Nhiếp ảnh

Tettamanti: Chụp hành động của con người nhưng không thấy người 07. 03. 13 - 8:55 am

Hữu Khoa dịch

Qaqortod, Greenland, 2004

 

CAMBRIDGE, MASS.- Bảo tàng MIT đang bày 70 tác phẩm của nhiếp ảnh gia đương đại Joël Tettamanti. Đây là triển lãm đầu tiên của nhiếp ảnh gia Thụy Sĩ này tại Mỹ, diễn ra từ 15. 2, kéo dài tới 31. 8. 2013.

Ảnh của Tettamanti chuyên nói về tác động của việc xây cất, sinh sống của con người lên cảnh quan. Anh đi khắp nơi để chụp, từ châu Á tới vòng Bắc Cực. Ảnh của Tettamanti thường không có người, nhưng hiện lên sự đối lập giữa tính mỏng manh dễ vỡ của con người với sự dẻo dai linh động (của thiên nhiên), cũng như cho người xem thấy các hình thức quan hệ (và làm hại) khác nhau của con người với thiên nhiên.

Ilulissat, Greenland, 2008

Tác phẩm của Tettamanti có giá trị lớn ở chỗ: nó là một kho lưu trữ khổng lồ về các cấu trúc, làng mạc, thành phố mà con người đã làm nên; đồng thời là một kho tư liệu về những địa hình, khí hậu đã góp phần hình thành nên những làng mạc, thành phố đó.

Nhưng sự quan tâm của Tettamanti vượt lên khỏi việc lưu giữ một cách máy móc những “bằng chứng” con người đã làm gì với thiên nhiên. Đến một nơi chốn nào, câu hỏi của anh đặt ra luôn luôn là: sao nó lại thế nhỉ? Bằng cách nào mà nó ra thế nhỉ? Từ đó dẫn tới những câu chuyện kể (bằng hình) mang tính xã hội sâu sắc, về việc con người đã được/bị một vùng đất mà họ sinh sống nâng đỡ/hạ gục ra sao.

Maloting, Lesotho

 

Seoul, South Korea, 2011

Tettamanti thích hướng về những môi trường thiếu thân thiện, nơi các mối quan hệ diễn ra đối lập một cách lộ liễu: một vẻ đẹp tinh tế của thiên nhiên kề ngay sát những tòa nhà tầm thường đến sửng sốt, hoặc một vùng đất mênh mang như không có giới hạn với thứ kiến trúc nghèo nàn đặt trên đấy…

Câu chuyện trong ảnh của Tettamanti có thể là chuyện về dùng đúng hay dùng sai đất đai. Đó có thể là chuyện một đô thị ngổn ngang hay những nhà máy, xưởng thợ làm xuống cấp vùng đất, xâm hại vẻ đẹp của nó. Đó cũng có thể là chuyện về con người đã biết sống hài hòa và thích nghi với thiên nhiên. Đất bị con người “nhào nặn” cũng ngang với đất nhào nặn lại con người.

Necaxa, Mexico, 2007

 

Công việc và sự tìm kiếm của Tettamanti rất giống với nhiếp ảnh thám hiểm của miền Tây nước Mỹ hồi thế kỷ 19, khi những vùng đất trước đó chưa được khai phá bỗng mở ra cho sự tưởng tượng về thị giác, nhờ chiếc máy ảnh.

Ngày nay, khi công nghệ và toàn cầu hóa khiến cho những văn hóa xa xôi nhất cũng có thể vươn tới được, các tác phẩm của Tettamanti vẫn mang tính phát hiện, soi rọi. Với anh, rất giống như với những người tiên phong của thế kỷ 19, nhiếp ảnh vẫn là một phương thức để hiểu thế giới, vẫn giữ được sức mạnh đến kinh ngạc, với những hình ảnh vượt lên khỏi tưởng tượng thông thường của chúng ta.

Qaqortod, Greenland, 2004

 

Joël Tettamanti sinh năm 1977 ở Efok, Cameroon, và lớn lên ở Lesotho rồi Thụy Sĩ. Anh học nhiếp ảnh ở trường Lausanne, với các thầy Pierre Fantys và Nicolas Faure. Sau đó, anh làm trợ lý cho nhiếp ảnh gia Guido Mocafico ở Paris. Tettamanti có cuộc sống ổn định nhờ làm nhiếp ảnh gia truyền thông và thương mại cho các khách hàng như Wallpaper*, Kvadrat, và các kiến trúc sư thế giới. Tác phẩm của anh từng có mặt tại nhiều triển lãm đơn và nhóm tại châu Âu, và từng là chủ đề cho nhiều chuyên khảo, thí dụ Local Studies (2007) và Davos (2009). Anh hiện sống ở Lausanne.

 

*

Bài liên quan:

– Tettamanti: Chụp hành động của con người nhưng không thấy người
– Đến Việt Nam, Tettamanti đã phải chụp người

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả