Bàn luận

Một đặc san quá “luxury”
của trường mình, viện mình? 19. 03. 12 - 12:36 pm

Bài và ảnh: Viễn Thị

(Ghi lại những ý chính trong buổi lễ và kỷ niệm 10 năm – đặc san Nghiên cứu mỹ thuật).

Hồi hộp mãi, buổi sáng ngày 15 cũng đến để được dự một chương trình tọa đàm về giai đoạn 10 năm đầu tiên của một đặc san chuyên ngành mỹ thuật. Mình không phải người sáng tác nhưng vì yêu mỹ thuật nên tranh thủ dịp được tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.

 

Thạc sĩ Trần Hậu Yên Thế

Buổi lễ được bắt đầu bằng lời giới thiệu của thạc sĩ Trần Hậu Yên Thế với những lời lẽ nghe rất quen. Hình như đó chính là những lời mình được đọc trên Soi. Tiếp theo, anh giới thiệu PGS. nhà giáo nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân lên phát biểu.

 

Họa sĩ Lê Anh Vân

Ông Vân nói ngắn ngọn, khẳng định đặc san là một “dấu ấn của lịch sử mỹ thuật Việt Nam“. Ông cho rằng đặc san đã kế thừa được tinh hoa học thuật của nước nhà, được “người yêu mến mỹ thuật yêu mến, ủng hộ“, nêu được “những vấn đề học thuật quan trọng nhất, giới thiệu được những sáng tác mỹ thuật mới mẻ nhất”. Ông nhấn mạnh: “Dù khiêm tốn, chúng ta cũng phải tự hào là chất lượng của đặc san ngày càng phong phú, trình bày ngày càng trang nhã, tinh tế, sang trọng“. Về cuốn tiếng Anh, (ông gọi là cuốn “Vờ nu pha” (tên nguyên của cuốn này là “VNUFA”), ông Lê Anh Vân cho rằng đó là một thành công của Ban biên tập, cuốn này là “tài liệu quan trọng” cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam nói chung, mỹ thuật Việt Nam nói riêng và theo ông, người nước ngoài nào thực sự muốn tìm hiểu như vậy phải tìm đến VNUFA. Ông cho biết, cả bản tiếng Việt và tiếng Anh đều được phát miễn phí đến “đối tượng ưu tiên” là các bảo tàng, thư viện, gallery, những nhà nghiên cứu uy tín trong cả nước và trên toàn thế giới.

 

Ông Lương Xuân Đoàn

Tiếp theo là ông Lương Xuân Đoàn, họa sĩ, Vụ phó Vụ Văn nghệ – Ban Tuyên giáo TW. Ông khằng định, đặc san đã “âm thầm” làm được một việc là “chưa ai khẳng định thì tôi khẳng định, chưa ai phát hiện thì tôi phát hiện” những cái mới xuất hiện trong mỹ thuật. Như vậy, giúp cho nghệ sĩ trẻ tự tin hơn để dấn bước. Khi nghệ sĩ trẻ còn phân vân lựa chọn giữa các đường hướng sáng tạo thì đặc san như một người đồng hành, tác động nhanh vào những thay đổi của mỹ thuật Việt Nam (ý này của ông thật trừu tượng). Ông nhấn mạnh đặc san cần phải được phát triển thành tạp chí và cần được phổ biến rộng hơn chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi trường hoặc giới họa sĩ.

 

Ông Phan Thanh Bình

Đến lượt ông Phan Thanh Bình được giới thiệu là PGS. Tiến sĩ, hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật Huế. Ông này cho rằng lần đầu tiên được đứng phát biểu trước nhiều cây đa, cây đề trong giới nghiên cứu mỹ thuật ở đất Bắc nên ông run và nhiều xúc cảm. Ông nói đại ý: lần đầu tiên được cầm tờ đặc san, cảm thấy hình như nhà trường muốn tờ này khác hẳn với các dạng báo, tạp chí khác hay sao đó… Sau, ông đọc các số tiếp theo và thấy tự hào vì cảm nhận được sự phát triển của nhà trường thông qua “bóng dáng của tờ đặc san”. Ông thấy “đặc san đầy ắp thông tin, đầy ắp tính học thuật” nên ông “thấy mình bé nhỏ trước sức nặng của đặc san”. Ông thấy đặc san thật “quý giá”. Về cuốn tiếng Anh, ông được gửi tặng 5 bản và đã tặng lại 4 bản cho các đối tác đại học đến từ Thái Lan, Anh, Pháp, được người ta “chú ý và đánh giá là có nội dung quan trọng”. Ông cảm thấy rất “vui, hạnh phúc” vì có được trong tay một cuốn đặc san bổ ích.

 

Ông Nguyễn Việt

Ông Nguyễn Việt, giám đốc trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, cộng tác viên của mảng Mỹ thuật truyền thống và ứng dụng. Ông cũng nhất trí cho rằng phải phát triển lên thành tạp chí, vì chữ “đặc san” nghe có vẻ “tạm bợ, không chính thức”. Đánh giá về chất lượng, ông cho rằng “đặc san đã vượt qua nhiều tờ tạp chí của các trường đại học, viện nghiên cứu chẳng hạn như Viện Khoa học Xã hội. Ông đánh giá đặc san “chỉ dưới tờ Heritage của Hàng không Việt Nam” (tiếc là ông không nói rõ là “dưới” về khía cạnh nào, nhưng mình đoán là cả về trình bày và nội dung), ông tiếp tục: “… nhưng tờ Heritage có ít nhất 30% diện tích sàn là dành cho quảng cáo, trong khi đặc san của chúng ta lại không cần viện đến quảng cáo, như vậy, lượng thông tin của đặc san lớn hơn, và có nội dung tốt”. Ông xin cảm ơn đến các thành viên trong Ban biên tập đã “lăn lộn vì vẻ đẹp, nội dung và thành công của đặc san”.

 

Ông Trần Đoàn Lâm

Ông Trần Đoàn Lâm, nguyên giám đốc nhà xuất bản thế giới, người được MC (anh Trần Hậu Yên Thế) giới thiệu là “nhân vật đồng hành cùng cuốn tiếng Anh VNUFA và đặc san suốt năm 10 qua”. Ông cho rằng cuốn này “có tính học thuật cao, tương đương với tiêu chuẩn quốc tế“. Riêng về bản tiếng Anh VNUFA, ông kể là do tính học thuật cao nên việc dịch ra tiếng Anh các bài viết chọn từ đặc san để làm VNUFA rất vất vả, có những từ mà chuyên gia dịch cùng người hiệu đính, biên tập phải thống nhất là để nguyên tiếng Việt và kèm thêm giải thích bằng tiếng Anh chứ không thể tìm được từ, thuật ngữ tiếng Anh tương đương. Ông thấy mình học được nhiều điều từ việc làm VNUFA, học được thêm vốn từ tiếng Anh, học được các kiến thức từ bài viết… Ông hi vọng là đặc san sớm được phát triển thành tạp chí và khi đó, ông sẽ “hân hạnh” giới thiệu tạp chí này đến với bạn đọc quốc tế bên cạnh các tờ tạp chí ngoại văn khác của Việt Nam.

 

.

Sau những phát biểu trên, thạc sĩ Trần Hậu Yên Thế tuyên bố kết thúc phần Lễ, các đại biểu nghỉ giải lao và tiếp sau sẽ là phần tọa đàm. Lúc này, mình mới tranh thủ ngắm kỹ cái tấm phông của chương trình. Cái số 0 trong số 10 được trình bày thật khéo, mấy đường cắt trắng bên trong tạo thành chữ “y”, không biết có phải ngụ ý là “year” trong tiếng Anh không, nếu phải vậy thì quả là một cách design đậm tính chất “tranh thủ diện tích” của nhiều người Việt nhà mình . Trong vòng tròn đó lại có con trâu với hai mắt thao láo, thêm chú chim đậu trên đầu. Cô bạn đi cùng tán là con trâu cũng phải trố mắt mà nghe biết bao lời ngợi ca từ bấy đến giờ! Chuẩn!

 

.

Tới giờ tọa đàm, hội trường vắng nhiều. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế mời ba vị trong Chủ tịch đoàn lên vị trí của họ trong bàn chủ tọa, từ trái sang là Tiến sĩ, họa sĩ Lê Văn Sửu, PGS, nhà giáo nhân dân, họa sĩ Lê Anh Vân, trưởng ban Nghiên cứu mỹ thuật cổ của Viện Mỹ thuật – nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Phong. Nhưng sau đó, mình thấy đoàn chủ tịch này không làm một việc gì khác như thông lệ của chủ tịch đoàn (mời người lên phát biểu, mời người thảo luận, có ý kiến, nhắc nhở nếu quá giờ phát biểu,…) mà mọi công việc này đều do anh Yên Thế đảm nhiệm. Chủ tịch đoàn chỉ có hai việc như người ngồi dưới là nghe ý kiến và tranh thủ nói chuyện riêng…

 

Ông Dương Trung Quốc

Ông Dương Trung Quốc được mời lên đầu tiên, ông được họa sĩ Yên Thế giới thiệu là giáo sư – nhà sử học. Ông Quốc đính chính ngay là “tôi hiện giờ không còn là giáo sư nữa”. Mọi người cười vui (họa sĩ Yên Thế này có vẻ rất trân quý học hàm học vị, ai cũng thấy anh giới thiệu đầy đủ học hàm, học vị, chức danh!, toàn giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ… Thật ngại cho thứ nhỏ mọn như mình khi chen chân vào đây…). Ông Dương Trung Quốc thật khéo khi tránh không đề cập thẳng đến nội dung đặc san hoặc đặc san này phải làm gì… Ông nói (dễ nghe) rằng, nếu coi sản phẩm này là một tài sản của nhân dân đồng thời là món quà cho bạn bè quốc tế thì vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Đặc san được bao cấp nên cần được đầu tư chiều sâu và công chúng của nó cần phải được tôn trọng, hướng đến chứ còn nó là đặc san hay tạp chí thì không quan trọng. Ông nêu ví dụ, xưa, có những cuốn chỉ ở dạng bulletin (thông báo) nhưng có giá trị thông tin, lịch sử, học thuật cho đến tận bây giờ và sau nữa. Tờ đặc san này nên lấy chúng làm “nguyên mẫu”, giữ cho được cái “cốt cách hàn lâm” của mình, chứ không nên lấy thị trường làm thước đo hoặc “hàn lâm hóa” thị trường. Ông kết thúc dí dỏm: báo hàng ngày được gọi là nhật báo, hàng tuần là tuần báo, hàng tháng gọi là nguyệt san, còn tờ đặc san này ra 3 tháng/kỳ thì gọi là “quý báo”, tuy nhiên cách nói của ông khiến mọi người hiểu chữ “quý” ở đây là “quý giá”, “quý hóa” chứ không chỉ là “quý trong năm”.

 

.

Tiến sĩ Lê Văn Sửu (ngồi ngoài cùng, bên trái), thành viên Ban biên tập, phụ trách mục Mỹ thuật giáo dục, phát biểu khá dài dòng về sự phát triển của chuyên mục này kể từ khi nó được đối tên từ Tìm hiểu mỹ thuật. Theo ông, mục này phổ cập kiến thức về mỹ thuật và giáo dục rất rộng, từ bậc tiểu học đến đại học, đặc biệt, người đọc không chỉ được có thêm kiến thức cần thiết mà còn được giúp “nâng cao nhân cách và kỹ năng sống”.

 

Ông Trần Thức

Người được giới thiệu là nhà nghiên cứu mỹ thuật lão làng, ông Trần Thức. Đây là người đầu tiên cầm giấy lên bục và nói ông đã viết thành hẳn một bài. Ông cho rằng đặc san “đẹp, bắt mắt, sang trọng, đúng tinh thần của thời hội nhập” và khiến ông liên tưởng đến cuốn Connaissance des Arts của Pháp mà thời trước, ông Nguyễn Đỗ Cung khi còn làm Viện trưởng, từng liên hệ mua cho nhân viên đọc qua Xunhasaba. Rồi ông chuyển qua nói về tình hình chung của thế giới, từ các mối quan hệ xã hội cho đến thay đổi trong tư duy, nhận thức của con người, dẫn nhiều ý kiến từ sách báo nước ngoài khiến cho hội trường ồn ào hẳn (vì mất thời gian và lạc đề, mình đoán thế). Họa sĩ Yên Thế đã phải ghé tai ông, nói gì đó… ít phút sau, ông bảo không muốn làm mất thì giờ của mọi người và để kết thúc, ông nhấn mạnh: làm gì thì làm, mục đích là “tri thức – sáng tạo – đạo lý“!”

 

Ông Nguyễn Hải Phong

Tiếp theo, Trưởng ban nghiên cứu mỹ thuật cổ là nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Phong, được mời lên diễn đàn. Với tư cách là người biên tập mảng mỹ thuật cổ, anh đề cập luôn đến việc còn chưa có nhiều bài viết nghiên cứu mỹ thuật cổ ở dạng nghiên cứu so sánh giữa mỹ thuật cổ của Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới, để từ đó nhận diện được sự khác biệt, đặc sắc của mỹ thuật cổ Việt Nam. Đây có lẽ là người đầu tiên nói đến khía cạnh chưa làm được của đặc san này, sau rất nhiều lời ngợi khen từ đầu buổi lễ đến giờ… Anh cũng cho rằng các bài viết, công trình nghiên cứu mỹ thuật cổ liên ngành cần phải được quan tâm hơn nữa, ví dụ như có sự phối kết hợp với viện khảo cổ học trong việc nghiên cứu các dấu ấn nghệ thuật ở Hoàng Thành Thăng Long chẳng hạn, qua đó, diện mạo mỹ thuật cổ sẽ hiện ra với nhiều điểu khác biệt, chi tiết và toàn diện hơn. Đây là vấn đề mà các nghiên cứu viên của Viện hướng tới. Anh cũng đánh giá vai trò của đặc san trong việc hỗ trợ giảng dạy của nhà trường, việc sinh viên và giảng viên kết hợp viết bài nghiên cứu là rất tốt.

 

Ông Nguyễn Đỗ Bảo

Đến lượt ông Nguyễn Đỗ Bảo. Ông nhận là sẽ có một số phát biểu “khó nghe”. Ông cho rằng, trước cuốn đặc san, Việt Nam chưa có cuốn tạp chí nào về nghệ thuật mà vừa đẹp vừa có giá trị. Đến khi có cuốn này, ông cũng nhận thấy là tình hình phát triển mỹ thuật cũng có ảnh hưởng từ đời sống hay sao ấy nên trong đặc san, thấy phần viết về mỹ thuật cổ mạnh hơn về mỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, theo ông, trong phần này có một số bài đưa ra những dẫn chứng “hơi khó tin, viết dài dòng, câu bất thành cú”. Phần tư liệu thì hay nhưng nhìn chung, phần lý luận của đặc san chưa được bao nhiêu. Ông mở rộng liên hệ là Viện Mỹ thuật – nơi thực hiện tạp chí này – đến nay đã có 50 năm lịch sử mà chưa làm được nổi bộ sách về Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, rõ ràng là do trình độ lý luận chưa được nâng cao. (Nghe ông phát biểu mình đâm lo, không biết các hội thảo sau này người ta còn dám mời ông đi không).

 

Ông Lương Hồng Quang

Tiếp theo là ông Lương Hồng Quang, Viện phó Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật. Ông nhận mình không phải là dân mỹ thuật nhưng nhận được giấy mời nên đến. Ông tiếp tục nhắc đến việc cần phải đưa đặc san lên thành tạp chí để khẳng định vị trí. Theo ông, phần “đạo” là chất lượng và phần “đời” là vị trí trong xã hội, thế nên cần phải cân bằng giữa đạo và đời. Theo ông, đặc san hiện chú trọng, nhấn mạnh vào giáo dục mỹ thuật nhưng trong bối cảnh hiện nay, thương mại và tổ chức công việc cho một nghệ sĩ là rất quan trọng. Chính vì thế, cần phải có chuyên mục là “quản trị mỹ thuật”, giúp cho nghệ sĩ biết cách làm thế nào để lập được một hồ sơ xin tài trợ dự án, đưa nghệ thuật ra với thị trường… Ông cũng cho rằng, nếu có mục này, chắc chắn sẽ có nhiều người cộng tác viết bài! (Mình thấy hay quá, nghĩa là có nhiều người hiểu về lĩnh vực này ở Việt Nam đấy chứ nhỉ, mà sao thị trường mỹ thuật của ta còn èo uột vậy? Hay là đang có một thị trường ngầm mà mình không biết?…)

 

Trần Hoàng Ngân

Một bạn sinh viên từng có bài đăng trong đặc san tên là Trần Hoàng Ngân, sinh viên khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật năm thứ năm. Bạn nói mình tiếp thu được rất nhiều kiến thức từ đời sống và phát kiến phục vụ học tập, mở rộng hiểu biết mỹ thuật. Theo bạn, đặc san “vô cùng giá trị”. Bạn “vô cùng vinh dự” khi có bài được đăng trên đặc san và việc đó giúp bạn tự tin hơn. Nhiều người hỏi bạn là làm thế nào để có được cuốn đặc san này, câu trả lời là hãy lên thư viện của nhà trường và Viện Mỹ thuật, nơi cập nhật những số mới nhất của đặc san và người đọc luôn được phục vụ.

 

Họa sĩ Đức Hòa

Họa sĩ Đức Hòa cũng được họa sĩ Yên Thế mời lên phát biểu, với câu dẫn là “cũng sẽ có những ý kiến rất khó nghe”. Để làm nhẹ hóa nội dung, họa sĩ Đức Hòa mở đầu ý kiến bằng các từ “ước”, như ước rằng hàng năm, đặc san sẽ có đăng tải danh sách các luận văn tốt nghiệp và luận văn cao học của sinh viên, học viên trong trường, trong đó ngoài tên người viết, tên luận văn còn có tóm lược nội dung chính. Cùng với đó là ảnh chụp tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên, học viên cao học. Anh Hòa là người rất thích đọc luận văn của các sinh viên tốt nghiệp, nên hay lân la ở các cửa hàng photocopy để tìm xem có không… Anh cũng ước làm thế nào có thể vào thư viện nhà trường dễ dàng hơn vì anh từng được người có vai vế trong trường dẫn đến thư viện để tìm tài liệu, thế mà còn được nghe những lời “rất khó nghe” của thủ thư… Nói xong ý này, anh đi thắng xuống chỗ ngồi, biểu hiện sự bức xúc vẫn chưa hết. Nghĩa là anh Hòa và bạn Ngân có hai ý kiến trái ngược nhau rồi, không biết có sự phân biệt nam nữ không vậy (Ngân là nữ và trẻ, Hòa là nam và đứng tuổi rùi), hỡi các thủ thư của nhà trường?

 

 

Không khí có vẻ căng thẳng lên đôi chút, nhưng có lẽ cũng muộn, gần 12h trưa, nên ông Lê Anh Vân được mời lên để kết thúc tọa đàm. Ông cho rằng buổi tọa đàm thành công hơn mong mỏi của nhà trường. Ban biên tập của đặc san “ngày nào, tháng nào cũng bàn bạc, trao đổi với nhau về nội dung, chất lượng của đặc san và nhận thấy là các suy nghĩ của chúng tôi cũng rất đồng điệu với các ý kiến trong tọa đàm“. Ông cũng cho rằng, cá nhân ông thấy việc là đặc san hay tạp chí cũng không quan trọng, mà chất lượng bên trong là quan trọng hơn cả. Tuy nhiên việc được thành tạp chí cũng giống như việc được “mặc áo lễ cho đàng hoàng” là một sự phải phấn đấu. Ông “nói thật” là cán bộ của đặc san thì đông nhưng thực chất làm việc còn hạn chế, có những cá nhân phải gánh vác công việc nặng nề trong khi người khác thì làm “mức độ lắm”. Ông bày tỏ sự cảm động vì giờ muộn rồi mà vẫn còn nhiều người ngồi lại góp ý kiến cho đặc san…

 

.

Tóm lại, qua hội thảo này mình thấy:

– Việt Nam ta có một tờ đặc san tuy chỉ trong phạm vi nghiên cứu mỹ thuật nhưng có một chất lượng gần như hoàn hảo (nhưng chúng mình không biết)

– Đặc san này được coi là tương đương tiêu chuẩn quốc tế (tiêu chuẩn nào, của loại tạp chí nào thì không thấy nói ra! Và được như thế mà chúng mình cũng không biết)

– Đặc san này không cần phải bán giá cao (vì đã có nhà nước giàu có của chúng ta tài trợ), chỉ để bỏ vào trong thư viện và phát tận tay miễn phí một số đối tượng (thế là tiền nhà nước chỉ để cho không một số đối tượng?)

– Đặc san này khiến các vị có vai vế trong ngành mỹ thuật tự hào, thậm chí cảm thấy mình nhỏ bé trước nó (thế nhưng sao chúng mình không được biết đến nó?)

– Lâu nay mình vẫn nhận được tạp chí Rob Report, bản tiếng Việt, là một tạp chí về hàng cực xa xỉ nhưng vẫn bán ra ngoài, một tờ giá gần 300.000. May quá mình thuộc dạng được biếu. Nhưng tờ Rob Report xét ra vẫn phải bán, vẫn phải tìm quảng cáo, còn không “oách” bằng tờ đặc san này: không thèm bán, chỉ để cho và tống vào thư viện, mà cũng không thèm quảng bá hay nhận quảng cáo. Thậm chí lập một trang web để post các số đặc san lên cũng không thèm làm. Chỉ các “thành viên” biết với nhau, y như “member” của các câu lạc bộ xì gà vậy. Thế mới gọi là “luxury” chứ. Hỏi có nền mỹ thuật nào được luxury như thế không. (Bạn nào biết tiếng Anh chỉ giùm: trong trường hợp này thì nên dịch lại là “xa hoa” hay “xa xỉ”?)

 

*

Bài liên quan:

– 9g sáng 15. 3: Kỷ niệm 10 năm của một đặc san “du kích”
– Một đặc san quá “luxury” của trường mình, viện mình?
– Phía sau đặc san “luxury”: khi nào mới thôi “du kích”?

– Nói lại với nghiencuumythuat: Có nên ngậm miệng để nhìn sâu hại canh?

– Con Mot Sach gửi Phạm Quốc Trung: Chẳng lẽ chúng tôi bị điên cả sao?

– Gửi Con Mot Sach nhân cuộc chiến giữa cá nhân và tập thể

– Chỉ cần một trang web nhỏ thôi…

– Vài ý kiến vụn đóng góp cùng cộng đồng Soi

 

 

Ý kiến - Thảo luận

0:08 Friday,23.12.2016 Đăng bởi:  nguyen thanh quoc thanh

Tại sao chúng ta luôn phải khen lẫn nhau? và còn phải rất chi là trịnh trọng? "một hôm nọ, chủ lò bánh mỳ gọi tất cả những người thợ lại và hỏi về những chiếc bánh. Bác thợ cả, anh thợ viên, người nhào bột, người canh lửa, kể cả người lau chùi, vệ sinh lò cũng đồng thanh, nhất trí rằng bánh mỳ của lò mình ngon nhất thế giới, có người còn phân tích đ
...xem tiếp

0:08 Friday,23.12.2016 Đăng bởi:  nguyen thanh quoc thanh

Tại sao chúng ta luôn phải khen lẫn nhau? và còn phải rất chi là trịnh trọng? "một hôm nọ, chủ lò bánh mỳ gọi tất cả những người thợ lại và hỏi về những chiếc bánh. Bác thợ cả, anh thợ viên, người nhào bột, người canh lửa, kể cả người lau chùi, vệ sinh lò cũng đồng thanh, nhất trí rằng bánh mỳ của lò mình ngon nhất thế giới, có người còn phân tích đầy tính logic từ thành phần nguyên liệu, dây chuyền sản xuất, cho đến nhân lực trong hãng bánh mỳ của mình (toàn giáo sư,phó giáo sư, cấp bậc thấp nhất như anh lao công thì cũng là thạc sỹ), tổng hợp tất cả yếu tố lại, anh ta kết luận chắc chắn là bánh mỳ không những ngon nhất thế giới mà ngon nhất từ cổ chí kim, tuyệt phẩm, chưa từng có. Mọi người ai nấy đều phấn khởi, hoan hỉ vì lời xác nhận ấy của "đức ngài". Người chủ lò bánh thì vỗ tay không ngừng, ông ta vui, ông ta vẫn vui khi cái lò bánh xuất chúng quy tụ đầy bác học, giáo sư để làm bánh mỳ của ông từ lúc thành lập đến giờ vẫn chưa bán được chiếc bánh nào, 1 chiếc cũng không. Nhưng ông vẫn tiếp tục vỗ tay, vỗ, vỗ, vỗ mãi không ngừng cho các giáo sư làm bánh mỳ đáng kính của ông." Bánh mỳ tuyệt phẩm là để cùng nhau ngắm và cùng khen, rồi cùng liếm mông nhau thôi. Không phải để bán đâu các ông, các bà ạ. Vỗ tay đi, còn chần chừ gì nữa. Toàn chuyên gia, không có gì phải băn khoan về chất lượng sản phẩm đâu. hề hề

 
19:41 Tuesday,14.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
vợ em nó bảo là "các thầy có lòng với mỹ thuật nước nhà lắm" nhưng tư duy còn bao cấp nặng chì.
...xem tiếp
19:41 Tuesday,14.4.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
vợ em nó bảo là "các thầy có lòng với mỹ thuật nước nhà lắm" nhưng tư duy còn bao cấp nặng chì. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả