Thị trường

Sửa chữa FLOOR BURGER: một cách PR khéo léo và có ích? 23. 04. 13 - 6:32 am

Phạm Phong tổng hợp, dịch

Tủ bánh – loạt điêu khắc mềm của Claes Oldenburg

Vậy là cuối cùng người dân New York cũng đã có cơ hội được “đãi” mắt mình bằng những tác phẩm điêu khắc sơn phết rực rỡ của Claes Oldenburg; đặc biệt là loạt “thực phẩm giả”, lấy từ tác phẩm “The Store” trước kia của ông. Phong cách kỳ quái, lố lăng của Claes Oldenburg phải gọi là “không có tuổi”. Nhưng để giữ được sự lố lăng ấy là cả một kỳ công.

Lấy thí dụ là tác phẩm Floor Burger (Bánh kẹp trên sàn), rất đình đám, làm từ năm 1962, hiện đang được Bảo tàng Nghệ thuật Ontario (AGO) cho bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) mượn để trưng bày. Trước khi lên đường, tác phẩm này đã được đội ngũ của AGO chuẩn bị, bảo trì hết sức nghiêm túc, cẩn thận; lên tận New York City cơ mà!

 

 

Từ giữa năm 2012, đại diện của MoMa đã tới thăm AGO và quyết định xem có cần dặm vá gì cho tác phẩm Floor Burger không. Cuối cùng, mặt sơn của chiếc bánh kẹp là thứ cần phải củng cố.

Nhớ lại, nguồn gốc của tác phẩm này là được AGO mua về đầu 1967 với giá $2,000. Hồi đó, vụ này gây rất nhiều tranh cãi, dù AGO đã có một lời rào đón trước: “Chiếc Hamburger khổng lồ này được mua bằng tiền các quỹ quyên góp, chuyên để mua nghệ thuật đương đại của Mỹ và Canada. Trong lịch sử bảo tàng, chưa bao giờ chúng tôi lấy một xu tiền thuế nào để mua tác phẩm nghệ thuật.”

Ngày mới mua về

 

Vậy mà sinh viên khoa Nghệ thuật thuộc trường Kỹ thuật Trung tâm (Central Technical School) của Toronto vẫn làm một chai tương cà chua cao hơn 4m để phản đối việc AGO mua Floor Burger. Năm mươi sinh viên, thêm các giáo viên, vui vẻ mang cái chai diễu hành trên đường Dundas, trước cửa bảo tàng, và đề nghị tặng không cái chai này cho AGO.

Nhưng AGO đã không nhận. Trong một cuộc phỏng vấn in trên tờ Toronto Telegram ngày 9. 2. 1967, bảo tàng giải thích: “Bảo tàng là nơi lưu lại những thời điểm đột phá khác nhau trong lịch sử. Chiếc bánh kẹp này đại diện cho sự mở đường của Oldenburg vào thể loại điêu khắc mềm. Một bảo tàng có thể bày chiếc máy bay đầu tiên ra đời, nhưng nếu ngày nay ai đó mà làm một chiếc máy bay giống thế, sẽ không bảo tàng nào muốn bày cả.”

Oldenburg thì bình luận về cuộc biểu tình của sinh viên: “Tôi chẳng thấy bị tổn thương gì cả. Tác phẩm của tôi sẽ cũ đi ngay ấy mà. Khi đó các bạn sinh viên có thể sẽ nối gót tôi. Nhưng đúng ra các bạn ấy nên làm (chai sốt cà) bằng thứ gì đó mềm cơ,” ông châm biếm.

Hơn 50 năm sau kể từ ngày được làm ra, và gần 50 năm sau kể từ ngày mua về, chuyên gia bảo tồn Sherry Phillips của AGO đã mở chiếc bánh ra, thực hiện công việc giữa thanh thiên bạch nhật, mời khách tham quan cùng xem và đặt câu hỏi. Cô mất rất nhiều công để phủi bụi, rác rến bám trên bề mặt chiếc bánh. Bước kế tiếp là moi ruột bánh ra, sắp xếp lại; trong ấy là những cục bọt biển và hộp kem. Trong quá trình bảo dưỡng, Sherry Phillips phải làm một bản phân tích về chất sơn, chất tạo màu của tác phẩm.

Ngày đầu tiên mang ra khỏi kho, Floor Burger được đem vào gallery – nơi quá trình bảo tồn diễn ra.

 

Chuyên gia bảo tồn của AGO là Sherry Phillips (giữa) với đại diện của MoMA thảo luận về tình trạng của Floor Burger.

 

Chuyên gia bảo tồn Sherry Phillips nhấc một lớp tác phẩm lên để ngó vào bên trong.

 

Nhìn kỹ hơn.

Và điều ngạc nhiên nhất là gì bạn biết không? Vì phải tách các lớp của tác phẩm, mở những dây kéo ra, Phillips phát hiện đây chính là tác phẩm có tác giả kép: người vợ đầu tiên của Claes Oldenburg là nghệ sĩ chịu chơi Patty đã làm công việc khâu vá này; rất đẹp, rất khéo, đâu vào đó, và các dây kéo thì vô cùng chắc chắn.

Patty và Claes Oldenburg bên chiếc bánh tại studio của họ.

Chuyên gia bảo tồn Sherry thu thập khoảng 1 – 2mm mẫu sơn từ nhiều phần khác nhau của Floor Burger — phần bao dưới đáy, phần nhân, phần bao trên, phần mè rắc… rồi gửi tới Viện Phục chế Canada. Tại đây, các chuyên gia sẽ tiến hành nhiều phân tích khác nhau để xác định loại sơn, chất tạo màu, chụp ảnh các lát cắt.

 

Mục đích việc phân tích này là để biết về kỹ thuật và chất liệu mà Claes Oldenburg đã dùng để tạo ra Floor Burger. Các chuyên gia tại Viện đã dùng kính hiển vi huỳnh quang để nghiên cứu các lát cắt mẫu, và họ thấy có tới 8 lớp sơn. Bức ảnh này cho thấy từ trên xuống dưới là lớp sơn đỏ, kế là lớp sơn cam, hai lớp đỏ nữa, và một lớp nền trắng.

 

Còn Claes Oldenburg là ai, trong bài sau sẽ giới thiệu sơ qua với các bạn…

Ý kiến - Thảo luận

8:27 Tuesday,23.4.2013 Đăng bởi:  candid
Đúng là ở Nhật có thú đi nhòm tủ kính cửa hàng để xem có nhận ra được hàng giả không mà chịu vì giống thật quá. 
...xem tiếp
8:27 Tuesday,23.4.2013 Đăng bởi:  candid
Đúng là ở Nhật có thú đi nhòm tủ kính cửa hàng để xem có nhận ra được hàng giả không mà chịu vì giống thật quá.  
8:26 Tuesday,23.4.2013 Đăng bởi:  TNXP
Bọn Tây đúng là nhố nhăng hết sức
...xem tiếp
8:26 Tuesday,23.4.2013 Đăng bởi:  TNXP
Bọn Tây đúng là nhố nhăng hết sức 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả