Nghệ sĩ Việt Nam

LỘ: Trong 5 ngày, Phương Vũ Mạnh cùng Hắc Long “tấn công” hội họa 09. 07. 13 - 2:57 pm

 

.

Triển lãm hội họa Lộ
Khai mạc: 18h, thứ Sáu, ngày 12 – 7 – 2013
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 – phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Thời gian trưng bày: từ ngày 12 đến ngày 17 – 7 – 2013

Phương Vũ Mạnh, Lửa 18, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

Triển lãm chung của Phương Vũ Mạnh – một họa sĩ ham thích thể nghiệm với nhiều thể loại nghệ thuật đương đại, và Nguyễn Hắc Long, một họa sĩ – võ sư thâm trầm, chuyên chú với hội họa và võ thuật, đến từ Thái Nguyên.

Hai không gian hội họa của hai cá tính khác biệt nhưng lại thân thiết với nhau, chắc chắn sẽ hòa điệu thành một triển lãm để lại nhiều dư vị cảm xúc trong lòng công chúng.

Lộ là tên triển lãm chung đầu tiên của hai người bạn cùng chung tình yêu dành cho hội họa.

Phương Vũ Mạnh, Lửa 1, acrylic trên vải, 240cm x 360cm, 2013

Phương Vũ Mạnh (sinh năm 1969) có lẽ là cái tên quen thuộc với công chúng nghệ thuật đương đại thủ đô. Anh là một trong những người sớm thực hành body art ở Việt Nam, thường xuyên xuất hiện trong các show nghệ thuật đình đám của nghệ sĩ Đào Anh Khánh. Theo dòng chảy nghệ thuật đương đại này, anh cũng vừa kịp khai trương studio 9A4 M của mình tại khu “công xưởng nghệ thuật” mới mẻ của cộng đồng nghệ sĩ Hà Nội trẻ và thức thời, số 9 – Trần Thánh Tông, khu nhà xưởng sau di dời của Công ty Dược phẩm TW 2.

Nhưng dường như, âm ỉ cháy trong anh vẫn luôn là một nguồn nhiệt tình lớn dành cho hội họa giá vẽ. Anh từng tốt nghiệp thủ khoa khoa Đồ họa, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, năm 1998. Anh cũng là người luôn tìm kiếm tương quan giữa cảm xúc sáng tạo của cá nhân với nhiều chất liệu hội họa, sơn mài, khắc gỗ, tranh giấy, sơn dầu,… , với nhiều ngôn ngữ tạo hình, trừu tượng, lập thể, biểu hiện,… Hội họa mở rộng biên độ sáng tạo trong anh và giúp anh ngày càng có thể đào sâu mạch nguồn cảm xúc và tư duy của mình về cuộc tồn tại của bản thể con người. Dễ dàng nhận ra từ hội họa của anh một mãnh lực lôi cuốn người xem vào thế giới tinh thần cá nhân anh, chia sẻ cùng anh và có thể nhận lại từ đó ít nhiều đồng cảm.

12 bức tranh sơn dầu và chất liệu tổng hợp trên toan, cùng chủ để Lửa, giới thiệu trong triển lãm đôi lần này, là minh chứng thú vị cho nguồn lửa tình yêu hội họa trong anh. Những bức tranh phi biểu hình, giàu cảm hứng, có thể là lối mở cho người xem tới những cảm nhận và suy ngẫm đa chiều về hình ảnh lửa: nguồn sống, nguồn tạo sinh, cũng có thể là nguồn tử, nguồn diệt vong; là sự ấm áp, cũng có thể là nỗi đắng cay; là sự lạnh lẽo, tàn tạ mà cũng có thể là bình an sau mọi hóa giải…

Phương Vũ Mạnh, Lửa 22, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

 

Lửa 2, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

 

Phương Vũ Mạnh, Lửa 12, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

 

Võ sư Hắc Long (sinh năm 1966) lần thứ hai “hạ sơn” về Hà Nội bày triển lãm tranh. Lần triển lãm đầu tiên của ông cách đây 5 năm, đã thu nhận được những đánh giá tích cực của bạn bè và công chúng hội họa thủ đô. Có lẽ, điều đó góp phần đem lại cho ông sự bền bỉ cũng như hưng phấn với hội họa. Ông từng làm việc như một họa sĩ thiết kế sân khấu và hóa trang nhân vật cho các đoàn nghệ thuật ở Thái Nguyên. Trong võ thuật có tĩnh và động, có cương và nhu, có tiến và lui, những mặt đối lập trong thể hài hòa thống nhất ấy phần nào cũng được thể hiện trong tranh vẽ của vị võ sư này. 

Hắc Long, Kungfu 2, sơn dầu trên vải, 100cm x 100cm, 2012

Hai dòng chủ đề trong tranh của Hắc Long là Đời và Đạo. Dường như tác giả bỏ qua những nguyên tắc lý trí của kỹ thuật tạo hình và hòa sắc chỉ bởi ham muốn chuyển tải lên tranh một cách trọn vẹn trái tim nồng ấm, đa cảm của mình với đời, với người. Tranh của ông có nhiều màu xanh, gợi cảm giác bình an nhưng ở nhiều bức, cũng đồng thời bộc lộ sự mãnh liệt của khao khát và cảm xúc cá nhân, nhất là những bức vẽ tình yêu. Những câu chuyện về Đạo nhưng vẫn hòa quyện vào lẽ Đời, những ham muốn rất Đời nhưng vẫn ấn chứa sự tĩnh tại, an nhiên của người hành Đạo, tranh vẽ của Hắc Long thể hiện rõ nét con người cá nhân ông: một kẻ quyết liệt với trái tim hiền hậu, đa cảm trên hành trình sống của đời mình.

Hắc Long, Hoa 1, acrylic trên vải, 80cm x 100cm, 2013

Thông tin về hai tác giả:

Nguyễn Hắc Long
Nguyên quán Bắc Giang
Lập nghiệp tại Thái Nguyên
Võ sư Trưởng môn phái Thiếu Lâm kungfu Việt Nam.

Hoạt động hội họa:
2013: Triển lãm Lộ, với họa sĩ Phương Vũ Mạnh, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
2008: Triển lãm cá nhân Đi giữa đời lặng lẽ, nhà triển lãm 29 – phố Hàng Bài, Hà Nội.

Hắc Long, Tình yêu 9, sơn dầu trên vải, 80cm x 100cm, 2011

Tự bạch:
“… Với tôi, hội họa không chỉ là niềm đam mê mà còn là phương tiện để bày tỏ những khát khao, những cảm nhận chân thành của tôi về thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc sống nhân sinh của vạn vật cũng như vũ trụ mà võ thuật không thể chuyển tải được. Hội họa và võ đạo là tri âm, tri kỷ để chia sẻ, tâm sự, giãi bày. Từ đó giúp tôi vượt lên khỏi những gánh nặng mưu sinh, bon chen, danh lợi của đời thường, tìm đến sự giác ngộ và giải thoát về tinh thần và bản thể, hướng tới cái đẹp thánh thiện trong từng con người biết tu luyện sống trong thế gian này…”

Hắc Long, Tình yêu 5, sơn dầu trên vải, 120cm x160cm, 2010

 

Hắc Long, Kungfu 3, sơn dầu trên vải, 100cm x 100cm, 2011

 

Hắc Long, Tay 2, acrylic trên vải, 100cm x 100cm, 2011

Phương Vũ Mạnh
Nguyên quán: Hà Nội
Năm 1998: Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam)
nghệ sĩ hoạt động độc lập ở Hà Nội.

Phương Vũ Mạnh, Lửa 10, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

Hoạt động nghệ thuật

Một số triển lãm hội họa:
2013: Triển lãm Lộ, chung với võ sư Hắc Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
2008: Giới thiệu series tranh sơn mài trong triển lãm nhóm The Guns and the Girls, Hanoi Future Art.
Triển lãm cá nhân L’homme seul errant, tranh sơn mài, Orient Express Gallery, Paris.
2005: Triển lãm cá nhân Trải nghiệm, tranh sơn dầu và acrylic, gallery Huệ An, Hà Nội.
2004: Triển lãm cá nhân Thời gian, tranh sơn dầu, Salon Natasha, Hà Nội.
1998: Triển lãm cá nhân đầu tiên tại Salon Natasha, Hà Nội.

Phương Vũ Mạnh, Lửa 24, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

Một số triển lãm nghệ thuật đương đại:
2013: Recycle, body art cùng âm nhạc thể nghiệm của Vũ Nhật Tân, múa đương đại Đoàn Minh Hoàn, 9A4 M Studio, Hà Nội
2012: body painting và video art tại sự kiện Đáo Xuân 7 của nghệ sĩ Đào Anh Khánh.
2011: Triển lãm cá nhân, body painting and tranh khắc gỗ, Sztuki gallery, Gdasnk, Ba Lan.
Triển lãm cá nhân, video art, Site Specific gallery, Gdansk, Ba Lan.
2009: Triển lãm cá nhân, Ánh sáng đô thị, nghệ thuật sắp đặt và video art, Trung tâm văn hóa Pháp (L’Espace), Hà Nội.

Phương Vũ Mạnh, Lửa 7, acrylic trên vải, 140cm x 140cm, 2013

 *

Tên bài do Soi đặt

 

Bài liên quan:

– LỘ: Trong 5 ngày, Phương Vũ Mạnh cùng Hắc Long “tấn công” hội họa    
– Giới thiệu LỘ: Đọc xong lại bấm bụng cười

 

 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

1:49 Friday,12.7.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Huy

MỘT SỰ HỒN NHIÊN ĐA CHIỀU

Tôi thật sự bất ngờ và thật sự ngạc nhiên với bài viết này. Thật sự là ở đâu đó bên trong một tác phẩm nghệ thuật là cả một quá trình rèn luyện kỹ năng và tư duy sáng tạo biệt lập của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, quá trình rè
...xem tiếp

1:49 Friday,12.7.2013 Đăng bởi:  Nguyễn Huy

MỘT SỰ HỒN NHIÊN ĐA CHIỀU

Tôi thật sự bất ngờ và thật sự ngạc nhiên với bài viết này. Thật sự là ở đâu đó bên trong một tác phẩm nghệ thuật là cả một quá trình rèn luyện kỹ năng và tư duy sáng tạo biệt lập của người nghệ sỹ. Tuy nhiên, quá trình rèn luyện và tư duy biệt lập là hoàn toàn khác nhau. Có người thì rèn luyện quá hóa nghệ nhân. Có người thì tư duy quá hóa rồ hay không muốn nói là hoang tưởng. Lại có một loại tư duy nữa là… tư duy ba phải, “gió chiều nào theo chiều đó” “Nắng nơi nào che nơi đó” và “cơm nơi nào ăn nơi đó’. Xin thưa rằng có vô vàn loại nữa đang tồn tại chung quanh ta và quấy nhiễu ta mỗi ngày. Một sự quấy nhiễu mà người bị quấy nhiễu hoàn toàn thụ động.

Nguyễn Huy hoàn toàn đồng ý với bạn Phượng Yêu về quan điểm. Thật tội nghiệp vô cùng khi một TCBC lại mang hơi hướng của một bài phê bình nghệ thuật. Nhưng khi xem xong người ta lại bấm bụng cười mà so sánh với một loại PR vang trời cho một sản phẩm tồi mà nạn nhân của trò PR này là những khách hàng chân chính với nhu cầu thật sự của mình.

Quay lại với tác phẩm của hai người, một là thủ khoa của trường đại học mỹ thuật, hai là võ sư mê vẽ. Tôi không biết là người viết có chuyên môn hay không nhưng tôi chỉ xin nói với tác giả TCBC một điều là: “Nên biết BÌNH và PHÊ”.
Bàn về những tác phẩm trong triển lãm, với tranh của họa sỹ thủ khoa thì cá nhân Nguyễn Huy thấy cũng bình thường. Bình thường về thủ pháp, bình thường về mặt tạo hình và bình thường cả về ngôn ngữ chất liệu. Nhìn chung là những tác phẩm trên không đọng lại một chút gì  ấn tượng hay cảm xúc cho người thưởng ngoạn bởi một lối mòn sáo rỗng.


Với tranh của võ sư mê vẽ thì không có gì để bình và phê bởi đơn giản không chỉ bôi màu cho kín vải là thành tranh hay cao siêu hơn là thành một tác phẩm nghệ thuật. Thật sự nếu vẽ tranh dễ như vậy thì ai cũng có thể trở thành họa sỹ mà chẳng cần có trường đại học mỹ thuật làm gì.

Tôi nói như vậy không để phỉ báng hay chê bai mà để cho để đời sống nghệ thuật này tươi sáng hơn và trong lành hơn.

Đọc TCBC trên ta  thấy toàn những từ đao to búa lớn, này thì ” hạ sơn”, này thì “có tĩnh có động”, này thì “tìm đến sự giác ngộ để tìm sự giải thoát”, này thì “hòa quyện giữa đạo và đời”, này thì…… Quá khủng khiếp. Trong khi xem loạt tác phẩm của …”họa sư” thì tôi tìm mãi và ngẫm mãi cũng chẳng thấy gì như tác giả đã viết cả. Có chăng chỉ là một miếng vải bố được bôi kín màu và ….hết. Nếu cứ như thế thì cũng chẳng sao nhưng để mà kungfu hơn thì phải cần kungfu thêm nữa chứ không thể đem ý tưởng của một bức tranh cổ động phòng chống ma túy làm tranh của mình (tay 2). Bởi ngôn ngữ của tranh cổ động và một tác phẩm tạo hình là hoàn toàn khác nhau.

Nhưng thôi cả thủ khoa mỹ thuật và võ sư mê vẽ cũng không có lỗi trong chuyện này. Có chăng là một sự bốc đồng của nghệ thuật mà thôi.
Cuối cùng Nguyễn Huy mong những người viết nên “biết viết” và những người phê bình nên biết bình và biết phê. Mong lắm!

Cuối cùng thì triển lãm “LỘ” đã lộ ra khá nhiều điều đáng “SUY” và “NGẪM”. Buồn thay!

 
14:20 Thursday,11.7.2013 Đăng bởi:  Giời Ơi
"Lửa 7, 10, 22" của bạn Mạnh là những tranh hay. Bạn vẽ hay hơn bạn làm những thứ khác. Chúc bạn nhiều tiến bộ. Bạn Hắc Long có nhiều tư duy văn học. Tranh của bạn kể lể hồn nhiên quá. Cứ vẽ hoa lá cho trong sáng có phải hơn không? Cũng chúc bạn thành công.
...xem tiếp
14:20 Thursday,11.7.2013 Đăng bởi:  Giời Ơi
"Lửa 7, 10, 22" của bạn Mạnh là những tranh hay. Bạn vẽ hay hơn bạn làm những thứ khác. Chúc bạn nhiều tiến bộ. Bạn Hắc Long có nhiều tư duy văn học. Tranh của bạn kể lể hồn nhiên quá. Cứ vẽ hoa lá cho trong sáng có phải hơn không? Cũng chúc bạn thành công. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả