Khác

100 ông tượng của Antony Gormley 08. 08. 10 - 6:02 pm

Lê Quảng Hàm lược dịch

 

Ông tượng thứ 100 của Antony Gormley vừa được đặt xong vào vị trí đã định

 

Vào hôm thứ Bảy, ngày 31. 7. 2010, ông tượng thứ 100 của nhà điêu khắc hàng đầu Anh quốc, Antony Gormley, đã đáp xuống đúng vào vị trí lắp dựng nhờ máy bay trực thăng, chính thức “khai trương” cuộc triển lãm sắp đặt quy mô lớn vô cùng độc đáo có tên gọi Horizon Field (tạm dịch: “Bãi chân trời”) tại vùng miền núi Vorarlberg ở Áo – một dự án nghệ thuật được thực hiện trong khuôn khổ liên kết với Kunsthaus Bregenz (nhà văn hóa thành phố Bregenz).

Dự án Horizon Field bao gồm 100 ông tượng được đúc bằng gang có kích thước như người thật, được lắp đặt trên một diện tích trải rộng 150 km vuông. Cho đến nay, đây là dự án đầu tiên của loại hình nghệ thuật này “can thiệp” vào vùng núi lớn nhất nước Áo. Các tác phẩm sẽ đứng sừng sững trên dãy Alps trong vòng hai năm trời. Trong thời gian đó, chúng sẽ dãi gió dầm mưa, tiếp xúc với các yếu tố tự nhiên, môi trường, các điều kiện ánh sáng thay đổi theo mùa, do đó có thế sẽ bị biến đổi hay bị xâm thực, ăn mòn, oxy hóa,…và vì thế, chúng cho phép du khách liên tục có những nhận thức mới và ấn tượng mới khi đứng trước các tác phẩm này vào những thời điểm khác nhau.

Một trong số 100 ông tượng của Antony Gormley trên dãy Alps

 

Xét theo phương nằm ngang, 100 ông tượng được bố trí sao cho có cùng độ cao 2.039 mét so với mực nước biển. Các ông tượng được gắn vào những bệ đỡ (xi măng cốt thép) có khoảng cách khác nhau, từ vài chục mét đến hàng km, tùy thuộc vào địa hình, và nhìn về mọi hướng, không bao giờ đối mặt với nhau. Một số ông được lắp đặt ở những địa điểm du khách có thể đi bộ tới gần hoặc trượt tuyết ngang qua vào mùa đông. Những ông khác chỉ có thể được ngắm nhìn từ các vị trí thuận lợi nhất định.

Theo tác giả, dự án Horizon Field muốn đặt ra một câu hỏi lớn: Trong trường hợp nào một dự án nghệ thuật của con người là thích hợp với tiến trình tiến hóa của sự sống trên hành tinh? Các tác phẩm tạo nên một khu vực rộng lớn (một trường) mà những người sống và/hoặc đến thăm vùng này đều phải động não, phải bận tâm tới không gian lắp đặt và khoảng cách giữa các ông tượng trong tư thế tĩnh lặng. Và dĩ nhiên, cả khách bộ hành, những người leo núi hay các nhà trượt tuyết cũng là những người sẽ tham dự vào bối cảnh này như một bộ phận chính thức của dự án.

Dự án nghệ thuật sắp đặt này ghi nhận những kết nối sâu sắc giữa xã hội loài người với lãnh thổ địa lý, giữa cảnh quan thiên nhiên với ký ức con người.

Bản đồ địa hình mô tả vị trí lắp dựng tượng của Antony Gormley trên vùng núi Vorarlberg thuộc dãy Alps

 

Kunsthaus Bregenz với các dự án nghệ thuật ngoài trời

Trong 13 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, nhà văn hóa Kunsthaus Bregenz (KUB) đã trở thành một trong những cơ sở triển lãm hàng đầu về nghệ thuật đương đại của Áo. Với các triển lãm và dự án của mình, Kunsthaus Bregenz đã đề cập tới những thách thức của thời kỳ hiện tại trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu. Hơn nữa, hoạt động nghệ thuật của Kunsthaus Bregenz, đặc biệt là các dự án ở vùng núi Vorarlberg đã đóng góp mạnh mẽ cho việc phát huy bản sắc văn hóa của khu vực miền núi trên dãy Alps của nước Áo.

Trước đây, các dự án nghệ thuật ngoài trời ở vùng núi Vorarlberg đã được các nghệ sĩ đương đại hàng đầu thực hiện như: Amish Kapoor (2003), Kenny Holzer (2004), Janet Cardiff (2005), và Michael Craig-Martin (2006) ở Johanniterkirche tại Feldkirch, cũng như các tác phẩm Signataur 02 của Gottfried Bechtold tại đập nước Silvretta Dam mà KUB đã mua đứt cho bộ sưu tập của mình, bên cạnh đó là một số dự án xenon [chiếu sáng] của nghệ sĩ người Mỹ Jenny Holzer (2004), một hình thức nghệ thuật chiếu hắt các văn tự kích thước lớn lên các tòa kiến trúc và di tích tự nhiên (ví dụ như nhà thờ khu giáo xứ cũ ở Lech hoặc mặt tiền bằng đá của Kansfluh). Tại Diễn đàn Văn hóa Áo, New York, 2005, với ý tưởng “Inside the Work” (tạm dịch: “Bên trong tác phẩm”, KUB đã được đánh giá là một tổ chức giáo dục nghệ thuật có uy tín trong bối cảnh quốc tế.

Dự án Horizon Field, phù hợp với loạt hoạt động nghệ thuật ngoài trời của KUB, đã bắt đầu triển khai sự can thiệp của nghệ thuật vào môi trường không gian công cộng tại vùng núi Vorarlberg – một trong những miền rẻo cao có phong cảnh đẹp nhất vùng Vorarlberg thuộc dãy Alps của nước Áo.

Du khách nằm chơi trên núi ngay sát chân một pho tượng

 

Kinh nghiệm của Dự án Horizon Field

Năm 2007, sau khi ý tưởng về dự án Horizon Field hình thành, các khu vực dự kiến lắp đặt tượng bắt đầu được khảo sát, nhà văn hóa Kunsthaus Bregenz (do ngài Eckhard Schneider làm giám đốc) bắt đầu một chiến dịch thông báo rộng lớn tới các nhóm đối tượng cư dân khác nhau – những người có thể bị ảnh hưởng trong khi triển khai dự án, bao gồm cả những cộng đồng dân cư riêng lẻ, các hiệp hội du lịch, những cơ quan bảo vệ môi trường, các tổ chức bảo tồn cảnh quan và những người khác về kế hoạch phát triển của dự án Horizon Field.

Một bức tượng của Antony Gormley trên dãy Alps nhìn từ trên xuống

 

Nhìn từ phía sau

 

Nhìn từ bên trái

 

 

Tất cả 34 chủ sở hữu tài sản trong vùng, trong số đó có 12 cộng đồng nông nghiệp (một số họ có tới vài trăm cổ đông), đều đã hết sức cởi mở, hiểu biết, thông cảm, và sẵn sàng cống hiến vô tư cho cộng đồng khi họ đồng chấp thuận để dự án triển khai sắp đặt các tác phẩm điêu khắc trong vùng lãnh địa và/hoặc liên quan tới lợi ích của mình. Horizon Field sẽ không thể tồn tại và phát triển được nếu không có những cuộc đối thoại cởi mở và mang tính xây dựng như vậy trong một mạng lưới chằng chịt những nhóm lợi ích khác nhau.

Tác giả – Điêu khắc gia Antony Gormley

Điêu khắc gia Anh quốc Antony Gormley (sinh năm 1950) trong hơn 25 năm qua đã kiên trì sáng tạo làm sống lại hình tượng con người trong điêu khắc thông qua những tác phẩm khảo sát triệt để thân thể người như một đối tượng/nơi chốn vừa có thể biến đổi và lưu giữ ký ức; (điêu khắc đương đại/hậu hiện đại thường có xu hướng “phanh thây” hay “thú hóa”, “lạ hóa” thân thể con người trong những tác phẩm điêu khắc còn đôi chút “biểu hình người” – ND). Ông sử dụng cơ thể chính mình làm chủ đề, công cụ, và chất liệu cho điêu khắc của mình.

Từ năm 1990, ông mở rộng mối quan tâm của mình tới những hoàn cảnh mà con người có thể khám phá tập thể và mối quan hệ giữa bản thân với những người khác/cá thể khác trong một quy mô rộng lớn, ví dụ như các tác phẩm Allotment, Another Place, Critical Mass, Domain Field, và Inside Australia. Càng ngày ông càng trình làng những tác phẩm gắn liền với những hệ thống năng lượng đồ sộ, những khu vực địa lý ngoài trời thênh thang và các môi trường trung gian chứ không còn để ý lắm tới khối lượng và thể tích của tượng, điều đó có thể thấy rất rõ trong những tác phẩm Another Singularity, Blind Light, Clearing and Firmament.

Antony Gormley bên pho tượng thứ 100 tại dãy Alps

 

Gần đây nhất, ông đã tiến hành dự án nghệ thuật ngoài trời rất nổi tiếng có tên là One & Other, kéo dài 100 ngày liên tục. Có tới 2.400 người, đại diện cho các khu vực khác nhau trên Vương quốc Anh, đã đăng ký và đến quảng trường Trafalgar ở London tham gia vào dự án này: mỗi người trong số họ đã dành một giờ đồng hồ đứng trên một bệ tượng để trống (bệ tượng thứ Tư của quảng trường Trafalgar) và làm bất kỳ điều gì họ muốn.

Các tác phẩm của Antony Gormley đã được trưng bày rộng rãi trên khắp Vương quốc Anh với các triển lãm cá nhân tại London như ở Whitechapel, Tate và Hayward Galleries, Bảo tàng Anh quốc (British Museum) và nhiều nơi trên thế giới như tại Bảo tàng Louisiana của Humlebaek, Corcoran Gallery of Art ở Washington DC, các bảo tàng Malmö Lonsthall và Museet Moderna ở Stockholm, Kunsthaus Bregenz ở Áo và Antigua Colegio de Sal Ildefonso tại Mexico City. Ông cũng đã tham gia nhiều triển lãm nhóm tại  Venice Biennale, Italy và Documenta ở Kassel, Đức.

Antony Gormley đã nhận được Giải thưởng Turner năm 1994, Giải thưởng về Nghệ thuật Thị giác của South Bank năm 1999 và được Nữ hoàng Anh trao tặng huân chương cao quý của Đế chế Anh (Order of the British Empire, OBE) vào năm 1997. Năm 2007 ông được trao Giải thưởng Bernhard Heiliger về điêu khắc. Ông là Hội viên danh dự của Viện Kiến trúc sư Hoàng gia Anh, của Trinity College (Cambridge) và Jesus College (Cambridge) và đã trở thành Viện sĩ Hoàng gia từ năm 2003.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:55 Sunday,19.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhìn nhé:
'Antony Gormley bên pho tượng thứ 100 tại dãy Alps...'

Sao bẩu các ông tượng của An-tô-ni Gớm-lì đúc bằng cỡ bo-đì thật của nghệ sĩ mà nhà cháu thấy rõ là bo-đì ông-tượng cùng các cơ-quan-đoàn-thể trên bo-đì ông-tượng hoành-tá-tràng ăn đứt kích-cỡ người-mẫu.

Có vẻ như các nghệ làng Tây cũng nhiễm thói-tật thích-khoái tố-điêu năng-khiếu mới lạ
...xem tiếp
16:55 Sunday,19.8.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
Nhìn nhé:
'Antony Gormley bên pho tượng thứ 100 tại dãy Alps...'

Sao bẩu các ông tượng của An-tô-ni Gớm-lì đúc bằng cỡ bo-đì thật của nghệ sĩ mà nhà cháu thấy rõ là bo-đì ông-tượng cùng các cơ-quan-đoàn-thể trên bo-đì ông-tượng hoành-tá-tràng ăn đứt kích-cỡ người-mẫu.

Có vẻ như các nghệ làng Tây cũng nhiễm thói-tật thích-khoái tố-điêu năng-khiếu mới lại rất hãnh-hão khuếch-chương-phồng-đại bản thân kích-cỡ-số-đo của một số bộ-phận 'nhạy-cảm' in hệt nhiều nam-phụ-lão-ấu-nghệ-ẩu làng TA.

Em-chã ghê gớm ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả