Điện ảnh

Chuyện nghề của Thủy: Rồi “hắn” cũng xiêu lòng và kể cho tôi… 11. 06. 13 - 12:37 am

Lê Thanh Dũng

 

Tác giả Lê Thanh Dũng (trái) và đạo diễn Trần Văn Thủy trong ngày Thơ ở Văn Miếu. (Khoe nhé: Chú Lê Thanh Dũng là dịch giả tiếng Trung, và là cộng tác viên của Soi!)

 

Trần Văn Thủy và tôi, tuổi cách nhau ba năm; nhà cách nhau 3 phút xe máy với tay lái tuổi “xưa nay hiếm”; đầu Lạc Long quân – cuối Hoàng Hoa Thám, cạnh Hồ Tây, nhoáng cái là tới. Tuy đều rất bận nhưng chúng tôi vẫn có nhiều dịp tán chuyện trên trời dưới biển với nhau. Hai đứa đều là hội viên Hội MT (Mày Tao) gồm chín đứa, trên dưới 75, hầu hết là bạn học Nam Định xưa, nay ở rải rác khắp nửa trái đất; đứa tha phương cầu thực Úc, Canada; đứa ra Hải Phòng kiếm sống; đứa gà què ăn quẩn cối xay, khuân vác con chữ ở Nam Định, Hà Nội; hiểu nhau và quý nhau meo móc hàng ngày – cả 9 đứa đều có email và trực tiếp gõ phím. Chúng tôi thường kể cho nhau nghe chuyện mình, chuyện bạn bè và cũng là chuyện đời. Thủy “nhiều chuyện” lắm, có cảm giác như kể mãi không hết, có chuyện hắn còn bỏ lửng hay xua đi không muốn kể. Hắn có biệt tài về diễn đạt ý tưởng. Là đạo diễn có hạng về phim tài liệu cho nên câu chuyện Thủy kể ra như đoạn phim hiện ra trước mắt, có lớp lang, có phân cảnh, có đối thoại và tự nhiên trong đầu tôi hiện ra những dòng thuyết minh: “Thì ra…”, “Phải chăng”, “Có lẽ”, “Hình như”, “Thế mới biết” hoặc “May mắn thay”… như những chấm phá trong những phim tài liệu – chính luận của hắn, có nghĩa là những mẩu chuyện không hề tào lao vô thưởng vô phạt mà ẩn giấu những triết lý nhân sinh, nói nôm na là cái lẽ đời.

Một hôm tôi bảo:

– Viết ra đi, ông không viết, thì người khác viết, mà không ai viết thì mình viết.

Hắn bảo:

– Cũng ngại lắm, không chỉ một mà mấy nhà văn, nhà báo gợi ý viết, nhưng bới ra mệt lắm!

Và một câu hỏi gần như đã là triết lý sống của hắn:

– Để làm gì, nó có ích không?

Chúng tôi phân vân, nếu viết thì nó là cái gì? Hồi ký thì không ổn và cũng không khoái.

Tôi nói:

– Thì kể chuyện đời cho vui thôi. Đừng định nghĩa, nó là cái gì mặc nó, miễn là nó thật. Mà ông hãy còn… trẻ (con), mới hơn bảy mươi tuổi đầu, đi phăng phăng, bơi ào ào, nói sang sảng, chưa đến tuổi và “chưa đủ tư cách” viết hồi ký!

– Mình muốn cho qua tất cả. Hơn nữa nó dễ gây cho người ta cảm giác “показать себя” (được hiểu như khoe khoang). Tâm sự với nhau là một chuyện, viết ra lại là chuyện khác.

– Đó là những chuyện không chỉ là của một người mà còn là của một thời, nó gắn liền với nhiều bạn bè đồng nghiệp và cả người thân nữa. Những tâm tư suy nghĩ gần một đời trải lòng ra với mọi người chắc chắn không phải là điều dở.

Tôi nghĩ, thực ra, nói về mình sao mà tránh được ai đó có cảm giác rằng chỗ này chỗ kia người kể ít nhiều muốn khoe. Nhưng kể lại đời mình chả lẽ không có gì để bằng lòng với mình, để an ủi khi về già hay sao? Chả lẽ cứ nói tôi kém, tôi dở, tôi sai mới là khiêm tốn, mới là thật thà? Hãy cứ để cho người đọc tự do cảm nhận theo cái tâm của mình. Đây là một cuốn sách kể lại những câu chuyện cho bạn bè, người thân, con cháu nghe. Vậy nó có thể sơ suất về kỹ thuật, về câu chữ chứ không thể sai sự thật. Đó là điều chắc chắn….Ai cũng vậy, đã sống đến bảy chục tuổi thì đều có những chuyện đời với những thăng trầm, những buồn vui. Nói ra hoặc không nói ra là tùy tâm trạng, tùy hoàn cảnh và tùy tính cách mỗi người, nhưng trong một hoàn cảnh nào đó, hầu như ai cũng có thể bỗng dưng nảy ra ý muốn trút hết những nỗi niềm cho một ai đó… Trong những buổi chiều ngồi với nhau. Không biết hắn có nghĩ vậy không, chỉ biết rằng câu chuyện của hắn kể với tôi khiến tôi rất thích thú, có quá nhiều điều để suy nghĩ về cuộc đời và số phận, về nhân tình thế thái…

Trần Văn Thủy. Minh họa: Hoàng Tường

Mấy chục năm qua Thủy đã từng trả lời phỏng vấn hàng trăm tờ báo trong và ngoài nước, nhưng còn nhiều chuyện hắn chưa kể. Những chặng đường gian nan với nỗi lòng sâu thẳm thì chỉ có thể kể cho bạn bè tri kỷ nghe mà thôi….Cái ý định ghi lại không bỗng chốc mà có, nó cứ dần dà hình thành trong đầu. Không những tôi sẽ ghi lại câu chuyện, mà còn cố gắng ghi lại cả không khí câu chuyện, cái thần thái của người kể vì nó gây ấn tượng mạnh cho tôi, (chỉ có điều đôi chỗ hắn văng tục thì tôi không dám ghi ra đây, cho dù biết nó… thật đúng chỗ).Trước hết, ghi lại để khỏi quên, khỏi rơi vãi mất đi, có thể để con cháu, cho bạn bè đọc chơi và có được đôi điều có ích… Còn sau nữa để làm gì nữa thì chưa nghĩ tới… Thế rồi như giọt nước làm tràn ly, tôi được biết cuối 2011 đầu 2012, hai chuyên gia người Mỹ sang Việt Nam xin gặp và làm việc với Trần Văn Thủy để thực hiện một chương trình nghiên cứu với tựa đề: “Chuyện Tử Tế của đạo diễn Trần Văn Thủy – Luận về Tâm linh và Chính trị”. Tôi bảo với Thủy:

– Đã là tâm linh, là chính trị trong môi trường Việt Nam thì không ai hiểu sâu sắc bằng người Việt Nam. Đối tượng cần chia sẻ là người Việt Nam; trước hết phải là người Việt Nam kể cho nhau nghe đã chứ!

Rồi hắn cũng “xiêu lòng” và kể cho tôi nghe nhiều chuyện. Hầu hết tôi đã nghe và đọc đâu đó trên báo nhưng chưa bao giờ hắn chịu kể một cách tường tận. Chúng tôi nói chuyện với nhau, người kể người nghe, cùng luận bàn về thế sự, về làm nghề, về bạn bè ngày xưa, những thân phận… cuộc nói chuyện lan man, thậm chí chuyện nọ xọ sang chuyện kia – chuyện đời nó hay “xọ” như thế. Nói chuyện dông dài kiểu này chắc là giản dị nhưng lại sâu đậm hơn cuộc phỏng vấn, đối thoại với những người từ xứ sở xa lạ, không cùng nền văn hóa, không cùng lịch sử, không cùng trải nghiệm, không cùng ngôn ngữ… Những chuyện của hắn kể ra không phải là chuyện dông dài mua vui mà nó chứa đựng những tâm tư trên suốt chặng đường đời của thân phận một con người làm nghề. Đó không phải con người cá biệt trong một không gian cá biệt mà là một con người giữa những con người trong bối cảnh một giai đoạn lịch sử. Hắn có một vốn sống không nhỏ để bây giờ về già chiêm nghiệm lại càng vỡ ra thêm nhiều điều. Vậy nên, nó không phải chỉ là chuyện hoài cổ mà nó vẫn đang nóng hổi hơi thở của cuộc sống, những chuyện đã qua mà như của hôm nay và những ngày sắp tới.

Cho đến bây giờ trong và ngoài nước vẫn có nhiều nơi mời Thủy nói chuyện, trên truyền hình, trong các lớp học về nghề, trong các hội thảo, Liên hoan phim. Nhiều tờ báo trong và ngoài nước phỏng vấn về những cuốn phim hắn đã làm từ ba bốn chục năm trước, những phim hắn đang làm và sẽ làm. Điều đó cho thấy rằng câu chuyện của hắn vẫn chưa cũ. Cũng phải thôi, những câu chuyện về thân phận con người không bao giờ cũ cả.

Còn tôi, trong cuốn sách này, tôi sẽ viết về thân phận một con người cụ thể, với tư cách một người bạn viết về một người bạn. Vậy thôi, ngoài ra chẳng có gì khác. Con người thật nhỏ bé, nhưng chẳng phải như người ta thường nói, là “hạt cát trong biển cả”; càng không phải là một con cừu trong đàn cừu. Về sinh lý cơ thể, mỗi con người là một thế giới thu nhỏ; về tâm lý, mỗi con người cũng là một thế giới riêng biệt, một bản ngã, một cái tôi chẳng ai giống ai, cái tôi đáng kiêu hãnh, họ có tự nhận thấy hay không thì lại là chuyện khác. Hơn nữa, nó là một thực thể biết tư duy vì thế con người lớn hơn rất nhiều so với kích thước của cái cơ thể mà nó trú ngụ. Nó luôn luôn là một đối tượng cần khám phá của chính con người suốt từ khi nó xuất hiện trên hành tinh, từ xa xưa, qua “to be or not to be” (Hamlet-Shakespeare) cho đến “tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này.” (Trịnh Công Sơn) và mãi mãi về sau.

Còn một điều quan trọng, tôi xin thưa rằng trong cuốn sách này, có phần những câu chuyện Thủy kể miệng, tôi ghi lại bằng câu chữ của tôi qua sự cảm nhận của tôi như một người bạn hiểu nhau và là người đã trải nghiệm những hoàn cảnh tương tự; nhưng có phần tôi dành hoàn toàn để hắn bày tỏ quan điểm và tâm tư của riêng hắn về những vấn đề cụ thể – hắn viết và đọc cho tôi ghi. Xin đừng quên rằng Trần Văn Thủy là đạo diễn phim tài liệu, là tác giả của lời bình “sát ván” trong những phim của mình và như nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, “...có thể không ngần ngại mà nói rằng anh là một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh.” Vậy không có lí gì tôi lại “biên tập” những gì hắn viết để… làm hỏng nó đi. Đó cũng là lí do chúng tôi là đồng tác giả tập sách nhỏ này.

*

Từ “Chuyện nghề của Thủy”. Tên bài do Soi đặt.

*

VỀ SÁCH CHUYỆN NGHỀ CỦA THỦY

Sách do Phương Nam ấn hành và tổ chức tour giới thiệu xuyên Việt

Tour giới thiệu xuyên Việt của “Chuyện nghề của Thủy” đã diễn ra buổi đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh. Còn 4 buổi nữa theo lịch như sau:

1. Tại Festival Biển Nha Trang
16g00, thứ Ba ngày 11. 6. 2013
Địa điểm: Nhà sách Phương Nam Nha Trang 17 Thái Nguyên, P. Phước Tân, TP. Nha Trang.

2. Tại Đà Nẵng
9g30, thứ Bảy, 15. 6. 2013
Địa điểm: Nhà sách Phương Nam Đà Nẵng, 252 – 254, Lê Duẩn, TP. Đà Nẵng

3. Tại Huế
15g00, Chủ nhật, 16. 6. 2013
Địa điểm: Trung tâm Văn hóa Phương Nam – Làng nghề Huế, 15 Lê Lợi, TP. Huế.

4. Tại Hà Nội
18g30, 18. 6. 2013
Địa điểm: Nhà sách Phương Nam Nguyễn Chí Thanh, 76 Nguyễn Chí Thanh, Q. Đống Đa, Hà Nội.

Nội dung chương trình: Ngoài phần giao lưu về chuyện đời, chuyện nghề của đạo diễn Trần Văn Thủy. Chương trình sẽ chiếu phim “Chuyện tử tế” – bộ phim nổi tiếng nhất của đạo diễn Trần Văn Thủy và trích đoạn trong bộ phim dài tập “Vọng khúc ngàn năm” – bộ phim thực hiện trong dịp đại lễ Ngàn năm Thăng Long của ông.

Ý kiến - Thảo luận

17:57 Saturday,5.9.2015 Đăng bởi:  admin
Bạn An Chu ơi, giờ mới có được thông tin mà bạn hỏi đây: Số phôn của chú Trần Văn Thuỷ là 0983084438

Email: tvtcinema@gmail.com

Cảm ơn anh Lê Thanh Dũng rất nhiều.
...xem tiếp
17:57 Saturday,5.9.2015 Đăng bởi:  admin
Bạn An Chu ơi, giờ mới có được thông tin mà bạn hỏi đây: Số phôn của chú Trần Văn Thuỷ là 0983084438

Email: tvtcinema@gmail.com

Cảm ơn anh Lê Thanh Dũng rất nhiều. 
20:58 Sunday,11.1.2015 Đăng bởi:  An Chu

Xin chào web Soi và ông Lê Thanh Dũng

Xin nhờ hỏi Soi có thể cung cấp thông tin liên lạc của đạo diễn Trần Văn Thủy được không ạ
Bà mình ngày trước làm ở đoàn cải lương có kết nghĩa chị em với ông Thủy nhưng sau này mất liên lạc
Giờ muốn tìm lại thông tin địa chỉ liên lạc ạ

Xin cảm ơn ạ


...xem tiếp
20:58 Sunday,11.1.2015 Đăng bởi:  An Chu

Xin chào web Soi và ông Lê Thanh Dũng

Xin nhờ hỏi Soi có thể cung cấp thông tin liên lạc của đạo diễn Trần Văn Thủy được không ạ
Bà mình ngày trước làm ở đoàn cải lương có kết nghĩa chị em với ông Thủy nhưng sau này mất liên lạc
Giờ muốn tìm lại thông tin địa chỉ liên lạc ạ

Xin cảm ơn ạ

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả