Điện ảnh

LINCOLN: phim thông minh cho người yêu sự thông minh 03. 04. 13 - 6:57 am

Nguyễn Thế Tuấn

Poster phim Lincoln

 

Có những nghệ sĩ mà tên tuổi của họ ‘gắn liền với chất lượng’, phim nào có tên của họ là nó đã có một chuẩn mực, một phong cách nhất định. Số nghệ sĩ này vô cùng hiếm. Đạo diễn Spielberg là một trong số ấy, diễn viên Daniel Day Lewis cũng thuộc danh sách này. Kinh khủng hơn, phim Lincoln (từng nhận nhiều đề cử Oscar nhất năm nay) có cả Spielberg lẫn Daniel Day Lewis. Chưa cần xem, chỉ mới nghe thôi là đã mê mẩn, hồi hộp chờ. Xem rồi lại càng phải công nhận rằng tác phẩm rất hay, nó đã vẽ nên một chân dung vô cùng sống động và đầy chất nghệ thuật của một trong những vị tổng thống vĩ đại và được tôn kính nhất nước Mỹ – Abraham Lincoln.

Bối cảnh phim diễn ra sau khi Lincoln được đắc cử tổng thống, cuộc nội chiến Nam Bắc đang có dấu hiệu kết thúc với sự đầu hàng của quân Liên Minh miền Nam, Lincoln đưa ra hạ viện Tu Chính Án 13 với nội dung chính là xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng người da đen khỏi xiềng xích đã tồn tại hơn 200 năm tại Mỹ. Ngay trong chiến dịch tranh cử, Lincoln đã bày tỏ lập trường rõ ràng về chế độ nô lệ, cho rằng nó thiếu đạo đức, và hoàn toàn trái ngược với ý chí của Chúa.

Ngay khi được tin những người miền Nam sẽ đến đầu hàng, Lincoln đã đưa Tu Chính Án ra Hạ viện nhằm chiếm được đủ số lượng phiếu thuận để thông qua trước khi mọi người biết rằng chiến tranh đã kết thúc. Thực hiện bước đi này, Lincoln đã làm được một công đôi việc: vừa có thể thông qua Tu Chính Án thứ 13 nhằm bãi bỏ chế độ nô lệ, vừa chấm dứt được chiến tranh Nam Bắc trong hòa bình.

Daniel Day Lewis trong một cảnh của phim.

 

Lincoln diễn thuyết trước đám đông.

 

Bộ phim không phải là một thiên tiểu sử, trải dài suốt thời kỳ Lincoln làm tổng thống, mà mô tả ông vào giai đoạn bản lĩnh chính trị của ông ở mức độ cao nhất, sự thông minh được vận dụng mạnh mẽ và quyết đoán nhất, với sự từng trải của một luật sư tài năng, nắm rõ được bản chất con người.

Vốn là con của một gia đình nông dân nghèo và không được đi học, tất cả vốn kiến thức của Lincoln đều do tự học và tự đọc rất nhiều. Lincoln trong phim là một người từng trải, với nhiều câu chuyện kể trong nhiều tình huống khác nhau, là người trả lời cho vấn đề mà người khác đặt ra, hoặc để thể hiện quan điểm của mình một cách rõ ràng và trực diện nhất (chẳng phải chúng ta đang thiếu những mẫu người như thế sao?). Đây chính là “trích đoạn” gay go nhất trong cuộc đời Lincoln, đến nỗi tướng Ulysses S. Grant đã nhận xét “chỉ sau một năm mà trông ngài như già đi thêm 10 tuổi”.

Kịch tác gia Tony Kushner chuyển thể nên một kịch bản đầy chất thơ từ cuốn tiểu sử Team of Rivals, với những câu thoại thông minh sắc sảo, khiến câu chuyện xung quanh bản Tu Chính Án thứ 13 không còn khô khan, mà thay vào đó quyến rũ, đầy sức hút. Mặc dù thoại rất nhiều, và đôi khi ngôn từ chính trị hơi khó hiểu, tuy nhiên đây là một bộ phim dành cho những người thông minh và yêu thích sự thông minh. Bạn sẽ gặp lại những trích dẫn nổi tiếng mà Lincoln đã nói trong cuộc đời thật của ông, những câu chuyện ông thường kể trong mỗi cuộc họp, hoặc cách ông trả lời một vấn đề gì đó.

Phim không chỉ nói về Tu Chính Án, mà còn nói về cuộc sống cá nhân của Lincoln với Mary Todd, người vợ luôn trách cứ ông về cái chết của một trong ba người con trai của họ. Đó là một người vợ thông minh, cứng đầu, vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa là một nhân tố quan trọng giúp cho sự thành công của Lincoln vừa lại khiến cho cuộc sống gia đình của một vị tổng thống vĩ đại cũng đầy những xung đột thường gặp của các đôi vợ chồng bình thường. Xem phim, bạn sẽ thấy vai trò quan trọng của các bà đệ nhất phu nhân như thế nào.

Lincoln và vợ, bà Mary Todd (Sally Field).

 

Mặc dù bối cảnh là trong lúc cuộc chiến Nam Bắc đang tiếp diễn, nhưng những cảnh chiến đấu khá ít, phần lớn cảnh phim xoay quanh Nhà Trắng và phòng họp Hạ viện, với những cuộc vận động hành lang, sự thông minh sắc sảo của Lincoln. Kịch bản tài tình, lại thêm góc máy thông minh của nhà quay phim, đạo diễn hình ảnh Janusz Kaminski (vốn đã hợp tác nhiều lần với Steven Speilberg). Khung cảnh phim không chỉ đẹp mà còn nhiều ẩn ý. Nhà Trắng được quay chủ yếu là cảnh nội, ánh sáng yếu, tạo cho ta cảm giác nặng về với những toan tính chính trị đang đè nặng lên những người đứng đầu nước Mỹ, chiến tranh, hiến pháp… Lincoln hiện ra trong mọi góc quay đều đúng như chúng ta vẫn thấy trong các bức ảnh chân dung của ông trên mạng, hoặc đâu đó trên sách báo… Tôi đặc biệt thích cảnh cuối cùng, khi Tu Chính Án được thông qua, máy quay để trong nhà ngược sáng quay hắt ra ban công, nơi Lincoln và đứa con trai út đang nhìn ra ngoài đường, một cảnh quay quá tuyệt, thể hiện một cách giản dị, bằng một hình ảnh đầy thuyết phục, về sự điềm đạm của vị tổng thống sau khi một kế hoạch lớn được thành công.

Lincoln ra sức thuyết phục những thành viên bảo thủ ủng hộ bộ luật bãi bỏ chế độ nô lệ.

 

Tommy Lee Jones cũng rất suất xắc trong vai nhà lãnh đạo Thaddeus Stevens của đảng Cộng Hòa.

 

Và sẽ hoàn toàn thiếu sót nếu bỏ qua diễn xuất tuyệt vời không thể chê ở bất cứ điểm nào, hoàn toàn xứng đáng với một tượng vàng Oscar cho vai chính xuất sắc nhất Daniel Day-Lewis. Sau khi xem xong phim, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhà sản xuất Kathleen Kennedy khi bà nói rằng “hàng ngày bạn sẽ phải giật mình nghĩ rằng Lincoln đang ngồi đó ngay trước mặt bạn” (wiki). Lincoln của Daniel Day-Lewis hoàn toàn khớp với những gì ta nghĩ về Lincoln. Diễn xuất này là một sự hóa thân hoàn hảo: khuôn mặt cương nghị, tình cảm, giọng nói cao, truyền cảm, mạnh mẽ và đầy sức hút, cử chỉ thân thiện và thái độ hòa đồng với tất cả mọi người, tinh thần quyết đoán, tự tin và vô cùng thông minh. Mọi thứ toát ra từ Daniel Day-Lewis mà như thể toát ra từ con người vĩ đại Lincoln. Mọi lời khen có lẽ đều dư thừa… Ban đầu vai diễn này được nhắm cho Liam Neeson – diễn viên vô cùng ưa thích của tôi, và tôi có đôi chút luyến tiếc khi ông đã quyết định không tham gia nữa. Nhưng sau khi xem xong phim này, tôi đã không còn tiếc nữa, vì tôi ngờ rằng Neeson chưa chắc đã làm được tốt như Daniel Day-Lewis; tôi nghĩ vậy một cách thực lòng.

Ngoài ra, bạn không thể bỏ qua âm nhạc hàn lâm của John Williams – một trong những nhà soạn nhạc cho phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Nếu là một người mê điện ảnh thực sự, bạn hoàn toàn khó có thể tìm được điểm yếu của bộ phim, khó có thể tìm được những hạt sạn khiến cho tác phẩm có đôi chút thiếu sự thích thú khi thưởng thức. Nhưng nếu là một nhà lịch sử, am tường về lịch sử nước Mỹ cũng như tiểu sử Lincoln thì khác, chắc sẽ có nhiều tranh cãi… Đối với tôi, trong thể loại phim chân dung một nhân vật, đây có lẽ là một trong những tác phẩm hay nhất tôi từng được xem.

Ý kiến - Thảo luận

13:26 Thursday,4.4.2013 Đăng bởi:  admin

Sửa rồi đấy Dim ơi!


...xem tiếp
13:26 Thursday,4.4.2013 Đăng bởi:  admin

Sửa rồi đấy Dim ơi!

 
13:11 Thursday,4.4.2013 Đăng bởi:  Dim
Bài giới thiệu phim tuyệt vời với một người chưa xem phim. Soi có thể đổi giúp tác giả chữ "diễn suất" thành "diễn xuất" ở đoạn thứ 2 từ dưới lên không?
...xem tiếp
13:11 Thursday,4.4.2013 Đăng bởi:  Dim
Bài giới thiệu phim tuyệt vời với một người chưa xem phim. Soi có thể đổi giúp tác giả chữ "diễn suất" thành "diễn xuất" ở đoạn thứ 2 từ dưới lên không? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả