Nghệ sĩ Việt Nam

“Những hòn cuội nhặt dọc đường” của họa sĩ Lê Trí Dũng 24. 07. 13 - 1:53 pm

Đào Mai Trang giới thiệu - bài viết: Lê Trí Dũng

Họa sĩ Lê Trí Dũng nổi tiếng trong làng họa Hà Nội về tài vẽ ngựa. 

.

Ông vốn là một người lính tham gia chiến dịch Quảng Trị khi vừa bước qua tuổi 22. 

Sống giữa thời bình, nghĩ lại thời chiến, ông không chỉ vẽ mà còn muốn viết nhiều, viết mãi có thể về những năm tháng bi tráng nhưng rực rỡ của một thời tuổi trẻ.

.

 

Và đổi lại, những năm tháng ấy nhiều khi khiến ông ưu tư hơn khi ngẫm ngợi về con người hôm nay. Xin giới thiệu với bạn một phần viết in trong Những hòn cuội nhặt dọc đường, tập 3 (phần 1 và 2 xuất bản các năm 2006, 2008), mới phát hành của ông, tranh minh họa kèm bài cũng là sáng tác của ông.

.

 

NGU

Ông bạn tôi từng một thời cùng khoác áo lính, từng một thời bươn chải cơm áo thời bao cấp trên từng cây số, từng một thời làm gallerya… Thấy tôi cứ vẽ mãi về lính, ông bảo: Thằng này hóa ra ngu hơn mình tưởng (tất nhiên không nói trước mặt tôi).

Nghe xong , tôi mỉm cười (dù không biết người nói lại với mình với dụng ý gì). Khốn khổ cho cái thân tôi là năm tôi ba tuổi, ông ngoại đã dạy tôi rằng: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân…

Thế nên, việc tự xét lại mình rất là quan trọng… Sau hồi lâu suy nghĩ chưa rõ nguyên nhân, chợt nhớ tới câu: Nó lú nhưng chú nó khôn, lại nhớ tới câu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn…Và ngay tắp lự, tôi khăn gói quả mướp “lên đàng”, đi tìm “chú nó”.

Ông “chú” đầu tiên tôi gặp là một họa sỹ cựu chiến binh. Ông ở binh chủng săn giặc trời. Giờ đây, ông chỉ vẽ về các người đẹp, tranh một thời bán chạy… Tôi hỏi: Sao chuyển đề tài nhanh thế? Ông bảo: Các cửa Phong cảnh, Tĩnh vật, Chân dung, Chó, Mèo, Gà, Lợn… đã có người trấn ải cả rồi. Tôi phải tìm lối đi mới… Tôi lại hỏi: Sao không vẽ lính?… Ông bảo: Ma nó mua!

.

Ông “chú” thứ hai, một người cũng đã từng là lính. Ông từng được mệnh danh là ‘’Triệt địa thử’’, tức là Con chuột dũi với huyền thoại luồn sâu vào đồn địch như vào chốn không người. Giờ đây, ông vẽ trừu tượng. Hồi mới giải ngũ, ông vẽ toàn các hình tam giác, vuông, tròn… lắp ghép xanh xanh, đỏ đỏ… Gần đây, ông vẩy màu văng tung tóe … Ông bảo đó là những lúc ông xuất… thần, sướng lắm! Cực sướng! Những bức như thế dễ bán. Tôi hỏi: Sao không vẽ lính? Ông bảo: Cái gì đã qua thì cho qua luôn, nhắc lại đau lắm! Ông ghé tai tôi, thì thầm:  Đấy là chưa kể có đứa ác mồm, nó bảo mình là ăn mày dĩ vãng đấy…

.

Ông “chú” thứ ba còn dữ dằn hơn vì ông theo trường phái “bạo liệt”. Tức là ông không cần bút nữa… Ông bóp màu ra toan và vẽ bằng tay… Ông bảo sướng còn hơn cả xuất… thần! Cực khoái! Có lần, tôi nhắc lại những ký họa chiến trường của ông một thời xao động lòng người… Ông bảo: Nhắc làm gì, bây giờ là Love Forever (tức là yêu mãi). Yêu đi, cứ sướng đi đã, không cần biết ngày mai…Ta là Thượng đế… Đã là Thượng đế thì phải bay lên Thiên đường… Vứt mẹ tất cả đi, kể cả nhân cách. Quả thật dưới trời Nam này, ông coi các họa sỹ, từ già đến trẻ, chả ai ra gì!

Ông “chú” thứ tư khác hẳn ba ông trước. Vốn người cẩn trọng, chu đáo, ông vẽ về tình yêu, đề tài mà theo ông là sẽ tồn tại mãi mãi, đến kỳ triển lãm quân đội, ông thêm cái mũ có ngôi sao vàng và khẩu súng vào… Kỳ triển lãm tranh “Nude”, ông cởi tuột quần áo ra, động tác nhanh như người mẫu thời trang đảo quần áo… Lúc còn hai người với nhau, ông bảo tôi: Vẽ chiến tranh cách mạng bất lợi đủ điều. Một là khó bán ông ạ, thời nay, ai đi rước tên bay đạn lạc, đầu rơi máu chảy về nhà làm gì… Hai là phải vẽ khuôn khổ to, triển lãm xong về nhà không có chỗ để, ba là rất tốn màu… tiền đâu?

Tôi bảo: Nhưng trên đã có chủ trương ưu tiên các đề tài mũi nhọn, quan tâm lắm mà? Ông bảo: Thì đấy! Ông xem triển lãm xong có ai mua đâu… Các ông ấy vận động thế thôi chứ chính các ông ấy có vẽ đâu… Báo cáo thành tích xong là xong! Thế thì mới sản xuất ra những tác phẩm nhàn nhạt như thế chứ…

Mấy hôm sau, lại chính ông đứng lên phát biểu, rằng là “Trên” rất quan tâm đến đề tài mũi nhọn, công nông và nhất là về quân đội, rằng “các đồng chí phải cố lên không thế hệ các đồng chí ra đi dần sẽ mai một đi mất”, rằng sở dĩ chúng ta không được mua không phải vì “Trên” không quan tâm, không đủ tầm nhìn ra cái đẹp, mà vì chính chúng ta… bất tài, không đủ tài nói lên được tiếng nói của nhân dân …vv… và …vv.

Đến đây tôi thấy mình “ngu” thật! Không còn băn khoăn gì nữa. Hic!

.

 

Rằm tháng 9- Nhâm Thìn, 2012

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả