Kiến trúc

Kamppi Chapel of Silence: Bất tiện vì bị giằng co 08. 02. 13 - 6:56 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

 

Helsinki là một thành phố đông ứ người, dù vậy đã biết phân bố dân cư một cách khôn ngoan để đoạt danh hiệu Thủ đô Thiết kế Thế giới (World Design Capital) năm 2012. Đây là một danh hiệu mà cứ 2 năm một lần, Hội đồng thiết kế công nghiệp quốc tế bầu chọn giữa các thành phố tiêu biểu trên thế giới.

Điểm hay của Helsinki là khi cần, người dân ở đây luôn luôn kiếm được một chỗ để thoát khỏi đám đông nghìn nghịt kia.

Một trong những chỗ như thế là nhà nguyện Thanh lặng Kamppi (Kamppi Chapel of Silence), nằm tại quảng trường Narinkka, do công ty kiến trúc trong vùng, là K2S, thiết kế.

 

Mặt bao uốn vòng, không cửa sổ của nhà nguyện đã chắn hết những tiếng lao xao của đô thị.

 

Nhưng bước vào, bên trong lót toàn bằng gỗ alder lại sáng loáng lên dưới ánh nắng mặt trời Bắc cực, nhờ một giếng trời bố trí rất thông minh chạy theo gờ trần.

Lấy sáng theo gờ trần.

 

Gọi là nhà nguyện nhưng ở đây không có những buổi lễ chính thống, chỉ là một nơi để mọi người tĩnh tâm, tĩnh trí trên những chiếc ghế dài đơn giản, hoặc ngồi rù rì ở một phòng giải lao, với những bức tường bằng xi măng nhạt màu.

Phòng cầu nguyện

 

 

Tuy nhiên vẫn có một vài lỗi, và chủ yếu là trong cách nghĩ về mục đích tổng thể của tòa nhà.

Lỗi đó thể hiện chính là ở lối vào sảnh, với hai cửa hai bên mở vào một khoảng hẹp, đưa du khách đến một không gian có tính tối giản, toàn xi măng với kính. Tại lối vào này có hai cái ghế thiết kế điệu đàng màu đen và một cái bàn nhỏ. Mặc dù đã có nhân viên đứng sẵn sàng tại đó để ai cần gì thì hỏi han, nhưng vẫn đầy những bàn tán ngô nghê diễn ra tại khu vực hóa ra rất ồn này…

 

… mà từ đây, dẫn vào khu vực tĩnh tâm bằng gỗ trang nghiêm chỉ có mỗi cái cửa nhỏ…

 

Thế là xảy ra tình trạng: trong lúc người này muốn ngồi tĩnh tâm, người khác lại đi vòng vòng trong hành lang, chụp ảnh, thỉnh thoảng lại còn thử độ dội âm của không gian bằng cách hú lên hay cười to. Lâu lâu cửa lại mở ra và có người ngơ ngác: “Toilet đâu nhỉ? Mở hộ tôi cái cửa được không?”

 

Thường thì luôn luôn giữa khu vực ồn ào với khu vực thâm nghiêm phải có một khoảng đệm. Khoảng đệm đó có thể là một mảnh vườn, một cái phòng trống, một không gian nhỏ, v.v… Nhà nguyện này bị thiếu một khoảng đệm như thế, thiếu luôn một khu vực để nhân viên, khách khứa bàn tán, chuyện trò… Đâm ra nhà nguyện này bị giằng co giữa hai mục đích: là nơi để tĩnh tâm? Hay là nơi để khách tham quan, chụp ảnh? Vấn đề thiếu yên tĩnh chắc sớm muộn gì cũng sẽ được giải quyết, một khi người ta đã làm nên một công trình hay ho đến thế này.

 

Cuối cùng, bước vào nhà nguyện này, gặp được lúc nào thật yên tĩnh, bạn sẽ có cảm giác ở trong con thuyền ông Noah, thoát khỏi giông tố, tiếng ồn ở bên ngoài. Khi đó, người ta sẽ nhận ra, im lặng chính là cứu rỗi.

Ý kiến - Thảo luận

23:28 Monday,27.5.2013 Đăng bởi:  tiến thánh

Để thiết kế thể loại không gian kiểu này hầu như các kts hay lựa chọn phong cách tối giản; tối giản đến cực đoan, tiết giảm hết cỡ vật chất trong không gian để con người đối diện với chính mình. Về thể loại này ít ai làm tốt hơn kts TADAO ANDO. Nhưng cái hay của công trình này là nó n
...xem tiếp

23:28 Monday,27.5.2013 Đăng bởi:  tiến thánh

Để thiết kế thể loại không gian kiểu này hầu như các kts hay lựa chọn phong cách tối giản; tối giản đến cực đoan, tiết giảm hết cỡ vật chất trong không gian để con người đối diện với chính mình. Về thể loại này ít ai làm tốt hơn kts TADAO ANDO. Nhưng cái hay của công trình này là nó nằm giữa thành phố còn hầu như các không gian tương tự của ANDO nằm giữa thiên nhiên tĩnh mịch...

Thứ hai là kts sử dụng hình khối rất động bên ngoài, nhưng bên trong nó lại là sự tĩnh mịch. Còn ANDO hầu như dùng hình tĩnh. Dường như lớp vỏ thể hiện cái bề nổi của con người còn bên trong " không gian như trong con thuyền bay vào vũ trụ" là nội tâm sâu thẳm của chính mình.

Nói chung về quan điểm thiết kế rõ ràng. và thú vị... còn cái lỗi về phân khu chức năng giữa động và tĩnh là rất chuẩn nhưng có thể chữa cháy bằng văn hóa sử dụng nếu có biển hướng dẫn kiểu "đi nhẹ nói nhỏ"

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả