng cung cấp một ví dụ mà các nước khác chưa có tiền lệ: em dâu của tổng thống trở thành đệ nhất phu nhân - bà Ngô Đình Nhu. Dưới triều của bà này có nhiều biến đổi về "văn hóa", Còn nhớ hồi bé được đi xem phim (thời s
...xem tiếp
20:11 Saturday,16.1.2016 Đăng bởi:  dilletant
Bài có nhiều drive đẻ ra một đống liên tưởng. Có vẻ tác giả muốn đưa ra một cái hộp (Pandora?) từ đó thò ra quyền lực nữ. Nhưng VN từng cung cấp một ví dụ mà các nước khác chưa có tiền lệ: em dâu của tổng thống trở thành đệ nhất phu nhân - bà Ngô Đình Nhu. Dưới triều của bà này có nhiều biến đổi về "văn hóa", Còn nhớ hồi bé được đi xem phim (thời sự) duyệt, xuýt ngất vì đoạn những cô thuộc quân lực VNCH mặc binh phục kiểu Mỹ đội mũ nồi lệch và ngay sau đó là những pha thoát y thì phài, làm thằng nhóc hồi đó là tôi (khoảng giữa thập kỷ 60) hồn xiêu phách. Nhưng về cơ bản thì bà Nhu cấm nhảy đầm, và cả mại dâm, sau này tôi đọc thấy. Còn ở TQ (chắc vì ít thông tin - giống như VN hiện đại), nên bài đã không nêu những trường hợp như kiểu vợ Bạc Hy Lai, được xem là điển hình của biến chuyển từ nội tướng (chỉ thu vên, và xử lý thu nhập và lại quả trong bóng tối là cùng) chuyển sang vai cầm trịch cuộc chơi quyền tiền. Ý của tui là tác giả đưa ra những ngự tiền phu nhân của phương Tây, trong khi, biết đâu đấy, chuyện của các Hồng đô nữ hoàng (ở Hoa lục, và ở nước láng giềng phía Nam cùng dạng hệ thống CT) lại chả hay bằng vạn. Nhưng vẫn mạo muội cho bác SA it nhất 9 điểm/10. 
15:47 Friday,15.1.2016 Đăng bởi:  SA

Cám ơn bạn Đức đã nêu ra xác đáng và bạn Anh Nguyen đã trả lời hộ!
Đúng ra thì mình phải viết "50% nam và 50% nữ, trong đó có 10% ghế ứng cử dành cho đồng tính nữ hoặc nam"
Đây là trong bầu cử quốc hội vừa rồi tại Turkey và các ứng viên này không dưới danh của PKK mà dưới danh của phong trào bình phoKurdistan (vì PKK bị cấm đoán)


...xem tiếp
15:47 Friday,15.1.2016 Đăng bởi:  SA

Cám ơn bạn Đức đã nêu ra xác đáng và bạn Anh Nguyen đã trả lời hộ!
Đúng ra thì mình phải viết "50% nam và 50% nữ, trong đó có 10% ghế ứng cử dành cho đồng tính nữ hoặc nam"
Đây là trong bầu cử quốc hội vừa rồi tại Turkey và các ứng viên này không dưới danh của PKK mà dưới danh của phong trào bình phoKurdistan (vì PKK bị cấm đoán)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả