Chả là chiều vừa lên Lương Văn Can lấy mấy chục cái vỏ bánh gối. Chị giúp người gốc Hà Nội năm trước nấu ăn ngon lắm nhưng phải về quê chồng bế cháu và tiện tìm giai. Chị giúp mới lên là chị giúp mấy năm trước, người Mường nên chắc lại cho cả nhà quanh năm ẩm thực Mường. Vậy là lại phải chui xuống bếp. Và bà bô đả hết 4 chiếc cùng bát tô rau sống. Ông con trai tôi 6 tuổi cũng 3 cái hết nước chấm.
Bánh gối. Ảnh: Nguyễn Vũ
Ngâm rửa sẵn mộc nhĩ, đi chợ mua thịt rồi nhờ xay luôn. Nhàn hẳn. Su hào mùa này ngọt nên dùng thay củ đậu.
Nói cân lạng thế cho oai chứ có mỗi thịt thì nhà chợ họ cân, còn những thứ khác là áng mắt theo bản năng.
Không có cà rốt và nấm hương đâu nhé. Hai vị đấy không hợp với mùi vị lạp xưởng.
Xào thịt với hành phi vàng, 1 thìa mắm ngon, 2 thìa hạt tiêu, mộc nhĩ. Tắt bếp trộn miến xong là những thứ khác.
Gói bánh với 1 thìa canh nhân, 2 miếng lạp xưởng, 1 quả trứng cút. Ngon nhất là trứng gà ta bổ 6, nhưng lười và vụng bổ trứng cực.
Bên trong bánh gối. (Ảnh bạn gửi không nhớ nguồn)
Rán hai lần. Lần đầu nhỏ lửa đến hanh hanh vàng. Để nguội hẳn mới rán lần hai. Lần hai có thể dùng nồi nướng không dầu cho đỡ ngấy. Giòn tan thơm lừng luôn. Làm nhiều thì rán lần đầu rồi cho vào tủ cấp đông. Khi nào ăn thì quay nóng lại rồi rán.
À, nước chấm bánh gối như nước chấm nem nhưng không có tỏi tiêu. Đặc biệt là dùng tương ớt Hà Nội thay ớt tươi nhé. Dùng đường ăn kiêng pha sẽ ngọt sâu và không bị gắt ngọt.
Rau sống: thơm Láng, mùi ta, tía tô, kinh giới, xà lách là đủ.