Điện ảnh

Gieo quẻ trước Trần Anh Hùng:
Không chiếu được phim lại hóa bắt được vàng 12. 05. 13 - 3:05 pm

Kay Nguyen

Trần Anh Hùng và diễn viên nữ chính của Rừng Na Uy

Rút kinh nghiệm vụ phim Nepal (Cháu Nội Vị Tù Trưởng– đề cử Oscar 1999) vừa rồi, ta đã cẩn thận gieo quẻ một ngày trước khi đi coi Rừng Na Uy và giao lưu cùng đại đạo diễn Trần Anh Hùng nhân tuần lễ khởi động Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF và Voyage à Cannes của Remy Martin tại MegaStar Paragon vào ngày 09. 05. 2013 vừa qua. Quẻ ra rất tốt! Nhưng thật tình cờ và đầy bất ngờ, chỉ trong một tháng Ba Âm lịch của năm Quý Tị, điện ảnh Việt kiều cũng cùng chung số phận với “điện ảnh Nepal”.

Với phim Cyclo (Xích Lô) từng bị cấm chiếu tại Việt Nam năm 1995 mặc dù đã đạt 3 giải thưởng danh giá của điện ảnh quốc tế (trong đó có giải Sư tử vàng của LHP Venice), bản thân Trần Anh Hùng trước thời điểm đó cũng đã bỏ túi 2 giải: Camera Vàng ở LHP lâu đời nhất thế giới Cannes, một giải Cesar, và là đề cử Oscar phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, tất cả chỉ riêng cho bộ phim nhựa đầu tay Mùi Đu Đủ Xanh (1993).

Quay lại buổi chiếu lần này, dường như vận mệnh điện ảnh Việt Nam không muốn thấy có phim đề cử được chiếu trên lãnh thổ của mình, dù cho đó là dân Pháp xách máy qua Nepal quay hay dân Việt kiều Pháp xách máy qua Nhật Bổn quay! Ai đời lại đi chiếu mấy cái phim lọt tọt ở ghế đề cử, Cannes hay Oscar là cái nghĩa địa gì. Đã đi thi thì phải thắng giải, cứ xem nước mình, có ai vô chung kết Cánh Diều Vàng mà lại tiu nghỉu bỏ về tay không chưa thưa các bạn? Và sau 18 năm kể từ ngày Cyclo bị cấm chiếu tại Việt Nam, anh Hùng hồi hương và hồi… hộp khi BTC Tiệc phim ngắn YxineFF 2013 chân thành cáo lỗi và thông báo rằng Rừng Na Uy chưa thể chiếu được (do lỗi kỹ thuật). Điều lịch duyệt nhất của YxineFF là thông báo ngay trước buổi chiếu phim và giao lưu, chứ không phải đợi đến 1 tiếng 45 phút lậm vào giờ chiếu như Nghệ thuật chiều Thứ Bảy của Trung Nguyên. Chắc tại Thứ Năm thì tiến bộ hơn Thứ Bảy chút về mặt kỹ thuật!

Không sao, quẻ của ta cực tốt thì cũng có vẻ đúng: vì rằng trong hai tiếng đồng hồ tiếp theo, thay vì những thước phim Rừng Na Uy chạy chạy – mà thực ra ta cũng đã coi nát rồi, cả khán phòng lại được một dịp cực kỳ quý báu để nghe Trần Anh Hùng chia sẻ về những trải nghiệm của Rừng Na Uy, cùng cái nhìn tinh tế của riêng anh về cái gọi là nghệ thuật thứ bảy. Ở điểm này, sau khi Google xong ta mới thấy mình may mắn cỡ nào vì Trần Anh Hùng là một nghệ sĩ, diễn giả rất tài tình nhưng không phải chỗ nào trên thế giới cũng có thể mời anh về nói chuyện suốt hai tiếng như thế (vì anh không có rảnh đến vậy!).

Đầu tiên phải kể đến cái kỳ án Rừng Na Uy. Anh Hùng tâm sự: “Tôi tình cờ đọc Rừng Na Uy một lần nọ và cảm thấy ám ảnh về nó, rằng tôi có một thôi thúc muốn làm một bộ phim về nó”. Sau đó anh quyết định không muốn đọc tiếp những tác phẩm khác của Haruki Murakami, cũng như không muốn biết ông này đang làm gì ở đâu với ai từ bao giờ, chỉ để giữ “trinh nguyên” cái cảm giác ban đầu dành cho Rừng Na Uy.

Trần Anh Hùng trong một cảnh quay của Rừng Na Uy. (Ảnh từ trang Giantrobot)

Trần Anh Hùng là vậy. Anh tốt nghiệp trường điện ảnh danh giá Louis Lumière tại Paris, cái nôi của điện ảnh thế giới, và nơi học thuật bằng cấp được xem trọng đến mức mỗi lần duyệt binh ngày Quốc khánh 14/7 của Pháp, học sinh cái trường “sang chảnh” này đều tham gia diễu hành và được các ông bà lão già đội bê-rê nách kẹp baguette ra xin chữ ký “đem về cho cháu làm bùa thi đại học cho hên”. Anh Hùng có làm hai phim ngắn mà anh nhất định không cho chiếu ở đâu nữa vì “không thể hiện được cá tính nghệ thuật của tôi”. Sau đó anh làm Mùi Đu Đủ Xanh và lãnh luôn giải thưởng cao quý của Cannes là Camera D’Or. Điện ảnh đối với anh “là cảm giác, không phải là ý tưởng, câu chuyện. Nếu muốn ý tưởng, muốn câu chuyện, hãy đọc sách triết, sách đạo đức. Điện ảnh chỉ đụng chạm đến giác quan, và khiến mỹ cảm đâm chồi trong người bạn sau khi thưởng lãm xong một bộ phim. Nhưng bạn cần phải nuôi nấng nó, như một cái cây. Cảm giác của bạn cần phải được tạo thành từ những cái chồi non như vậy.”

Ngay cả cách Trần Anh Hùng làm phim nó cũng ôi chao là… bay lên cao các vì sao. “Tôi ra phim trường, đèn đuốc âm thanh đã dựng sẵn, diễn viên cũng đã mặc phục trang hoàn chỉnh. Và tôi nói, mọi người cứ diễn đi, diễn theo cách mình muốn. Sau đó, tôi mới bắt đầu biết được là tôi muốn gì từ cảnh quay đó. Và tôi nói mọi người làm theo những gì tôi vừa nghĩ ra trong đầu.” Và ngay cả khi đã ngồi vào bàn dựng, nhìn những hình ảnh được ghép nối với nhau, tạo nên một nhạc điệu nhất định trong thinh không, lại là một lần nữa anh sáng tạo.

Hầu hết các phim của anh Hùng đều được công chiếu và tán thưởng ở Nhật.

Anh Hùng thật tình chia sẻ: “Thế nên lần nào qua Nhật họp báo, tôi cũng nói với giới truyền thông rằng, tôi muốn làm Rừng Na Uy của Murakami. Mà mấy người Nhật họ cũng kín đáo quá. Mãi đến tận sau này mới có một người kéo tôi ra nói cho tôi nghe, rằng ở Nhật, tất cả mọi người đều biết Murakami nhất định cấm không cho bất kỳ đạo diễn nào làm lấy truyện của mình làm phim, sau cái thảm hoạ Lắng Nghe Tiếng Gió (Hear The Wind Sing) được chuyển thể từ truyện đầu tay của ông; thế mà tôi cứ hễ qua Nhật là lại đánh tiếng.”

Rất may cho anh Hùng, là Murakami và vợ là hai người theo dõi rất sát điện ảnh, và yêu thích các tác phẩm của anh, nên cuối cùng anh cũng đã được làm Rừng Na Uy. Sau khi ngồi mấy lượt chất vấn với các ủy ban “lúc nào cũng là 12 người” (hình như số này hên hay sao đó của người Nhật), họ đã “sẵn sàng” để anh gặp gỡ kỳ quan văn hóa xứ họ – một người đàn ông cũng rất đặc trưng Nhật, “nói chuyện với tôi mà cứ nhìn xuống dưới đất khiến tôi chả biết ông này có ưng hay không ưng nói chuyện với mình.” Chỉ sau 5 phú nói chuyện, Murakami đã đồng ý với hai điều kiện: một là phải được đọc trước kịch bản, hai là phải biết và ưng kinh phí thực hiện phim thì mới cho làm.

Đã có hai phiên dịch Nhật-Pháp xin từ chức, vì áp lực công việc quá kinh khủng.” Thật ra làm việc với Trần Anh Hùng rất dễ thưa các bạn, chắc tại người Nhật quá câu nệ trách nhiệm thôi, chứ như Việt Nam mình chuyên nghiệp hơn rất nhiều, sai phạm thì bất quá chỉ kiểm điểm và vẫn tại chức để đảm bảo guồng máy phối hợp không bị gián đoạn. Anh Hùng nhất thiết phải qua Việt Nam làm phim để đảm bảo tiến độ quay và tiết kiệm tiền.

Trần Anh Hùng khi quay Rừng Na Uy. Ảnh từ trang Bicoastalbitchin

Hồi làm Rừng Na Uy, anh Hùng thường ra hiện trường, nói diễn viên cứ đọc thoại bằng tiếng Nhật, không cần hiểu NGHĨA điều mà họ đang nói, nếu ảnh thấy “thanh âm này, nhạc điệu này có vẻ như không phù hợp với bối cảnh mà tôi đang thấy, thì tôi kêu vui lòng sửa lại thoại, cho đến khi nào thoại đọc lên nghe phù hợp thì thôi”. Thật chưa thấy đạo diễn nào dễ tính như vậy! Đối với anh, nhạc điệu tính là kim chỉ nam duy nhất trong điện ảnh, không có khó khăn thỏa mãn nhiều điều kiện như kiểu “vừa đi vào lòng người” lại vừa phải “có sự xuất hiện của nhân dân và các lực lượng chức năng xã hội”, hay vừa “cháy vé” vừa “thể hiện bản sắc dân tộc Việt”. Đối với anh, từng ánh đèn, từng dáng người đi đứng, từng cách sắp đặt đạo cụ, đều là âm nhạc. Phim của anh có cái lãng đãng miên man của những giai điệu đánh động vào tâm can, khi réo rắt khi ngân nga, để những cái chồi non từ đó nảy nở. Và nhiệm vụ của chúng ta là tưới tắm để chúng đơm hoa trong mỗi tâm hồn.

Một cảnh trong Rừng Na Uy

Giới hạn của Trần Anh Hùng khi làm phim không là ngân sách, không là nhà sản xuất cau có ngồi đếm từng cái vé, không có hội đồng duyệt ngồi giở sách đạo đức ra đối chiếu thuần phong mỹ tục. Anh đủ lớn để các nhà đầu tư trân trọng nghệ thuật muốn “tưới hoa” cho nhân loại, phim không chiếu được ở Việt Nam thì mang sang Mỹ, Nhật. Với ta, dường như giới hạn của anh chỉ là “mùa nho” (vintage). Lấy một năm bất kì, với thời tiết khí hậu thổ nhưỡng như vầy, sẽ cho ra những trái nho chất lượng như vầy để đi vào chai rượu, thì phim cũng thế, và phim sẽ chịu giới hạn của những tài năng mà anh gom được vào năm ấy, kể cả tài năng của riêng anh vào thời điểm đó.

Giống như opera, một năm cũng chỉ có bao nhiêu giọng soprano, tenor, bao nhiêu chỉ huy nhạc với tài năng nhất định, thì thích hợp cho Madame Butterfly hay Carmen là chuyện của người thực hiện”.

Mùa nho năm nay ở Sài Gòn, vì những điều kiện khí hậu thổ nhưỡng nhất định, chưa thể chiếu được Rừng Na Uy, thì anh chọn khề khà kể chuyện cho công chúng nghe, bằng một nhạc điệu Bắc Kỳ nhỏ nhẻ có đôi chỗ dấu hỏi bị đổi thành dấu nặng, và những cách “à, ừm” phảng phất cách phát âm Pháp văn, ở những chỗ tiềm thức anh chưa kịp nhanh chóng rút lui cho một mạch lạc của ý thức, nhưng chính ra thế lại duyên dáng. Nhưng trên tất cả, anh diễn đạt tuyệt vời và trôi chảy bằng tiếng mẹ đẻ, vì phim hay đời, nhạc điệu tính vẫn là quan trọng nhất với anh. Cho dù ai đó có không hiểu chút gì tiếng Việt, chỉ nhìn anh ngồi vắt vẻo trên cái ghế khẳng khiu và điềm đạm nói suốt hai tiếng đồng hồ liền, trên nền là cái màn ảnh trống trơn vì không có phim để chiếu, thì cũng vẫn thấy cuốn hút không chê đâu được, trước người đàn ông mảnh dẻ với những ngón tay gầy thon ấy, chụm lấy cái micro, phả ra những thanh âm nghe thật lịch!

 

Ý kiến - Thảo luận

10:55 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  candid
Đọc cái đoạn này thì người đọc dễ hiểu lầm là phim này chưa từng  được chiếu ở VN. Có lẽ là do người viết không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm.
"Quay lại buổi chiếu lần này, dường như vận mệnh điện ảnh Việt Nam không muốn thấy có phim đề cử được chiếu trên lãnh thổ của mì
...xem tiếp
10:55 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  candid
Đọc cái đoạn này thì người đọc dễ hiểu lầm là phim này chưa từng  được chiếu ở VN. Có lẽ là do người viết không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm.
"Quay lại buổi chiếu lần này, dường như vận mệnh điện ảnh Việt Nam không muốn thấy có phim đề cử được chiếu trên lãnh thổ của mình, dù cho đó là dân Pháp xách máy qua Nepal quay hay dân Việt kiều Pháp xách máy qua Nhật Bổn quay! Ai đời lại đi chiếu mấy cái phim lọt tọt ở ghế đề cử, Cannes hay Oscar là cái nghĩa địa gì. Đã đi thi thì phải thắng giải, cứ xem nước mình, có ai vô chung kết Cánh Diều Vàng mà lại tiu nghỉu bỏ về tay không chưa thưa các bạn? Và sau 18 năm kể từ ngày Cyclo bị cấm chiếu tại Việt Nam, anh Hùng hồi hương và hồi… hộp khi BTC Tiệc phim ngắn YxineFF 2013 chân thành cáo lỗi và thông báo rằng Rừng Na Uy chưa thể chiếu được (do lỗi kỹ thuật)." 
10:53 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  Phương Vẹt
@ Cat K: Ối chị, thì Kay đã viết rõ "Quay lại buổi chiếu lần này..." rồi mà! Tức là buổi chiếu lần này số của Rừng Na Uy là không chiếu được, thế thôi, chứ có nói là trước giờ chưa bao giờ chiếu được đâu bà chị!
...xem tiếp
10:53 Tuesday,14.5.2013 Đăng bởi:  Phương Vẹt
@ Cat K: Ối chị, thì Kay đã viết rõ "Quay lại buổi chiếu lần này..." rồi mà! Tức là buổi chiếu lần này số của Rừng Na Uy là không chiếu được, thế thôi, chứ có nói là trước giờ chưa bao giờ chiếu được đâu bà chị! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả