Nghệ sĩ Việt Nam

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa như thế nào? 04. 06. 13 - 7:40 am

Soi tổng hợp

 Để xem hình lớn hơn, chi tiết hơn, bạn cứ bấm thẳng vào hình

 

Những ngày qua hẳn bạn nào quan tâm mỹ thuật cũng đã đọc qua bản tin vui: Bức lụa “Người bán gạo” của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, vẽ năm 1932, vừa được bán đấu giá thành công tại nhà Christie’s London với giá 390.000 USD. (Giá ước lượng khoảng 75 USD do nhầm tranh của họa sĩ Trung Quốc!)

 

Người mua bức tranh là nhà buôn Pascal de Sarthe. Như vậy, đây là bức tranh của họa sĩ Việt Nam đạt giá kỷ lục tại một cuộc đấu giá. Trước kia, kỷ lục này thuộc về họa sĩ Lê Phổ (370.000USD)

 

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sinh ngày 21. 7. 1892 tại Hà Tĩnh, nên có khi ký là Hồng Nam (tức người ở phía Nam núi Hồng Lĩnh). Tuy mồ côi cha từ nhỏ, nhưng ông luôn nhớ lời cha dạy “thà sống nghèo nhưng trong sạch”. Cả một đời, ông là người chăm chỉ, bình dị, và yêu cuộc sống. Trong ảnh: Tự họa của Nguyễn Phan Chánh.

 

Bạn để ý sẽ thấy, thường trong tranh của Nguyễn Phan Chánh hay có những dòng thư pháp, đó là do từ nhỏ ông đã được học chữ nho và nghệ thuật thư pháp. Theo một bài báo , “Ông có một thói quen đặc biệt, rất độc đáo so với các họa sĩ khác, ấy là, mặc dù đã hoàn tất một bức tranh, ông vẫn chưa cảm thấy ‘yên tâm’ nếu như không ký gửi kèm đó vài dòng thơ (bằng chữ Hán) thổ lộ tâm tư. Các bài thơ có thể nói lên ý tưởng của bức họa, nhưng cũng có khi không liên quan gì đến nội dung tranh, chỉ là tâm sự độc lập của tác giả về một vấn đề mới nảy sinh. Có thể nói, thơ trên tranh là một nét riêng của tranh lụa Nguyễn Phan Chánh. Nhờ nó mà vô tình, việc sao chép tranh của Nguyễn Phan Chánh đã được hạn chế nhiều”

 

Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, “Từ nhỏ ông đã thích vẽ và được một thầy vẽ dân gian chỉ bảo. Những ngày giáp Tết, ông vẽ tranh cho mẹ bán, những tranh như: Tiến tài, Tiến lộc, Lý ngư vọng nguyệt… để nuôi mẹ và hai em. Những năm tháng thơ ấu của ông rất vất vả, nhưng cũng giúp cho ông một vốn sống là tình cảm đối với người nông dân”. Nguyễn Phan Chánh thường vẽ nông dân là vì thế. Trong ảnh: “Ra đồng” của Nguyễn Phan Chánh

 

Năm 30 tuổi (1922) Nguyễn Phan Chánh tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc học-Huế và được giữ lại Huế dạy học ở trường tiểu học Đông Ba. Sau đó, ông thi đậu khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương 1925–1930. Chính ông đã được hiệu trưởng Victor Tardier khuyến khích theo ngạch tranh lụa, và tranh lụa của ông đặc biệt, là một dòng riêng của Việt Nam, không bị lẫn với lụa của các nước khác. Trong ảnh: Một buổi học vẽ ở lớp hội họa và điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương.

 

Ở trường, Nguyễn Phan Chánh lớn tuổi hơn các bạn học, lại đã có vợ, có con, yêu Hán học, lúc nào cũng cắp cái ô. Tuy nhiên vào năm thứ ba, tức 1928, ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tranh vẽ làm tem in ở Pháp, dùng cho Sở Bưu điện Đông dương – kết quả của giải nhất cuộc thi vẽ tem với 90 đồng Đông Dương (tương đương với 3 tấn gạo). Trong ảnh: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (ngoài cùng, bên trái), chụp với mẹ ruột (chít khăn, ngồi giữa), con gái lớn là nhà văn Nguyệt Tú (áo trắng, đứng phía sau. Bà cũng là vợ của cố Chủ tịch quốc hội Lê Quang Đạo). Ảnh tư liệu của gia đình.

 

Trong cả khóa đầu tiên, theo Phan Cẩm Thượng, “chỉ có Nguyễn Phan Chánh vẽ tranh lụa một cách chuyên nghiệp cho đến tận cuối đời và hình thành một phong cách riêng độc đáo. Tuy nhiên, các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương (và sau này) không dùng màu tự nhiên nữa, mà dùng thuốc nước (water colour) vẽ trên lụa, sau khi vẽ xong thì dùng hồ và giấy bồi nền sau lưng tấm lụa…”. Trong ảnh: Bức lụa “Người hát rong” của Nguyễn Phan Chánh vẽ năm 1929

 

“Hai điều trên đã làm thay đổi căn bản kỹ thuật vẽ lụa cổ truyền. Vẽ bằng màu tự nhiên, người ta không rửa và chuốt mặt lụa quá nhiều, chủ yếu vẽ một lần được ngay, hoặc vờn ngay trên bề mặt. Còn vẽ bằng màu nước, thực chất là một kỹ thuật nhuộm lụa, màu thuốc nước ngấm vào trong thớ lụa, trở thành sợi nhuộm màu, chứ không ở trên bề mặt, và vẽ bằng kỹ thuật này người ta phải vẽ ẩm và rửa nước nhiều lần. Tính lung linh huyền ảo và các sắc độ trở nên tinh tế hơn vẽ khô. Tuy nhiên vẽ ẩm, các màu khác nhau cùng hòa tan trên mặt lụa, tạo ra một màu xám đen, dễ làm tấm lụa tối lại, về thực chất các tranh lụa hiện đại vẽ theo kỹ thuật ẩm càng để lâu càng xám lại” (Bài đã dẫn). Trong ảnh: “Đám rước” – lụa của Nguyễn Phan Chánh

 

“Một vấn đề nữa, các tranh lụa có bồi giấy, sau nhiều năm, chất hồ bị hủy, hủy theo cả giấy và lụa ở trên dưới. Có những bức tranh lụa ở trong bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chỉ mới hơn 50 năm, có nguy cơ vỡ vụn ra từng mảnh. Chúng tôi gọi đùa là ‘một đống tranh’ hoàn toàn đúng theo nghĩa đen. (Phan Cẩm Thượng – Tranh lụa: từ truyền thống đến hiệu đại). Trong ảnh: Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh vẽ lụa

 

Khá nhiều tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã bị hỏng. Năm 2011 (?), ba bức “Cô gái cưỡi bò qua sông” (1967), “Hun Thuyền” và “Đón củi” (1938) đã được Nhật Bản “đón về” phục chế, trong tình trạng hư, mục, chỉ còn lại từng mảnh lụa rời. “Khó khăn lớn nhất trong việc phục chế các bức tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chính là gỡ bỏ lớp giấy xi măng, những mảnh lụa gần như tan ra và tôi đã cố gắng thu thập những mảnh còn sót lại rồi lắp ghép từng mảnh một” – bà Kikuko Iwai, Giám đốc Học viện Phục chế nghệ thuật Iwai – người nổi tiếng trong làng mỹ thuật thế giới với việc phục chế thành công các bức họa của Picasso cho biết. Trong ảnh là bức màu nước “Học tổ” của Nguyễn Phan Chánh. Có lẽ do chất liệu mà màu trông thắm hơn?

 

Nhưng theo một bài báo khác thì có vẻ như màu nâu xỉn là cố tình, vì họa sĩ Nguyễn Phan Chánh có cách làm cũ lụa bằng nước chè. “Khi vẽ, ông rửa lụa nhiều lần để màu phần vẽ mới hòa với màu tranh cũ… Thường ông phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành một tác phẩm tranh lụa. Nguyễn Phan Chánh thường vẽ hình họa lên trên tờ giấy rồi áp vào sau tấm lụa để in nét vẽ lên, vì thế trên tranh không có nét chì. Màu được phủ lên hình họa, để khô. Sau đó, ông rửa nhẹ nhàng cho hết lớp gợn của bột màu, để khô rồi lại tiếp tục quết lên lớp màu nữa. Để khô, rồi lại cọ đi. Cứ làm như thế cho đến khi có được màu ưng ý… Lụa sẽ thấm từ mặt phải sang mặt trái tranh, nên màu sắc hai mặt tranh hoàn toàn giống nhau. Đặc biệt là màu từng mảng trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh không bao giờ bị loang, lẫn với màu của mảng khác. Điều đó minh chứng rằng, người họa sĩ không chỉ có tài năng mà còn rất kiên trì, bền bỉ”. Trong ảnh: Bức “Cô và cháu” (hay “Lớp mẫu giáo) – lụa của Nguyễn Phan Chánh.

 

Người làm nghệ thuật thường là khó vượt qua khỏi kỹ thuật của thời mình sống. Vả chăng, như Nguyễn Phan Chánh từng nói: “… màu sắc tươi tắn mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Bản thân người nghệ sĩ rồi cũng mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người” (Nguyễn Phan Chánh, nhà xuất bản Mỹ Thuật 2011).

  

Trong việc bố cục một bức tranh, Nguyễn Phan Chánh là người rất cẩn thận. Thí dụ với bức “Chơi ô ăn quan” (1931 – ảnh), ông cho biết: “Một lần, thấy các em ngồi đánh ô ăn quan, tôi tò mò đứng xem và lấy phác thảo. Tôi vào nhờ bà mẹ nói với cô con gái nho nhỏ xinh xinh ngồi cho tôi làm mẫu. Bố trí các cô này ngồi chơi là vấn đề bố cục. Ít nhất phải có bốn người nhưng bốn người này hai phe. Tôi đặt một cô bé khoảng chừng hơn mười tuổi ngồi một phía, còn ba cô ngồi về phía bên kia. Bố trí lệch như thế mới phải, không để mỗi bên hai cô thành ra bố cục rời rạc. Làm thế nào để cho bốn cô tập trung vào ô quan khi chơi… Tôi cho cô nhỏ nhất đánh đầu tiên…”.

 

Số lượng tranh của Nguyễn Phan Chánh có lẽ là một điều cần phải bàn cãi. Có báo nói cả đời ông vẽ khoảng 170 bức lụa. Báo thì nói 140 bức , hiện chỉ còn khoảng 50 bức, gồm 20 bức gia đình giữ, bảo tàng giữ 30 bức… Các bức còn lại trôi nổi ở đâu không rõ, chỉ biết nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã mua được hơn 200 ký họa của họa sĩ cách đây vài năm. Trong ảnh: “Bữa cơm vụ mùa” – màu nước của Nguyễn Phan Chánh

 

Ngày nay, muốn xem tranh của Nguyễn Phan Chánh, các bạn nhớ đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi giữ nhiều tranh ông nhất, hoặc đến 8 Gallery để xem bộ ký họa của ông. Còn về Hà Tĩnh, bạn nhớ đến thăm nhà lưu niệm mang tên ông, trên nền nhà cũ của ông, ngay đường Nguyễn Phan Chánh.

Cuối cùng, mời các bạn đọc bài báo sau nói về 4 trang họa báo L’Illustration xuất bản tại Pháp ngày 3 tháng 12 năm 1932 giới thiệu 4 bức tranh quý của họa sĩ. Không rõ báo Pháp cách đây 81 năm có in sai màu không, hay tranh ngày nay đã ngả màu thành khác?

Chơi ô ăn quan

 

Cô gái rửa rau

 

Lên đồng

 

Em bé cho chim ăn

Ý kiến - Thảo luận

18:35 Wednesday,30.5.2018 Đăng bởi:  THANG LE
Bức Cô gái cho chim ăn đã trở về đất mẹ.
...xem tiếp
18:35 Wednesday,30.5.2018 Đăng bởi:  THANG LE
Bức Cô gái cho chim ăn đã trở về đất mẹ. 
20:19 Monday,12.9.2016 Đăng bởi:  nhi

đẹp quá


...xem tiếp
20:19 Monday,12.9.2016 Đăng bởi:  nhi

đẹp quá

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả