Đi & Ở

Chợ Viềng sau một năm tệ hại 18. 02. 13 - 2:32 am

django - Ảnh: Dê

Tại chợ Viềng 2013 (Ảnh: Dê)

 

Chuyến đi chợ Viềng thường niên đêm mùng 7 tháng Giêng bị chậm lại một chút, bởi ông chủ xe phải chạy nốt cái show Tết; mãi gần 11 giờ đêm xe mới rời Hà Nội.

Đường về Nam Định vắng tanh vắng ngắt, xe quất cỡ 80 cây số/giờ cũng không có ma nào bắn tốc độ. Thông thường, chạy xe đêm phải rất thận trọng, nhưng đêm nay, đường quá vắng nên càng phải rất, rất thận trọng, bởi hình như thống kê đã chỉ ra, tai nạn giao thông hầu hết đều xảy ra trên đường vắng, cũng như khách qua đường thường bị xe tông trên vạch trắng…

Xe chạy ngang qua đường rẽ vào chợ Viềng Phủ Giầy. Mọi năm, từ trên quốc lộ nhìn vào đã thấy dãy đèn đít của xe hơi nối nhau vào phủ tựa con rắn dài. Nhưng năm nay, chỉ thấy lập loè như mấy con đom đóm di chuyển thập thững trong đêm. Tất cả quyết định: không vào chợ Viềng này, thẳng tiến xuống chợ Viềng Nam Trực, chuyên bán cây, thịt bò, đồ cổ…

Xe trôi qua một dãy phố im lìm như phố ma, kéo dài cả hai cây số, chỉ có dãy đèn lồng Trung Quốc đỏ rực hai bên đường. Không biết trên những cái đèn lồng treo đêm ấy có hình cái “lưỡi bò” không? Có chữ “Tam Sa” không? Dân mình nhiều lúc ngây thơ lắm, cứ thấy cái lợi nhỏ, cái re rẻ trước mắt là quên tiệt những cảnh giác với ông bạn miệng lúc nào cũng “hảo hảo” mà bụng thì không biết đâu mà lần.

Rồi cũng đến chợ Viềng.

Mọi năm, đây là quãng gian nan nhất khi xe phải nhích từng chút một mới lết được vào chỗ gửi. Đêm nay thì xe cứ xông xổng nhẹ nhõm vào thẳng bến, đồng chí công an mọi năm đứng ở ngã tư thổi còi toét toét liên hồi để “điều tiết giao thông”, nay vẫn đứng chỗ cũ, thờ ơ nhìn xe qua lại, cái còi đã biến đâu mất.

Giá trông xe hơi chợ Viềng năm nay mềm hơn hẳn. Quát 200 nghìn lái xe bĩu môi; 100 nghìn/xe thì chấp nhận được, mà lại ngay bên đường, tiện lợi, không phải đi sâu vào trong. Số lượng xe hơi năm nay giảm trông thấy, nhưng biển số xe công lại tăng lên nhiều.

Vào trong chợ rồi, đi loanh quanh một lúc, bỗng thấy cứ như thể bị thiếu một cái gì đó, quan trọng lắm. Nghĩ mãi mới vỡ lẽ, rằng hóa ra là thiếu cái sự chen vai thích cánh của mọi năm, khi khách đi chợ chen nhau xô đẩy bên những quầy, những sạp bán cây, bán đồ, giành giật vận may đầu năm. Chợ Viềng năm nay, người đi lại thong thả, mua sắm chừng mực, lịch sự, không phải chen chúc với ai, mức độ đông cũng chỉ giống như đi chợ đêm ở Hà Nội.

Trong chợ Viềng (Ảnh: Dê)

 

Các sạp bán hàng năm nay quả thật đìu hiu. Tiếng là chợ bán đồ cổ nhưng thực chất hầu hết đều bán đồ giả cổ, lấy hàng từ các “lò” ở trên đường Nghi Tàm (Hà Nội) chế tác đưa xuống hay bên Nam Định đưa sang. Giá cả khiêm tốn, thấp một trời một vực so với những năm trước. Một bức tượng đồng Khổng Minh cầm chiếc quạt lông cỡ trung, năm trước người bán có quyền vênh mặt ra giá vô lối chừng 4 triệu – 4,5 triệu đồng, nay chỉ chừng 1,8 triệu, người mua trả giá 1,5 triệu đồng đã bán vội, “em lấy công làm lãi, không ăn của bác đồng nào!”

Một cái lư đốt trầm kêu giá 800 ngàn, cuối cùng chốt ở mức giá 300 ngàn! Mâm đồng đường kính 60 phân giá chỉ chừng 400 ngàn, trong khi mọi năm, chắc giá không dưới 2 triệu! Tượng con rắn – biểu tượng của năm Quý Tỵ – loại to cỡ 500 ngàn, nhỏ chỉ chừng 200 ngàn mà cũng vêu mõm chẳng có người mua…

Không còn cảnh mua tranh bán cướp như những năm trước, vừa trả giá xong bỏ hàng xuống đã có tay người khác thò vào nhấc lên trả tiền ngay. Có những mặt hàng, trả giá xong đi loanh quanh mấy vòng, vẫn nằm nguyên chỗ cũ chưa ai rước.

Những bàn cò quay, úp đĩa, vốn là nơi các con bạc tỉnh lẻ sát phạt và ầm ĩ nhất chợ, năm nay hầu như không hoạt động, trả lại cho chợ cái không khí yên tĩnh đáng lẽ không nên có.

Mọi năm thì đừng hòng có cái nhàn nhã này… (Ảnh: Dê)

Mặt hàng bán chạy nhất ở chợ Viềng Nam Trực năm có lẽ là những xâu tiền đồng, tiền giả cổ, các đời Thái Bảo, Hồng Đức gì đó… 45 ngàn một xâu chừng 7 đồng cỡ vừa, 70 ngàn một xâu cỡ to, có đủ cả các phúc, lộc, khang, an… Cả xã hội đang hiếm tiền, người làm ăn điêu đứng vì thiếu tiền, nên người ta chăm mua tiền cũng là phải. (Nghe nói đền bà Chúa Kho năm nay vắng như chùa bà Đanh vì các con nợ vay của “bà” năm trước, năm vừa qua “nợ xấu” không trả được, đâu dám vay tiếp. Xù nợ ngân hàng nhà nước thì dám chứ xù nợ thần thánh thì ma quỷ khó mà yên nên chắc nhiều người ngại, không vay bà nữa!)

Thịt bò năm nay ở chợ Viềng Nam Trực càng ít người mua. Người ta không dám mua thịt bò vì đầu năm mua lấy may đâu không thấy, biết đâu rước phải loại thịt đã ngâm thuốc Tàu, về gặp cả Tào Tháo lẫn Quan Vân Trường thì nguy to!

Các mặt hàng truyền thống của chợ Viềng như cuốc xẻng, đồ nông cụ hay cây cảnh cũng lâm cảnh eo xèo, trăm người bán chỉ chừng vài người mua.

.

Đi loanh quanh trong chợ vài tiếng đồng hồ, cuối cùng chỉ quyết định mua một hai món đồ lấy may đầu năm. Tâm niệm rằng nếu Trời Phật phù hộ thì năm mới thế nào cũng ăn nên làm ra, thoát khỏi cảnh khốn khó thời khủng hoảng. Lại an ủi, đầu năm đi chơi chợ Viềng lấy không khí xuân là chính, đâu phải đi shopping!

Tảng sáng, xe về đến đầu ô, đã thấy từng đoàn nam nữ thanh niên tay đùm tay nắm, lũ lượt đổ ra từ các bến xe khách đường dài, rồng rắn về các trạm xe bus để đi vào nội ô. Hà Nội bắt đầu quay trở lại sống những ngày bình thường rồi – những ngày của mở mắt là nghĩ đến việc chạy tiền, của một năm mà nhìn trước là rất khó nhưng vẫn hy vọng mơ hồ là sẽ ổn.

      

Ý kiến - Thảo luận

19:57 Thursday,17.9.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Thoắt cái đã bảy năm rồi chưa đi chợ Viềng. Nhớ những năm ấy kinh tế đang lên, chợ đông đến nỗi người lớn còn bị lạc. Một cây mẫu đơn có rễ mua chỉ hai nghìn, nhà mình làm luôn bốn chục cây về trồng. Phủ Giầy, Đền Trần thì ôtô xếp hàng cả mấy cây số. Đọc bài này lại thấp thỏm không biết năm nay người ta sẽ cải cách việc phát ấn ra làm sao?
...xem tiếp
19:57 Thursday,17.9.2015 Đăng bởi:  Đặng Thái
Thoắt cái đã bảy năm rồi chưa đi chợ Viềng. Nhớ những năm ấy kinh tế đang lên, chợ đông đến nỗi người lớn còn bị lạc. Một cây mẫu đơn có rễ mua chỉ hai nghìn, nhà mình làm luôn bốn chục cây về trồng. Phủ Giầy, Đền Trần thì ôtô xếp hàng cả mấy cây số. Đọc bài này lại thấp thỏm không biết năm nay người ta sẽ cải cách việc phát ấn ra làm sao? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả