Tin tức

Tin-ảnh: Tượng to, tượng nhỏ, tượng cũ, tượng mới, trong nhà, ngoài trời 20. 06. 12 - 6:33 am

Phước An và Soi tổng hợp

Một chiếc nhẫn vàng như một tác phẩm điêu khắc, có từ thời La Mã, mới được phát hiện cùng một kho tiền vàng tiền bạc ở một địa điểm khai quật gần Kiryat Gat, Jerusalem, hôm đầu tháng 6. 2012. Ảnh: Clara Amit

 

Cũng khai quật, từ trước tới giờ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hơn 8,000 chiến binh đất nung tại mộ Tần Thủy Hoàng tại Tây An, Trung Quốc. Chín bức tượng trong số này hiện vẫn được trưng bày tại bảo tàng Discovery Times Square, trong triển lãm có tên “Chiến binh đất nung: Những người bảo vệ Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa”. Có lẽ Trung Quốc không ngại ngần gì khi cho nước ngoài mượn tượng đất nung trưng bày, vì mới đây, bảo tàng Chiến binh và Ngựa đất nung của Tần Thủy Hoàng, nằm trên khu vực di tích, vừa thông báo mới khai quật được thêm 110 chiến binh mới, và vẫn còn 11 tượng chưa bới lên.

 

TÂY AN – Các nhà khảo cổ học đang chỉnh lại các chiến binh đất nung đào được ở lần khai quật thứ ba tại hố số 1, bảo tàng Chiến binh và Ngựa đất nung, Tây An, Trung Quốc, hôm 9. 6. 2012. Cuộc khai quật mới này thu được kết quả rất độc đáo: màu sơn trên một số tượng vẫn còn, các chi tiết vẫn rõ ràng, một vài chiến binh còn những tròng mắt đen và nâu sẫm, có tượng chiến binh còn cả lông mi. Người ta còn đào được nhiều tượng ngựa chiến, xe kéo, trống, và một tấm khiên thời Tần (221-206 B.C.E.) trang trí bằng những họa tiết đỏ, xanh lá cây, và trắng. Hầu hết màu sắc của các tượng khác đã mất do nước và lửa phá hủy.

 

SHANGHAI – Một em bé xem những bức tượng bò bày ở Thượng Hải, hôm tháng 6. 2012. Không rõ tác giả những bức tượng này là ai. Vài trăm năm nữa, không biết người đời sau sẽ đào được bao nhiêu tượng như thế này, và nhiều thế thì có thấy quý không? Ảnh: Eugene Hoshiko

 

KOLOBRZEG – Một bức tượng giáo hoàng John Paul II trước trung tâm thành phố Kolobrzeg, Ba Lan, gần nơi đội bóng Đan Mạch đóng quân. Ảnh chụp một ngày trước lễ khai mạc Euro 2012. Ảnh: Michael Probst

 

SEOUL – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin (thứ tư từ phải sang), cùng tướng Hoa Kỳ James D. Thurman (thứ ba từ phải sang) tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, đứng trước một pho tượng trong căn cứ quân sự Mỹ tại Seoul hôm 8. 6. 2012, thực hiện một nghi lễ tưởng niệm những lính Mỹ và lính tăng viện Hàn đã bị giết trong khi làm nhiệm vụ đóng quân tại Hàn Quốc sau khi đình chiến năm 1953. Ảnh: Lee Jin-man

 

Các công nhân lát đá xung quanh một bức tượng khổng lồ diễn tả một vận động viên bơi đang trồi lên từ sân trước văn phòng của công ty bảo hiểm Mutual of Omaha, tại Omaha, Mỹ, chuẩn bị cho cuộc Olympic Team Trials của Mỹ sắp diễn ra tại thành phố này, từ ngày 25. 6 đến 2. 7. 2012. Ảnh: Dave Weaver

 

SAN FRANCISCO – Sắp đặt tượng đầu sứ của Jun Kaneko (trong hình) trước cửa War Memorial Opera House ở San Francisco. Hai cái đầu này sẽ bày tới hết tháng 11. 2012. Một công đôi việc, triển lãm này diễn ra cùng lúc ra mắt phần thiết kế sân khấu mà Jun Kaneto thực hiện cho tác phẩm Cây Sáo Thần Mozart, mở màn tại nhà hát San Francisco Opera hôm 13. 6. 2012.

 

KASSEL – Hai nghệ sĩ trình diễn Eva (trái) và Adele đang ngắm tác phẩm “The repair from occident or extra-occidental cultures” (Hồi phục từ những nền văn hóa phương Tây hay ngoài-Tây?) của nghệ sĩ Pháp Kader Attia tại triển lãm mỹ thuật dOCUMENTA, diễn ra ở Kassel, Đức. Trong 100 ngày, hơn 150 nghệ sĩ khách mời từ 55 quốc gia và những người tham dự từ khắp thế giới sẽ tụ họp lại, bày các tác phẩm của họ. Năm nay là dOCUMENTA lần thứ 13. Triển lãm mỹ thuật đương đại này cứ 5 năm mới tổ chức một lần, bắt đầu từ 9. 6 và kéo dài tới 16. 9. 2012. Ảnh: Thomas Lohnes

 

KASSEL – Khách tham quan đứng trước tác phẩm “The Importance of Telepathy” (Sự quan trọng của ngoại cảm) của hai nghệ sĩ Thái Apichatpong Weerasethaku và Chai Siriat tại dOCUMENTA. Ảnh: Jens Meyer

 

KASSEL – Một phụ nữ đi ngang tác phẩm “Trở lại thế giới” (2012) của nghệ sĩ Argentine Adrian Villar Rojas tại triển lãm mỹ thuật dOCUMENTA ở Kassel, Đức. Ảnh: Jens Meyer

 

ZURICH – Tác phẩm “Heo” của nghệ sĩ Mỹ Paul McCarthy, làm từ năm 2003, nay trưng bày tại triển lãm “Baroque tráng kiện. Từ Catellan tới Zurbaran”, tại gallery Kunsthaus ở Zurich. Ảnh: Steffen Schmidt.

 

MILAN – Lisson Gallery tại Milan hiện đang trưng bày những tranh và điêu khắc mới của Shirazeh Houshiary. Tác phẩm của Shirazeh Houshiary là một thứ trung giới giữa có mặt (presence) và vắng mặt (absence), giữa tồn tại (being) và không tồn tại (not-being). Dùng các chất liệu khác nhau, Houshiary làm hết sức để nắm bắt được cái bản chất khó nắm của hiện tồn. Trong ảnh: tác phẩm “Lacuna” 2011 của Shirazeh Houshiary, bằng thép không gỉ. Chữ “lacuna” này có nhiều nghĩa, có thể là một đoạn bị mất trong bản thảo, trong một chuỗi lập luận logic; “lacuna” còn là những khoang li ti trong cấu trúc xương, sụn; hoặc khoảng không khí trong mô thực vật… Nhìn hình thế này thì không rõ tác giả định dùng “lacuna” nào.

 

Tác phẩm “White Shadow” 2005 (Bóng trắng) của Shirazeh Houshiary tại gallery Lisson, là những viên gạch bằng nhôm và dây cáp thép. Nhà triển lãm “tán” về phong cách như sau: “Her compositions of finely wrought skeins of pencil and pigment, armatures of aluminium, or fleeting digital apparitions, evoke impossible topographies: the microscopic or cosmological”. Đọc hoa cả não, các bạn xem dịch thế này thì đúng hay sai nhé: “Những bố cục từ chì và màu được đánh búi tinh tế, những khung nhôm, những thoáng hiện phù du của digital, gợi nên những địa hình học bất khả: vi địa hình địa hình học vũ trụ”.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả