Ăn uống

Ăn uống: Pizza – dễ làm, dễ ngon, dễ mini 17. 02. 13 - 12:37 am

Pha Lê

(Toàn bộ hình trong bài là từ Internet)

 

Mấy hôm rồi mọi người ăn Tết vui vẻ chứ? Tôi thì ngày nào cũng một bụng bánh chưng, bánh dày, thịt kho… riết rồi ngán ơi là ngán. Trong tình trạng ngán này lại nhớ tới bài pizza của anh Quang Thái đăng hồi tuần trước, các nhà hàng pizza vẫn mở cửa đều đặn ngay cả vào mùa Tết, chúng ta tìm hiểu thêm về pizza để đi ăn cho vui nhé.

Pizza bắt đầu từ làm bột; bột trắng mịn thì phổ biến và dễ nhào, bột nâu (còn trấu bột mì) thì nặng tay, khó nhào hơn, nhưng có nhiều dinh dưỡng hơn. Pizza không cần lên men nhiều lần và phức tạp như bánh mì, loại đơn giản truyền thống chỉ có bột, nước, tí muối và men cái, nhào thành bột bánh tròn tròn và để lên men một lần thôi.

Bột pizza đang chờ lên men.

Lên men bột xong, bạn có thể bọc miếng bột trong giấy kiếng rồi quăng vào tủ đá, khi cần dùng thì rã đông. Hầu hết các nhà hàng pizza đều đông lạnh bột như vầy chứ không ai mỗi ngày mỗi nhào. Ví dụ: tối Chủ nhật họ lôi bột từ kho đá ra, để bột trong ngăn lạnh thường, rã đông qua đêm rồi dùng cho ngày thứ hai. Thứ hai hôm đó thì họ nhào bột để đông lạnh cho thứ hai tuần sau. Như vậy nhà hàng sẽ có đủ bột trong một tuần, lỡ xảy ra sự cố hay nhân viên vô tình (hoặc hữu ý) nghỉ nhiều thì họ không phải loay hoay lo lắng làm đủ bột để phục vụ khách. 

Nhào ra bột rồi, chưa cần cán hay tung hứng thành pizza là có thể dùng nó chế ra đủ món; lấy bột bọc phó-mát xong đem nướng là một cách, hoặc ngắt bột thành từng viên nhỏ, nướng xong đem ra chấm bơ tỏi, hay dùng với dầu ô-liu và dấm chua…

Bột pizza, ngắt nhỏ, vo viên, đem nướng rồi ăn với dầu ô-liu và rau mùi tây. Món khai vị này vừa hấp dẫn vừa tiện, ai thích thì có thể sáng tạo thành nhiều thứ. Món này nằm giữa giữa bánh bao và bánh mì, ăn với… heo quay cũng hợp nữa.

 

Đến lúc làm thành pizza, thì ôi thôi, đủ thứ kiểu. Truyền thống thì pizza không nên quá dày, nhưng đến lúc “xuất khẩu”, pizza có độ dày mỏng tùy theo nước. Không biết lịch sử chính xác thế nào, chứ tôi đoán (mò) rằng vào thời bắt đầu du nhập thì các nhà làm pizza ở những nước “không phải Ý” chẳng hơi đâu ngồi đan lưới thép để nướng bánh, hoặc không học được mẹo nướng truyền thống này. Pizza nướng trong lò gạch là ngon nhất, nhưng để pizza có độ mỏng, giòn tan, chỉ hơi cháy xém là bạn không thể nướng trên khay thường, mà phải là khay gồm nhiều sợi thép đan lại, có lắm lỗ nhỏ li ti. Những lỗ này sẽ giúp bột bánh thoát hơi nước dễ dàng, bánh sẽ giòn rụm. Hiện giờ các hãng kinh doanh dụng cụ nấu bếp đã sản xuất nhiều khay nướng pizza có đục lỗ, còn xịn nhất vẫn là làm một chuyến du lịch đến Naples và vác về vài khay nướng pizza đan bằng sợi thép.

Bỏ gì lên pizza? Có thể bỏ… đủ thứ, viết liệt kê thì đến Tết năm sau cũng không đủ. Cứ tưởng tượng rằng pizza là cơm, ăn với gì cũng được, nhưng phải hài hòa và phải theo nguyên lý; nên tôi mách mọi người vài mẹo, cứ thể theo mà sáng tạo, chứ chỉ từng công thức thì đến lúc muốn làm “pizza kiểu của mình” là không làm được.

1. Những nguyên liệu dễ chịu nhiệt, nướng lâu được như phó-mát, thịt xông khói, ớt chuông, salami… là phải nướng cùng bột bánh. Đây là kiểu “pizza lười” mà mấy nhà hàng bán thức ăn nhanh ưa dùng: bỏ hết lên bánh rồi quẳng vô lò, sau đó lấy ra.

2. Những nguyên liệu nhanh chín như trứng, mực, tôm.. thì bỏ vào nửa chừng. Ví dụ: nướng pizza với phó-mát, thịt nguội, sốt cà chua… một lúc rồi lấy ra, đập trứng vô, cho tiếp vào lò một lúc, rồi lôi pizza ra; chứ bỏ những thành phần nhanh chín vào từ đầu thì sẽ mất ngon, trứng sẽ khô, còn mực hay tôm thì dai như cao su.

Pizza với trứng cút, trứng này là cho vào nửa chừng để không bị khô. Món pizza trứng còn là món ăn sáng hấp dẫn lắm đấy.

 

3. Đối với những nguyên liệu “không nên nấu” như lá xà-lách, cà chua bi, lá thơm basil, oregano… thì rải trên pizza sau khi nướng xong. Ăn pizza loại này sẽ cung cấp nhiều vitamin hơn, cũng như hợp với các cô thích giảm béo. 

Bánh pizza rắc xa-lát rocket, cà chua bi, ô-liu nâu (nhỏ và bùi hơn ô-liu đen), và phó mát feta (phó mát này ăn sống ngon hơn nướng).

 

4. Tất cả những nguyên liệu hay ra nước nhiều khi nấu, bạn phải nấu trước rồi mới bỏ vô pizza. Ví dụ: cải xanh, thịt bò băm ra rất nhiều nước, bạn phải xào trên chảo, bóp nước ra hết, chứ cho thẳng vào pizza thì sẽ “luộc” mất pizza. Một số loại nấm cũng ra nhiều nước và bạn phải xào bên ngoài như vậy chứ không nướng trực tiếp. Đó cũng là lý do tại sao pizza cải xanh hay có màu thâm thâm, vì cải bị nấu đến hai lần, không cẩn thận là cải sẽ đen nhiều hơn xanh.

Pizza cải xanh và phó mát dê.

Với những cách này, bạn có thể tự chế ra nhiều kiểu hợp với khẩu vị Việt, ví dụ như pizza có bông thiên lý, pizza chả lụa, pizza cá viên, pizza heo quay…

Những ngày lễ tết, nếu thích nấu những món nho nhỏ, bé bé xinh xinh đãi khách ăn cho vui miệng, thì sao không làm pizza mini? Vừa đỡ mất công vừa ngon, bạn chỉ cần nhào bột rồi nặn thành nhiều bánh be bé.

Pizza mini với sốt cà chua, phó-mát bào, lá rocket và hạt thông. Chỉ cần nướng bánh với sốt cà, sau đó rải những thứ khác lên.

 

Mọi người ơi, nếu ngán bánh chưng rồi, mau mau đi xơi pizza đi thôi.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả