Nghệ sĩ thế giới

Gunter Sachs: Nhà sưu tập – Chàng playboy vĩ đại cuối cùng 07. 06. 12 - 3:20 pm

Glenys Roberts - Pha Lê dịch

Gunter Sachs và Brigitte Bardot sau lễ cưới tại Las Vegas. Cặp đôi bay ngay đến Tahiti để hưởng tuần trăng mật. Đây là ảnh chụp hai người sau khi họ đáp máy bay xuống Tahiti - thuộc quần đảo Polynesia của Pháp.

 

Cặp vợ chồng mới cưới nổi tiếng là “quyến rũ đến không tưởng” cứ quấn lấy nhau vào buổi tối hôm ấy. Brigitte Bardot mặc một chiếc váy cực ngắn. Gunter Sachs thì mặc chiếc áo khoác mỏng, đi giày không dây, và không mang bít-tất.

Cuối cùng, họ lên lầu để động phòng – khiến các quan khách tại lễ cưới, trong đó có tôi, cảm thấy nhẹ nhõm hẳn; vì chúng tôi sợ rằng họ sẽ yêu nhau ngay trên bàn ăn, bởi nguồn năng lượng tình dục của hai người cứ thế sôi sục trong suốt ngày hôm đó.

Có lẽ ký ức về buổi tối năm 1966 đặc biệt ấy đã chạy qua đầu Sachs trước khi ông dùng súng kết liễu đời mình, lúc 78 tuổi – giống cách bố của ông – một sĩ quan SS – từng kết liễu đời mình.

Sachs – một trong những chàng playboy vĩ đại cuối cùng – kết liễu đời mình tại villa ở khu nghỉ mát sang trọng của làng Gstaad (Thụy Sĩ) vì ông sợ căn bệnh mình đang mang trong người. Ông chỉ dùng từ “A” để nói về căn bệnh đó, nhưng dân tình phỏng đoán rằng đấy là bệnh Alzheimer (mất trí nhớ).

Một kết thúc bi thảm, nhưng có thể nói là cuộc đời của ông cũng lắm thăng trầm ngoạn mục.

Đẹp trai, giàu có, và gợi cảm; ông ngoại của Sachs chính là nhà sáng lập ra hãng xe Opel, và Sachs thừa hưởng một tài sản trị giá 280 triệu bảng. Ông sung sướng dùng nó để tận hưởng những thú vui sành điệu của cuộc sống.

Ông bố Willy của Sachs – một thành viên của đảng Nazi và là một sĩ quan danh dự của đội quân SS – tự dùng súng kết liễu đời mình vào năm 1958 (Sachs sau này cũng bắt chước bố). Nỗi khổ càng tăng thêm gấp bội vì trước khi bố mất một năm, người vợ đầu tiên của Sachs qua đời sau một cuộc tiểu phẫu.

Vốn là một vận động viên không biết mỏi mệt, ông từng tìm sự an ủi trong những cuộc đấu thể thao như cuộc thi trượt ván trên tuyết Cresta Run, và trong những cuộc tình với nhiều phụ nữ khác nhau. Ông từng ngủ với Tina (Athina Livanos – vợ cũ của trùm tư bản Aristotle Onassis) và Soraya – cựu Nữ hoàng của Iran.

Sachs khoe rằng mình chưa bao giờ phải lao động kiếm tiền; trái lại, ông dùng thì giờ để làm phim tài liệu và chụp hình phụ nữ đẹp. Ông tiệc tùng với những người sành điệu nhất, từ các dãy núi trượt tuyết của Thụy Sĩ đến các thành phố ven biển Địa Trung Hải của Pháp.

Tuy ăn nằm với nhiều phụ nữ, nhưng ông được biết đến nhiều nhất nhờ cuộc hôn nhân với Bardot. Năm 33 tuổi, Sachs gặp “con mèo gợi cảm nhất nước Pháp”, lúc ấy Brigitte khoảng 31 tuổi, và đang trong giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp.

Đám cưới giữa Gunter Sachs với siêu sao điện ảnh Bardot chỉ kéo dài trong 3 năm, nhưng đây sẽ là chi tiết mọi người nhớ nhiều nhất khi nhắc đến tên ông.

 

Chính Brigitte đã đem làng chài St Tropez lên bản đồ thế giới vào những năm 50s sau khi quay bộ phim Và Chúa đã tạo ra đàn bà ở đây.

Chàng Sachs đẹp trai có một căn biệt thự tên La Capilla tại chính làng chài này – và nhiều căn nữa ở Paris, London, Munich, Lausanne, Bavaria, và Gstaad.

Ông cùng đám bạn thân – hai chàng playboy Porfirio Rubirosa và Hoàng tử Aly Khan (người sau này chết vì tai nạn xe) – thường xuyên lui đến sòng bài Monte Carlo nổi tiếng.

Vốn có máu bài bạc, chỉ vài tuần sau khi họ quen nhau, Sachs nói ngay rằng ông sẽ cưới Bardot, vì ông đã đánh cược thế với bạn bè.

Họ (Brigitte và Sachs) gặp mặt tại một nhà hàng ở St Tropez, chủ nhà hàng chính là Roger Vadim – chồng cũ của Brigitte. Màn ve vãn tán tỉnh ngay lập tức bắt đầu từ đấy. Sachs bỏ bồ và Brigitte bỏ người tình Bob Zaguri để lên giường với nhau.

Ông đem “giải thưởng Brigitte Bardot” của mình đến Monte Carlo, “đặt” nàng vào một căn phòng khách sạn, và sau khi thắng 30 ngàn bảng nhờ đánh bài, ông tặng nàng số tiền này để thể hiện tình cảm của mình.

Sachs không bao giờ làm việc gì theo kiểu nửa mùa. Để cưa đổ Brigitte, ông gửi 100 đóa hồng đỏ đến tận căn nhà nghỉ bí mật của nàng tại St Tropez. Khi sợ rằng nàng bắt đầu chán trò này, ông dùng trực thăng rải 100 đóa hồng trước vườn của nàng. Trong lúc Brigitte bận bịu nhặt từng cành hồng rớt trong bụi cây oải hương, Sachs nhảy từ trên trực thăng xuống biển, trước đó đã quăng xuống hai cái va-li.

Sau đó, khi biết nàng yêu thú vật, ông mua tặng nàng con báo đốm (đã thuần hóa).

Khỏi nói cũng biết, sau một khởi đầu hoành tráng như vậy, mọi sự cũng xuống dốc từ đó.

Đúng thế, cho đến khi tôi chứng kiến cảnh âu yếm vô độ giữa hai người và sự bực bội không đùa nổi càng lúc càng tăng của Brigitte trong đêm tân hôn – ngày 14. 7. 1966, cũng là ngày phá ngục Bastille – mối quan hệ này đã có dấu hiệu rạn nứt.

Họ bay đến Las Vegas để kết hôn tại “thủ đô của bài bạc” vì Vadim – tuy ly dị nhưng vẫn tiếp tục làm nhà tư vấn cho vợ cũ – từng cưới Jane Fonda ở đấy một năm trước đó.

Sau buổi lễ dài 8 phút, danh hài Danny Kaye dùng máy bay riêng chở bộ đôi về Beverly Hills, và chúc mừng họ bằng cách tự tay nấu cho cặp vợ chồng một bữa thịnh soạn với các món ẩm thực Trung Hoa. Kaye còn mời tôi và một vài người nữa đến dự tiệc. Chuyện này hơi quá sức chịu đựng của Brigitte, rõ ràng là nữ minh tinh muốn được riêng tư và dành cả buổi tối để cuộn trong lòng chú rể. Còn Sachs thì khoái tận hưởng các trò lố bám theo cái đám cưới với biểu tượng tình dục tuyệt nhất thế giới này.

Không những cho phép ông chồng cũ lắm mưu mẹo của vợ sắp xếp đám cưới, Sachs còn đồng ý để Vadim đặt chỗ hưởng tuần trăng mật cho hai người tại Tahiti.

Ông triệu phú người Đức này cũng chính là chồng thứ ba của Brigitte: Đây là hình chụp cả hai trên một chiếc du thuyền khi họ đi nghỉ tuần trăng mật.

 

Nhưng đến khi quay về Paris, bộ đôi bắt đầu nhận ra rằng họ không hợp nhau.

Dù kiếm được rất nhiều tiền nhờ đóng phim, Brigitte vẫn sống tại một khu vực không mấy sành điệu, xung quanh đều là các tòa nhà của tầng lớp trung lưu.

Brigitte ghét sự bóng bẩy trong căn hộ lạnh lẽo của Sachs trên đại lộ Foch, bên trong có những cuốn sách rỗng ruột, xếp thành hàng (“sách” chỉ là vỏ bọc da, bên ngoài nhìn rất đẹp, dùng để “trưng bày”, chứ không có giấy hay chữ gì).

Nào là phòng tắm lát đá hoa cương và các chàng footman* đeo găng trắng – cô ấy chẳng biết mình phải làm gì“,’ một người bạn ‘báo cáo’ lại ngay sau tuần trăng mật. Bardot gọi căn hộ là ‘khách sạn Gunter Hilton”.

Lúc Sachs tổ chức tiệc khiêu vũ cho Brigitte tại căn nhà nghỉ (căn nhà dành riêng cho những chuyến đi săn – một thú vui của dân thượng lưu), Brigitte đã rất khó chịu khi Rolf – đứa con trai 11 tuổi của Sachs và người vợ quá cố – đến xin cô chữ ký.

Brigitte yêu tất cả những thứ Sachs mua – các loại xe hơi tốc độ, và chiếc du thuyền tên Dracula (Sachs neo nó ở miền Nam nước Pháp) – nhưng cuối cùng thì Brigitte không chịu nổi phong cách sống của ông. Cô cũng chẳng ưa mấy con thú kiểng thuần chủng mà Sachs nuôi, cô thích những con thú hoang bơ vơ từ các ngôi nhà nuôi thú từ thiện của địa phương hơn.

Brigitte cấm ông đi săn – một trong những thú tiêu khiển quý tộc của Sachs – và rất tức giận khi ông đem bộ đánh gôn của mình tới Scotland vào năm 1967 (lúc ấy Brigitte đang đóng phim với ngôi sao nhạc pop người Anh tên Mike Sarne tại đây). Khi không phải đóng phim thì Brigitte muốn ông ở cùng cô, chứ không muốn ông vác gậy ra sân gôn.

Trong khi Brigitte thích các bữa tối lãng mạn dành riêng cho hai người, Gunter cho rằng một buổi tối vui vẻ phải là một bữa tiệc do ông chiêu đãi, với khoảng 120 khách, tại những nhà hàng nổi tiếng của Paris (như nhà hàng Maxim*). Brigitte thường khiêu khích ông bằng cách… đi chân đất đến dự tiệc. Trò này có thể khá là đáng yêu ở những nơi như làng chài St Tropez, nhưng người thừa kế triệu phú của một tập đoàn công nghiệp lớn không thể có cô vợ với lối cư xử như vậy tại một thành phố thủ đô hoa lệ.

Chưa kể, ông còn có rất nhiều bồ nhí. Trong suy nghĩ của Sachs, kết hôn không có nghĩa là ông không có quyền lăng nhăng, và ông bắt vợ mình phải hiểu điều đó. Trong lúc Bardot quay phim, các tay săn ảnh chộp được hình Sachs hộ tống mấy em người mẫu dọc khắp các thành phố tại vùng biển Địa Trung Hải của Pháp, và thậm chí cả tại hòn đảo Sylt (nổi tiếng với các bãi tắm khỏa thân) của Đức.

Nếu Brigitte quay phim ở những nơi xa xôi, ông thường không muốn đi thăm cô. Ông từng bực dọc chạy ra khỏi một trường quay tại Almeria (Tây Ban Nha) lúc Bardot quay một bộ phim cao bồi với tài tử Sean Connery ở đó. “Xấu quá, dơ quá, nóng quá” Sachs nói.

 

Nhưng trong khi yêu cầu vợ phải chấp nhận các vụ lăng nhăng của mình, Sachs lại cáu khi Bardot trả đũa: cô ngủ với nam ca sĩ Mike Sarne, diễn viên Stephen Boyd (đóng phim Ben Hur), và hàng tá các nam tài tử lẫn người đóng thế của Pháp và Ý.

Tức điên vì đám nhà báo chụp cảnh lẽo đẽo theo sau vợ, Sachs còn mang tiếng là người hay hành hung dân săn ảnh lén paparazzi.

Mọi sự càng căng thẳng hơn khi Bardot cùng ca sĩ Serge Gainsbourge – một trong những nhân tình của cô – thu âm bản nhạc Je T’aime Non Plus (Em không yêu anh nữa) với những tiếng thở hổn hển và những ca từ cực kỳ gợi dục.

Sachs, một người đàn ông trong máu thịt là cổ hủ, nói rằng bản nhạc nghe như là hai người (Brigitte và Serge) đang làm tình trong phòng thu, nên ông tìm cách không cho Serge phát hành bài này. Cũng nhờ vậy mà dọn đường cho ca sĩ Jane Birkin trở nên nổi tiếng sau khi Serge (do không phát hành được Je T’aime Non Plus) nhường cho Jane hát nó vào năm 1969.

Cuộc hôn nhân cuối cùng cũng sụp đổ do Sachs không thể thay đổi cách sống vì Bardot – và Bardot cũng không muốn thay đổi vì Sachs.

Chạy theo kiểu sống bohemian phóng túng của vợ khiến ông căng thẳng đến độ tóc ông bạc sớm hết.

Sachs chịu hết nổi khi Jane Fonda mai mối Bardot với Warren Beatty – ông vua của Hollywood thời bấy giờ. Thế là Bardot và Warren bắt đầu một cuộc tình không-hề-bí-mật-chút-nào khắp thành phố Paris.

Cuộc hôn nhân giữa Bardot với Sachs kéo dài được ba năm, Trong quãng thời gian đó, các cặp mắt tò mò luôn luôn đổ dồn về phía hai người.

Lúc Sachs và Bardot ly dị vào năm 1969, ông đã gặp người vợ thứ 3 của mình – người mẫu Thụy Điển Mirja Larsson, cô ở với Sachs cho đến khi ông mất.

Gunter và Mirja đang đi dạo trên biển

 

Ông có thêm hai con trai với Mirja Larsson, tiếp tục chụp ảnh, bỏ tiền mở các boutique thời trang tại St Tropez, sưu tập các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, và sáng lập một trung tâm nghiên cứu thiên văn. Nhưng không có gì rườm rà bằng một chàng playboy già. Lần cuối tôi đến St Tropez, tôi đã thấy Gunter, ông vẫn phong độ, và đang rảo bước trên chiếc cầu đậu du thuyền của ngôi nhà nghỉ bên bờ sông. Sachs quyết liệt xua đuổi những kẻ tò mò và bảo vệ sự riêng tư cho mình – một hành động có thể là rất hấp dẫn đối với Bardot lúc hai người còn sống chung.

Trong khi đó, vợ cũ Bardot đang ‘ở ẩn’ tại căn nhà gần đấy cùng với đám chó lai tạp của mình.

Dù họ (Brigitte và Sachs) vẫn giữ liên lạc, thật dễ để chúng ta hiểu được tại sao hai con người phóng túng này không thể sống chung với nhau; và tại sao giờ đây, khi ông mất, chính Brigitte cũng sẽ sống ngập trong các ký ức của những ngày tai tiếng đó thêm một lần nữa.

Sachs tạo dáng cho giới báo chí tại buổi triển lãm về các tác phẩm nghệ thuật và tác phẩm nhiếp ảnh của ông hồi năm 2003. Ông tự kết liễu đời mình tại căn biệt thự ở ngôi làng Gstaad, thuộc Thụy Sĩ.

 

*

CHÚ THÍCH

– Footman: Người hầu (nam), nằm trong hệ thống chủ tớ nhì nhằng của giới quý tộc xưa. Footman đều là nam giới, một dạng đầy tớ cấp thấp (nhưng không phải cấp bét), công việc của footman rất đa dạng, từ đưa chủ nhà lên xe ngựa, đến đánh giày, lau chén đĩa, lau nồi, chuẩn bị phần ăn sáng cho con cái của chủ nhà, dắt chó của cô chủ đi dạo v.v… Dưới footman có các cô lao công, cô dọn phòng… còn trên footman là quản gia, gia sư… Footman được xếp hạng, xếp chức (trưởng, phó) theo chiều cao và vẻ đẹp.

– Nhà hàng Maxim (Pháp): từng là một nhà hàng nổi tiếng của Pháp, nhưng hiện nay chỉ có tên tuổi vậy thôi chứ món ăn chẳng còn nổi tiếng nữa, chủ yếu dành để lừa khách du lịch.

 

*

Bài liên quan:

– Đấu giá bộ sưu tập của tay playboy vĩ đại Gunter Sachs
– Gunter Sachs: Nhà sưu tập – Chàng playboy vĩ đại cuối cùng

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả