Điện ảnh
Giải Quả Cầu Vàng 2015: sẽ có người cau mày, nhưng phải tìm xem cái đã19. 12. 14 - 7:18 am
Pha Lê
Cứ mỗi năm, đề cử giải Quả cầu Vàng lẫn Oscar đến đều đặn như mùa xuân. Năm ngoái 12 years a slave thắng lớn, còn năm nay thì sao?
Danh sách đề cử Quả cầu Vàng năm nay có một số phim quen thuộc nhưng cũng có một số phim lạ hoắc, hay ít nhất là lạ hoắc đối với những ai ít để ý tới làng điện ảnh. Cơ bản cũng vì những phim nghệ thuật kén khán giả rất ít khi chiếu ở Việt Nam, và nếu thì cũng chỉ chiếu vài buổi sau khi phim đã thắng giải. Một lý do nữa là lắm phim nhận đề cử còn chưa công chiếu đại trà tại Mỹ hay các nước khác, mà chỉ chiếu rải rác ở một số liên hoan phim nhỏ, nên ngay cả dân Mỹ lắm lúc còn chưa biết phim trong danh sách đề cử là phim gì.
Năm ngoái, chính phim American Hustle cũng bị nghi ngờ rằng đã làm “thủ thuật” để chen chân vào Quả cầu Vàng, do phim chưa công chiếu rộng rãi gì hết mà đã nhận đề cử ầm ầm.
Tuy vậy, theo nguồn tin về các liên hoan phim nhỏ lẻ thì hầu hết các ứng viên của giải luôn xứng đáng. Danh sách đề cử của năm nay là:
Dẫn đầu danh sách là “Birdman” với 7 đề cử: Phim (hài) xuất sắc nhất, nam diễn viên chính (cho Michael Keaton), nữ diễn viên phụ (Emma Stone), nam diễn viên phụ (Edward Norton), đạo diễn, âm nhạc, và kịch bản. Birdman kể về một nam diễn viên đã về vườn cố gắng vực dậy sự nghiệp, để rồi ông phải đối mặt với lắm chông gai thường gặp ở Hollywood. Theo đánh giá thì phim này hay nhưng khó xem, kén khán giả. Phải thắng giải lớn thì may ra nó mới chiếu tại Việt Nam. Hình: Michael Keaton trong một cảnh của “Birdman”
Đứng thứ hai là “Boyhood” với 5 đề cử: phim (chính kịch), nữ diễn viên phụ (cho Patricia Arquette), nam diễn viên phụ (Ethan Hawke), đạo diễn (Richard Linklater – cũng chính là đạo diễn của loạt phim “Before Sunrise”), và giải kịch bản. Bộ phim ghi lại cuộc đời của cậu bé Mason từ lúc cậu 6 tuổi cho đến lúc cậu 17 tuổi, quay liên tục trong… 11 năm. Cậu bé diễn viên nhí đóng Mason lúc 6 tuổi cũng là người thủ vai Mason lúc 17. Bộ phim là sự quan sát sâu sắc về mối quan hệ gia đình, về tầm ảnh hưởng của bố mẹ lên con cái. Ban đầu phim chỉ công chiếu tại rất ít rạp ở Mỹ, sau đó do nhận nhiều lời khen nên số lượng rạp tăng dần, dù cuối cùng phim cũng không chiếu ở khắp nơi như một số tác phẩm khác trong danh sách đề cử. Hiện nay, chưa thấy bản đĩa (lậu) của phim ở Việt Nam. Hình: bé Mason (Ellar Coltrane đóng) của “Boyhood”
Đồng hạng hai với 5 đề cử là “The Imitation Game”: Phim (chính kịch) xuất sắc nhất, nam diễn viên chính (cho Benedict Cumberbatch), nữ diễn viên phụ (Kiera Knightley), kịch bản, và nhạc phim. Tác phẩm kể về cuộc đời của khoa học gia lỗi lạc Alan Turing – cha đẻ của công nghệ vi tính và cũng là người giúp bẻ mã Enigma của quân Đức, góp phần đem lại chiến thắng cho quân Đồng Minh trong Thế chiến thứ Hai. Nhưng sau đó Alan bị kết tội là người đồng tính, dẫn đến việc ông tự tử năm 41 tuổi. Phim vừa công chiếu hồi đầu tháng 12 tại Mỹ, các nước châu Âu thì phải chờ đến tháng 1. 2015 mới có phim này để xem ngoài rạp. Việt Nam mình chẳng biết bao giờ mới chiếu nhỉ? Hình: Benedict Cumberbatch trong vai Alan Turing
Huy chương đồng thuộc về “Gone Girl” với 4 đề cử: phim (chính kịch) xuất sắc, nữ diễn viên chính (cho Rosamund Pike), đạo diễn, kịch bản, và nhạc phim. “Gone Girl” công chiếu đình đám quá rồi, ai xem cũng mê. Đề cử cho Rosamund cũng chẳng gây bất ngờ, không có đề cử cho anh Ben Affleck nhưng phải công nhận rằng nhiều khán giả nói vai của anh hơi gây buồn ngủ so với vai của Rosamund. Hình: một cảnh của “Gone Girl”
Đồng hạng với “Gone Girl” là “Grand Budapest Hotel”: phim (hài) xuất sắc nhất, nam diễn viên chính (Ralph Fiennes), kịch bản, và đạo diễn. Phim kể về nhân viên lễ tân Gustave H và cậu bé chuyên đón khách ở tiền sảnh tên Moustafa, cả hai làm việc tại khách sạn Grand Budapest Hotel. Khi họ vướng vào một cái chết bí ẩn rồi bị vu tội giết người để chôm tranh quý, Gustave lẫn Moustafa phải hợp tác để cùng nhau giải mã bí ẩn này hòng chứng minh rằng họ vô can. Nhìn chung phim của Wes Anderson là sẽ hay rồi, phim này lại hài nữa nên cũng dễ xem. Nhưng muốn xem thì chắc tìm trang nào trên mạng để xem online thôi chứ đĩa bán thì chưa thấy đâu (đối với những ai cần phụ đề tiếng Việt, chứ biết tiếng Anh thì dễ rồi.) Hình: Gustave H và Moustafa của “The Grand Budapest Hotel”
Cũng nhận 4 đề cử là “Selma”, kể về cuộc diễu hành biểu tình dài từ thành phố Selma đến thành phố Montgomery để đòi quyền bầu cử bình đẳng cho người da đen (trước đó người da đen muốn bỏ phiếu thì phải làm nhiều… bài thi tâm lý, thi trình độ học vấn; còn người da trắng thì không). Một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình này là Martin Luther King Jr. Phim sẽ công chiếu chính thức vào ngày 9. 1. 2015 tại Mỹ. Hình: một cảnh trong “Selma”
Tiếp tục nhận 4 đề cử là “Theory of Everything” về nhà khoa học Stephen Hawking: phim (chính kịch) xuất sắc, nam diễn viên chính, nữ diễn viên phụ, và nhạc phim. Hình: Eddie Redmayne trong vai Stephen Hawking. Thực ra thì có nghe phong thanh rằng phim này không hay lắm, nó nhận đề củ chủ yếu vì nó kể về đề tài lớn.
Cuối cùng, “mắt to” của họa sĩ ôm 3 đề cử: nữ diễn viên chính (cho Amy Adams), nam diễn viên chính (Christopher Waltz), và bài hát hay nhất. Phim cũng mới công chiếu vào tháng 11 này, và nhận nhiều lời khen, đặc biệt là lời khen dành cho hai diễn viên chính.
Xem danh sách để cử Quả cầu Vàng của năm 2015 chắc sẽ khiến những kẻ khó chịu cau mày: lại phim về hỷ nộ ái ố của Hollywood, lại phim tiểu sử, phim về gia đình, phim liên quan tới đồng tính, lại phim về đấu tranh quyền lợi của người da đen, năm nào cũng luẩn quẩn mấy đề tài đó là chính. Thôi nghĩ ngợi chi cho lắm, cứ thấy tác phẩm nào có thể vô danh sách xem phim của mình thì cho vào để tìm xem là vừa.
...xem tiếp