Gẫm & Bình

Secret Mantra – Mật ngữ trên đất Mỹ 11. 08. 10 - 6:23 pm

Từ FB của họa sĩ Lê Quốc Việt

Triển lãm khai mạc lúc 17h00 ngày 14 tháng 8 năm 2010
Tại: Indochina Arts Partnership, 49 Glen Road, Wellesley, MA 02481.

 

Dự án “Mật ngữ” là một chương trình độc lập từ sau Như thị ngã văn (2008, ArtVietnamGallery) và nhất là Vô ngôn với ZGO5 (2010, ArtVietnamGallery). Thoạt đầu được thực hiện rất nát vụn, và chỉ được hệ thống hóa sau khi nhận được lời mời từ Indochina Arts Partnership do đích thân David Thomas, LanTran bảo lãnh cho chuyến đi đến Boston MA và nhiều bang khác trên đất Mỹ.
Quá trình thực hiện Mật ngữ có sự hỗ trợ của học trò và người giúp việc tại thiền viện Ngọc Quán.

 

Đề dẫn triển lãm sắp đặt Thư pháp “Mật ngữ” (của họa sĩ Lê Quốc Việt)

Những thập niên cuối của thế kỷ 20, tại kinh đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình ngày nay), giới khảo cổ học Việt Nam liên tiếp khai quật phát hiện hàng loạt những cột đá hình bát giác, trên có khắc những bài thần chú (Usnisavijaya dharani) bằng chữ Hán phiên âm tiếng Sanskrit. Theo ghi chép trên những cột kinh này thì Hoàng tử Đinh Khuông Liễn (con vua Đinh Bộ Lĩnh) đã làm 100 cột kinh này dựng ở ngã tư đường, để mọi người qua lại tụng niệm với ước nguyện cầu siêu cho người em đã bị Liễn giết.

Cột kinh tại Bảo tàng.

Quả đúng như lạc khoản khắc trên cột nói Khuông Liễn đã làm 100 cái cột này thì đó cũng là một sắp đặt lớn cách nay 10 thế kỷ.

Tụng niệm thần chú là một trong những phương cách tu hành của Mật giáo, người trì tụng nó có thể đọc nhẩm hoặc đọc to thành tiếng với ước nguyện cầu phúc, cầu siêu hoặc diệt trừ những tội chướng bởi con người tạo ra. Từ tín ngưỡng này, xuất hiện hình thức sùng bái đặc biệt, đó là dựng các cột kinh có khắc các bài thần chú như đã nêu trên.

Thời điểm dựng các cột kinh (979) đến khoa thi chữ Hán cuối cùng (1919), Việt Nam trải ngàn năm sử dụng chữ Hán – Nôm. Từ khả năng sử dụng nó như một thứ chữ chính thống để rồi đoạn tuyệt, và dần trở thành thứ văn tự đã chết là cả một câu chuyện dài lịch sử. Sự bất lực trong khả năng sử dụng văn tự cũng như sự đọc hiểu chữ Hán – Nôm ở Việt Nam ngày nay tương tự như sự bí hiểm khó hiểu của thần chú Mật giáo, không tuân theo mẫu thức của Trung, Nhật và Hàn Quốc.

Xác định được trạng huống mất gốc văn tự của một dân tộc, tôi mạnh dạn thực hành nghệ thuật Văn tự – Thư pháp liên tục trong khoảng mười năm nay, như là một cố gắng ngoại biệt không nằm trong dòng chảy nghệ thuật chủ lưu của Việt Nam. Bằng việc vay mượn và biến thể hình ảnh cột kinh thời Đinh thành những ống phướn chiếu sáng, đồng thời tập trung khai thác hiệu quả thị giác qua nghệ thuật thư pháp chữ Hán được viết lên ống vải, đặc biệt là chữ Nôm – một biệt thể văn tự do người Việt sáng tạo trong quá khứ. Sau đó đặt nó vào trong không gian triển lãm ngoài trời không mặc định là điều triển lãm này hướng tới. Bên cạnh đó, với việc khách mời tham gia trở thành thành phần hữu cơ tạo nên chỉnh thể tác phẩm giữa chuyển động và sắp đặt cũng là điều mà tác giả mong muốn thử nghiệm.

Họa sỹ Lê Quốc Việt đang treo các tác phẩm của mình

Riêng tôi, với góc nhìn phương Đông của người Việt đã mất chữ Hán-Nôm, tôi lại thích đứng từ xa, hồi cố, chiêm ngưỡng chỉnh thể tác phẩm sắp đặt và các bạn – là những người phương Tây nhưng khoác áo dài được trang trí dày đặc kí tự phương Đông.

*

(Thông tin lấy từ FB của họa sỹ và đã được họa sỹ cho phép)

Cột kinh Đinh Liễn tại phòng trưng bày Bảo tàng thành phố Ninh Bình.

Vạt áo "Hải hội" chùa Bút Tháp. Mật ngữ được in trên áo đa phần là Quán Đỉnh và Vãng sinh Tịnh độ Thần chú

Áo cho khách tham dự khai mạc triển lãm "Mật ngữ" là mẫu áo tích hợp giữa áo Hải hội và Minh y (áo mã) Bắc bộ. Thay cho in là viết tay, thay cho mật ngữ Thần chú là những bài thơ chữ Nôm của các tác gia văn học Trung đại Việt Nam. Bài thơ được viết trên áo: "Tiến sỹ giấy" của Tam nguyên Nguyễn Khuyến.

 

“Chẳng hiểu người Mỹ có nghĩ mình cho họ là những vật xác hành táng được phủ trên mình những ký hiệu phương Đông theo ý nghĩa nguyên bản Phật giáo không?” – Họa sỹ chia sẻ.

**

Một số hình ảnh chuẩn bị cho triển lãm:

Ông David và vợ thử áo

Chụp hình kỷ niệm

**

Bài liên quan:

– Secret Mantra – Mật ngữ trên đất Mỹ
Tìm cách kết nối với tổ tiên

Ý kiến - Thảo luận

12:55 Friday,27.8.2010 Đăng bởi:  minh minh
Bạn Nguyễn Đức Long vô minh thì có. Bài tụng niệm tức là có thốt ra miệng (ngữ) chứ đâu phải chỉ viết đâu mà Mật Tự!
...xem tiếp
12:55 Friday,27.8.2010 Đăng bởi:  minh minh
Bạn Nguyễn Đức Long vô minh thì có. Bài tụng niệm tức là có thốt ra miệng (ngữ) chứ đâu phải chỉ viết đâu mà Mật Tự! 
11:42 Friday,27.8.2010 Đăng bởi:  nguyên đức Long
Tên triển lãm đã bị vô minh che lấp nên đúng ra tên triển lãm là MẬT TỰ (nghĩa là bí mật của chữ viết chứ không phải bí mật của lời nói ngôn từ). Thật đáng tiếc cho một nghệ sĩ bị rơi vào ma trận của chữ Hán tự hàng nghìn năm nay.
...xem tiếp
11:42 Friday,27.8.2010 Đăng bởi:  nguyên đức Long
Tên triển lãm đã bị vô minh che lấp nên đúng ra tên triển lãm là MẬT TỰ (nghĩa là bí mật của chữ viết chứ không phải bí mật của lời nói ngôn từ). Thật đáng tiếc cho một nghệ sĩ bị rơi vào ma trận của chữ Hán tự hàng nghìn năm nay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả