Kiến trúc

Milwaukee: Chọn ô tô nên thành như nông thôn 15. 05. 15 - 9:29 am

Phó Đức Tùng

(Các bạn xem thêm danh sách các bài của loạt này ở cuối bài)

Milwaukee 17. 04. 2015

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Milwaukee là nông thôn, từ cảm giác đơn giản, ít tầng bậc của khu trung tâm đến sự nổi trội đặc biệt của thể loại nhà biệt thự về cả số lượng cũng như chất lượng. Tôi cảm giác là cũng giống như đồng ruộng, các lô đất vườn này nằm liên tiếp nhau thành vùng rộng mênh mông, không có hàng rào, tường bao. Ranh giới giữa các nhà chỉ rất ước lệ, như những đường bờ ruộng nhỏ xíu. Về cơ bản, cách sống của người nông dân là đơn giản, tự cung tự cấp, ít giao tiếp, trao đổi vật chất. Vì vậy, nhà nào cũng có đủ mọi tiện nghi, từ phòng khách, phòng ngủ, bếp, ăn, garage, cho tới phòng chơi, phòng đọc, phòng cho khách nghỉ lại, kho v.v… Do ai cũng muốn sở hữu biệt thự, nên thành phố này rất ít căn hộ cho thuê. Ai chuyển đến đây cũng tự mua một căn nhà để ở. Nếu chuyển đi lại bán.Thị trường nhà đất ổn định, mua bán tương đối thuận tiện, giá cả ổn định. Thuế mua bán nhà đất ở đây do vậy cũng rất cao, là nguồn thu quan trọng của thành phố.
 

Một biệt thự ở khu The Villas at Granville. Ảnh từ trang này

Tuy nhiên, Trịnh Hữu Tuệ cho rằng về tổng thể, cảm nhận đầu tiên của tôi là không chính xác. Và cho dù rất nhiều cây xanh, vườn tược, cho dù mật độ thấp, nhà biệt thự đầy đủ tiện nghi và nhiều yếu tố liên tưởng tới nông thôn khác, nhưng về bản chất, khu vực này vẫn giống đô thị hơn là nông thôn. Cấu trúc nhà biệt thự với sở hữu tư nhân này là dạng phổ quát ở nhiều các đô thị Mỹ chứ không liên quan tới xuất xứ nông nghiệp của riêng Milwaukee.

Ý kiến này khiến tôi phải xem xét lại nhận định của mình và ngẫm nghĩ lại về một mô hình đô thị rất quan trọng trong lịch sử đô thị học là “đô thị phù hợp với ô tô”. Đây là một mô hình được coi là phù hợp với đô thị hiện đại của thời đại ô tô, đặc biệt được công nhận ở nửa đầu thế kỷ 20, và triển khai rộng rãi ở Mỹ. Ở châu Âu, do đa phần đô thị lịch sử có từ trước đó nên việc thực hiện ý tưởng này chỉ dừng ở mức độ chỉnh trang đô thị và không thể hiện hết được mọi khía cạnh của nó. Vì thế, khi học về mô hình đô thị này, tôi cũng chỉ lơ mơ chứ chưa trực tiếp trải nghiệm được cảm giác sống trong đó.

Mô hình đô thị này cho rằng ở thời đại mới, ô tô là một nhu yếu phẩm. Nó không chỉ là phương tiện đi lại hợp thời, mà còn biểu tượng của tự do cá nhân, là bộ mặt xã hội của người chủ. Vì vậy, mỗi gia đình đều phải có ô tô. Điều đó có nghĩa là nhà nào cũng phải có chỗ đỗ, chỗ để xe, xe phải vào từng cửa, đường phải đủ cho mọi xe có chỗ đi, và mọi điểm đến đều sẽ phải được tiếp cận bằng xe hơi.

“…nhà nào cũng phải có chỗ đỗ, chỗ để xe, xe phải vào từng cửa”

Những trung tâm đô thị cũ gần như không đạt được bất kỳ tiêu chí nào trong những yêu cầu trên. Nhà chung cư không đủ chỗ để xe, đường không đủ chỗ đỗ, không đủ chỗ đi. Các dịch vụ không tiếp cận được bằng ô tô, hoặc không có chỗ để xe. Đây là một lý do cơ bản cho việc hình thành những vành đai ngoại ô rộng lớn mà ta thấy ở mọi thành phố, và cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất sức sống ở nhiều khu trung tâm, nếu nó không cung cấp được những gì đặc biệt để bù lại những yếu kém rất cơ bản nói trên.

Khi trực tiếp sống trong vùng ngoại ô Milwaukee, tôi mới thực sự cảm nhận được cấu trúc của dạng đô thị phù hợp với ô tô này. Quả thật như Tuệ nói, đó là một dạng đô thị chứ không phải nông thôn. Sự khác biệt thứ nhất là ở đây không có nông nghiệp. Vì thế cho dù những tiện nghi cá nhân và phong cách sống trong các biệt thự có khiến ta nghĩ đến một kiểu sống tự cung tự cấp truyền thống nông thôn thì đây vẫn là cuộc sống không tự cung tự cấp. Mọi nhu cầu đều được cung cấp ở mức đô thị chứ không phải ở cấp gia đình.

Ở một vùng ngoại ô Milwaukee với các biệt thự song lập. Ảnh từ trang này

Sự khác biệt nữa là về cơ bản, một làng nông nghiệp là một tập thể khép kín, với những sinh hoạt cộng đồng tương đối gắn bó. Cái làng có thể được coi như một đơn vị tổ chức xã hội có hình hài, cấu trúc rõ rệt. Trong khi đó, những biệt thự trong khu ngoại ô gần như không tạo thành cấu trúc khép kín. Chúng không khác mấy một chung cư cao tầng được dàn mỏng ra mặt bằng. Giữa các đơn nguyên gia đình có rất ít mối quan hệ cộng đồng trực tiếp. Các quan hệ xã hội được thiết lập trên cơ sở những mạng xã hội liên vùng, với những chủ đề quan tâm khác nhau. Mỗi một loại nhu cầu, một dạng mạng sẽ có những địa điểm đầu mối của nó. Nhu cầu thực phẩm và vật dụng hàng ngày được cung cấp tại các siêu thị. Nhu cầu mua sắm những thứ khác như quần áo, đồ dùng, nguyên liệu xây dựng được tập trung ở những outlet store, là những khu vực tập trung các hàng tiêu dùng lớn, có đủ chỗ đỗ xe. Nhu cầu vui chơi, giải trí thì sẽ có những công viên giải trí dọc đường cao tốc, để mọi người đều dễ dàng tiếp cận. Đến như những thứ nhu cầu đặc biệt như pho mát thì cũng có những điểm tập trung như cheese castle, nơi bạn có thể chọn mua các loại pho mát và ăn uống luôn. Những nhu cầu quán xá, tụ tập kiểu phố phường thì sẽ tập trung vào một vài phố nhỏ như khu Bayshore ở Milwaukee. Muốn có những hoạt động văn hóa như nhà hát, bảo tàng, lễ hội thì đến những điểm đó nằm trong vành đai công viên.
 

Ngày hội bia ở Bayshore Mall. Ảnh từ trang này

Như vậy, khu trung tâm đô thị chỉ còn mỗi một mục đích duy nhất là văn phòng. Việc dời tất cả những nhu cầu đô thị mang tính ổn định ra khỏi trung tâm giải thích tại sao khu trung tâm lại bị loãng đi và ảnh hưởng rất lớn của khủng hoảng kinh tế như vậy. Việc thiếu vắng hoặc mất đi một khu trung tâm đậm đặc là bản chất và quy luật của dạng đô thị phù hợp với ô tô. Chỉ khi khu trung tâm đó không chỉ phục vụ trực tiếp nhu cầu của địa phương mà có tầm quốc tế như Chicago, Boston, New York hay chí ít như Philadelphia thì nó mới có lý do tồn tại và mới có thể giữ được độ hấp dẫn.

Tuy nhiên có một câu hỏi khác được đặt ra là có khi nào một yếu tố cấu trúc hợp lý, hấp dẫn cho một lõi đô thị góp phần tạo nên giá trị và vai trò quốc tế của nó không? Đối với Boston, tôi ngờ là có. Bởi vì ngoài những hoạt động thương mại, công nghiệp, thành phố này hấp dẫn vì nó là điểm đến thuộc loại được ưa thích nhất, được coi là đô thị đáng sống nhất, và điều đó có liên quan mật thiết với cấu trúc đô thị đặc biệt của nó. Một mạng ô cờ đơn giản khó có thể tạo nên độ hấp dẫn này.
 

Mạng ô cờ đơn giản của Milwaukee nhìn từ trên cao. Ảnh của kla4067 trên flickr.com. Lấy từ trang này http://www.examiner.com/article/the-original-residents-of-milwaukee

Tự do hay bình đẳng

Một khía cạnh nữa mà tôi nhận ra là tuy mạng ô cờ thể hiện rõ nét ý tưởng dân chủ, nhưng khi đi với những cấu trúc nhà khác nhau, chúng sẽ có những trọng tâm khác nhau. Cấu trúc nhà lô phố đồng đều kiểu Philadelphia nhấn mạnh khía cạnh bình đẳng, nó gần như áp đặt sự bình đẳng lên mọi đối tượng, từ trung tâm tới ngoại vi, từ giàu tới nghèo. Trong khi đó thì cấu trúc biệt thự của Milwaukee cho phép độ phân hóa lớn hơn nhiều. Nó nhấn mạnh khía cạnh tự do cá nhân. Tuy cùng nằm trong một mạng ô cờ đồng nhất, và không có những hiện tượng gated community, nhưng các thành phần giàu nghèo, sắc tộc khác nhau cũng vẫn được phân ra những vùng khác nhau, có thể nhận thấy tương đối rõ từ bên ngoài. Khu người nghèo thì lô đất chật hơn, nhà nhỏ hơn, đơn giản hơn, vật liệu rẻ tiền hơn.
 

Biệt thự song lập ở một góc ngoại ô của Milwaukee. Ảnh từ trang này

Những người Ba Lan là nhóm người tương đối nghèo ở đây. Họ không có điều kiện để mua một biệt thự với vườn riêng.Vì thế họ nghĩ ra giải pháp nhà song lập, hai nhà ghép vào nhau, vườn xung quanh. Để tiết kiệm tối đa, nhưng vẫn đủ diện tích xử dụng thuận tiện, và đất vườn xung quanh, họ chia nhau tầng trệt, để ai cũng có phần bám đất, còn lên trên thì mỗi gia đình dùng nguyên một tầng như căn hộ chung cư. Mô hình này được gọi là polish flat, một mẫu nhà đặc trưng Milwaukee.

Một vài mẫu nhà Polish flat. Ảnh từ trang này

Ở phía đầu trên của nấc thang là những biệt thự rộng lớn, sang trọng, sử dụng nhiều gỗ, đá tự nhiên như các biệt thự cổ đắt tiền ở vùng quê châu Âu. Đỉnh cao của dạng biệt thự này có lẽ là những thiết kế nổi tiếng của Frank Lloywright, mà điển hình nhất có lẽ là Taliesin. Những biệt thự khác cũng phần nào chia sẻ, thực hiện được mức độ nhất định những giá trị, nguyên lý thiết, kế, thẩm mỹ của Frank.

Taliesin ở Spring Green, Wincosin

Về tổng thể và lâu dài, có vẻ ý tưởng về tự do cá nhân có sức thuyết phục lớn hơn ý tưởng bình đẳng. Vì thế, khu ngoại ô Milwaukee, mà theo Tuệ thì không chỉ ở Milwaukee, mà là phổ quát ở Mỹ, tạo cảm giác ổn định, hài hòa và bền vững hơn là những khu nhà liền kề Philadelphia.

Trung tâm hay ngoại ô

Ấn tượng về hiện tượng phổ quát và bền vững của hình thức đô thị suburbia và nhận thức rằng thực ra giữa lối tổ chức này và kiểu trung tâm đô thị nén, đa dạng có mâu thuẫn đối kháng dẫn ta đến những câu hỏi tiếp theo. Thực ra, trừ những đô thị tầm cỡ quốc tế, còn thì ta phải chọn giữa ô tô và đi bộ, nếu muốn chọn giữa trung tâm và suburbia. Một tổ chức đô thị phù hợp với ô tô không thể chấp nhận một trung tâm đậm đặc, và ngược lại. Ta có thể ví việc sống trong một khu trung tâm đô thị sầm uất như ăn một bữa tiệc đủ món. Và nếu sống trong đó, ta sẽ hình dung mình như Từ Hy Thái Hậu, mỗi bữa ngồi trước mâm hàng trăm món, để cuối cùng cũng chỉ chọn ăn vài miếng. Trong khi đó kiểu dịch vụ đô thị mà một thành phố ô tô vẫn dùng là trennkost, một kiểu ăn phổ biến ở châu Âu. Người ta ăn riêng từng thứ như rau, thịt, tinh bột v.v. mỗi bữa chỉ ăn một thứ vì cho rằng như vậy sẽ tốt cho tiêu hóa hơn. Thực ra, mỗi hình thức đều có những ưu nhược điểm riêng. Vấn đề là có cách gì lượng hóa được những chất lượng đó để mà so sánh thiệt hơn? và giả sử ta tính được sự ưu việt của trung tâm đô thị compact thì có cách gì thay đổi lại được những cấu trúc không gian dàn trải đã được thiết lập hàng trăm năm cho mô hình suburbia?
 

Và Milwaukee chọn ô tô. Hình ảnh của phố East Pointe Market Place, Milwaukee. Ảnh từ trang này

Mô hình TOD (Transit-oriented development) cho phép tạo ra một trung tâm đô thị nén, đi bộ xung quanh một hub giao thông. Nó giải quyết được vấn đề tiếp cận tới những dịch vụ đô thị.
 

“…một trung tâm đô thị nén, đi bộ xung quanh một hub giao thông”. Ảnh từ trang này

Nhưng vấn đề còn là làm sao để gom được những người đi ô tô tản mát khắp nơi vào cái hub này. Ít nhất, họ sẽ phải có những điểm gom phụ, để chuyển từ ô tô sang phương tiện công cộng, rồi từ đó mới dồn về trung tâm. Động tác này hiện nay vẫn còn là quá phức tạp và kém hấp dẫn. Một số thành phố ở Đức đã tìm cách giải quyết vấn đề ô tô và trung tâm bằng cách hạ ngầm các tuyến ô tô đi vào trung tâm rồi biến toàn bộ khu vực dưới trung tâm thành bãi đỗ xe, để người đi xe có thể tiếp cận trực tiếp vào lõi đô thị bằng phương tiện cá nhân.
 

“… hạ ngầm các tuyến ô tô đi vào trung tâm”. Hình từ trang này

Cách làm ấy quả là đã có khả năng tích hợp giữa sự tự do cá nhân của cuộc sống ngoại ô với những giá trị đô thị tích hợp của trung tâm, nhưng thật là đắt, không phải đô thị nào cũng đủ sức làm.

Ý kiến - Thảo luận

8:42 Sunday,17.5.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
cám ơn bác SA vì những nhận định rất sắc sảo. em cũng chưa suy đến những vấn đề đó.
...xem tiếp
8:42 Sunday,17.5.2015 Đăng bởi:  phó đức tùng
cám ơn bác SA vì những nhận định rất sắc sảo. em cũng chưa suy đến những vấn đề đó. 
23:36 Saturday,16.5.2015 Đăng bởi:  SA

Nói rộng ra hơn thì văn minh ô tô có nghĩa là văn minh xăng dầu.

Milwaukee như thế thật ra gắn liền là với Tehran, Baghdad, Caracas, Djeddah hơn là người ta tưởng. Hình thái đô thị ở Mỹ giải thích phần nào "cách mạng Xanh" ở Lybia.

Theo... Bin Laden, giá "đúng" của dầu hỏa phải cao gấp 4 và tài nguyên của quốc gia ông như thế là bị ăn cướp. Tháp Song
...xem tiếp

23:36 Saturday,16.5.2015 Đăng bởi:  SA

Nói rộng ra hơn thì văn minh ô tô có nghĩa là văn minh xăng dầu.

Milwaukee như thế thật ra gắn liền là với Tehran, Baghdad, Caracas, Djeddah hơn là người ta tưởng. Hình thái đô thị ở Mỹ giải thích phần nào "cách mạng Xanh" ở Lybia.

Theo... Bin Laden, giá "đúng" của dầu hỏa phải cao gấp 4 và tài nguyên của quốc gia ông như thế là bị ăn cướp. Tháp Song sinh hiện diện được là nhờ giá dầu thấp chứ nếu trả đúng và tôn trọng thì nào đã có căm thù.

Giá đúng là bao nhiêu thì khó biết, nhưng ăn cướp thì đã rõ rệt.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp