Gẫm & Bình

Tranh sơn hay tranh sơn mài? 30. 10. 10 - 9:54 am

Nguyễn Thanh Giang

 

(SOI: Một bài lâu rồi nhưng nhiều thông tin, Soi xin post lại từ website của Hội Mỹ Thuật)

Sông Quê – sơn mài của Nguyễn Ngọc Dũng

Nghệ thuật sơn mài Việt Nam đã trải qua một chặng đường gần 80 năm, từ ngày được hình thành nhờ sự tìm tòi nghiên cứu về chất liệu của lớp họa sĩ khóa đầu trường Mỹ thuật Đông Dương, được thoát thai từ hàng trăm năm nghệ thuật trang trí sơn truyền thống và bước vào nền hội họa Việt Nam với một tên gọi mới thật có ý nghĩa và giản dị là sơn mài.

Đến nay đã có rất nhiều thế hệ họa sĩ vẽ sơn mài, có người được đào tạo chính qui theo chuyên ngành, có người vì yêu thích vẻ đẹp của chất liệu mà đến với nó.

Vào tháng 12 năm 2008, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có tổ chức triển lãm chuyên đề sơn mài, và ngay sau đó đã diễn ra một cuộc hội thảo rất sôi nổi của những người làm nghề xoay quanh việc sáng tác và sử dụng tên gọi cho tranh sơn mài.

Sau gần 8 thập kỷ, kể từ khi sơn mài được hình thành, qua sự phát triển và biến đổi của kỹ thuật và chất liệu, người ta lại có dịp được bàn lại về chính tên gọi của nó. Có nên chăng thay đổi thuật ngữ hay tên gọi cho tranh sơn mài Việt Nam?

Theo ý kiến của họa sĩ Trần Khánh Chương thì nguyên liệu của tranh sơn mài là dùng nhựa cây sơn ta và nên đưa ra nhiều quan niệm mới hơn khi vẽ tranh ngoài các kỹ thuật đã có.

Truyền thống cần được gìn giữ và phát huy nhưng nếu giữ gìn truyền thống một cách bảo thủ thì nghệ thuật sơn không thể phát triển được. Ví dụ như tranh sơn dầu, nếu chỉ dừng lại ở thời kỳ Phục Hưng, lấy tiêu chí nhẵn, phẳng thì sơn dầu không phát triển như ngày nay được.

Sơn Nhật cũng là một chất liệu sơn và nên gọi tên nó là sơn Nhật. Dùng chất liệu sơn ta thì nên gọi tên là tranh sơn ta.

Ý kiến của họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng: sơn ta từ nghệ thuật trang trí đến nghệ thuật tạo hình rồi lại trở về nghệ thuật trang trí nhưng ở tầng cao hơn và phải đẩy nghệ thuật trang trí lên tới đỉnh cao là nhiệm vụ của người họa sĩ sơn mài. Có lẽ nên gọi là tranh sơn hay sơn Phú Thọ (tức là tranh sơn ta) để phân biệt giữa chất sơn của mình với chất sơn các nước bạn.

Có ý kiến lại cho rằng “lý tưởng nhất của sơn mài là mài” và phải giữ thuật ngữ sơn mài là vì lý do đó. Khi mài cũng là vẽ, và mài tạo cho sự thay đổi cảm hứng sáng tạo.

Gọi là tranh sơn mài vì nhất định phải mài ra mới thấy hết hiệu quả. Tranh sơn mài Việt Nam khác với các tranh của Trung Quốc ở điểm này, mang tính độc đáo, tính dân tộc của Việt Nam, càng không giống như cách vẽ sơn dầu ở các nước Tây Âu khác.

Theo ý kiến của một nghệ nhân sơn mài, cũng có thể chia làm ba dòng tranh: tranh sơn Phú Thọ, tranh sơn Nhật và tranh sơn Điều cho thật rõ ràng, dựa trên chất liệu mà người họa sĩ chọn. Người vẽ sẽ tự tìm đến chất liệu sơn nào phù hợp khi sáng tác.

Xuân đầu thế kỷ – sơn mài của Trần Văn Bình

Qua cuộc hội thảo nói trên và thu thập ý kiến trao đổi rộng rãi của các nghệ sĩ và nhà phê bình mỹ thuật, có thể nêu tóm tắt như sau về ưu thế của tranh sơn mài:

Về nguyên liệu và kỹ thuật thể hiện:
– Sơn mài sử dụng nhựa sơn và các chất màu trong tự nhiên như son, vàng, bạc, xà cừ, vỏ trứng, đem lại cảm thụ độc đáo mà các chất liệu công nghiệp không thể sánh được.
– Kỹ thuật thể hiện của sơn mài phức tạp và công phu hơn các thể loại khác. Người vẽ phải dự tính kỹ càng, tính toán tỉ mỉ, phải vẽ rất nhiều lớp để cuối cùng kết thúc bằng thao tác mài, để có được sự ẩn hiện của các lớp màu phong phú. Chính sự thể hiện công phu này cũng góp phần làm nên giá trị của tranh.

Về hiệu quả nghệ thuật:
– Tranh sơn mài có màu sắc trầm ấm và đằm thắm.
– Đặc điểm riêng về màu sắc cùng với đặc điểm về chất liệu làm cho sơn mài vừa thuần hậu lại vừa sang trọng, vừa mang tính dân tộc rõ nét vừa gần gũi với xu thế đương đại.
– Tranh sơn mài Việt Nam đã hình thành một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, đầy ảo giác lung linh. Hơn nữa “sơn ta trở thành một phương tiện độc lập diễn tả tâm hồn nghệ sĩ…, diễn đạt đời sống bên trong con người nghệ sĩ” (Tô Ngọc Vân).

Trong quá trình phát triển, nghệ thuật sơn mài đã có những bước cải tiến quan trọng:
– Từ một số màu hạn hẹp, sơn mài giờ đây đã có một dải màu đa sắc hơn, từ gam nóng đến gam lạnh.
– Các chất liệu truyền thống được bảo tồn nhưng phương pháp sử dụng chất liệu đa dạng hơn trước.
– Cách mài tranh không nhất thiết phải mài nhẵn hoàn toàn mà tùy thuộc vào hiệu quả nghệ thuật của tranh.
Những cải tiến này giúp nghệ sĩ sơn mài ngày càng thỏa mãn được khát khao về biểu hiện sức sáng tạo trong một thể loại nghệ thuật được đánh giá là độc đáo trên thế giới.

Tuy nhiên, tranh sơn mài cũng có những hạn chế nhất định so với các thể loại khác:
– Nguyên liệu sơn mài ràng buộc chặt chẽ phương pháp diễn đạt và biểu hiện nghệ thuật.
– Kỹ thuật làm tranh và qui trình chế tác phức tạp, sự thể hiện tranh tốn nhiều thời gian và công sức.
– Nguyên liệu đắt đỏ, trong khi giá tiêu thụ tác phẩm không cao hơn nhiều so với các thể loại khác.
Những hạn chế này đã khiến không ít họa sĩ cảm thấy tương lai của nền nghệ thuật này có phần ảm đạm trong sự giao động sóng gió của thị trường.

Hoa ly – sơn mài của Lê Văn Thìn

Từ thực tế trên, không ít người đã có cách ứng xử tiêu cực trong sáng tác tranh sơn mài. Xuất hiện tranh “sơn giả” thay cho sơn mài: Dùng cách vẽ bột màu phủ PU, dùng thiếc thay bạc cựu, dùng nhũ giả thay vàng.

Tranh sơn giả có thể bóng bẩy, hào nhoáng nhưng mất đi chiều sâu đằm thắm và duyên dáng của sơn mài truyền thống. Về độ bền của tác phẩm, tranh sơn giả cũng có tuổi thọ ngắn hơn tranh sơn mài truyền thống.

Song, công bằng mà nói, tranh sơn Việt Nam ở giai đoạn hiện nay cần được xem xét toàn diện ở nhiều khía cạnh. Những tranh tuy không sử dụng nguyên liệu sơn ta truyền thống, những nguyên liệu đắt tiền, vẫn có chỗ đứng của nó. Bởi lẽ, giá trị của tác phẩm nghệ thuật không chỉ được khẳng định ở việc sử dụng nguyên liệu và biện pháp kỹ thuật mà còn được khẳng định ở các giải pháp tạo hình, đặc biệt là sự tổng hòa các quan hệ giữa bố cục, hình tượng, màu sắc và những dạng chất trên bề mặt tranh.

Bản chất nghệ thuật là khám phá, tác phẩm sơn mài “phi truyền thống”, như sử dụng nguyên liệu sơn Nhật chẳng hạn, nếu giải quyết tốt được những mối quan hệ trên thì vẫn có thể mang lại hiệu quả nghệ thuật trừ một tiêu chí là nó không được chế tác công phu và dùng nguyên liệu quí hiếm giống như sơn mài truyền thống.

Nguyễn Đức Toàn – Múa lân, 1995, sơn mài trên gỗ

 

Như vậy, bên cạnh tranh sơn mài được chế tác theo phương pháp truyền thống là loại tranh đã được xếp đẳng cấp cao của nghệ thuật tranh sơn, những tranh sơn thể loại khác (mài và không mài toàn bộ) vẫn có thể làm cho nghệ thuật tranh sơn của ta phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nghệ thuật.

Các họa sĩ hiện nay có thể dùng vóc vẽ trên cốt mặt phẳng composit, dùng các kỹ thuật gắn, đắp, phun sơn trên bề mặt với nhiều thay đổi kỹ thuật, có chỗ tạo độ bóng, có chỗ không nhẵn, có chỗ gắn các chất liệu khác, đó là sự “phóng tác” ngoài kỹ thuật truyền thống.

Nghệ thuật vẽ sơn sẽ còn phát triển và cho nhiều thành tựu sáng tạo. Thuật ngữ “sơn mài Việt Nam” sẽ còn tồn tại mãi. Nhưng thuật ngữ “tranh sơn Việt Nam” cũng nằm trong tầm tay của các thế hệ họa sĩ đang tiếp cận với một loại hình nghệ thuật có nhiều đặc trưng kỳ thú. Gìn giữ những gì đã có hay tiếp biến sang một trang mới cũng đều là những thành tựu cần có thời gian để trả lời.

*

(Tên bài này do Soi đặt lại.
Nguồn:
website Hội Mỹ Thuật
Các bạn cũng nên vào trang web này, nhiều bài giá trị, tuy cách tìm hơi bất hợp lý một tí.)

Ý kiến - Thảo luận

16:07 Sunday,25.5.2014 Đăng bởi:  vi xuân minh

tôi thấy các ngài bàn về tranh sơn mài đã nhiều nhưng cuối cùng chưa ai gọi ra được một cái tên đích thực cả.
-nếu gọi là tranh sơn mài thì đúng là tranh làm bằng sơn và có mài ra 
-nếu gọi là tránh sơn ta thỉ sơn phú thọ hay sơn điều miền nam thì cũng là sơn ta 
-nếu gọi là sơn mài truyền thống thì vô cùng khó. bởi lẽ mỗi người, mỗi dòng h
...xem tiếp

16:07 Sunday,25.5.2014 Đăng bởi:  vi xuân minh

tôi thấy các ngài bàn về tranh sơn mài đã nhiều nhưng cuối cùng chưa ai gọi ra được một cái tên đích thực cả.
-nếu gọi là tranh sơn mài thì đúng là tranh làm bằng sơn và có mài ra 
-nếu gọi là tránh sơn ta thỉ sơn phú thọ hay sơn điều miền nam thì cũng là sơn ta 
-nếu gọi là sơn mài truyền thống thì vô cùng khó. bởi lẽ mỗi người, mỗi dòng họ, mỗi doanh nghiệp, mỗi vùng lại có một truyền thống làm tranh theo cách riêng của mình. hiện nay nhiều người hay nhầm lẫn cái truyền thống. nếu đã gắn cho các bậc tiền bối của mỹ thuật đông dương nghĩ ra cách làm tranh sơn mài và gọi đấy là tranh sơn mài truyền thống thì phải nói chính xác tranh làm bằng sơn được chế biến từ nhựa cây sơn phú thọ làm kiểu mài ra thì mới gọi là tranh sơn mài truyền thống.
tôi chỉ là người làm tranh sơn mài truyền thống ở phú thọ đúng theo kiểu các cụ dạy. mài ra đánh bóng, mặt tranh bóng phẳng như kính.gần đây có vài người phê bình tôi là tranh bây giờ chẳng ai làm phẳng và đánh bóng như thế nữa trông nó như đồ mỹ nghệ, thật là buồn chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.
tất cả các loại sơn dùng cho sơn mài tôi tự chế từ nhựa cây sơn quê tôi: sơn then, sơn cánh rán, sơn cầm, sơn quang sầu tuyệt đẹp
thích màu sáng hay đậm tôi đều làm lấy tất. từ vóc tới lớp quang đều làm bằng sơn ta. liệu như vậy theo các ngài đấy có phải tranh truyền thống không?
rất mong được sự chỉ bảo của các ngài. 

 
18:42 Tuesday,10.4.2012 Đăng bởi:  hungnguyensinh
Ấy ấy! Soi nhầm tranh sơn khắc thành tranh sơn mài rồi "Xuân đầu thế kỷ - sơn mài của Trần Văn Bình". Đấy là sơn khắc, còn mài hay không thì vẫn phải mài đấy ạ, có cả một hội thảo năm 2010 thì phải, cuối cùng là bài viết cũng hữu ích đấy...
...xem tiếp
18:42 Tuesday,10.4.2012 Đăng bởi:  hungnguyensinh
Ấy ấy! Soi nhầm tranh sơn khắc thành tranh sơn mài rồi "Xuân đầu thế kỷ - sơn mài của Trần Văn Bình". Đấy là sơn khắc, còn mài hay không thì vẫn phải mài đấy ạ, có cả một hội thảo năm 2010 thì phải, cuối cùng là bài viết cũng hữu ích đấy... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả