Bàn luận

U LÀNH TÍNH: Lại “thế này mà là nghệ thuật ư?” 12. 10. 11 - 7:35 am

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

 

Giám đốc l'Espace, người phiên dịch, và các tác giả : Nguyễn Dương Hải Đăng (áo trắng), Hoàng Minh Đức, Ngô Thanh Bắc, Nguyễn Song, Vũ Đức Toàn và Nguyễn Huy An.

 

U LÀNH TÍNH
Triển lãm nhóm

Khai mạc: 18:00 thứ Năm ngày 6. 10. 2011
Triển lãm: 6 – 30. 10. 2011
Trung Tâm Văn hóa Pháp – L’Espace
24 Tràng Tiền, Hà Nội

*

8h tối, l’Espace vẫn mở cửa, nhưng điện cho các tác phẩm đã tắt. Những chiếc bao vải đen của Huy An nằm xẹp lép vì những chiếc quạt lồng trong đó không quay. Dưới gầm cầu thang của sảnh l’Espace, Gió như những vật dụng đang làm dở dang của một người thợ nào đó của trung tâm. Lén cắm sợi dây điện vào ổ cắm, những chiếc quạt quay vù vù, những chiếc túi phồng ra như những con mối chúa nhưng màu đen. Vẫn không có gì đẹp hơn, hoặc có ý nghĩa hơn. Vẫn như một trò nghịch của trẻ nhỏ.

"Gió" của Nguyễn Huy An

Gần đó, trên một bức tường khá sát cửa sau của sảnh, là chiếc quần vàng nhạt lồng trong khung kính. Hai ống bám đầy cỏ may, và chiếc T.V kiểu cũ nằm bên cạnh im lìm vì không có điện, không như Soi quảng cáo là chiếu một đoạn phim diễn tả họa sĩ mặc chiếc quần ấy đi vào đồng cỏ may để nó bám vào. Điền dã tháng 10 của Hoàng Minh Đức với lời dẫn “Cái quần tôi mặc, con đường tôi đi và cỏ may” mà bạn có thể thay bằng bất cứ cụm từ nào khác; tỉ dụ: “Cái bút tôi cầm, trang giấy tôi viết, và những nét chì”, hoặc “Cái áo tôi mặc, cái xe tôi phóng, và những vết bùn”. Khi một thứ có thể thay bằng rất nhiều thứ tương tự, tôi tự hỏi, nó có xứng đáng là sáng tạo không? Với tôi, Điền dã tháng 10 chỉ là một thứ “mot-à-mot” minh họa thô thiển. Cái minh họa đó, khi mất điện, trơ thon lỏn cái quần, lại càng đáng thương – thương cho tác giả, được vào đến l’Espace rồi mà vẫn không tận dụng cơ hội đó để làm một cái gì cho nó xứng.

"Điền dã tháng 10" của Hoàng Minh Đức

Giữa sảnh là một khối to những bê tông và giả bê tông xám xịt. Giảm xóc của Ngô Thanh Bắc có lẽ nên mời những người thợ xây dựng đến xem để ít nhất trong đời có một lúc họ bớt tự ti: những người được gọi là “nghệ sĩ” hóa ra không khác gì họ mấy. Họ – trong lúc lao động – cũng có thể làm ra những thứ như vậy. Tiếc là họ thiếu một sự tự tin, một sự hoang tưởng, một dũng khí để tự gọi mình là nghệ sĩ, và gọi những “đống” kia là tác phẩm. Đặt một đống bê tông giữa sảnh, l’Espace có lẽ đang kiểm nghiệm lại ý nghĩa của câu truyện cũ “Ông vua cởi truồng” – và đó có thể cũng là một phần mục đích của những triển lãm kiểu này ở cái xứ này. Mong rằng không phải như thế. Nếu như thế thì thật đáng giận.

"Giảm xóc" của Ngô Thanh Bắc

Gần cửa ra vào, Cái bánh của Nguyễn Song tiếc thay đã ngả màu và lên mốc nhè nhẹ, tỏa một mùi chua chua khó ngửi. Đó cũng có thể là mục đích của tác giả – cho thấy tiến trình biến đổi của tác phẩm. Nhưng phải thừa nhận là Cái bánh khác xa với những bức ảnh trên Soi chụp hôm khai mạc. Không có sự tương phản giữa mềm và cứng, ăn được-không ăn được… như trong những bức ảnh đó. Clê, đinh, vít… bị sơn nâu bóng, không nhìn ra được rõ, chỉ là một khối nhân nâu nâu rất bình thường, tầm thường. Nằm đó, bẹp dí, Chiếc bánh ở ngoài đời sao mà vô nghĩa, ngó ra ngoài cửa l’Espace là một con phố trung tâm nhất, mâu thuẫn nhất của thủ đô: cho đến giờ này mà vẫn là một căn cứ địa của quốc doanh! Nhìn ra ngoài đường, tôi tự hỏi vì sao nghệ sĩ Việt Nam không bao giờ bắt kịp nhịp sống điên đảo của thời đại này?  Cuộc sống có lẽ không gây cảm hứng hay xúc động gì cho họ? Họ cứ vơ vẩn với những thứ vô nghĩa, nhạt nhẽo, riêng tư mà tưởng là có tính triết học cao.

… Quay vào lại, trên tường, Màn hình chờ của Hải Đăng vẽ một màn hình T.V mà bạn vẫn thấy mỗi lúc chờ buổi chiếu. “Sự vô nghĩa là nguồn cảm hứng của tôi” – Nguyễn Dương Hải Đăng viết một câu có vẻ ngông nghênh nhưng có lẽ là một thực tế: khi không nghĩ ra cái gì thì tốt nhất cứ tuyên bố là ta tôn thờ sự vô nghĩa. Vô nghĩa luôn luôn là một từ đắt – một chiếc khiên che chắn cho những sự bế tắc. Hãy bỏ câu tuyên bố này của Hải Đăng đi xem, bức tranh của anh còn lại gì? Ít ra nó dễ chịu hơn những thứ vừa điểm qua, vì nó đơn giản là thế đấy: trong cái sảnh buồn bã vào lúc 8h của l’Espace, Màn hình chờ là một điểm trang trí vui mắt của màu sắc.

"Màn hình chờ" của Nguyễn Dương Hải Đăng

Nhưng hình như ở đây có vấn đề về bản quyền? Nếu ai đó có thấy cấu trúc của Màn hình chờ là “ổn” thì hãy nhớ rằng: đó không phải là công của Hải Đăng. Đó là thiết kế mà hệ thống truyền hình đã chọn từ mấy chục năm nay: hãy nhớ là khi làm một màn hình chờ, những kỹ sư của đài cũng đã phải vắt óc để nghĩ ra một thứ hiện lên cho hàng triệu người nếu không dùng để chỉnh màu thì cũng có thể nhìn chòng chọc vào trong lúc đợi phát chương trình mà không cáu. Đó thực sự là một “tác phẩm” của cả hệ thống truyền hình. Hải Đăng nên ghi rõ bản quyền vào đây, hơn là để một bản vẽ chì/bi đen trắng bên cạnh, gọi là bản vẽ kỹ thuật của tác phẩm, như những phác thảo kỹ thuật Da Vinci vẫn vẽ, khiến người ta tưởng là sáng tác của anh.

Màn hình chờ của đài truyền hình

Nhân đây lại xin so sánh với Loretta Grayson. Cô là một người hồi bé thích màn hình chờ. Nhìn chăm chăm vào đấy để đợi chương trình sắp phát, cô thấy đằng sau sự câm lặng của màn hình ấy là cả một thế giới ly kỳ sắp hiện ra. Cô có hẳn một series màn hình chờ, lấy cảm hứng từ sự bất động màn hình. Loretta Grayson có thể chỉ là một người vẽ xoàng xoàng, sống bằng bán đồ thủ công, vui với công việc dạy vẽ và tham gia các hoạt động tại tỉnh nhà. Cô không xưng mình là nghệ sĩ. Nhưng cô tưởng tượng và mộng mơ như một nghệ sĩ. Từ cái tưởng như vô nghĩa, cô tìm ra điều có nghĩa, chứ không bưng nguyên xi điều vô nghĩa và gọi là “tác phẩm”.

Tranh của Loretta Grayson lấy cảm hứng từ màn hình chờ T.V

"Test Pattern Trees" tranh lấy cảm hứng từ màn hình chờ - Loretta Grayson

 

… Cuối cùng, ngăn với khu vực giải khát của l’Espace là chiếc mành Bột lọc của Vũ Đức Toàn. Những chiếc phong bì được xử lý công phu, hình như đã được nhúng qua một lớp sáp mỏng (tôi không dám sờ, chỉ dám dí mắt vào nhìn và đoán), khiến chúng mỏng manh nhưng lại mang một vẻ “bất khả xâm nhập” của những bí mật trinh trắng. Tuy nhiên tác phẩm quá mỏng. Dễ thương nhưng mỏng, như rất nhiều tác phẩm của nghệ sĩ trẻ Việt Nam; như rất nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam.

"Bột lọc" của Vũ Đức Toàn

Đi hết một vòng, hoang mang, bèn ngồi xuống một cái ghế trong khu giải khát, nhìn ra sảnh, chỉ thấy một không gian nát tươm, chẳng có tính nghệ thuật gì cả, hoặc là tính nghệ thuật theo quan niệm của những người thường. Dù đã nhồi những mệnh đề bí hiểm của nghệ sĩ vào đầu, dù đã cố “quán triệt” lời giải thích đăng trên Soi của ông giám đốc l’Espace về thứ nghệ thuật trực tiếp này, tôi vẫn chẳng thấy gì hay ho và có cái nào đáng gọi là “tác phẩm” (trừ Bột lọc của Vũ Đức Toàn).

Đọc tới đây, rất có thể nhiều “nghệ sĩ” sẽ mắng um cả lên, như trong rất nhiều cuộc bàn luận mà người chê vẫn bị mắng – mắng người thường không biết gì về nghệ thuật; rằng nghệ thuật có ranh giới tinh vi, chênh vênh lắm, mi không hiểu đâu, đừng có bàn luận. Vâng, tinh vi, tinh tế, mỏng manh, nhưng cứ tưởng dưới ánh sáng mặt trời cái gì cũng là bình đẳng chứ! Sao có những thứ được gọi tên rất dễ, không ai thắc mắc, thí dụ, như thấy một bãi rác bên đường thì trăm người như một đều gọi là “rác”, không ai đứng lại trăn trở, bảo vệ rằng đó không phải là “rác”, mà là “hoa” chẳng hạn. Nhưng lại có những thứ thì lại khăng khăng không cho người khác gọi thẳng tên, và vĩnh viễn bắt phải chấp nhận chúng được quyền sống trong một vùng lừa mị của rác rưởi và nghệ thuật, thậm chí nếu gọi đó là “rác”, bạn có nguy cơ bị mắng là “dốt” và “hẹp hòi”!

 

*

Bài liên quan:

– U LÀNH TÍNH
– Khai mạc U LÀNH TÍNH: Tưởng là ngầu mà hóa quá lành

– U LÀNH TÍNH: Lại “thế này mà là nghệ thuật ư?”

Ý kiến - Thảo luận

13:48 Saturday,15.10.2011 Đăng bởi:  shit om
Mít Tuốt đòi Phương Giò giải thích làm giề! Phương Giò chỉ là nhân viên làm giò chả cho các cuộc khai mạc của Om thôi, biết gì đâu mà nghệ thuật với chả ý niệm (à, chả thì biết! he he).
Trên Soi dạo này lắm kẻ cãi nhau kiểu này nhể: tung ra một câu xong rồi ú ớ không biết giải thích. Có ai hỏi thì bảo em là nông dân chứ em có hiểu nghệ thuật đâu.
Đã nhận l
...xem tiếp
13:48 Saturday,15.10.2011 Đăng bởi:  shit om
Mít Tuốt đòi Phương Giò giải thích làm giề! Phương Giò chỉ là nhân viên làm giò chả cho các cuộc khai mạc của Om thôi, biết gì đâu mà nghệ thuật với chả ý niệm (à, chả thì biết! he he).
Trên Soi dạo này lắm kẻ cãi nhau kiểu này nhể: tung ra một câu xong rồi ú ớ không biết giải thích. Có ai hỏi thì bảo em là nông dân chứ em có hiểu nghệ thuật đâu.
Đã nhận là không hiểu thì đừng có ăn theo nói leo cho nó rối loạn diễn đàn, làm mất tập trung đi. Nhở? 
13:07 Saturday,15.10.2011 Đăng bởi:  phuonggio
Tôi làm nông dân thôi.:) Chẳng hiểu nghệ thuật ý niệm là nghệ thuật gì. Mà sao ban Mít Tuốt cứ thích mình giải thích ý nhỉ. Mà bạn cũng dễ bị kích động quá đấy.
...xem tiếp
13:07 Saturday,15.10.2011 Đăng bởi:  phuonggio
Tôi làm nông dân thôi.:) Chẳng hiểu nghệ thuật ý niệm là nghệ thuật gì. Mà sao ban Mít Tuốt cứ thích mình giải thích ý nhỉ. Mà bạn cũng dễ bị kích động quá đấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

U LÀNH TÍNH: Lại "thế này mà là nghệ thuật ư?"

Canvas - Ảnh dùng lại của Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả