Chiếu phim

Không thể bỏ lỡ: KON-TIKI tại Cà phê thứ Bảy, có Bá Vũ thảo luận 21. 03. 13 - 12:58 pm

Thông tin từ Cà phê Thứ Bảy

 

 

Giới thiệu bộ phim KON-TIKI (Na Uy), đạo diễn JOACHIM ROENNING và ESPEN SANDBERG, trong chuyên đề NHỮNG BỘ PHIM NÓI TIẾNG NƯỚC NGOÀI được đề cử Oscar lần thứ 85 vừa qua.

Vào 20g, thứ Bảy 23. 3. 2013 tại salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy,
Lầu 1, Trung Nguyên Coffee, 19B Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM

*

Phim có phụ đề tiếng Việt
Trước buổi chiếu có phần giới thiệu phim. Sau buổi chiếu có thảo luận
Chủ trì:  Đạo diễn Bá Vũ, cây bút chuyên viết về điện ảnh
Do số ghế có hạn, xin liên hệ trước cho anh Duy Thăng số điện thoại: 01217799316
 
Mong anh chị và các bạn tới tham dự
Hân hạnh được đón tiếp

*

Để góp phần cho việc thưởng thức khi xem bộ phim và thuận tiện cho việc trao đổi  sau phần chiếu phim, xin gửi đến anh chị và các bạn bài viết của đạo diễn Bá Vũ:
 

KON-TIKI – “QUẢ BOM TẤN” CỦA NA UY

Kon Tiki dưới nét vẽ của Mumtoad

 

Năm 1951, Na Uy lần đầu tiên đoạt giải Oscar ở hạng mục phim Tài liệu hay nhất với bộ phim Kon-Tiki.  Đến giờ đó vẫn là giải Oscar duy nhất của Na Uy…

Kon-Tiki – Niềm tự hào Na Uy

Thor Heyderdahl (1914 – 2002) là một nhà nhân chủng học và thám hiểm gia người Na Uy. Ngay từ khi còn trẻ Thor đã bộc lộ niềm yêu thích các cuộc thám hiểm để kiểm chứng các giả thiết về nhân chủng học. Năm 1947, Thor thực hiện chuyến du hành nổi tiếng nhất của mình trên chiếc bè mang tên Kon-Tiki (thần mặt trời Inca, theo thổ dân Peru) để chứng minh rằng 1.500 năm trước, người da đỏ Inca ở Peru đã vượt biển đến định cư tại những hòn đảo thuộc Nam Thái Bình Dương chứ không phải từ châu Á như các thuyết trước đó.

Thor ngoài đời

Thor cùng với 5 người bạn đã sử dụng một chiếc bè được chế tạo bằng vật liệu tự nhiên như thổ dân Peru ngày xưa, chứ không nhờ tới sự trợ giúp của bất cứ phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nào. Hầu hết những người thời đó đều cho đây là chuyến đi tự sát: Chỉ 1 trong số 6 người trên bè có kinh nghiệm vượt biển. Thậm chí “bè trưởng” Thor còn không biết bơi. Thứ hiện đại duy nhất trên bè là một chiếc radio thu phát hai chiều “nghiệp dư”.

Chiếc bè của Thor trên biển

Xuất phát từ Peru, sau 101 ngày lênh đênh trên biển, nhóm du hành của Thor đã tới đích ở Quần đảo Tuamotu ngày 7. 8. 1947. Tổng cộng chiếc bè đã vượt qua quãng đường hơn 6.980 km, và chứng tỏ rằng người da đỏ Nam Mỹ hoàn toàn có khả năng thực hiện những chuyến đi tương tự trong quá khứ. Cuốn sách ghi chép về chuyến đi có tên Hành trình Kon-Tiki của Thor sau này đã được dịch ra trên 50 thứ tiếng khác nhau, còn Thor và chuyến hải hành lừng danh ấy đã trở thành niềm tự hào của Na Uy.

Đặc biệt Thor và nhóm du hành có mang theo máy quay phim 16mm để ghi lại chuyến hải hành lịch sử. Những thước phim quý giá ấy sau này đã được chính Thor sản xuất và đạo diễn thành bộ phim tài liệu lấy tên của chiếc bè Kon-Tiki. Với Kon-Tiki, Thor lại tiếp tục mang vinh quang về cho đất nước với giải Oscar cho phim tài liệu xuất sắc nhất năm 1951.

Năm 2002, Thor Heyderdahl qua đời ở tuổi 87 vì u não. Chính phủ Na Uy quyết định tổ chức quốc tang cho nhà thám hiểm vĩ đại đã làm rạng danh cho đất nước. Ở Na Uy từ thập niên 1950 đã có Bảo tàng Kon-Tiki, trong đó hiện vật quý giá nhất là chiếc bè Kon-Tiki trứ danh của Thor Heyderdahl.

Chiếc bè của Thor trong bảo tàng

 

60 năm sau, Kon-Tiki lại căng buồm ra khơi!

Lần này Kon-Tiki chính thức được lên màn ảnh rộng, trong một xuất phẩm điện ảnh tốn kém nhất trong lịch sử điện ảnh Na Uy. Từ năm 1996, nhà sản xuất kỳ cựu người Anh từng đoạt giải Oscar (The Last Emperor), Jeremy Thomas – qua lời giới thiệu của ngôi sao Michael Douglas – đã quan tâm đến những cuộc phiêu lưu vì lịch sử nhân loại của Thor: “Tôi từ lâu đã muốn tái hiện câu chuyện về chuyến hải trình lạ thường và liều lĩnh của Thor, và tôi rất mong được làm bộ phim này với những nhà làm phim thú vị của Na Uy”.

Nhưng mãi đến cuối thập niên 2010, dự án phim về người anh hùng quốc gia của Na Uy mới được chính thức triển khai. Bộ phim Kon-Tiki được Viện Phim Na Uy hỗ trợ nhiều nhất từ trước tới nay. Hội đồng phim Anh Quốc cũng tài trợ cho quá trình phát triển dự án. Bộ phim cũng được tài trợ bởi gia đình nhà xuất bản Stenersen ở Oslo (Na Uy) – nơi cho ra đời những cuốn sách của nhà thám hiểm Thor Heyerdahl.

Các nhà sản xuất của bộ phim đã không gặp khó khăn khi tìm tiền tài trợ ở Na Uy, những nước khác ở vùng Scandinavi và ở châu Âu. “Chúng tôi tìm được nguồn tài chính ở khắp mọi nơi mà chúng tôi đến. Tại Na Uy, Thor Heyerdahl là một phần của di sản quốc gia, và cuốn sách và bộ phim tài liệu nói về chuyến thám hiểm Kon-Tiki khiến ông nổi tiếng khắp năm châu. Đó cũng là một lợi thế to lớn khi chúng tôi phát hành bộ phim ra khắp thế giới”, nhà sản xuất Aage Aaberge cho biết. Hãng Nordisk Film Production AS của Na Uy, và hãng phim Recorded Picture Co. của Anh đồng sản xuất với một loạt hãng khác. Kinh phí sản xuất của Kon-Tiki vào khoảng 15.5 triệu USD, được quay tại 6 nước gồm: Na Uy, Thụy Điển, Bulgari, Malta, Thái Lan và quần đảo Maldives.

Một cảnh trong phim

 

Hai năm cho một siêu phẩm điện ảnh

Bộ phim do Petter Skavland viết kịch bản, và được đạo diễn bởi “cặp bài trùng” danh tiếng nhất của điện ảnh Na Uy hiện nay: Joachim Rønning và Espen Sandberg. Năm 2008, bộ đôi này từng thực hiện một bộ phim hết sức thành công về Max Manus, người anh hùng huyền thoại thời Thế chiến thứ 2 của Na Uy. Đã có khoảng 1,3 triệu người Na Uy (trong tổng số dân chỉ khoảng 5 triệu người) đổ xô tới rạp để xem phim Max Manus. Joachim Rønning và Espen Sandberg hy vọng chỉ cần một nửa trong số khán giả của Max Manus đi xem Kon-Tiki là đã quá hạnh phúc rồi.

Một cảnh trong phim

Vai chính Thor Heyerdahl được nam diễn viên Na Uy Pål Sverre Hagen đóng, không chỉ vì ngoại hình của anh trông rất giống Heyerdahl, mà bởi anh được đánh giá là một diễn viên rất thông minh lanh lợi, luôn tìm tòi đào sâu những nhân vật mà anh đóng. Pål Sverre Hagen đã nghiên cứu rất nhiều và đã có những cuộc thảo luận bàn bạc với các thành viên của gia đình Heyerdahl về Thor.

Kon-Tiki được sản xuất từ năm 2010. Các nhà làm phim đã đi ngược lời khuyên của nhiều người, khi quyết định quay phần lớn những cảnh đại dương trên đại dương thật chứ không phải trên bối cảnh dàn dựng. Quay phim trên biển là “cơn ác mộng” của bất cứ ai. Nhưng hai đạo diễn Joachim Rønning và Espen Sandberg nhấn mạnh rằng: “Đương đầu với những thử thách khi quay trên đại dương sẽ thực sự tăng cường sức mạnh cho bộ phim”, như Thor ngày xưa đã từng khẳng định: “Đại dương không phải là những rào cản, mà là những con đường”.

Mất khoảng 2 năm để cho ra đời bộ phim Kon-Tiki. Trong đó thời gian quay mất ba tháng rưỡi – còn nhiều hơn cả chuyến thám hiểm của Thor ngày xưa. Phần lớn thời gian còn lại là công tác chuẩn bị sản xuất tiền kỳ và đặc biệt là hậu kỳ với những hiệu ứng hình ảnh vô cùng khó khăn phức tạp.

Khi xem Kon-Tiki, thật khó có thể tin được là toàn bộ hiệu ứng hình ảnh rất ấn tượng trên phim đều không mang bất kỳ dấu ấn nào từ Hollywood, mà là công sức của 5 công ty kỹ xảo hình ảnh của khu vực Scandinavia. Công việc càng khó khăn gấp bội, khi các nhà sản xuất quyết định quay những cảnh đối thoại hai lần: Một bằng tiếng Na Uy, một bằng tiếng Anh để phát hành quốc tế! Nghĩa là nếu làm 100 kỹ xảo bằng lời thoại tiếng Na Uy, thì cũng phải lập lại đúng như thế khi quay thoại bằng tiếng Anh!

Kon-Tiki được khởi chiếu tại các rạp ở Na Uy tháng 8. 2012, sau khi có một buổi chiếu đặc biệt tại thủ đô Oslo với sự tham dự của Vua Harald và Hoàng hậu Sonja. Bộ phim cũng nằm trong chương trình của LHP quốc tế ở Toronto vào tháng 9 trong mục Special Presentation (Giới thiệu đặc biệt). Chỉ trong một thời gian ngắn trình chiếu tại thị trường nội địa, Kon-Tiki đã đáp lại sự kỳ vọng khiêm tốn ban đầu của hai đạo diễn Joachim Rønning và Espen Sandberg, khi nhanh chóng thu hồi đủ vốn với doanh thu hơn 14 triệu USD, và trở thành bộ phim ăn khách nhất trong năm 2012 ở Na Uy, vượt qua kỷ lục năm 2008 của phim Max Manus!

Ý kiến - Thảo luận

20:49 Friday,22.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Cảm ơn Nghiêm Toàn! Thôi thì ra Hàng Bạc mua cho nhanh vậy!
Nhân thể có ai biết cuốn "Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blad" đã được dựng phim chưa nhỉ? Truyện này mà lên phim thì hoành tráng phải biết, rất nhiều những pha hải chiến với những thuyền buồm châu âu thế kỷ 18-19! Bắn nhau
...xem tiếp
20:49 Friday,22.3.2013 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Cảm ơn Nghiêm Toàn! Thôi thì ra Hàng Bạc mua cho nhanh vậy!
Nhân thể có ai biết cuốn "Cuộc đời chìm nổi của thuyền trưởng Blad" đã được dựng phim chưa nhỉ? Truyện này mà lên phim thì hoành tráng phải biết, rất nhiều những pha hải chiến với những thuyền buồm châu âu thế kỷ 18-19! Bắn nhau bòm bòm! Mà mình lại chết mê chết mệt mấy cái thuyền buồm!!!
Tiếc quá Linh Xuyên, bọn mình ở Hà Nội! 
16:43 Friday,22.3.2013 Đăng bởi:  Linh Xuyên
Dạ, thế thì có Cà phê thứ 7 tại TP.HCM chiếu đấy ạ. Mong mọi người qua xem và thảo luận cho vui ạ! :)
...xem tiếp
16:43 Friday,22.3.2013 Đăng bởi:  Linh Xuyên
Dạ, thế thì có Cà phê thứ 7 tại TP.HCM chiếu đấy ạ. Mong mọi người qua xem và thảo luận cho vui ạ! :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả