|
|
|
|||||||||||||
Thiết kếTÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior?16. 03. 21 - 7:07 pmWillow Wằn Wại(Tiếp theo bài trước) Christian Dior là một nhà thiết kế thời trang danh tiếng mà hẳn ai cũng từng nghe nói tới. Nếu Chanel có nước hoa Chanel No.5 thì nhà Dior có Miss Dior huyền thoại không kém. Mùi hương Miss Dior ra đời dựa trên cảm hứng từ bộ sưu tập New Look 1947 gây chấn động thế giới thời trang và tạo dựng thương hiệu ngay lập tức cho thương hiệu. Dù cho đang thời kì kinh tế toàn cầu ảm đạm, giới thượng lưu vẫn ngay lập tức săn lùng cho bằng được thiết kế của Dior. Nhà thiết kế lừng danh Christian Dior sinh ra trong một gia đình giàu có tại Pháp và sớm bộc lộ niềm đam mê cái đẹp từ nhỏ. Năm 23 tuổi, cuộc Đại Khủng hoảng ập đến và gia đình ông cũng không tránh khỏi sa sút. Christian Dior bắt đầu sự nghiệp với thời trang khi trở thành nhà thiết kế cho Robert Piguet – một huyền thoại thời trang khác. Thay vì những bộ quần áo vải thô may theo những cách đơn giản nhất để tiết kiệm vào cái thời hậu chiến thắt lưng buộc bụng, Christian Dior mạnh dạn chơi bạo khi thiết kế ra bộ váy xòe mỹ miều và lộng lẫy, với chân váy dùng đến tận 20 mét vải để may. Thiết kế nhấn mạnh vào sự quyến rũ thắt đáy lưng ong chuẩn mực thời bấy giờ, nổi bật với chiếc áo vest (vốn dành cho nam giới) cắt may riêng cho phái nữ khoe vòng eo con kiến. Từ thiết kế này mà chai nước hoa của Miss Dior ra đời, gợi nhắc đến những đường cong nổi bật của phụ nữ. Và đoán xem chai lọ do ai làm? Chính là nhà pha lê Baccarat đã từng nhắc trong bài trước. Tuy vậy, trải qua nhiều biến động, Miss Dior đã thay thế nhiều kiểu dáng chai lọ lẫn mùi hương. Miss Dior hiện tại với thiết kế chai vuông ra đời năm 2012 chỉ trùng tên với Miss Dior khi xưa thôi chứ chẳng liên quan gì nhau lắm, giống với trường hợp của Lancôme Trésor. Khi bộ sưu tập lần đầu ra mắt, thực ra Christian Dior vẫn chưa có một cái tên chính thức. Tổng biên tập thời trang huyền thoại của Harper’s Bazaar là Carmel Snow đã nhận xét: “My dear Christian, your dresses have such a new look!” (tạm dịch: “Christian thân yêu, thiết kế của anh nhìn thật sự mới mẻ!”). Bộ sưu tập ra mắt vào năm 1947, và từ đó cái tên New Look 1947 ra đời. Năm 2018, để gợi nhớ về khởi đầu rực rỡ, và cũng nằm trong công cuộc “cải cách” lại mảng nước hoa, bộ sưu tập Maison Christian Dior Collection ra đời. Với thiết kế chai tối giản, sử dụng những hình khối đơn giản và sự tương phản màu sắc giữa nắp chai đen bóng và nhãn trắng trên thân chai thủy tinh hình trụ, Dior như đang sẵn sàng chào đón một giai đoạn mới, hiện đại nhưng giữ nguyên chất táo bạo từ gốc rễ. New Look 1947 là tổ hợp của các loại hoa, trong đó chủ đạo là hoa hồng, nhài và ẩn giấu phía dưới là hương huệ mạnh mẽ. Được tạo ra bởi bàn tay của Francois Demanchy, perfumer (nhà chế tác nước hoa) chính của nhà Dior, New Look 1947 mong muốn tái tạo lại sự rực rỡ trải dài như sàn diễn thời trang năm đó đã làm chấn động thế giới của Dior. Chai nước hoa mang tên New Look 1947 được làm năm 2018. Nhưng chai nước hoa thực sự dựa trên bộ sưu tập New Look 1947 thì lại tên là Miss Dior. Vậy câu hỏi quan trọng là: Ai là Miss Dior – Quý Cô Dior, người đã được đặt tên lên chai? Christian Dior chưa bao giờ lên tiếng khẳng định nhưng đa số đều nhất trí rằng Quý cô Dior chính là Catherine Dior, người em gái thân thương của nhà thiết kế lừng danh. Catherine, tên thật là Ginette, đã cùng anh trai Christian lớn lên tại biệt thự ở Grandvile, Pháp. Khi trưởng thành, cô tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chống lại Đức Quốc xã. Kết quả cô bị bắt giam, tra tấn và chuyển đến một trại tập trung. May mắn thay cô vẫn còn sống sau chiến tranh và đã hội ngộ với anh trai mình. Cô được trao tặng huân chương Thập tự, Huân chương Vua George của Vương quốc Anh, và cả Bắc đẩu Bội tinh – huân chương cao quý nhất của Pháp. Một câu chuyện hay được kể lại, rằng khi Christian đang suy nghĩ sẽ phải đặt tên cho chai nước hoa là gì thì Catherine đi tới; có người nói: “Quý cô Dior tới rồi!” và nhà tạo mẫu đã quyết định sẽ lấy cái tên đó đặt cho mùi hương đầu tiên của hãng. Khác với anh trai mình, người đứng trong hào quang, Catherine lui về hậu phương và tìm cách chữa lành những vết thương chiến tranh qua việc trồng hoa, bán hoa, sản xuất hương liệu và làm vườn. Về sau cô chuyển hẳn về Provence, vùng nổi tiếng với các loại hương liệu quý giá, để tiếp tục công việc của mình. Sau khi anh trai qua đời, Catherine mở Bảo tàng Christian Dior và quản lý, chăm lo cho nơi này cho đến khi bà qua đời vào năm 2008. Bảo tàng này vẫn còn hoạt động, tại ngay Granville, quê hương của nhà thiết kế lừng danh. Catherine Dior không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho Christian Dior mà còn cho các nhà thiết kế thời trang khác. Rất nhiều nhà báo và nhà phê bình tin rằng các thiết kế nữ tính, tràn ngập hoa đều được lấy cảm hứng từ Catherine. Bộ sưu tập Xuân Hè 2020 của nhà Dior đã lấy hình ảnh Catherine làm nàng thơ và tạo ra một sàn diễn tràn ngập cây cối, với lời nhắn gửi mọi người hãy chăm sóc cho cả thế giới, như Catherine và những người phụ nữ trong suốt lịch sử chăm sóc cho khu vườn của mình.
* Về nước hoa: - Nước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 1): Do Son và Tam Dao - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 2): Baccarat Rouge 540 của nhà Maison Francis Kurkdjian - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior? - TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ - Nước hoa: vũ khí vô hình của (anh) chị em Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|