Thiết kế

TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko 06. 01. 21 - 10:01 pm

Willow Wằn Wại

(Tiếp theo bài trước)

Mitsuko của Guerlain là một cú lừa kinh điển trong giới nước hoa. Trên website, hãng Guerlain vẫn để nguyên lời giới thiệu rằng “mitsouko trong tiếng Nhật có nghĩa là Sự Bí Ẩn và vì thế chai nước hoa này mang vẻ đẹp nữ tính sâu sắc”.

Kỳ thực tiếng Nhật chẳng có cái tên nào là Mitsouko cả, chỉ có Mitsuko. Và trong tất cả các cách viết tên (do người Nhật sử dụng Hán tự nên có những chữ cách đọc giống nhau nhưng viết khác nhau) cũng chẳng có cái tên Mitsuko nào mang ý nghĩa Bí Ẩn/ Huyền Bí như hãng đã quảng cáo.

Nhưng có hề gì với một thương hiệu nước hoa gần 200 năm tuổi, đủ sức để gọi Chanel là “đàn em”, chúng tôi cứ thích viết thế cho hút khách, fans vẫn cứ nườm nượp mua thôi.

Về cái tên Mitsouko, vì nhà sáng lập hãng kiêm người làm ra mùi này – Jacques Guerlain – chẳng bao giờ công bố giải thích cụ thể nên “Mitsouko” coi như đã trở thành bí ẩn vĩnh viên. Hiện có ba giả thuyết xoay quanh cái tên này:

1 – Nhân vật trong tiểu thuyết của bạn thân

Trong cuốn tiểu thuyết La bataille (Trận chiến) của nhà văn Pháp Claude Farrere, lấy bối cảnh chiến tranh Nga Nhật, có kể về một mối tình vụng trộm giữa Mitsouko – một mệnh phụ Nhật với một sĩ quan Pháp. Một bên là chồng, một bên là người tình, nàng Mitsouko đã chờ đợi xem ai sẽ về với mình trước.

Nhà văn Claude Farrare là bạn khá thân với Jacques Guerlain. Trong một tác phẩm khác, Claude Farrare đã viết về mùi hương Nicky của hãng Guerlain, cho nên khả năng cao Jacques Guerlain dùng tên nhân vật nữ trong truyện của Farrare đặt tên cho mùi nước hoa như một cách cảm ơn và tri ân bạn mình. Đến giờ thì giả thiết này vẫn được giới mộ điệu đánh giá là thuyết phục nhất.

Bìa cuốn La Bataille của nhà văn Claude Farrare. Trên bìa là cô gái nhân vật chính Mitsouko.

2 – Nhân vật có thật trong lịch sử

Một giả thuyết khác là Mitsouko là cách viết sai từ tên Mitsuko. Tên chai nước hoa được lấy ý tưởng từ hình mẫu của Mitsuko Aoyama, một trong những người Nhật đầu tiên kết hôn với người phương Tây và di dân sang châu Âu sống.

Do tư tưởng xã hội tại Nhật khi đó còn bảo thủ với việc kết hôn với “Tây”, đặc biệt khi gia đình bà còn là dòng dõi Samurai nên sau khi Mitsuko kết hôn, cha bà đã từ mặt bà. Mitsuko từ khi cưới chồng cũng không bao giờ trở lại quê hương.

Mitsuko kết hôn cùng nhà ngoại giao kiêm nhà văn Áo-Hung, bá tước Heinrich Coudenhove-Kalergi. Ông nổi tiếng vì có thể nói tận 18 thứ tiếng, đồng thời cũng đọc và nghiên cứu về các tôn giáo khác nhau. Dòng họ Coudenhove-Kalergi là một trong những dòng họ quý tộc lâu đời có nguồn gốc và danh tiếng từ thời đế chế Byzantine (giữa thế kỉ 12). Sự kiện một phụ nữ Nhật Bản xa xôi kết hôn cùng một bị bá tước Châu Âu đã thu hút sự chú ý của đông đảo mọi tầng lớp giai đoạn đó, đồng thời cũng kích thích một làn sóng tìm hiểu hơn về văn hóa Á Đông nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng.

Bá tước Heinrich Coudenhove-Kalergi mất năm 46 tuổi, để lại người vợ góa Mitsuko cùng những người con. Không những không bị lạc lõng trong xã hội phương Tây, Mitsuko còn vươn lên mạnh mẽ, tiếp quản và trông nom tài sản người chồng để lại, nuôi dạy các con. Một trong những người con của bà chính là bá tước Richard von Coudenhove-Kalergi, người tiên phong và dẫn đầu trong lý tưởng về một Liên minh châu Âu thống nhất từ năm 1922.

Câu chuyện của Mitsuko được công chúng Nhật hiện đại đón nhận như một câu chuyện tình cổ tích lãng mạn, lại mang yếu tố khác biệt sắc tộc nên càng mang màu sắc kịch tính.

Cũng có thể cái tên Mitsouko trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Claude Farrare ít nhiều có ảnh hưởng từ Mitsoko Aoyama.

3 – Thích thì đặt

Giả thuyết cuối cùng là Jacques muốn tạo một cái tên bí hiểm phương Đông nên cứ thế đặt ra cái tên nghe giống Á nhất có thể thôi chứ cũng không cần tên phải có ý nghĩa hay có thật, giống như cái tên Cho Chang trong Harry Potter vậy.

Mitsouko là một trong những chai nổi bật về sự kết hợp rêu sồi, hoa và trái cây trong mùi hương của mình. Trải qua một thời gian dài với những biến cố làm thay đổi mùi hương, Mitsouko ngày nay không còn giữ mùi hương y hệt như khi nó mới ra mắt nữa. Ra mắt từ năm 1919, Mitsouko với nắp chai hình trái tim ngược vẫn luôn là một biểu tượng của nhà nước hoa Guerlain.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của Mitsouko, Guerlain đã cho ra mắt mẫu chai đặc biệt. Ở phiên bản này, mỗi chai nước hoa lại được khảm vàng lá lên trên bởi bàn tay của các nghệ nhân ở xưởng Hakuichi. Những nghệ nhân Hakuichi cũng là những người đã trùng tu lại ngôi chùa vàng Kinkakuji ở Kyoto.

Nhân kỉ niệm 400 năm kỉ niệm ngày thành lập xưởng gốm sứ Nhật Arita, Guerlain cũng đã kết hợp cùng Arita để cho ra 500 chai Mitsouko phiên bản gốm sứ. Họa tiết trên chai được vẽ tay hoàn toàn, bao gồm nhiều tầng ý nghĩa. Hoa cúc biểu trưng cho sự trường tồn, hoa mẫu đơn để thanh tẩy, cây mai biểu trưng cho sự sống, lá cây hông đại diện cho sự thanh lịch tao nhã.


 

Nguồn: từ FB của tác giả

*

Về nước hoa:

- Nước hoa: thứ thời trang vô hình nhưng cho nỗi đau ví rất thực

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 1): Do Son và Tam Dao

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 2): Baccarat Rouge 540 của nhà Maison Francis Kurkdjian

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 3): Byredo Rose of No Man’s Land

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 4): “cú lừa” Guerlain Mitsouko

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 5): Miss Dior và New Look 1947 – Ai là Miss Dior?

- TÊN CỦA NƯỚC HOA (bài 6): Endymion và Luna – đồ Hoàng gia xịn vẫn nhập nhằng quan hệ

- Nước hoa: vũ khí vô hình của (anh) chị em

Ý kiến - Thảo luận

21:09 Friday,8.1.2021 Đăng bởi:  Thức Nguyễn
Cám ơn tác giả đã cung cấp thông tin và góc nhìn khác về thế giới nước hoa. Theo cảm nhận riêng mình, tác giả có lẽ là người có óc quan sát tinh tế và độ nhạy sâu sắc về cái đẹp nói chung và nước hoa nói riêng. Nếu được, mong tác giả viết thêm về các dòng nước hoa khác của nhà Guerlain nhé. 
...xem tiếp
21:09 Friday,8.1.2021 Đăng bởi:  Thức Nguyễn
Cám ơn tác giả đã cung cấp thông tin và góc nhìn khác về thế giới nước hoa. Theo cảm nhận riêng mình, tác giả có lẽ là người có óc quan sát tinh tế và độ nhạy sâu sắc về cái đẹp nói chung và nước hoa nói riêng. Nếu được, mong tác giả viết thêm về các dòng nước hoa khác của nhà Guerlain nhé.  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả