Gẫm & Bình

Ở Triều Tiên người ta xem tranh gì? 20. 08. 10 - 8:29 am

Adrian Dannatt - Diên Vỹ dịch và tổng hợp

 

Tranh gốm trong đường hầm Metro

 

Adrian Dannatt, phóng viên tạp chí online The Art Newspaper, vào 2009 đã thực hiện chuyến đi một tuần đến CHDCND Triều Tiên để nắm tình hình sih hoạt nghệ thuật. Soi thấy bài viết này thực là lý thú vì thông tin nó mang lại. Xin được đưa lại bản dịch của Diên Vỹ trên Doanh Nhân Cuối Tuần.

*

Có lẽ CHDCND Triều Tiên là mảnh đất cuối cùng trên thế giới nơi mà từ hơn nửa thế kỷ qua các hình thức biểu hiện nghệ thuật cùng nội dung của nó hầu như bất biến.

Không có khuynh hướng nghệ thuật nào khác ngoài “hiện thực chủ thể”

Hoạt động nghệ thuật tại CHDCND Triều Tiên tuân thủ đường hướng được gọi là “hiện thực chủ thể” mà theo đó, lịch sử nghệ thuật thế giới được chia thành hai mảng rạch ròi: thứ nhất là “nghệ thuật của nhân dân” phản ánh mọi nhu cầu, mong muốn của quần chúng và thứ hai là “nghệ thuật phản động” phản ánh ý thức hệ của giai cấp bóc lột.

Lãnh tụ Kim Nhật Thành từng phát biểu: “Hãy phát triển hình thức dân tộc của chúng ta với nội dung xã hội chủ nghĩa“. Với nghệ thuật tạo hình, phát triển hình thức dân tộc đồng nghĩa với phát triển loại hình tranh in với loại màu và mực in cổ truyền hay còn gọi là tranh Chosonhwa. Tất nhiên, tranh sơn dầu (với kỹ thuật và chất liệu du nhập từ Liên Xô trước đây) cũng được khuyến khích nhờ khả năng biểu đạt đa dạng của nó, nhất là để thực hiện những bức tranh tường lớn phục vụ mục đích tuyên truyền ở khắp nơi.

 

Các chủ đề trong hội họa CHDCND Triều Tiên

Rất giới hạn, thông thường là chân dung và hoạt động của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành, của lãnh tụ Kim Jong Il và các phu nhân của họ; quan hệ quân-dân khăng khít; xây dựng chủ nghĩa xã hội; cổ xúy tự hào dân tộc, ca ngợi tinh thần say mê lao động, chiến đấu, học tập… Riêng tranh cổ động thì tập trung đả kích chủ nghĩa tư bản, đứng đầu là Mỹ.

Tranh tường khổng lồ vẽ lãnh tụ Kim Nhật Thành

 

Mãi đến thập niên 1970, các họa sĩ CHDCND Triều Tiên mới có cơ hội phát triển mảng tranh phong cảnh ca ngợi đất nước tươi đẹp, giang sơn gấm vóc dưới ánh sáng của tư tưởng Chủ thể (học thuyết do lãnh tụ Kim Nhật Thành xây dựng) sau khi được lãnh tụ Kim Jong Il huấn thị: “Ý tưởng mô tả thiên nhiên nhằm cổ xúy tinh thần ái quốc, củng cố niềm tự hào dân tộc và sự tin tưởng của quần chúng được sống trong một đất nước xã hội chủ nghĩa“.

Kết quả là đã có một sự gia tăng khổng lồ số tranh sơn dầu vẽ phong cảnh thiên nhiên thay vì chỉ có tranh vẽ những đề tài thuần chính trị như các thập niên trước đó. Ngoài ra, tất cả các khuynh hướng, trào lưu nghệ thuật khác đều bị cấm, ngay cả với khuynh hướng “dễ coi” như ấn tượng.

Từ sinh viên mỹ thuật đến nghệ sĩ nhân dân.

Không rõ hiện có bao nhiêu nghệ sĩ tạo hình tại CHDCND Triều Tiên, nhưng cả nước có khoảng 50 nghệ sĩ ưu tú và 20 nghệ sĩ nhân dân, trong đó nổi tiếng nhất là các họa sĩ Son U Yong, Kim Chun Jon, Jong Chang Mo, Li Chang và Li Gyong Nam.

Gần như đã thành một nguyên tắc ở nước này: chỉ có các nghệ sĩ làm tranh Chosonhwa mới được phong danh hiệu cao quý nhất là nghệ sĩ nhân dân. Cả đất nước chỉ có một nghệ sĩ nhân dân là nữ: Kim Song Hui, người được nhiều nhà sưu tập nước ngoài biết đến với tranh Chosonhwa. Các nghệ sĩ tạo hình được đánh giá cao nhất được nhận giải thưởng mỹ thuật mang tên lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Tranh phong cảnh của Han Gyong Bo vẽ theo phong cách Chosonhwa

 

Đại học Mỹ thuật Bình Nhưỡng là trung tâm đào tạo mỹ thuật lớn nhất ở CHDCND Triều Tiên với các khoa: tranh Chosonhwa, sơn dầu, điêu khắc, gốm, tranh tường và mỹ thuật công nghiệp. Được tuyển chọn từ các địa phương, mỗi năm khoảng 150 sinh viên theo học tại trường và trải qua năm năm học. Trong các giờ thực hành, sinh viên được vẽ người mẫu nữ mặc áo tắm, tuyệt đối không có mẫu khỏa thân.

Sau khi tốt nghiệp, tùy theo năng lực học tập, các họa sĩ tương lai sẽ được các xưởng mỹ thuật nhận về công tác, trong đó nổi tiếng nhất là Xưởng Mỹ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng hoặc Xưởng Mỹ thuật trung ương Paekho. Xưởng Mansudae hiện có khoảng 150 họa sĩ vẽ tranh truyền thống Chosonhwa và khoảng 60 họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu. Khi cần có tác phẩm tham dự các triển lãm ở nước ngoài, bao giờ họa sĩ của Mansudae hay Paekho cũng được ưu tiên chọn.

Mansudae còn có một gallery tại Bắc Kinh và được coi là nguồn cung cấp chính các tác phẩm nhiều loại của CHDCND Triều Tiên cho một số gallery và các nhà buôn tranh ở nước ngoài. Vì vậy, ngoài các tên tuổi lớn, người yêu nghệ thuật rất khó biết được các tác giả thật sự và cũng không rõ có phải tác phẩm mà họ mua được là bản độc nhất hay đã được sao chép nhiều lần.

Ngay tại các triển lãm ở nước ngoài, các tác giả CHDCND Triều Tiên cũng hiếm khi xuất hiện, chỉ có người đại diện nhà nước trong buổi cắt băng khai mạc. Thêm nữa, giới sưu tập còn bối rối bởi các họa sĩ không ghi năm vẽ tranh theo dương lịch, mà theo “lịch Chủ thể”, mà năm đầu tiên của lịch này là 1912 – năm sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Do đó, nếu thấy tranh ghi năm 98 thì phải hiểu rằng nó được vẽ vào năm 2010!

 

Say mê học tập, tranh của Pak Hyon Cho

 

Du khách nước ngoài đến thăm CHDCND Triều Tiên được tham quan các xưởng vẽ cá nhân, nhưng hiếm khi được đến với các xưởng mỹ thuật quốc gia (nếu có yêu cầu thì được xem qua băng video). Du khách cũng có thể mua tác phẩm mỹ thuật tại các cửa hàng bán quà tặng, nhưng phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ – khoảng 15.000 euro – nếu muốn mua một bức tranh Chosonhwa của các nghệ sĩ nhân dân.

Gốm mỹ thuật CHDCND Triều Tiên cũng được nhiều nhà sưu tập ưa thích, đặc biệt là các tác phẩm của nghệ sĩ gốm lừng danh nhất Uchi Soun (1919-2003). Mỗi chiếc bình gốm cỡ nhỏ của cố nghệ sĩ này hiện có giá tới 10.000 euro.

Tất cả các họa sĩ, nhà điêu khắc ở CHDCND Triều Tiên đều là công chức, lĩnh lương hàng tháng và tùy theo mức lương mà họ sẽ phải thực hiện bao nhiêu tranh, tượng. Hàng năm không có các triển lãm cá nhân, chỉ có hai triển lãm quốc gia. Hầu như không có yếu tố bất ngờ trong các tác phẩm, bởi như lãnh tụ Kim Jong Il đã khẳng định: “Một bức tranh phải được vẽ sao cho người xem có thể hiểu được nội dung, ý nghĩa của nó. Nếu người xem một bức tranh không thể hiểu nổi ý nghĩa của nó thì có nghĩa là bức tranh đã không được một họa sĩ có tài vẽ nên và không thể gọi đó là một bức tranh đẹp”

 

Đến với thế giới bên ngoài

Hiện nay, tác phẩm tạo hình của CHDCND Triều Tiên vẫn có sức thu hút đáng kể đối với giới sưu tập nghệ thuật cũng như những phòng triển lãm ở khắp nơi. Chúng có vai trò của một đại sứ đem đến thế giới bên ngoài những thông điệp chính trị được diễn đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Giai đoạn hiện nay cũng là lúc các hoạt động tuyên truyền hết sức rầm rộ, trong đó có vai trò đáng kể của tranh cổ động – một mảng nghệ thuật tạo hình ở CHDCND Triều Tiên được nhiều người thích sưu tầm.

Một trong những bộ sưu tập tranh CHDCND Triều Tiên có giá trị là của ông Nicolas Bonner, giám tuyển của Triển lãm nghệ thuật đương đại tam niên châu Á – Thái Bình Dương. Có tin một trong những sự kiện nghệ thuật hàng đầu tại châu Á sẽ được tổ chức tại Brisbane (Úc) vào tháng 12-2009 tới đây và tại triển lãm này, lần đầu tiên có sự tham dự của một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu nhất của CHDCND Triều Tiên.

Nữ cảnh sát giao thông, tranh của Kim Hak Ri

 

Theo ông Bonner, tranh của các họa sĩ CHDCND Triều Tiên thể hiện rõ kỹ thuật và thủ pháp già dặn của họ. Bộ sưu tập của Nicolas Bonner có tranh của nhiều nghệ sĩ nhân dân, trong đó có cả tranh của họa sĩ Jong Yong, người vừa đoạt giải thưởng mỹ thuật Kim Nhật Thành.

Một bộ sưu tập đáng kể khác là của nhà buôn tranh người Anh David Heather, người đã tổ chức trưng bày các tác phẩm CHDCND Triều Tiên tại La Galleria ở London năm 2007.

Hai nhà sưu tập Hà Lan là Wim van der Bijl và Ronald de Groen cũng đã tổ chức triển lãm tranh CHDCND Triều Tiên trong năm 2004 tại Rotterdam.

Riêng Pier Luigi Cecioni, nhà sưu tập nghệ thuật hàng đầu ở Ý, sở hữu đến 600 tranh cổ động mà hầu hết đều được thực hiện tại xưởng Mansudae ở Bình Nhưỡng. Nhiều người cho rằng, muốn xem tranh CHDCND Triều Tiên, không đâu thuận lợi hơn là tại các gallery ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

 

(Nguồn: Doanh Nhân Cuối Tuần. Tên bài do Soi đặt lại.)

 

 

Ý kiến - Thảo luận

23:03 Wednesday,29.4.2020 Đăng bởi:  Hà Trọng Nghĩa
Triều Tiên có ý muốn sống một cuộc đời cá biệt trong sạch, không bị pha lẫn tạm nham từ thế giới bên ngoài. Thế nên nền văn hóa nghệ thuật Triều Tiên hầu như không thể bị tổn hại hay lai căng.
...xem tiếp
23:03 Wednesday,29.4.2020 Đăng bởi:  Hà Trọng Nghĩa
Triều Tiên có ý muốn sống một cuộc đời cá biệt trong sạch, không bị pha lẫn tạm nham từ thế giới bên ngoài. Thế nên nền văn hóa nghệ thuật Triều Tiên hầu như không thể bị tổn hại hay lai căng. 
14:51 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  ttk

Thế giới hiện đại ngày nay đã mở ra nhiều cơ hội cho con người phát triển mọi mặt, nhiều quốc gia hùng mạnh đang làm bá chủ toàn cầu, vậy mà để nhân dân Triều Tiên sống trong cảnh chế độ phong kiến hà khắc thế.


...xem tiếp
14:51 Wednesday,1.10.2014 Đăng bởi:  ttk

Thế giới hiện đại ngày nay đã mở ra nhiều cơ hội cho con người phát triển mọi mặt, nhiều quốc gia hùng mạnh đang làm bá chủ toàn cầu, vậy mà để nhân dân Triều Tiên sống trong cảnh chế độ phong kiến hà khắc thế.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả