|
|
|
|||||||||||||
Bàn luậnTranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!) 28. 06. 12 - 8:46 amRoberta Smith – Hồ Như Mai dịch
NY Times – Ít có chuyện hoang đường hiện đại nào về nghệ thuật mà lại dai dẳng và khó chịu như cái gọi là “cái chết của hội họa”. Dĩ nhiên là không tính đến niềm tin rằng tranh trừu tượng và tranh tái hiện (representational) là khác nhau như dầu với nước, không thể trộn lẫn. Nhưng hai quan điểm trên thực ra có liên quan. Vì chính chuyện khăng khăng một cách hết sức hiện đại chủ nghĩa rằng trừu tượng và tái hiện phải tách rời làm cho hội họa mất đi sự sống động cốt lõi. Cả hai quan điểm trên đều có những người ủng hộ nổi tiếng. Và cả hai, theo ý tôi, đều rất đặc trưng cho thế kỷ 20. Giao tiếp bằng hình ảnh – ký hiệu, biểu tượng, hình ảnh và sắc màu trên một mặt phẳng – thực ra là một trong những phát minh cổ xưa và quý giá nhất của con người, giống như chữ viết hay âm nhạc vậy. Sự giao tiếp hình ảnh đó bắt đầu trên đá, trên bề mặt những bình đất sét và trên bề mặt những tấm vải dệt, rồi trên tường, trên những tấm ván gỗ, đồng và canvas. Giờ thì trên cả những màn hình plasma, photoshop, và tranh truyện. Nhưng dù sao đi nữa, vẽ trên một bề mặt có thể mang đi được vẫn là một trong những cách thể hiện cái tôi hiệu quả nhất và gần gụi nhất.
Với tranh tái hiện hay tranh trừu tượng, cả về mặt lịch sử lẫn nhận thức, hai mảng này luôn luôn không thể tách rời. Hội họa, cũng như tất cả các loại hình nghệ thuật khác, có khuynh hướng lôi kéo và giữ sự chú ý của người xem bằng thứ năng lượng trừu tượng (hay cân đối) của nó. Nhưng ngay cả những bức trừu tượng cũng mang phẩm chất tái hiện; bộ não của con người dường như không thể không làm chuyện gán ghép ý nghĩa lên hình dạng. Đã từng có những khoảnh khắc cân bằng đến kinh ngạc giữa tái hiện và trừu tượng – ví dụ, những bức khảm Byzantine, những tấm dệt và gốm sứ tiền Columbia và của thổ dân Mỹ, những tấm bình phong Nhật, những bức tranh Mughal Ấn độ và cả chủ nghĩa hậu Ấn tượng.
Ngay lúc này, hội họa có lẽ cũng đang ở một giai đoạn tương tự như vậy, chủ yếu là dưới sự tác động (tuy không phải khi nào cũng có) của những họa sĩ trẻ nổi lên trong vòng mười năm qua. Họ cảm thấy tự do để vẽ những thứ họ muốn, hơn lúc nào hết, kể từ những năm 30 hay thậm chí là so cả với những năm 1890, khi chủ nghĩa hậu Ấn tượng đang ở đỉnh cao. Vào cuối thế kỷ 19, hội họa có những thay đổi cơ bản với một chuỗi những bùng nổ về nghệ thuật – những phép tượng hình trừu tượng mới mẻ của các nghệ sĩ hậu Ấn tượng từ van Gogh tới Ensor; sự cực đoan về màu sắc của các nghệ sĩ trong nhóm Dã thú (như Matisse khi còn trẻ và các nghệ sĩ biểu hiện Đức như Kirchner); sự đạp vỡ dạng thức tái hiện với chủ nghĩa Lập thể, chủ nghĩa Vị lai và cuối cùng là sự thăng hoa của trừu tượng trong các tác phẩm của Malevich và Mondrian.
Vào những năm 1970, nhờ công những nhà phê bình hình thức chủ nghĩa như Clement Greenberg và Donald Judd, hội họa bị ủi phẳng, các nhân vật, chủ đề và không gian ảo giác cũng bị quét trống trơn. Dường như hội họa còn bị vượt mặt bởi sự bùng nổ của những phương tiện đa dạng thời hậu Tối giản. Nhưng lại xuất hiện một cảm giác như sự ghen tị: làm sao các họa sĩ có thể nhìn vào những hình ảnh đầy rẫy trong nghệ thuật trình diễn, trong video art, body art mà lại không nghĩ rằng “mình cũng muốn một cái như thế’?
Đến những năm 80, hội họa đã len lén quay trở lại, chủ yếu là nhờ những họa sĩ như Sigmar Polke, David Salle và Julian Schnabel bắt đầu đặt tái hiện đối lập với trừu tượng, mặc dù theo cách ngượng ngập và thường là có tính mỉa mai.
Nhưng cứ sau mỗi thế hệ họa sĩ, quyền năng của Greenberg và Judd lại dần phai đi, trong khi lịch sử của hình ảnh thì mở ra, để lộ những khả năng mới cho các học giả, giám tuyển cũng như nghệ sĩ. Đáng chú ý nhất là cuốn sách gây ngạc nhiên của Robert Rosenblum “1900: Art at the Crossroads” (1900: Nghệ thuật ở ngã rẽ) – là một sự đối chiếu, xem xét lại giữa hội họa hiện đại và hàn lâm ra mắt tại bảo tàng Guggenheim, cách đây hơn mười năm. Nhưng khó mà dứt được những thói quen cũ. Không ai khác mà chính là Klaus Biesenbach, tổng giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York gần đây còn phát biểu với tờ The Art Newspaper rằng ông thích cụm từ “các hoạt động nghệ thuật đương đại” hơn là chỉ đơn thuần “nghệ thuật đương đại” để mà còn bao gồm được cả thời trang, phim ảnh, thiết kế và nhiều thứ nữa. Chẳng thấy tăm hơi đâu một câu kiểu “hội họa đương đại” cả! Nhưng ở đây thứ đáng nghi ngờ, và vô cùng lỗi thời, chính là tâm lý xếp hạng ngầm đối với các phương tiện sáng tác và để một số phương tiện chết hẳn đi. Thực sự chẳng có phương tiện sáng tác nào quyết định được chất lượng tác phẩm. Chưa kể giờ đây lại xuất hiện một yếu tố nữa giúp hội họa thêm khả năng thoát khỏi cái chết nói trên: quá nhiều người – chủ yếu là phụ nữ – bắt đầu ghi dấu ấn với phương tiện sáng tác này và ngày một tích cực trong việc để nó trở nên phổ biến.
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|