Nghệ sĩ thế giới

Emil Nolde: Màu rực rỡ đi qua
thời u uất 07. 08. 12 - 10:26 pm

Phạm Phong dịch

7. 8 là ngày sinh của Emil Nolde (7. 8. 1867 – 13. 4. 1956) – một trong những họa sĩ Biểu hiện đầu tiên, và được coi là một trong những họa sĩ sơn dầu và màu nước xuất sắc của thế kỷ 20. (Ảnh: Bức “Tự họa” hay “Đầu với ống tẩu”, thạch bản, 1907)

 

Nolde nổi tiếng với những nhát cọ mạnh mẽ, cách chọn màu đầy diễn cảm. Ông hay dùng vàng (của vàng kim loại) và đỏ bầm, cho các màu tối hơn đi kèm được tỏa sáng. Tranh màu nước của ông hay vẽ hoa, rực rỡ, chói lói. Việc Nolde cực kỳ thích chủ đề hoa còn cho thấy ông là một người rất ái mộ Vincent Van Gogh. (Ảnh: Bức “Hoa anh túc”, 1950 của Nolde)

 

Emil Nolde tên thật là Emil Hansen, sinh ở làng Nolde, trong một gia đình nông dân gốc Phổ theo Tin lành. Từng theo học rồi hành nghề khắc gỗ, làm việc trong các xưởng nội thất, năm 1889, Nolde được vào trường Mỹ thuật Ứng dụng ở Karlsruhe, sau đó đi dạy vẽ ở Thụy Sĩ từ 1892 tới 1898, nhưng rút cuộc bỏ nghề để thành một họa sĩ độc lập. (Ảnh: Bức “Tingel-Tangel II”, 1907)

 

Thực ra ngay từ nhỏ, Nolde đã thích vẽ, nhưng ông chỉ thực sự theo nghề vào năm 31 tuổi. Khi bị đuổi khỏi Viện Mỹ thuật Munich năm 1898, Nolde dành luôn ba năm để mở các lớp vẽ tư, thăm thú Paris, quen thuộc với khung cảnh mỹ thuật kiểu ấn tượng đương thời, vốn rất được ưa chuộng ngày ấy. (Ảnh: Bức “Trẻ con nhảy múa hoang dã”)

 

Năm 1902, họa sĩ cưới nữ diễn viên Đan Mạch Ada Vilstrup, đổi tên mình thành Emil Nolde (lấy tên quê gán vào) và cả hai chuyển tới Berlin. Tại đây ông gặp nhà sưu tập Gustav Schiefler và nghệ sĩ Karl Schmidt-Rottluff; về sau cả hai đều trở thành những người bênh vực và ủng hộ tác phẩm của ông. (Ảnh: Hai vợ chồng Nolde trong ngày cưới)

 

Có một khoảng thời gian ngắn ngủi, từ năm 1906 đến 1907, Nolde là thành viên của nhóm Die Brücke (Cây Cầu), một nhóm các họa sĩ Biểu hiện có tính cách mạng, rồi là thành viên của nhóm Berlin Secession (Người Berlin Ly khai? 1908-1910), nhưng cuối cùng đều bị đuổi khỏi hai nhóm. Cái số ông nó thế: rồi sau này, tổ chức nào ông gia nhập cũng có vấn đề với ông. (Ảnh: Bức “Adam và Eve bị đuổi khỏi địa đàng”, 1919, của Nolde)

 

Từ đầu những năm 1920s, Nolde đã là người ủng hộ đảng Phát xít, trở thành thành viên của chi nhánh đảng tại Đan Mạch. Ông thể hiện sự ghét bỏ đối với các nghệ sĩ Do Thái, và coi trường phái Biểu hiện là một phong cách của Đức, đặc Đức. Quan điểm này được một số thành viên khác của đảng Nazi ủng hộ, đặc biệt có Joseph Goebbels và Fritz Hippler. Tuy nhiên, người cao nhất, Hitler – vốn là một người cũng thích vẽ – lại khước từ mọi hình thức của chủ nghĩa hiện đại, coi đó là “nghệ thuật suy đồi”, và chính quyền Phát xít đã chính thức cấm lưu hành các tác phẩm của Nolde, ngay đúng lúc tiếng tăm ông đang lên rất tốt tại Đức. (Ảnh: Bức “Những cảnh trong đời Chúa” của Nolde)

 

Về Nghệ thuật suy đồi, các bạn đọc thêm bài: “Entartete Kunst” – Cuộc thanh trừng trong nghệ thuật.

1052 tác phẩm của Nolde bị loại khỏi các bảo tàng, nhiều hơn bất kỳ họa sĩ nào thời đó. Một số lại còn bị cho vào triển lãm Nghệ thuật Suy đồi năm 1937, mặc cho Nolde phản đối, rồi về sau viết cả thư thỉnh cầu cá nhân cho đảng. Sau năm 1941, Nolde lại còn bị cấm cả vẽ, kể cả vẽ riêng tư ở nhà. Tuy nhiên, trong thời gian đó, Nolde vẫn vẽ hàng trăm bức màu nước, rồi đem giấu. Ông gọi chúng là “Những bức hình không được vẽ” (Unpainted Pictures). (Ảnh: Bức “Đóng đanh Chúa” 1912 của Nolde).

 

Nolde say mê màu. Năm 1942, ông viết: “Có xanh bạc, xanh da trời, xanh đe dọa. Mỗi màu mang trong nó một linh hồn, linh hồn đó khiến tôi hạnh phúc hay cự tuyệt tôi, và nó như một thứ kích thích. Với người không có nghệ thuật trong mình, màu chỉ là màu, sắc chỉ là sắc. Mọi hệ quả gây ra với tinh thần con người của màu, đẩy người ta lên thiên đàng hay xuống địa ngục, đều bị bỏ qua…” (Ảnh: Bức “Đêm trăng” 1914)

 

Ngoài tranh vẽ, Nolde còn làm nhiều tranh in, thường là in màu. Ngoài hoa, ông cũng thích vẽ phong cảnh, tranh tôn giáo, bão biển, cảnh đêm ở Berlin. Sau Thế chiến II, một lần nữa Nolde lại được vinh danh, nhận Bắc đẩu Bội tinh Đức –huân chương cao nhất (về dân sự) ở Đức. (Ảnh: Bức “Cặp đôi”, 1935)

 

Tác phẩm in quan trọng nhất của Nolde là “The Prophet” (Nhà tiên tri – 1912, ảnh), là một tượng đài của mỹ thuật thế kỷ 20. Tệ một cái là toàn bộ sức mạnh của bức tranh này chỉ thể hiện đầy đủ và ấn tượng khi được in trên giấy của Nhật, vừa hiếm vừa khó in.

 

Emil Nolde càng được chú ý đặc biệt sau khi một bức tranh có tên Blumengarten (Utenwarf – 1917, ảnh) của ông được phát hiện là đã bị (chính quyền quốc xã?) cướp từ Otto Nathan Deutsch – một người Đức-Do Thái tị nạn, bị ép rời khỏi Đức hồi 1938. Tranh sau đó được bán cho Bảo tàng Hiện đại, Stockholm, Thụy Điển. Những người thừa kế của Deutsch, trong đó có người sống sót trở về từ trại tập trung, về sau đã đòi chính quyền phải trả lại bức tranh. Chính quyền Thụy Điển vào năm 2007 đã quyết định bảo tàng phải dàn xếp với người thừa kế bức tranh, được ước lượng có giá lên tới 4 triệu USD.

 

Nolde mất tại Seebüll năm 1956. Trong ảnh: một triển lãm của Emil Nolde tại Grand Palais, 2008. Tranh từ trái sang: “Ở khách sạn làng”.

 

*

Bài liên quan:

– “Entartete Kunst” – Cuộc thanh trừng trong nghệ thuật 
– Emil Nolde: Màu rực rỡ đi qua thời u uất

 

Ý kiến - Thảo luận

13:41 Wednesday,8.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tự zưng nhớ bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" của Nguyễn Mỹ...

Kỳ-lạ ghê gớm !
...xem tiếp
13:41 Wednesday,8.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Tự zưng nhớ bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" của Nguyễn Mỹ...

Kỳ-lạ ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả