Kiến trúc

Tam quan, kiêng kị, và nhà của người hay nhà của ô tô 10. 05. 13 - 11:22 am

Phó Đức Tùng

SOI: Đây là cmt cho bài Hỏi đáp kiến trúc: Làm cửa thế này có bị “phạm tam quan”? Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Cảm ơn kiến trúc sư Phó Đức Tùng.

Cổng tam quan chùa Từ Hiếu. Nguồn: DMZ

Bạn Phương Hoàng,

Gần đây, thầy phong thủy có thể coi là một vấn nạn của kiến trúc. Về cơ bản, tôi không phủ nhận khả năng tồn tại những liên quan vi tế giữa tứ trụ (thời điểm sinh) của một người với bản mệnh của người đó với những bố trí không gian đặc hữu, tối ưu nhất cho người đó. Ngoài ra, về cơ bản, tôi cũng cho rằng mỗi người nên có một không gian riêng, chứ không nên standard toàn thế giới, cho dù không gian riêng đó được giải thích bằng cách nào. Tuy nhiên, tôi rất nghi ngờ năng lực của đa số thầy phong thủy hiện nay. Với kiến thức cứng nhắc, rập khuôn từ vài nguyên lý mà không hiểu bản chất, họ không giúp bạn tìm ra giải pháp tốt nhất, mà chỉ gò bó bạn vào những kiêng kỵ ngu ngốc.

Chuyện “phạm tam quan” là một việc: Tam quan có thể hiểu như bạn Lê Phương, tức là hình thức cụ thể của những cổng lớn vào đình chùa, thành, làng, và những nơi công cộng lớn, được chia làm 3 lối, dành cho 3 đẳng cấp người khác nhau, hoặc cho những dịp quan trọng khác nhau. Nhưng nếu chỉ là mục đích công năng là phân biệt đẳng cấp thì hẳn sẽ có loại nhị quan, tứ quan, ngũ quan v.v… Lý do về tính đối xứng, sự ưa chuộng số lẻ v.v… cũng chưa hẳn thuyết phục, vì với bất kỳ số nào, người ta cũng có thể thiết kế được. Một trong những lý do cơ bản là thuyết tam quan trong Phật Giáo: Không-Giả-Trung Quan. Ý nghĩa cụ thể về thuyết này bạn có thể tra cứu.

Việc kiêng tam quan trong nhà dân có thể có hai nghĩa: một là tránh việc nhà mình như một công trình công cộng, thậm chí ngày xưa có thể bị cấm. Hai là trong những việc dân sinh, thường người ta cũng không thích những dính dáng tới nhà Phật, giống như số tử vi mà hướng tới tăng đạo thì bị coi là số không đẹp. Nhưng ngày nay, nếu bạn là người có ý thức về Phật học, thì việc làm tam quan tại nhà mình để tự nhắc nhở bản thân cũng chẳng có gì là không tốt.

Tuy nhiên, tam quan phải nằm trong một bố cục cụ thể, như các cổng ngày xưa mới gọi là tam quan, dù là nghĩa đen hay nghĩa Phật giáo. Còn nhà mà có 3 cửa đơn thuần thì không ai gọi là tam quan.

Việc máy móc kiêng đặt bàn thờ đối xứng hay dựa lưng vào khu vực có bồn cầu cũng là một kiêng kỵ vớ vẩn. Tất nhiên, về cơ bản, ta có thể hiểu bàn thờ là nơi tôn nghiêm, vậy không nên có mùi, không nên nghe thấy tiếng giật nước, hoặc những liên tưởng bẩn thỉu. Trong quá khứ, các bạn biết rằng nhà vệ sinh đối với đại đa số người Việt là công trình phụ, ướt và thường là rất bẩn thỉu. Do những thực tế dùng nhà xí hai ngăn, cần phải lấy phân bón ruộng v.v… nên nhà xí cần phải để xa chỗ ở, và càng không có lý do gì để gần bàn thờ. Nhưng ngày nay, với phong trào Âu hóa, khép kín, khu nhà tắm, vệ sinh trở thành điểm hưởng lạc trong ngôi nhà, thậm chí là khâu đắt tiền nhất, sang trọng nhất trong nhà. Vệ sinh có thể đặt ngay gần phòng ngủ, thậm chí giữa nhà, ngay gần giường v.v… Vậy thì nó không còn là khái niệm của một điểm đen trong nhà nữa.

Một hình thức nhà vệ sinh nông thôn: cầu cá (Ảnh: Internet)

 

Một nhà tắm hiện đại

Một ví dụ khác, người Nhật nổi tiếng là sạch sẽ, tâm linh, và chắc chắn có kiến thức phong thủy hơn chúng ta. Trong nhà của người Nhật, Tokonoma là nơi trang trọng nhất, có thể coi như bàn thờ của chúng ta. Trên thực tế, Tokonoma của người Nhật trang trọng và tâm linh hơn đa số bàn thờ của ta. Nhưng Tokonoma truyền thống thường được đặt chung lưng với WC một cách có chủ đích, nhằm ý thức được mọi khâu trong cuộc sống là những giai đoạn khác nhau và đều thiết yếu của một chuỗi tuần hoàn, đầu cuối, quý tiện là hai mặt của một vấn đề.

Phòng khách trong ngôi nhà Nhật với góc Tokonoma, tài liệu của Edward S. Morse

 

Khu vực tokonoma trong một ngôi nhà Nhật

Riêng về nhà bạn, mình góp ý không phải vấn đề mấy cổng, mà là vấn đề ô tô. Mình nhìn ghi chú mặt bằng của Lê Phương. “Cổng ô tô” và “cổng phụ” vào phòng khách. Vậy ai là chính, ai là phụ trong nhà bạn? Người hay ô tô? Cho dù tam quan hay mấy quan, thì người vẫn phải là chính. Nếu nhà bạn không có đủ mặt bằng để làm một garage mà không ảnh hưởng tới cổng chính thì một là không nên đi ô tô, hai là gửi ô tô ở đâu đó, hoặc dành tầng trệt thấp làm garage và kho, rồi nâng phòng khách lên trên, giống như người dân tộc ở nhà sàn, dành phần gầm cho trâu. Tóm lại, đừng để cảm giác người ở nhờ nhà của ô tô.

 

*

Bài liên quan:

– Hỏi đáp kiến trúc: Làm cửa thế này có bị “phạm tam quan”? 
– Tam quan, kiêng kị, và nhà của người hay nhà của ô tô

Ý kiến - Thảo luận

10:42 Saturday,11.11.2023 Đăng bởi:  admin

@ Hưng: Admin đã chuyển câu hỏi của bạn cho tác giả Phó Đức Tùng. Anh Tùng nhờ chuyển câu trả lời cho bạn như sau:


"Mình chưa hiểu câu hỏi của bạn lắm. Nhưng nếu câu hỏi là vườn trà có làm được tam quan không thì mình nghĩ là tam quan theo mình nó có nghĩa như vậy - tức chỗ nào bạn nghĩ muốn có nghĩa như thế thì làm như thế. Vườn là vườ
...xem tiếp

10:42 Saturday,11.11.2023 Đăng bởi:  admin

@ Hưng: Admin đã chuyển câu hỏi của bạn cho tác giả Phó Đức Tùng. Anh Tùng nhờ chuyển câu trả lời cho bạn như sau:


"Mình chưa hiểu câu hỏi của bạn lắm. Nhưng nếu câu hỏi là vườn trà có làm được tam quan không thì mình nghĩ là tam quan theo mình nó có nghĩa như vậy - tức chỗ nào bạn nghĩ muốn có nghĩa như thế thì làm như thế. Vườn là vườn của bạn, bạn muốn bảo nó là thiên đường cũng được mà."


Cảm ơn Hưng đã vào đọc bài nhé.

 
17:39 Friday,10.11.2023 Đăng bởi:  Hưng
A Phó Đức Tùng cho e hỏi chút:
Liên quan đến tam quan có một số nguyên tắc chi phối đến số lượng cửa của nó như thuyết tam quan trong Phật giáo. Vậy các nội dung về kiến trúc như bố cục (3 cửa nằm ngang hàng chứ không phải hàng dọc,...), tỷ lệ, hình thức hay chi tiết thì còn có những yếu tố nào khác không (như thuyết tam tài mà a từng nêu chẳng hạn...)
Nếu nhà
...xem tiếp
17:39 Friday,10.11.2023 Đăng bởi:  Hưng
A Phó Đức Tùng cho e hỏi chút:
Liên quan đến tam quan có một số nguyên tắc chi phối đến số lượng cửa của nó như thuyết tam quan trong Phật giáo. Vậy các nội dung về kiến trúc như bố cục (3 cửa nằm ngang hàng chứ không phải hàng dọc,...), tỷ lệ, hình thức hay chi tiết thì còn có những yếu tố nào khác không (như thuyết tam tài mà a từng nêu chẳng hạn...)
Nếu nhà ở hay công trình khác, như một khu vườn trà thì việc đưa tam quan vào có phù hợp, hoặc có thể nghiên cứu cách tiếp cận nào khác để tạo dựng 1 chiếc cổng.
Tks a và Soi!
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả