Điện ảnh

Từ Sunrise tới Midnight: ménage-à-trois với Thời gian 28. 06. 13 - 11:04 am

Tom Shone - Linh Quân dịch

Nếu có cái gọi là lịch sử điện ảnh, thì chùm phim 3 phần Before Sunrise sẽ có một vị trí đặc biệt trong đó.

Nhân vật nữ chính của chùm phim “Before Sunrise”, ở phim đầu tiên, năm 1995

Mặc dù dạy về chuyên ngành lịch sử điện ảnh, đôi khi tôi vẫn nghi ngờ tự hỏi liệu có tồn tại chăng cái gọi là lịch sử điện ảnh. Đối với sinh viên của tôi, mọi bộ phim ra đời trước Star War sẽ là cũ. Đối với Hollywood, nơi mà chỉ có những bộ phim được khởi chiếu vào ngày thứ 6 mới được coi là quan trọng, thì thực trạng “coi nhẹ thời gian” của điện ảnh lại càng rõ rệt. Bạn rời rạp chiếu phim và thậm chí không nhớ nổi tên mình, huống chi còn nhớ Federico Fellini là ai. Màn khói mờ sương bao phủ L.A vào mỗi sáng phản ánh phần nào sự thực về ngành nghệ thuật thứ 7: sự vô ơn, trạng thái bất ổn, lực đẩy ly tâm khổng lồ của áp lực phải hành động thay vì hướng tâm để đi tới vũng Hoài niệm. Điện ảnh luôn ở thì hiện tại, khi mà ngay cả các cảnh hồi tưởng cũng nhấn chìm người xem vào hố xoáy của thời gian thì quá khứ đơn giản là một thể dạng mới của hiện tại.

Và rồi chúng ta có những bộ phim như Before Midnight của đạo diễn Richard Linklater, bộ phim mới nhất trong chùm phim được bắt đầu vào năm 1995 với bộ phim Before Sunrise.

Before Sunrise (1995)

Trong Before Sunrise chàng trai du lịch bụi Jesse (do Ethan Hawke đóng) đã thuyết phục thành công cô gái Pháp xinh đẹp Celine (Julie Delpy) dành cho mình một ngày để cùng thơ thẩn trên những con phố của thành Vienna, nói chuyện, tán tỉnh, tranh luận và để rồi yêu nhau. 

Một cảnh trong Before Sunrise

Nếu được hỏi đâu là những thành tựu quan trọng của nước Mỹ trong 20 năm qua, tôi sẽ liệt kê việc tổng thống Obama thắng cử năm 2008, sự ra đời của iPhone và cuộc nói chuyện giữa Jesse và Celine khi anh thuyết phục được nàng xuống tàu, bỏ dở hành trình của mình trong bộ phim Before Sunrise. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cuộc nói chuyện đó hình như có liên quan tới những lữ khách vượt thời gian, nhưng đó không phải là điều thuyết phục được nàng, mà chính giọng điệu của anh đã làm được điều đó – như một diệu kỳ nhỏ toát ra từ sự hấp dẫn giới tính, thái độ vụng về một cách chân thành, hành động lãng du kiểu Huck Finn. Thế là đủ để tạo nên sức mạnh của cả một bộ phim.

.

Và không chỉ 1 mà là 3 bộ phim. Hawke và Delpy tiếp tục dòng đối thoại đó trong Before Sunset (2004), sau khi tình cờ gặp nhau tại một buổi đọc sách tại Paris.

Một cảnh trong Before Sunset, 5 năm sau Before Sunrise

Khi được biết bối cảnh của bộ phim thứ 3 (Before Midnight) sẽ diễn ra ở Hy Lạp, tôi đã không kìm được lòng mà thốt lên “Eureka!”. Vì không ai hơn được Linklater trong việc thể hiện Triết lý của Aristote trong phim – mỗi một câu chuyện phải có mở đầu, tiến triển và kết thúc – và trong trường hợp này, mỗi phần chỉ kéo dài trong vòng 24 tiếng đồng hồ; và cũng vì cũng không ai có thể làm phim theo tinh thần Socrates hay hơn là Linklater, người luôn coi trọng cái đẹp của đối thoại trong phim. 

Befor Midnight

Kể thêm nữa về nội dung của bộ phim thứ 3 này sẽ làm mất đi sự hứng thú của người xem, nhưng tôi không thể kìm nén và buộc phải tiết lộ rằng trong bộ phim mới này, Celine và Jesse đi nghỉ cùng nhau, và cùng ôn lại với bạn bè trong một buổi ăn trưa chuyện họ đã gặp nhau như thế nào. Một buổi chuyện trò thú vị, tràn ngập ánh nắng của miền Địa Trung Hải, với những người khách thuộc ba thế hệ khác nhau, với ngôn từ vừa triết lý vừa khiếm nhã, với đủ mọi chuyện, từ công nghệ tới con người và khả năng vô tận của mọi mối liên kết.

Trong Before Midnight

Nhìn trên một phương diện nào đó, toàn bộ bộ phim là đối thoại. Nhưng kịch bản thiên tài ở chỗ đã gắn kết mạch chảy và các mẩu đối thoại thành một câu chuyện tuyệt vời về nguyên tố vi lượng của thời gian – yếu tố quan trọng để hiểu được nhau ở đời giữa hai con người. Trong bộ phim này, thời gian đã để lại dấu ấn trong cuộc đời họ. Đã xuất hiện những đứa con và một người vợ cũ. Jesse đã trở thành một “lão dê già” theo lời đùa cợt của Celine, trong khi cũng theo chính lời nàng, nàng đã trở thành ” bà nội trợ trung niên, đầu hói và cặp mông chảy sệ”. Tất nhiên, với một diễn viên xinh đẹp như Delpy thì đó chỉ là cách nói tự trào. Khi đến cảnh hai nhân vật có một cuộc gặp gỡ lãng mạn tại khách sạn buổi tối hôm đó, những kẽ rạn nứt đầu tiên giữa hai người đã xuất hiện, và đó là lúc người xem nhận thấy trên thực tế, cặp tình nhân này đã có một cuộc tình tay ba với một nhân vật chưa được đặt tên – Thời Gian.

Một cảnh trong Before Midnight

Tôi vốn luôn hâm mộ Linklater, ngay từ bộ phim đầu tay Slacker năm 1991, bộ phim làm chung vói đạo diễn tài ba Tarantino. Tại Liên hoan phim Sundance năm 1994, bạn phải tự hỏi người ta đã bỏ thuốc mê gì vào cà phê khiến mọi nhà làm phim thuộc thế hệ đó đã lao vào thực hiện một cuộc kiếm tìm về bản chất của thời gian và cách thức kể lại câu chuyện thời gian. Trong khi Tarantino, với bộ phim Pulp Fiction, quyết định bẻ gập thời gian theo ý đồ kể chuyện của mình giống như một ảo thuật gia biến các quả bóng bay thành một con vật biết chạy, thì Linklater, về cả bản ngã lẫn chủ đề, lại tuân thủ theo đúng dòng chảy thời gian, mở đầu một chùm phim với nội dung ghi nhận lại sức tàn phá của thời gian đối với giấc mơ tuổi trẻ của tình yêu. Tình yêu là gì? Tình yêu tiến triển thế nào theo thời gian, và giấc mơ lúc xế chiều của tình yêu là gì?

Hai nhân vật vẫn tiếp tục đối thoại. Đã có lúc Celine phải ngắt lời và nói “chúng ta phải dừng nói chuyện để làm tình thôi chứ”, nhưng tôi sẽ không tiết lộ tiếp thêm điều gì xảy ra sau đó. Chỉ biết sau đó là một cơn bùng nổ dữ dội, đẩy cơn bão lòng trong diễn xuất của Delpy cũng như sức mạnh kìm nén của Hawke đến cùng tận. “Anh đã cho em tất cả, và giờ không còn gì để cho thêm nữa”.

.

Đó là một cảnh tuyệt vời, đặt tình yêu và thực tại khi bừng tỉnh cơn mê vào vị trí đối lập để xem điều gì sẽ tồn tại; Để bạn sẽ phải tìm câu trả lời cho chính mình. Chùm phim của Linklater đã trở thành một tác phẩm tuyệt vời và chân thực, không phải vì tham vọng của đạo diễn mà vì chính sự hiểu biết sâu sắc thâm cung tình cảm con người của ông, sau hơn hai thập kỷ kiên nhẫn, tìm tòi, sáng tạo, dù có chủ ý mà cứ như vô tình. Không còn điều gì hay hơn thế trong nghệ thuật.

Không ai có thể nói trước được điều gì, nhưng tôi có thể nói rằng sau 50 năm nữa, chùm phim về JesseCeline sẽ được coi là những bộ phim kinh điển, xếp ngang hàng với chùm phim Antoine Doinel của Truffaut, Apu của Satyajit Ray và chùm 3 bộ phim Toy Story. Giờ thì bạn chỉ có một việc là hãy đi xem Before Midnight. Chắc chắn sẽ không có phim nào đáng yêu hơn thế trong năm nay.

*

TOM SHONE (sinh năm 1967, Anh)
Tom Shone là nhà văn và phê bình gia điện ảnh. Ông từng phê bình phim cho tờ Sunday Times từ 1994 tới 1999, từng viết cho Vogue, Slate, The New Yorker, The New York Times và The Guardian’
Sách đã xuất bản: Blockbuster, In the Rooms

 

Ý kiến - Thảo luận

4:31 Saturday,29.6.2013 Đăng bởi:  Trà My
So với hai phần trước, Before Midnight có lẽ đòi hỏi sự trải nghiệm nhiều hơn của người xem. Mà thực ra nếu không có thì cũng chẳng chết, cứ cất đấy để mà soi lại trong nhiều năm nữa. 
Một điểm rất tuyệt vời của Before Midnight là dường như tính hư cấu của điện ảnh đã bị xoá nhoà. Nó ch&iacu
...xem tiếp
4:31 Saturday,29.6.2013 Đăng bởi:  Trà My
So với hai phần trước, Before Midnight có lẽ đòi hỏi sự trải nghiệm nhiều hơn của người xem. Mà thực ra nếu không có thì cũng chẳng chết, cứ cất đấy để mà soi lại trong nhiều năm nữa. 
Một điểm rất tuyệt vời của Before Midnight là dường như tính hư cấu của điện ảnh đã bị xoá nhoà. Nó chính xác như những gì tôi và nhiều cô bạn mong muốn khi nghĩ về việc đưa chuyện tình yêu của mình lên phim. Cảm giác cứ như hồi ký, nhất là khi viết dòng này thì mình đang trên bus rời Paris lúc nửa đêm hehe (Before midnight in Paris).
Đúng như bài viết đã đề cập, dòng đối thoại giữa hai vợ chồng và giữa họ với một vài người bạn được đạo diễn và xử lý đều tuyệt dù có thể khiến một số khán giả thích hành động giật gân mất kiên nhẫn (chắc ít thôi). 
Kết thúc thì có lẽ sẽ làm người xem bật cười mất, vì sao thì ai xem sẽ biết ạ :">
Băn khoăn nhất của mình là có một đoạn dài Celine để ngực trần cãi nhau với Jessi. Không biết ở VN chiếu sẽ cắt ra sao. Toàn đối thoại quan trọng. 
11:21 Friday,28.6.2013 Đăng bởi:  phương vẹt
Phải xem bộ 3 phim này mới được. Nhưng xem ảnh buồn quá: từ lúc đợi cho đến bình minh là cả hai đều trẻ trung, tươi tắn, đến lúc đợi đến hoàng hôn thì mặt mũi nhàu nhĩ cả, nhất là nhân vật nam trông rất nhụt chí rồi, nhân vật nữ thì sắt đá hơn.
Cũng là bi kịch đương nhi&eci
...xem tiếp
11:21 Friday,28.6.2013 Đăng bởi:  phương vẹt
Phải xem bộ 3 phim này mới được. Nhưng xem ảnh buồn quá: từ lúc đợi cho đến bình minh là cả hai đều trẻ trung, tươi tắn, đến lúc đợi đến hoàng hôn thì mặt mũi nhàu nhĩ cả, nhất là nhân vật nam trông rất nhụt chí rồi, nhân vật nữ thì sắt đá hơn.
Cũng là bi kịch đương nhiên, tự nhiên của mọi gia đình, mọi tình yêu, trong đó có nhà mình, he he. Trẻ mãi yêu mãi mới là kinh, an ủi A.Q thế đi cho nó tiện thời.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả