Nghệ sĩ Việt Nam

Theo Bùi Công Khánh sang Bát Tràng: một vòng xe, một vòng suy nghĩ 01. 08. 13 - 8:54 am

Đào Mai Trang

 

.

Bùi Công Khánh – một nghệ sĩ ở Sài Gòn sắp kết thúc 2 tháng lăn lóc ở Bát Tràng lôi kéo tôi; sang đây nhanh đi không thì anh đi Sài Gòn đấy. Phải sau Tết anh mới về lại. Cách dùng từ đivề cho thấy là Sài Gòn đã lạ với anh rồi thì phải.

Bát Tràng mà Khánh nói là làng Bát Tràng cổ nằm ngoài đê sông Hồng, chạy dọc ven sông Nhị. Đây chính là nơi diễn ra công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải hoành tráng một thời. Bát Tràng là tên xã gồm hai làng, làng Bát Tràng cổ và làng Giang Cao, có lối rẽ vào trước khi đến làng Bát Tràng cổ theo hướng từ Hà Nội sang. Lúc tôi đến chỗ hẹn, đã thấy mấy người bạn nước ngoài trầm trồ chụp ảnh xưởng sản xuất của nghệ nhân Trần Hợp. Ông là một trong 8 nghệ nhân được phong danh hiệu Nghệ nhân dân gian ở làng này. Công xưởng lớn, hàng trăm bao tải đất sét trắng, nhập nguyên bao từ Ấn Độ.

Một góc công xưởng gốm sứ Trần Hợp

Công nhân ở bộ phận làm đất này chỉ có vài ba người, lạ là không ai đeo khẩu trang dù bụi mù, ông Hợp cũng vậy. Nhìn là thấy ông chất ở đó một đống tiền, cũng nhìn thấy rõ ràng là công việc vẫn có chiều thuận lợi. 

Ông Hợp bên dàn máy lọc đất

Phòng giới thiệu sản phẩm ở trên tầng 2, thuộc phần nhà phía trước. Quả thật là tôi ngỡ ngàng. Có thể vì lần đầu tiên tôi đến thẳng một nhà nghệ nhân gốm làng này. Chừng hơn chục năm về trước, tôi cùng một bạn đi chợ gốm để mua đồ. Từ đó về sau, do bận bịu linh tinh, chưa từng có ý nghĩ đi làng gốm, toàn tranh thủ mua đồ cần dùng trong siêu thị gần nhà hoặc hàng gốm sứ bán dạo.

Những chiếc bình men lam được vẽ rất kỹ lưỡng, có tình, cảnh trí gần gũi với người Việt mình. Nhân viên bảo mua hàng tại đây sẽ có giá mềm hơn nhiều so với ngoài chợ.

.

 

.

Đến mấy cái đèn gốm thì tôi thực là bị hút mắt. Trông không khác gì một cái bình hoa sứ thông thường, nhưng khi thắp điện bên trong lên, nó sáng dịu dàng, như màu ánh trăng ánh lên cảnh thôn quê vẽ bên ngoài. Tựa như cái đèn gốm trắng, hoa văn nổi này

.

 

.

Gian hàng cũng có nhiều mẫu mã khác nữa, cho thấy nghệ nhân ở đây rất tích cực sáng chế mẫu mã mới, cho dù loanh quanh vẫn trong khuôn khổ bình cắm hoa thật, hoa giả hoặc để không làm đồ trang trí.

Những mẫu mã này có thể cũng đồng thời được làm ở nhà khác (sau lên Google search mới ra loạt trang web chuyên của một số cửa hàng, công ty gốm sứ Bát Tràng, có nhiều hình tương tự). Nhưng như thế có khi góp phần tích cực kích thích họ tiếp tục thiết kế mẫu mới, độc bản và tay nghề được nâng cao.

.

Nghe ông Trần Hợp kể, mới thấm thêm cái tình trạng kinh tế suy thoái. Nhà ông đã phải sang nhượng nhà máy sản xuất rộng lớn, thu tất cả về ngay tại gia đình. Các hợp đồng xuất khẩu ít dần cả về số lượng hợp đồng lẫn số hàng trong từng hợp đồng. Giờ đây, thị trường nội địa là ưu tiên số 1 của gia đình ông

Màu men huyết dụ – sáng chế nổi tiếng của ông Hợp (chụp lại từ poster của nhà ông)

Chia tay ông Hợp, người từng được giải thưởng khoa học công nghệ VIFOTEC 2004 về màu men huyết dụ, chúng tôi chạy qua một nhà khác, trong ngõ chứ không ở mặt đường. Nhà chật, đồ đạc chất đầy ở khoảng nhỏ ngay kế bên bàn tiếp khách. Ông tên là Hiệu, chuyên về mặt hàng đèn dầu và đĩa, nói theo lời ông là “hoài cổ” chứ không phải theo mẫu cổ hay giả cổ. Ông bảo mình có mấy chục năm đi theo làm cho một số người sưu tập đồ cổ nên cái vốn cổ nó thấm vào người. Có tuổi, không lang bạt nữa, ông về làng làm thuê cũng theo hướng đó. Một vài năm nay, ông tách ra làm riêng. Tôi chỉ chụp được mấy cái đĩa lớn, còn đèn thì khó khăn do chúng được bày hết trong tủ kính. Mấy cái đĩa tròn lớn này được làm kỳ công, dày, nặng, đế vuốt tròn đẹp. 

.

Hoa văn và màu men đều do ông tự nghiền ngẫm mà ra. Ông cũng nói đến khó khăn kinh tế, hàng bán chậm, đi thuê lò trong làng. Ông “làm thuê” cho Bùi Công Khánh sau một số lần từ chối vì cũng chưa rành ý tưởng của Khánh. Nhưng khi ông đã nhận lời, Khánh chỉ có nước OK 100 % về quy cách thực hiện, cho dù “giá không hề rẻ”. Tiếc là vì bản quyền tác phẩm đặt hàng cho triển lãm của Khánh nên chưa thể giới thiệu với bạn đọc Soi được.

Đến giờ về ăn cơm, chúng tôi ghé nhà anh Đậu, nơi Bùi Công Khánh từng sống ở đó suốt mấy tháng hè nóng nực. Nhà rộng, cao 3 tầng nhưng nguyên tầng một là xưởng với cả lò gas và dăm sáu công nhân. Nhà anh Đậu ở bên trong đê, vốn là nơi chính quyền xã dành cho việc di dời các lò gốm để tránh ô nhiễm cho làng. Mỗi mảnh đất cũng phải ít nhất 600m vuông trở lên, bán thông qua đấu thầu. Nhưng kết cục, chẳng có lò gốm nào chuyển ra đây. Những người trúng thầu đành xé lẻ ra bán cho dân xây nhà ở. Nhà anh Đậu là một trong những hộ như vậy, vừa ở vừa xây lò, lại vẫn mô hình trong làng cổ.

.

Anh Đậu vốn dân mỹ thuật công nghiệp, nay chuyên làm về tranh gốm tứ quý. Chị vợ tên Hà, là người hồn hậu. Chị kể từng thi vào khoa tạo dáng công nghiệp của Viện đại học Mở Hà Nội nhưng thiếu nửa điểm, nên thôi không thi lại nữa. Chị vừa làm nội trợ cho cả gia đình hai con nhỏ, lẫn thợ, vừa tham gia cùng chồng quản lý việc làm ăn, cũng có khi xắn tay vào vẽ khi có hứng. Anh chị chia sẻ thật thà về kinh tế khó khăn, chỉ làm hàng nội địa cho dù ước mơ xuất khẩu vẫn chưa nguôi. Chị bảo trước kia nhà anh chị cũng như bao xưởng gia đình khác trong làng đều làm hàng “công” (hàng đóng container xuất khẩu) nhưng đơn hàng ký với nước ngoài thường có hạn 3 – 6 tháng. Giá gas trong nước lại phập phù, giảm thì không sao, chứ tăng dựng đứng là biết chắc lỗ to mà vẫn phải nghiến răng, nước ngoài thì làm sao có chuyện thông cảm để tăng giá được.

Giờ, hai vợ chồng cũng chỉ chú trọng làm hàng nội địa. Chỉ đống hàng đang được vẽ, anh bảo cứ túc tắc làm, từ giờ đến Tết là bán được hết. Cô bạn nước ngoài của chúng tôi đi cùng chia sẻ rằng anh nên cải tiến mẫu mã, có thể làm được thêm cả gạch trang trí theo hoa văn của nhiều nền văn hóa khác nhau và từ đó dễ dàng hơn giành lại thị trường xuất khẩu. Khách châu Âu không thích nhiều màu quá trên một bức tranh như cách nhà anh đang làm. Cô bạn hỏi anh có trang web chưa, anh Đậu gãi gãi tóc: khâu tiếp thị quả là một khó khăn cho xưởng sản xuất gia đình như nhà anh. Cô bạn lại bảo không chỉ có trang web, mà còn phải có cả tiếng Anh. Tới đây, bạn hợp tác với anh một việc và nhân thể sẽ viết giúp anh phần tiếng Anh cho web. Bạn gợi ý nhiều, rằng mẫu mã phải đa dạng, cùng chủng loại nhưng tùy theo nền văn hóa mà có sự khác nhau về hoa văn, màu sắc.

Nhà anh Đậu làm chuyên tranh tứ quý nhưng cũng làm cả tranh gốm cỡ lớn. Anh mở cho xem bức tranh đã được đóng gói gửi qua Pháp, vẻ cảnh làng quê nông thôn miền Bắc. Khách là một gia đình Việt kiều, anh kể vậy. Vậy là cô bạn nước ngoài tiếp tục gợi ý anh nên thể hiện rõ sự đa dạng về các dòng tranh gốm mà anh có thể làm. Mẫu nào cho khách bình dân, mẫu nào cho khách sang trọng… Nhiều ý tưởng đến nỗi anh Đậu kết luận: người Tây thông minh hơn người Việt. Mọi người cùng cười vui vẻ. Bùi Công Khánh bảo, anh Đậu cũng như nhiều nghệ nhân Bát Tràng đều chịu khó, chăm chỉ, sáng tạo, và đặc biệt họ có thể làm được mọi thứ mà anh đề nghị, làm sao cho tác phẩm mang đi triển lãm nước ngoài của anh được hoàn mỹ.

Khánh hiện có hai dự án song song. Để làm được, anh đã tìm ra ba nơi trong làng để hợp tác sau nhiều ngày lọ mọ tìm hiểu. Anh có tác phẩm triển lãm ở một số nơi khá quan trọng và được Queensland Art Gallery sưu tập (năm 2009). Khánh sống được bằng những sáng tạo trên nền truyền thống này và có “vốn” để đầu tư tiếp với những ý tưởng mới: những câu chuyện thế cuộc hôm nay phối trộn với hoa văn gốm truyền thống, như là cũ và mới, đương đại và truyền thống đan xen nhau… Khánh bảo nghệ sĩ Hà Nội có thể sang đây, tìm kiếm cơ hội hợp tác sáng tạo với người Bát Tràng. Nghệ sĩ có thể nhờ họ giúp hoàn thiện tác phẩm của mình, đổi lại có thể cùng họ kiến tạo những mẫu mã hàng mới, hoặc giả chỉ là hoa văn mới, những bức tranh có thêm tính hiện đại hơn cho các bình, lọ, vại, bát đĩa quen thuộc của làng. Được không nhỉ? Được quá đi chứ nhỉ, bên cạnh việc loanh quanh với các ý tưởng độc sáng của cá nhân mình… Nhất là lúc thóc cao gạo kém thế này, kinh tế khó khăn, ai cũng quay về thị trường nội địa. Bản thân nghệ sĩ cũng phải mở cửa hàng kinh doanh đồ tự làm của mình đấy thôi…

Art shop của nhóm nghệ sĩ Nhà sàn Collective (Hà Nội) trong sự kiện Destruo.

 

Những món hàng quen thuộc sẽ được nghệ sĩ nhà mình giúp làm cho mới lạ hơn, hấp dẫn thị giác hơn?

 
Bữa cơm kéo dài vì đủ mọi câu chuyện cài vào nhau… Cảm ơn anh chị chủ nhà,  chúng tôi lại đi tiếp đến một lò gốm nữa. Ở đây, tôi thú thực là ngạc nhiên vì gốm sứ mà cũng có thể làm được thành một bộ bàn ghế, ghế tựa nhé, chứ không phải ở dạng cái đôn thông thường. Bác thợ tự hào: cả thế giới chỉ có riêng bác làm cái thể loại này, ghế và bàn đều được chia hai phần để nặn, vẽ và nung, sau đó bắt keo chết ở chỗ nối (rất khó phát hiện được, bạn nhé). 20 triệu một bộ gồm bàn và 4 ghế. Trước bác toàn làm hàng đặt và xuất đi nước ngoài. Nay, cũng lại ế ẩm…

Bác thợ duy nhất làm bộ ghế tựa bằng gốm sứ (Tôi lại không nhớ nổi tên bác, thật tệ quá!)

 

Một bộ bàn ghế này có giá 20 triệu đồng.

 
Ế ẩm xuất ngoại, quay về trong nước, cần thiết kế kiểu dáng và hoa văn mới mẻ, thẩm mỹ cho hàng hóa,  có cơ hội làm nghệ thuật mang tầm quốc tế… có lẽ đó là mấy cụm từ chủ chốt, trong cái bài viết lan man này về làng gốm Bát Tràng hôm nay. Đủ để thấy Bát Tràng luôn là điểm đến tiềm tàng của sự hợp tác lâu bền giữa thợ làng nghề và nghệ sĩ tạo hình. Bùi Công Khánh đấy, từ Sài Gòn ra đây, lăn lóc vài tháng hè, nóng đến nỗi, có hôm kêu xe ôm sang Hà Nội thuê khách sạn ngủ cho đã giấc rồi về, thế mà chưa rời Bát Tràng mà đã lên lịch sau Tết về lại. Anh phải “làm ăn” được lắm mới máu thế chứ, phải không nào…

May mắn hay cơ duyên có thể có nhưng không phải là tất cả. Rõ ràng là lao động một cách sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống, biết kết hợp giữa những câu chuyện lịch sử và đương đại, vẫn là một bài học thành công của nhiều nghệ sĩ tạo hình thế giới mà. Với lại, chưa bàn đến nghệ thuật đỉnh cao, chỉ cần có sự hợp tác và giúp nhau để có lợi cho cả hai phía: nghệ sĩ có điều kiện làm những món đồ mang tính nghệ thuật để bán theo cách của mình, người Bát Tràng có cơ hội mở rộng tư duy sáng tạo, có được những mẫu hàng phù hợp thị hiếu xã hội hôm nay hơn…, chẳng là đã tốt lắm sao… Bát Tràng – Hà Nội chỉ có 10km thôi mà, gần lắm!

 *

Bài về Bùi Công Khánh:

Bùi Công Khánh đã lọt vào vòng chung kết của APB Foundation Signature Art Prize
BÙI CÔNG KHÁNH: Quá khứ đã qua

 

 

Ý kiến - Thảo luận

17:13 Monday,5.8.2013 Đăng bởi:  Công Duy
Đang có phong trào dùng đồ gốm sứ nhật ở sài gòn, có hai links này https://www.facebook.com/taphoadi3https://www.facebook.com/Nadeshiko.Boutique?fref=ts hiện ở sài gòn cả. Đồ nhìn chung là hấp dẫn giới trẻ, g
...xem tiếp
17:13 Monday,5.8.2013 Đăng bởi:  Công Duy
Đang có phong trào dùng đồ gốm sứ nhật ở sài gòn, có hai links này https://www.facebook.com/taphoadi3https://www.facebook.com/Nadeshiko.Boutique?fref=ts hiện ở sài gòn cả. Đồ nhìn chung là hấp dẫn giới trẻ, giá lại cao, bình bình cứ 200k/em trở lên. Mong là các bác làm gốm Bát tràng tìm hiểu thêm để thỏa cái cầu nội địa này. 
15:15 Saturday,3.8.2013 Đăng bởi:  đinh công đạt

Khổ quá Trang, Bát Tràng cách trung tâm có 13km mà em về đó ngơ ngáo vậy ah? theo mộtt anh bạn tận đẩu tận đâu tìm hiểu láng máng Bát Tràng rồi viết lắng nha lăng nhăng
 


...xem tiếp
15:15 Saturday,3.8.2013 Đăng bởi:  đinh công đạt

Khổ quá Trang, Bát Tràng cách trung tâm có 13km mà em về đó ngơ ngáo vậy ah? theo mộtt anh bạn tận đẩu tận đâu tìm hiểu láng máng Bát Tràng rồi viết lắng nha lăng nhăng
 

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả