Điện ảnh

Blue thắng lớn, và tại sao phim tình cảm giờ toàn phim gay 01. 06. 13 - 7:16 am

Pha Lê tổng hợp

Năm 2013, Mỹ chú ý đến Cannes nhiều hơn các năm trước, phần là vì Spielberg cầm trịch làm giám khảo, phần là vì bộ phim The Great Gatsby của Mỹ (chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng cũng của Mỹ) được đánh giá là một ứng cử viên nặng ký. Nhưng Hollywood hy vọng để rồi thất vọng: Gatsby nhận nhiều lời khen chê lẫn lộn, và phim Pháp Blue is the Warmest Colour thắng.

Đạo diễn Abdellatif nhận giải Cành Cọ cùng hai diễn viên chính.

Blue là một phim về tình yêu giữa hai phụ nữ trẻ. Giới chuyên môn thì hô hào rằng tuy các phim khác được làm chuyên nghiệp, có kỹ thuật tốt, nhưng Blue lại bộc lộ được sức mạnh của niềm đam mê, và trong nghệ thuật thì đam mê rất quan trọng. Một số nhà phê bình khó tính hơn cho rằng Blue đoạt Cành Cọ Vàng vì Spielberg nổi tiếng là luôn ủng hộ người đồng tính, rồi Pháp cũng vừa hợp thức hóa hôn nhân đồng tính, dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối của dân cực đoan/mộ đạo, nên Blue sẽ là nguồn động viên lớn cho chính phủ Pháp vì đã dũng cảm ủng hộ nhân quyền.

Một cảnh trong “Blue is the warmest colour”.

Còn một luồng dư luận nhỏ hơn và cũng có lý không kém, hỏi nhau rằng chẳng hiều sao những phim tình cảm lãng mạn cũng như có sức mạnh trong khoảng mấy năm gần đây toàn là… phim gay?

Thời xa xưa có Romeo và Juliet, sau đó là những phim như “Brief EncounterCasablanca, rồi hiện đại hơn có Before SunriseNhững cây cầu ở quận Madison… Nhưng bây giờ phim tình cảm – theo đúng nghĩa của từ này – thật sự rất hiếm. Còn lại là tình cảm pha hài nhảm nhí, tình cảm pha hành động, tình cảm pha kinh dị; đâu rồi những phim khiến khán giả khóc thút thít hoặc hừng hực khí thế yêu đương như Những cây cầu ở quận Madison hay Đêm không ngủ ở Seattle?

Hai diễn viên kỳ cựu Meryl và Clint Eastwood trong “Những cây cầu ở quận Madison”.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, làm một phim tình cảm diễn ra vào thời đương đại ngày nay hơi… bị khó. Bây giờ phóng khoáng quá, nên những hoàn cảnh trớ trêu thời xưa không áp dụng được. Ví dụ như motif “trách nhiệm gia đình vs tình yêu riêng” kiểu nhân vật Francesca trong Những cây cầu có một cuộc hôn nhân tầm tầm không mấy hạnh phúc, đến khi gặp được nghệ sĩ nhiếp ảnh Robert thì cô rung động, nhưng Francesca cảm thấy giằng xé vì cô không thể bỏ chồng, bỏ con; hay phim Brief Encounter cũng về hai người có gia đình riêng, nhưng gặp nhau và yêu nhau, để rồi không thể đến với nhau…. những câu chuyện như vậy vào thời đó thì còn cảm động, chứ phương Tây thời nay, vụ “hy sinh hạnh phúc cá nhân vì gia đình” là hơi thiếu thực tế, làm cho lãng mạn cái đề tài này thật khó, không khéo sẽ đâm ra… lén lút.

Hay motif bị gia đình ngăn cấm như Romeo & Juliet thì cũng không được, ít ra là ở Hollywood; họa chăng chỉ có phim bộ Hàn Quốc là còn khai thác ra hồn bởi những tình cảnh thế này ở Châu Á vẫn còn.

Hoặc các tác phẩm như Before Sunrise, với mô-típ là hai người do duyên số mà gặp nhau, nhưng mất liên lạc, không tìm được nhau cũng chẳng khả thi ở cái thời di động, Facebook, và Twitter, “thập diện mai phục”, có muốn không (bị) liên lạc cũng không xong.

Ethan Hawke và Julie Delpy – lúc cả hai còn rất trẻ – trong một cảnh của “Before Sunrise” – một phim lãng mạn có tiếng.

Theo ý kiến chung, phim tình cảm lãng mạn hấp dẫn ở yếu tố “cản trở”, tức là có điều gì đấy ngăn cản cặp tình nhân đến với nhau, để khán giả còn có lý do xuýt xoa; nhưng xã hội phương Tây lúc này đâu còn cấm cản gì nhiều nữa, thành thử số lượng phim lãng mạn dành cho các đôi nam/nữ ngày càng ít, và nếu có thì chưa chắc đã hay.

Trái lại, phim Blue vừa đoạt Cành Cọ Vàng vừa đơn giản, lãng mạn, vừa dễ hấp dẫn người xem vì hội tụ đầy đủ yếu tố “cản trở” kể trên. Nhân vật Adele trong Blue nghĩ rằng mình sẽ lấy chồng, nhưng gặp và yêu Emma; dĩ nhiên là bố mẹ Adele rất cổ hủ nên không chấp nhận chuyện này. Những chướng ngại chông gai mà Adele lẫn Emma phải gánh chịu khiến cho phim hấp dẫn hơn hẳn; đạo diễn cũng không cần xen vào đấy thể loại hành động, viễn tưởng, hay kinh dị để phim được hay.

Cũng giống Blue là những phim có đề tài đồng tính khác như A Single Man (Colin Firth nhận đề cử Oscar 2010 nhờ phim này) Beginners (Christopher Plummer thắng Oscar 2012), Pariah (Nhận đề cử phim hay nhất ở Sundance 2011)… chúng đều là những phim tình cảm đơn giản, không kỹ xảo nhập nhằng, không có phiêu lưu mạo hiểm; nhưng khiến người xem vô cùng xúc động, thậm chí còn dễ thắng giải thưởng lớn.

Một cảnh của Pariah. Thông tin vui ngoài lề: lúc Meryl Streep nhận Quả Cầu Vàng cho vai Margaret Thatcher, bà phát biểu rằng mình không xứng đáng rồi liệt kê một số nữ diễn viên khác mà bà nghĩ nên nhận giải này, trong số đó có tên của nữ diễn viên Adepero Oduye của Pariah.

Còn phim dành cho các cặp dị tính thì hoặc là tình già; hoặc 1 trong 2 nhân vật chính sẽ làm ma cà rồng, zombie, phù thủy; hoặc là phim cổ trang… Tôi đoán một phần có lẽ vì phim đồng tính vốn dĩ không nhận được tài trợ dồi dào, nên đạo diễn chỉ còn cách tập trung vô cốt truyện và làm phim tình cảm cho rẻ, bởi vậy số lượng phim gay thuộc thể loại tình cảm có rất nhiều, còn phim tình cảm lãng mạn dành cho đôi lứa nam/nữ thì ngày một ít đi.

Nếu xét theo khía cạnh đó, không chừng giám khảo bên Cannes đang “đói” phim tình cảm nên sau khi xem Blue, họ thích quá nên trao cho phim giải lớn? Thôi thì chờ phim ra đĩa rồi mua về xem thực hư nó thế nào. Ngẫm lại thì thấy gần đây tôi cũng không xem nhiều phim tình cảm nam/nữ cho lắm; được mỗi phim Amour về tình già, còn phim Stranger than Fiction thì giống Atonement – mới đầu tưởng phim nói về tình yêu, cuối cùng hóa ra nó lại về… viết văn.

Ý kiến - Thảo luận

19:10 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  phale
Cảm ơn Lê Hà đã nhắc nhé :)) Pha Lê nghe chúng nó mắng Gatsby ầm trời mà quên không check gì cả 
...xem tiếp
19:10 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  phale
Cảm ơn Lê Hà đã nhắc nhé :)) Pha Lê nghe chúng nó mắng Gatsby ầm trời mà quên không check gì cả  
14:29 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Lê Hà

Pha Lê ơi, The Great Gatsby chỉ đến Cannes với tư cách mở màn, chứ có tham gia tranh giải đâu mà nói là Mỹ thất vọng vì Pháp được giải? Cannes có phân chia rõ ràng các phim tham dự là in competition hay là out of competition, đấy cũng là điểm hấp dẫn của Cannes, để vẫn
...xem tiếp

14:29 Saturday,1.6.2013 Đăng bởi:  Lê Hà

Pha Lê ơi, The Great Gatsby chỉ đến Cannes với tư cách mở màn, chứ có tham gia tranh giải đâu mà nói là Mỹ thất vọng vì Pháp được giải? Cannes có phân chia rõ ràng các phim tham dự là in competition hay là out of competition, đấy cũng là điểm hấp dẫn của Cannes, để vẫn đề cao tiêu chí nghệ thuật và vẫn có những bộ phịm đình đám dù biết chắc sẽ không phù hợp tiêu chí bình chọn và được giải, nhưng vẫn tham gia rầm rộ với tư cách trình chiếu khai mạc để các ngôi sao khủng có tư cách đàng hoàng lượn thảm đỏ và quảng bá thương hiệu mà. Pha Lê bình phim và bình về Cannes mà lại không rõ điều này là không được rồi :)

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả