Ở Đâu - Làm Gì

24. 4: VỎ BỌC CỦA HIỆN THỰC 23. 04. 12 - 11:11 am

Thông tin từ Viet Art Center

 

Vỏ bọc #2 (Cover #2), sơn dầu, 150 x 140cm, 2010

 

VỎ BỌC CỦA HIỆN THỰC
Triển lãm tranh sơn dầu và sắp đặt của họa sĩ Lưu Tuyền

Khai mạc:
Từ 24. 4 – 29. 4. 2012
Tại Trung tâm nghệ thuật Việt (Viet Art Centre)
Số 42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

 

Họa sĩ Lưu Tuyền sinh năm 1982 tại Thái Bình. Anh theo đuổi hội họa hiện thực để làm lộ trình nghệ thuật của riêng mình. Anh chịu ảnh hưởng từ những họa sĩ bậc thầy thế giới như: Leo. De Vinci, B. Botticelli, J. Vermeer….và người gần gũi với anh hơn cả là họa sĩ Lê Huy Tiếp.

Bằng quá trình nắm bắt những tinh hoa của hội họa thế giới và sự học hỏi từ những họa sĩ nổi tiếng trong nước, anh đã có những quan điểm riêng về nghệ thuật:

Tôi coi hiện thực chỉ là vỏ bọc, là nơi để cất giấu những ý niệm mà bản thân sự hiện diện của nó không tự lột tả được cụ thể, rõ nét.”

Những tác phẩm của Lưu Tuyền mang hơi thở đương đại. Anh dùng hình ảnh búp bê làm cớ để gợi mở cho người xem mối liên hệ với những vấn đề tồn tại ở trong chính bản thân mỗi một con người mà bấy lâu nay vẫn được che đậy, giấu kín một cách vô can và bình thản.

Vỏ bọc #3 (Cover #3), sơn dầu, 140 x 150cm, 2011

 

Từ hình ảnh Con búp bê bọc ni lông nhiều yếu tố của cuộc sống thường nhật và những vấn đề xã hội phải đối mặt được đặt ra. Đó có thể chỉ là những con búp bê đồ chơi, có thể là trẻ em, cũng có thể là con người (nói chung)…vv… được bảo vệ, hoăc họ tự bảo vệ mình khỏi tác động xung quanh, sự xâm hại của những yếu tố tiêu cực xã hội… hoặc bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện nay?… hay chúng ta giống như những con búp bê vô tri, vô giác không lối thoát và muốn thay đổi? Sự xa cách giữa con người và con người?… Sự cô đơn, lạc lõng giữa thế giới phẳng? Đó cũng có thể là sự bảo vệ, che chở, bảo tồn những gì đẹp đẽ, trong sáng và tinh khiết của con người, của cuộc sống khỏi sự lãng quên và vô tâm của xã hội tràn ngập những giá trị ảo?….v.v

Vẽ những con búp bê được bọc trong ni lông anh muốn biểu đạt một dự cảm về trạng thái tâm lí và giá trị của con người trước sự tác động của yếu tố môi trường xã hội hiện đại. Để từ đó mong muốn con người có những suy nghĩ, hành động chân thiện và đức hạnh, hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc sống của bản thân và cho xã hội.
Họa sĩ Lê Huy Tiếp đã chia sẻ: “Tranh của Lưu Tuyền luôn thuyết phục người xem bởi sự đầu tư kỹ lưỡng, một thái độ làm việc nghiêm túc, Tuyền là một họa sĩ trẻ có triển vọng”.

Họa sĩ Vũ Đình Tuấn – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Mặc dù mới xuất hiện nhưng ngôn ngữ hội họa của Lưu Tuyền đã tạo ra được sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp thánh thiện chỉ có ở Thiên đường.”

*

Vỏ bọc #1 (Cover #1), sơn dầu, 150 x 140cm, 2010

 

Hội họa của Lưu Tuyền

Mặc dù mới xuất hiện nhưng ngôn ngữ hội họa của Lưu Tuyền đã tạo ra được sự ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp thánh thiện chỉ có ở Thiên đường.

Không gian lơ lửng, vật vờ, nín lặng, sà lùa và lẩn khuất gợi ra từ những lớp sơn tinh tế và bản lĩnh. Búp bê với đám đồ vật trống rỗng mang cặp mắt trong veo, ám ảnh. Mọi thứ như ngưng tụ, đóng băng lại trong vỏ bọc hữu hạn của thực tại. Thế nhưng chính những vật thể hữu hạn được bọc gói kỹ càng trong sự quên lại trồi ra những cảm xúc vô hạn lạ thường, một cảm giác trống trải đầy thân phận. Búp bê không còn là đồ vật mà trở thành con người có tâm trạng cụ thể nhưng vô hướng. Ta cảm thấy dường như có hình hài mình, có sự ẩn nấp xúc cảm của riêng mình trong đó. Xuất hiện cả những trạng thái tinh thần đa dạng đã từng đi qua, rồi dừng lại suốt một đời người bởi sự thẩm thấu, lắng đọng và dai dẳng.

Lưu Tuyền đặt cả thân phận mình, thân phận người vào hình tượng búp bê.

Và như thế anh có cái lý lẽ riêng khi chọn búp bê, có cái lý riêng khi bọc chúng lại. Búp bê là tượng trưng cho con người, ni lông là hình ảnh của hiện thực ảo.

Hội họa Lưu Tuyền lo lắng, hoang mang về sự thay đổi, sự xâm hại những giá trị tốt đẹp của con người và thời vận. Đó là cái nhân bản, là cái nhân hậu của người làm nghề. Phẩm chất ấy rất quý và ít thấy ở những họa sĩ tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ như anh.

Thời đại số #2 (The digital Age #2), sơn dầu, 150 x 140cm, 2009

 

Một vài tên tuổi có ảnh hưởng thế này, thế khác đến con đường sáng tạo của Tuyền: Leonardo De Vinci; S. Botticelli; J.Vermeer; Lê Huy Tiếp… Nhưng cái thực sự làm nên phong cách Lưu Tuyền là tư duy nghệ thuật chân thành và thánh thiện. Định nói ra những điều quyết liệt rồi lại thận trọng dồn nén kín đáo dưới những lớp sơn. Ánh sáng, bóng tối được xử lí theo cách riêng của họa sĩ, dù không thật sự chi tiết, tinh tường và sâu thẳm theo cách miêu tả của xu hướng cực thực, nhưng ngần ấy thôi cũng đủ để gợi ra cái cảm giác miên man, vô hạn, cái trống trải của những miền bị bỏ quên.
Chẳng biết về sau Tuyền có ý định đào sâu thêm cái không gian ấy không, nhưng với kỹ năng nghề nghiệp đang có chắc chắn anh chủ động làm được điều mình mong muốn.

Nhiều họa sĩ khi thể hiện không gian hiện thực, không gian cổ điển thường sa vào tình trạng u uất, nặng nề bởi sự hạn chế và cứng nhắc trong kỹ thuật. Hội họa Lưu Tuyền có sự sáng về ngôn ngữ và thánh thiện trong tư duy. Tranh của Tuyền không phải là những cung bậc lộng lẫy, đường đột của màu sắc mà được tiết chế (dường như kiệm màu), vừa đủ âm vang để tạo nên một tổng thể có tính chất ấp ủ, che giấu, hâm nóng và kích động cảm xúc. Cảm xúc ngời lên từ cái bàng bạc, sương khói mang màu sắc liêu trai ấy đã khiến cho thị giác bị mê hoặc một cách nhẹ nhàng.

Thời đại số #3 (The digital Age #3), sơn dầu, 100 x 100cm, 2009

 

VỎ BỌC CỦA HIỆN THỰC là thành quả đẹp của thiên bẩm, học hành và lao động nghệ thuật khổ luyện.

Trong bối cảnh ồn ào có phần khoa trương của diện mạo mỹ thuât đương đại, sự xuất hiện của hội họa Lưu Tuyền đặt thêm một niềm hy vọng cho công chúng yêu nghệ thuật. Đồng nghĩa với việc họa sĩ phải tiếp tục bước tự tin trên con đường sáng tạo chuyên nghiệp; phải dấn thân và quyết liệt. Bởi dừng lại có nghĩa là chấm hết.

Chắc chắn trong một ngày không xa, họa sĩ Lưu Tuyền sẽ tìm thấy niềm vinh quang trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn: Ngời sáng nhưng đầy thử thách.

Hà Nội, 12. 4. 2012
Họa sĩ Vũ Đình Tuấn

Cầm tù chiến tranh (Imprison War #1), sơn dầu, 150 x 100cm, 2009

 

 

Ý kiến - Thảo luận

13:55 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  họa sỹ già cầu tiến
Tôi là một họa sỹ già và không còn vẽ được nhiều nữa. Nhưng tôi luôn quan tâm đến các họa sỹ trẻ, vì họ là mầm non của nền mỹ thuật. Tiếng nói của chính họa sỹ (từ lương tâm, từ con người, từ tác phẩm) mới là quan trọng. Họa sỹ còn chẳng có ý kiến gì mà mọi người cứ bàn ra tán vào thế này thì có phải là quá chán không. Tôi nghĩ là chúng ta nên có n
...xem tiếp
13:55 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  họa sỹ già cầu tiến
Tôi là một họa sỹ già và không còn vẽ được nhiều nữa. Nhưng tôi luôn quan tâm đến các họa sỹ trẻ, vì họ là mầm non của nền mỹ thuật. Tiếng nói của chính họa sỹ (từ lương tâm, từ con người, từ tác phẩm) mới là quan trọng. Họa sỹ còn chẳng có ý kiến gì mà mọi người cứ bàn ra tán vào thế này thì có phải là quá chán không. Tôi nghĩ là chúng ta nên có những ý kiến mang tính xây dựng thì tốt hơn. Chúng ta đâu phải là họ, ta không thể hiểu được. Nên đừng ném đá vào họ làm gì (tôi nghĩ nếu có ném đá là chúng ta tìm ra điểm xấu của họ để mong họ tiến bộ chứ không phải là để có mục đích gì xấu xa- thật tuyệt vời?). Mà họa sỹ thì có ném bao nhiêu đá thì họ cũng chẳng sợ đâu,ai quan tâm đến dư luận lá cải chứ. Kiểu này chẳng đi đến đâu. Quan trọng là ai đánh giá họa sỹ và tranh của họ. Người có tên tuổi, có trình độ "một lời nói ra đáng giá ngìn vàng" một nghìn người chê không tên (không chuyên môn, không trình độ) cũng không thể sánh được với một lời đánh giá của một người có tên. Nghệ thuật theo như tôi biết không dành cho đám đông. Như ở đây, người thì chê, áp đặt và chùm đầu người ta. Người thì bênh vực quá khiến người khác không thoải mái. Và cả 2 đối tượng đều không có tên rõ ràng (tôi cũng chẳng dám xưng tên-tôi cũng lá cải,vớ vỉn và không trọng lượng và cũng không có việc gì làm trong ngày nghỉ). Dù vậy thì cũng là tốt vì phải được quan tâm thì mới được khen, được chê (chứ ai rỗi hơi mà đi chê, khen người khác mà chẳng có mục đích gì). Kẻ chê cũng có thể là bạn của Tuyền cũng nên,mà kẻ bênh vực có khi lại chưa từng biết nhau. Thế nên được chê cũng là bạn, khen cũng là bạn. Họa sỹ nên mời cả 2 đối tượng này đi uống bia để cảm ơn (nhưng không được vì biết họ là ai chứ hoặc có khi họ kiêu chẳng thèm đi ấy chứ). Hãy cùng nhau xây dựng, rút kinh nghiệm thì hay hơn. 
3:00 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  HAAAAAAAA
xem lại mình ơi: đừng ăn nói kiểu không hiểu biết và cay cú như thế, không phải vì là một đất nước nhỏ bé mà lại được cho phép ăn cắp trắng trợn vậy sao, rồi lại gọi là trùng lặp... Một tác phẩm ăn cắp Ý TƯỞNG và sừ dụng HÌNH TƯỢNG thô thiển như vậy mà vẫn còn to mồm. Như Trung Quốc trước kia nền mỹ thuật đương đại
...xem tiếp
3:00 Sunday,29.4.2012 Đăng bởi:  HAAAAAAAA
xem lại mình ơi: đừng ăn nói kiểu không hiểu biết và cay cú như thế, không phải vì là một đất nước nhỏ bé mà lại được cho phép ăn cắp trắng trợn vậy sao, rồi lại gọi là trùng lặp... Một tác phẩm ăn cắp Ý TƯỞNG và sừ dụng HÌNH TƯỢNG thô thiển như vậy mà vẫn còn to mồm. Như Trung Quốc trước kia nền mỹ thuật đương đại của họ có cái gì, nhưng bây giờ vị thế họ đang ở đâu, chắc không cần nói bạn cũng biết... Được như ngày hôm nay, chắc chắn họ không bao giờ làm việc theo kiểu ăn xổi như ta thế này đâu.. người ta góp ý thì lắng tai mà nghe, chứ đừng gào lên nghe ôi lắm.

Bạn nói:"Chúng ta hãy vẽ cho đẹp (có thẩm mỹ), vẽ cho ra mình, vẽ đúng là mình để không ai nhầm lẫn mình với người khác (dù có trùng lặp) khi xem tranh là tốt lắm rồi, sau hãy xét đến tư tưởng và những điều khác."
Nói thế này hợp hơn nè: "Chúng ta hãy vẽ cho đẹp (có thẩm mỹ), vẽ cho ra mình (nhưng lại là sao chép của người khác", vẽ đúng là mình để không ai nhầm lẫn mình với người khác (dù có trùng lặp) khi xem tranh là tốt lắm rồi, vì có tiền, có danh, lừa đảo tí những kẻ không biết cũng chẳng sao.. hee, sau hãy xét đến tư tưởng và những điều khác, bởi vì chính mình có hiểu dc tư tưởng nó là cái gì đâu, đau đầu làm gì - miễn sao là có tiền..." haaaa 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả