Nghệ sĩ Việt Nam

Trò chuyện với Bàng Nhất Linh.
Phần 2: Về chi phí cho nghề,
sống bằng nghề… 19. 07. 12 - 7:14 am

Na Trần phỏng vấn & ghi

SOI: Cuộc trò chuyện này khá dài, trên nhiều vấn đề. Soi xin chia thành vài kỳ để các bạn dễ theo dõi và thảo luận, cuối cùng sẽ gộp lại thành một bài đầy đủ.

Đây là phần tiếp theo của Trò chuyện với Bàng Nhất Linh.Phần 1: Về triển lãm mới và vai trò curator


Buổi đêm ở triển lãm “Trôi”-“Le temps perdu” của Linh tại l’Espace- 2010

 

VỀ TIỀN BẠC

Na Trần: Tôi thấy các tác phẩm sắp đặt rất tốn kém, thực hiện nó cũng vất vả, và trong khi các họa sỹ có thể vẽ tranh rồi tìm kiếm các gallery để có thể bán và sống, thì một số ít hơn làm việc với sắp đặt, trình diễn… dù không thấy lợi ích trước mắt về kinh tế. Tóm lại là tôi thấy sắp đặt là một cuộc chơi tốn kém. Có phải các nghệ sỹ đến với nó với sụ đam mê và không quan tâm tới tiền bạc không?

Nhất Linh: Đúng là các triển lãm sắp đặt của tôi và theo như tôi biết thì của những đồng nghiệp khác thường ít khi bán được. Nhưng nó cũng mang lại những thứ khác, ví dụ như sự ghi nhận về mặt công việc của nghệ sỹ. Một triển lãm tốt sẽ giúp nghệ sỹ có uy tín nghề nghiệp tốt hơn. Mỗi triển lãm là một thực hành nghệ thuật, qua đó, người làm cũng sẽ trưởng thành hơn. Tôi nghĩ đó là những lợi ích không đo đếm được.

Cá nhân tôi nghĩ rằng cách nghĩ làm nghệ thuật là cái gì đó gọi là đam mê, và nghệ sỹ thì không quan tâm tới hay coi thường tiền bạc thật là ngớ ngẩn. Nó có gì đó hơi mù quáng. Nếu làm việc một cách nghiêm túc thì thực hành nghệ thuật là một công việc cần nhiều công sức và chất xám, và cả vật liệu nữa. Một công việc như vậy không thể duy trì lâu dài nếu nó không cần tới tiền bạc.

Nếu cái nghề mà bạn sống chết với nó nuôi sống được bạn, thì đó là một việc chính đáng; quan trọng là thực hiện điều đó như thế nào. Có thể tới một lúc nào đó tôi sẽ sống tốt bằng công việc này. Nhưng tới được lúc đó có thể phải qua một quá trình. Đó là một quá trình làm việc cho tới khi công việc của mình được ghi nhận, có thể cả một chút may mắn nữa. Có thể là nhiều năm, cũng có thể là chẳng bao giờ, tôi nghĩ đơn giản là cần làm việc cho tử tế trước đã.

Ở điểm này, có lẽ tôi phải học ở những người làm kinh doanh. Bạn làm việc một cách tử tế trong cái công việc mà bạn theo đuổi, rồi tiền bạc đến sau đó như một hệ quả chứ không phải mục đích. Người ta mua một cái Zippo hay một cái Iphone đắt như vậy tôi nghĩ là người ta mua kết quả của một quá trình làm việc tử tế. Dân trí ngày càng cao lên rồi mà.

NT: Tôi hiểu, nếu cái Iphone hao hao một sản phẩm khác, có lẽ nó vẫn bán được nhưng sẽ không đắt và có một chỗ riêng biệt như vậy…

Nhất Linh: Cũng có thể nói như vậy.

Một sắp đặt trong “Trôi” – “Le temps perdu”


.

NT: Nói một cách nôm na thì nó như là một quá trình tạo dựng thương hiệu phải không?… Tôi biết anh đã từng làm rất nhiều việc khác ngoài nghề để sống và hiện giờ hình như vẫn như vậy?

Nhất Linh: Một nghệ sỹ tạo hình hay một họa sỹ là một nghề khá tốn kém, nếu xác định làm việc với nó một cách chỉn chu. Cuộc sống nếu khái quát thì sẽ chỉ thấy những điều to lớn hay đẹp đẽ, nhưng thực ra nó bao gồm những thứ nhỏ bé và vô cùng vụn vặt.

Muốn vẽ một vài bức tranh, ít nhất bạn phải có họa phẩm, các vật liệu tốt thì khá đắt. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi nghĩ, về mặt lý thuyết, cứ cho bây giờ tôi bắt đầu làm việc hay vẽ tranh đi, sẽ mất một thời gian để tôi làm được cái gì đó chưa biết hay dở nhưng tạm coi là kết quả ưng ý từ một quá trình làm việc của bản thân. Rồi có chắc những thứ đó có thể giúp tôi sống hay không? Chẳng có gì chắc chắn tôi sẽ vẽ ra được một ít tranh hay làm ra một thứ gì đó cho ra hồn, rồi còn sống được với chúng…. Biết đâu sau một thời gian, tôi mới nhận ra, tôi chỉ là một tay bất tài. Cũng thời điểm đó, tôi chứng kiến một người bạn lao vào làm việc một cách hứng khởi, rồi nửa năm sau, anh bắt đầu nhái những bức tranh Pop Trung Hoa để bán. Và tôi nghĩ có lẽ mình nên đi theo một con đường vòng. Lo kinh tế cho tốt đã rồi sẽ làm nghề sau.

.

NT: Có vẻ như anh hơi cầu toàn nhỉ?

Nhất Linh: Thực ra tôi nghĩ chắc là có những người ngay lập tức sống một cách sung túc sau khi bắt đầu công việc của mình. Các họa sỹ sau Doimoi chẳng hạn, hoặc ngay cả ở thế hệ tôi. Có điều tôi không chắc chắn mình có đủ tài năng hay sự may mắn để sống tốt ngay bằng nghề như vậy.

NT: Và anh quay sang làm những công việc khác để kiếm tiền?

Nhất Linh: Vâng. Nếu tôi cứ quả quyết là mình đang làm nghệ thuật đây nhưng trong khi vẽ một bức tranh mà luôn phải nghĩ làm sao để bán được nó và có tiền để sống thì chính tôi cũng không thể khiến cho tôi tin rằng tôi đang làm việc một cách vô tư chứ chưa nói đến việc thuyết phục người khác. Không thể với hai bàn tay và hô khẩu quyết là có thể thành một nghệ sỹ được.

Tôi xác định rằng khi chưa chắc sẽ làm được cái gì ra hồn cũng như chưa có được chút uy tín trong nghề thì nên làm thế nào để có một cuộc sống tạm ổn trước, để khi bắt tay vào việc thì có thể làm cái gì mà mình thích. Suy nghĩ một cách cơ học như vậy khiến tôi thấy thoải mái khi làm những công việc khác để sống.

NT: Vậy là anh bắt đầu làm nghệ thuật khi không phải lo lắng về cuộc sống nữa?

Nhất Linh: Chỉ là tôi thấy mình tạm ổn rồi, có thể làm gì đó trong cái nghề của mình mà mình thấy thoải mái nhất. Tôi cũng gặp may mắn khi bắt tay vào việc thì hai triển lãm tôi làm sau đó đều được sự hỗ trợ từ CDEF và L’Espace.

NT: Hai triển lãm trước rõ ràng đã cho anh một uy tín nghề nghiệp khá tốt. Có khó khăn nào trong việc tiếp cận những tổ chức như CDEF hay L’Epace không?

Nhất Linh: CDEF làm việc không trực tiếp với các nghệ sỹ. Sau khi quyết định tài trợ cho nghệ sỹ thì họ mới gặp bạn. Ở L’espace thì nghệ sỹ sẽ làm việc với các thành viên của Phòng Văn hóa trước, họ là người Việt. bọn tôi vẫn thường liên lạc với nhau, vì trách nhiệm với công việc nên họ là những người khá khắt khe nhưng đều là những người rất nhiệt tình với nghệ sỹ.

Một tác phẩm trong triển lãm lần 2 của Bàng Nhất Linh


.

Na Trần (NT): Vậy là anh đã mất 4 năm từ khi ra trường cho tới khi có thể thực hiện triển lãm đầu tiên, và bây giờ là triển lãm thứ ba…

Nhất Linh: Không, không có gì mất mát ở đây cả. Thời gian đó thực ra cho tôi nhiều thứ hơn tôi tưởng. Tôi được đi đến nhiều nơi, làm nhiều việc khác nhau, tiếp xúc với đủ loại người. Và có thêm nhiều người bạn tốt, gặp những rủi ro… Nó khiến tôi lớn thêm một chút so với lúc tôi vừa bước ra từ cổng trường Mỹ thuật. Và tôi có một cuộc sống vừa đủ, dư dả một chút cho những món đồ chơi để tinh thần phong phú hơn. Những điều này hóa ra rất hữu ích khi tôi quay sang làm những việc trong nghề của mình. Chẳng hạn, những người bạn tôi bảo rằng, họ thấy những người lao động làm việc cùng tôi trong các dự án hay trong công việc một cách vui vẻ, rất hợp tác và làm việc nhóm tốt…

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả