Thị trường

Vẫn mua như điên tại Art Basel 24. 06. 13 - 7:27 am

Phước An dịch

 

Cheim & Read bán được “Untitled” (1956) của Joan Mitchell với giá $6 triệu

 

 BASEL (AFP) – Với đàn máy bay tư nhân rợp kín bầu trời và hàng hàng limousines sang trọng chầu chực sẵn, các nhà sưu tập giàu sụ từ khắp nơi trên thế giới đã đổ về Thụy Sĩ trong tuần 13 – 16 tháng Sáu để dự Art Basel, hội chợ nghệ thuật đương đại lớn nhất của hành tinh.

Art Basel lần thứ 44 mở cửa cho công chúng vào thứ Năm, nhưng thực ra cửa đã hé cho các khách VIP lách vào từ hôm thứ Ba: họ muốn ghé mắt nhìn trước hằng hà sa số những tác phẩm bày suốt 31.000 mét vuông mênh mông của không gian triển lãm.

Đến thứ Tư, có khoảng 110 chiếc máy bay tư nhân đáp xuống và cất cánh từ sân bay Basel-Mulhouse, sau khi 83 chiếc khác hạ cánh xuống đây từ hôm thứ Ba, bất chấp đang có một cuộc đình công khiến sân bay giảm khả năng phục vụ và buộc một số nhà bảo trợ giàu có của nghệ thuật phải thay đổi lịch bay.

Nhưng quan trọng phải là người đầu tiên lách được mình qua cửa, Annka Kultys, một nhà sưu tập nghệ thuật gốc Thụy Sĩ có trụ sở tại London, nói với AFP. “Nguyên tắc của Basel là không thể đặt cọc một tác phẩm trước khi hội chợ bắt đầu, cho nên chúng tôi cần có mặt ở đây ngày đầu tiên, và xông thẳng tới gian nào mình thích,” cô nói. “Tôi phải biết trước mình muốn đi đâu, muốn xem gallery nào, nghệ sĩ nào.”

Dominique Levy bán được “Six Benjamin Moore Paintings” (1961) của Frank Stella với giá hơn $6 triệu

 

Có khoảng 65.000 khách dự Art Basel năm nay, để chiêm ngưỡng các gian triển lãm của 304 gallery may mắn, được chọn từ hơn 1.000 gallery tranh đua quyết liệt kiếm một chỗ trong hội chợ béo bở này.

“Vừa mở cửa là đã tưng bừng ngay lập tức,” Tim Marlow, giám đốc triển lãm của gallery White Cube (trụ sở tại London) nói với AFP, chỉ vài tiếng sau khi cuộc mua tranh bán cướp bắt đầu.

“Chúng tôi bán được hai bức của Sergei Jensen, một tác phẩm của Tracey Emin, và tác phẩm này của Mark Bradford bán được với giá $725,000,” Tim nói, chỉ vào một bức trừu tượng to treo sau lưng anh. “Nhiều khách đặc biệt quan tâm tới tủ thuốc của Damien Hirst, giá bốn triệu bảng,” Tim nói thêm kèm một nụ cười rạng rỡ, hất cằm về phía một bức tường kính to xếp gọn những hàng giá hẹp bằng kim loại, phủ đầy những viên thuốc đủ màu, đủ dạng.

Lullaby Spring – “tủ thuốc” của Hirst

Nhưng tác dụng của Art Basel với các gallery không dừng ở việc bán buôn. Theo Tim, “Đó còn là việc lập được các mối liên hệ, móc nối được khách hàng, bảo tàng. Rất nhiều bảo tàng tới hội chợ này… Sau đó là trao đổi, mua bán, rồi lên kế hoạch triển lãm với nhau…”

Thị trường nghệ thuật dường như đã khiến cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu đỡ ảm đạm hơn, với thu nhập từ các cuộc đấu giá trên thế giới đã tăng hơn gấp đôi kể từ hồi chạm đáy năm 2009, vượt 8 tỉ euro vào năm ngoái (theo webiste Artprice.com của Pháp cho biết).

“Tôi nghĩ thị trường nghệ thuật thực sự chiếm một vị thế rất mạnh,” giám đốc Art Basel là Marc Spiegler nói với AFP. Ông kể, vài giờ sau khi mở cửa (hé) hôm thứ Ba, ông nhận thấy “nhiều nhà sưu tập đã giận ghê gớm vì những thứ họ muốn mua đều đã bán hết rồi.”

Khi thị trường cổ phiếu hỗn loạn, giới nhà giàu càng lúc càng hướng về nghệ thuật như một nguồn đầu tư an toàn “không bổ ngang cũng bổ dọc”, các chuyên gia nhận định. “Tôi tin rằng trong 10 năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến thị trường đi từ 5% nhà giàu chơi nghệ thuật lên 40%,” Philip Hoffman, giám đốc Fine Art Fund Group – một tổ chức chyên tư vấn cho các khách giàu nên mua thêm tác phẩm nào cho bộ sưu tập của họ.

Blum & Poe bán được “Cloudy” (2006) của Yoshitomo Nara với giá $250,000

Nhưng Art Basel không phải chỉ có mua bán với đầu tư, người ta đến đó còn để hưởng niềm vui được ngắm bao nhiêu là tác phẩm của các nghệ sĩ lớn thế kỷ 20, như Picasso, Kandinsky và Warhol, trộn với bao nhiêu thứ “cực kỳ” của thời nay, giám đốc Spiegler nói.

Với những người thích ngắm hơn là mua, có nguyên một sảnh dành cho bộ sưu tập “Unlimited” gồm những tác phẩm đẹp đẽ không để bán. Không giống khu vực buôn bán đông đúc bên cạnh, bên này có nhiều không gian để mà bước tới lui ngắm tranh hơn, trên một diện tích 11.500 mét vuông. Tại đây, bạn có thể xem tác phẩm của Ai Weiwei, tượng của Antony Gormley, hay tác phẩm của Chiharu Shiota, là những chiếc ghế và một chiếc đại dương cầm được phủ bằng một tấm mạng mênh mông kết bằng những sợi dây đen.

Nhưng cũng có những nghệ sĩ ít người biết bày tại đây, như He An của Trung Quốc. “Đây là lần đầu tiên tôi tới đây,” He An nói thông qua phiên dịch, vừa nói vừa liếc mắt về tác phẩm của anh, Hubble, là một ống kim loại khổng lồ làm bằng bìa cứng, với những bóng đèn cực sáng thường chỉ dùng trong quảng cáo, chĩa về phía người xem “như thế bắn ra từ một khẩu đại bác”.

Nhà sưu tập Thụy Sĩ Marco Stoffel, người đã dự Art Basel suốt 20 năm nay, nói ông thích bắt đầu ở khu vực Unlimited trước rồi mới tiến sang khu buôn bán điên cuồng bên cạnh sau. “Tôi bắt đầu từ đây, nơi tôi có thể giữ cho mình tĩnh lặng, và rồi sau đó, bước sang đấu trường.”

 

Blum & Poe bán được “Untitled (Sun, Out of the Shell Standing Flat SF2.a)” (2013) của Mark Grotjahn với giá $175,000

 

303 Gallery bán được “Untitled” (2013) của Jacob Kassay với giá $150,000

 

Massimo De Carlo bán được “Untitled (Bolego)” (2006) của Rudolf Stingel với giá khoảng $2 triệu

 

Galerie Crousel bán được “We the People (Detail)” (2011-13) của Danh Vo với giá €65,000

 

Zeno X Gallery, Antwerp bán được “The Well” (2013) của Michaël Borremans vói giá €150,000

 

Helly Nahmad Gallery bán được “Sumac” (1961) Alexander Calder với giá khoảng $10 triệu.

 

White Cube bán được “Shine Study 1” (2013) của Theaster Gates với giá $135,000

 

Victoria Miro bán được “Standing Pile (Cairn)” (2013) của Sarah Sze với giá $32,000

Ý kiến - Thảo luận

10:18 Monday,24.6.2013 Đăng bởi:  الشيوعية الفيتنامية
Ủa..!!!
Sao không thấy mấy "danh họa" Việt Nam sau 1990 dzậy. Mấy người đó là "danh họa" của "nền mỹ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc - chuyên đi tắt đón đầu các trào lưu lớn của thế giới" cơ mà ??!
Rồi cả các nghệ sĩ trẻ mang trong mình "dòng máu tiên rồng" nữa ???
Hay mấy ngườ
...xem tiếp
10:18 Monday,24.6.2013 Đăng bởi:  الشيوعية الفيتنامية
Ủa..!!!
Sao không thấy mấy "danh họa" Việt Nam sau 1990 dzậy. Mấy người đó là "danh họa" của "nền mỹ thuật tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc - chuyên đi tắt đón đầu các trào lưu lớn của thế giới" cơ mà ??!
Rồi cả các nghệ sĩ trẻ mang trong mình "dòng máu tiên rồng" nữa ???
Hay mấy người đó khinh dẻ gì cái Art Basel này??! (khinh bọn Tư Bản mất nhân tính nên không thèm tham dự chẳng?) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả