Nhiếp ảnh

George Weir nói về việc chụp ảnh cưới: Tôi hiếm khi ‘crop’ ảnh 07. 09. 13 - 8:26 am

Crash Taylor phỏng vấn, Hoàng Lan lược dịch

SOI: Trong cả bài, các bạn bấm thẳng vào hình để xem rõ hơn nhé

*

George Weir là một nhiếp ảnh gia người Scotland, nhưng anh đem tài năng của mình sang Mỹ vào năm 1982. Tạp chí American Photo từng miêu tả anh là “độc nhất vô nhị, ngay cả khi đem so với (những người khác) của làng nhiếp ảnh báo chí”. Anh theo nghiệp nhiếp ảnh được hơn 30 năm và chụp ảnh cưới hơn 12 năm. Các cuộc phỏng vấn do tôi thực hiện luôn có những nhiếp ảnh gia đã góp công đưa ngành công nghiệp này lên một tầm cao mới bằng kỹ thuật, nhiệt huyết, và lòng đam mê muốn giúp những (nhiếp ảnh gia khác) thành công như mình. Chắc chắn George là một trong số đó.

Nhiếp ảnh gia George Weir


Anh có theo học nhiếp ảnh tại trường nào không?

Có chứ, tôi học nhiếp ảnh tại Napier ở Edinburgh, sống và thở cùng nhiếp ảnh trong 3 năm tuyệt vời đó.

Điều gì hay ai là người đã đưa đẩy anh vào lĩnh vực ảnh cưới?

Đó là một quyết định mang tính cân nhắc. Tôi từng chụp ảnh mắt (cho khoa Mắt của bệnh viện) trong 15 năm, tôi là một CRA (chuyên viên chụp ảnh võng mạc) rất tốt, có thu nhập khá, công việc cũng đem lại nhiều thử thách hay, giúp tôi luôn học hỏi, suy ngẫm. Tuy nhiên tới giữa thập niên 90, tôi thấy trước rằng chụp ảnh trong ngành y tế sẽ xuống dốc, và cơ hội để tiến thân khá hạn chế, nên trong lúc thực hiện một hợp đồng ngắn hạn tại Trung Đông, tôi bỏ thời gian ra nghiên cứu và chọn lựa giữa nghề biên tập ảnh và chụp ảnh cưới. Ảnh cưới thắng.

Một số ảnh cưới do George chụp:

.

 

.

 

.

 

.

Anh miêu tả phong cách của mình thế nào?

Phong cách của tôi đơn giản như cách tôi nhìn đời; những khoảnh khắc, cảm xúc, ánh sáng, hình dạng, hay nói chung là nghệ thuật; tất cả những thứ này gộp lại sẽ khiến tôi muốn thử thách chính mình, muốn chụp và tạo nên những hình ảnh mà người khác không nhìn thấy.

Anh dùng máy ảnh gì?

Điều quan trọng đối với tôi, quan trọng hơn cả một nhãn hiệu cụ thể, là tôi phải sử dụng được nó, và máy ảnh phải là máy full frame (máy DSLR, có ống kính cảm biến, dùng phim 36×24 mm, chuyên để chụp ảnh góc rộng). Hiện tại thì máy Canon 5D là chuẩn.

Ngoài camera, phụ tùng hỗ trợ mà anh thích nhất là gì?

Máy đo sáng của tôi; quả thực, khả năng đo sáng của máy ảnh ngày nay rất tiên tiến, tuy nhiên việc dùng máy đo sáng vật thể (đo ánh sáng từ vật muốn chụp) và máy đo sáng điểm (đo sáng theo góc độ hẹp) buộc tôi phải chậm rãi, và nghĩ về thứ tôi đang thấy cũng như cái tôi đang muốn chụp. Dùng máy đo sáng để định độ phơi sáng giúp tôi có được những kết quả đồng nhất hơn nhiều.

Ánh sáng trong ảnh của George:

.

 

.

 

.

 

.

Nếu phải chọn một loại ống kính anh sẽ chọn loại nào và tại sao?

Ống kính chất lượng cao, nhanh 35mm sẽ là lựa chọn số một của tôi, vì tôi quen dùng nó rồi.

Anh có thể mô tả anh dùng đèn chớp, đèn studio, tấm tản sáng, và ánh sáng tự nhiên khi nào và như thế nào trong lúc chụp ảnh đám cưới không?

Tôi không dùng tấm tản sáng, hay bất kì loại đèn studio nào cả. Tôi cũng không bao giờ dùng đèn chớp trong lúc lễ cưới đang diễn ra.

Phong cách chụp ảnh ưa thích của tôi: tận dụng ánh sáng tự nhiên, hay nói thằng ra là “ánh sáng sẵn có” càng nhiều càng tốt. Tôi thích dùng tốc độ cửa chập chậm, thích ống kính rộng. Khi làm việc với ánh sáng sẵn có, tôi rất ý thức việc tôi có thể chỉnh thấp, chỉnh chậm như thế nào tùy theo từng loại ống kính. Tôi hiếm khi chụp trên 1000 ISO. Họa hoằn lắm tôi mới chỉnh ISO lên hơn 800. Tư thế chụp chuẩn, cách cầm máy ảnh, rồi nhịp thở và cách chụp vừa chậm vừa cân nhắc đều đóng góp không nhỏ vào cách tôi chụp ảnh.

Ngoài máy tính cá nhân, công cụ biên tập (ảnh) ưa thích của anh là gì?

Cà phê mới pha, sự yên tĩnh, và phần mềm Photomechanic.

Anh là thích máy Mac hay PC?

Tôi thích cả hai. Chẳng cái nào hơn cái nào. Lúc trước tôi từng dùng Mac, nhưng hiện tại tôi dùng PC. Với tôi thì chúng không khắc biệt gì.

Anh nghĩ gì về việc cắt (crop) ảnh?

Người ta nói về cảm hứng, mà thường không nói đến kết quả – nếu có – mà cảm hứng ấy mang lại.

Tôi dành hàng chục năm trời trong phòng tối, dùng một cái kẹp phim âm bản để rửa từng khung ảnh mà tôi đã chụp. Kết quả là, hiện nay tôi nhìn thấy được bức ảnh ‘trong trạng thái hoàn thiện’ trước cả khi tôi đưa máy ảnh lên ngắm; tôi còn biết phải dùng ống kính nào, và biết rằng tôi cần bước sang trái, phải, bước tới, cúi xuống, hoặc đứng yên vị để chụp ra cái hình tôi thấy trước trong đầu. Nên tôi hiếm khi crop ảnh.

Thế trong đầu George thấy những hình gì? Cùng xem nào:

.

 

.

 

.

 

.

 

.

Gần đây có 2 bức ảnh nào mà anh thấy ưng nhất? Anh có thể mô tả 2 tác phẩm này về mặt vị trí, ánh sáng, bố cục,…, và cả suy nghĩ của anh khi chụp chúng, cũng như ý nghĩa của 2 tấm hình này đối với anh?

.

Hình này chụp vào tháng 10 năm ngoái tại vùng Catskill thuộc bang New York. Cô dâu đi “kiểm tra” xem ông bố của mình đang làm gì. Tôi đi theo sau vài phút, và đứng im tại ngưỡng cửa khi thấy hai bố con bắt đầu tập nhảy. Tôi biết rằng nếu tôi bước vào phòng thì thái độ của họ sẽ khác đi, nên tôi nán lại phía sau và chụp vài pô. Tôi dùng sáng tự nhiên. ISO 400, 1/60 @ 3.5, chụp tay.

.

Còn bức này tôi chụp ở một đám cưới ngoài bãi biển tại New Jersey, thời điểm là vài phút sau khi lễ cưới kết thúc. Vào một ngày trời nắng chói như hôm đó, tôi biết tôi sẽ cần rất nhiều đồ nghề ánh sáng, nhiều hơn so với những gì tôi muốn mang theo, nếu tôi có ý định dùng chế độ phủ flash (fill flash – dùng để chụp vật thể dưới ánh sáng chói của mặt trời, nhằm tránh hiện tượng bóng đổ) cho hiệu quả thì đành phải (vác nhiều) thế. Tôi dùng máy đo sáng và chụp ở mức ISO 50. Tôi hài lòng với bố cục của khung hình và cách nó ghi lại nhiều hoạt động: cậu bé ngồi ở vị trí cận cảnh, “ông chú Bob” chụp hình vợ khi cô đang mải ngắm cô dâu chú rể. Xin bổ sung thêm là, bóng chú chim hải âu không phải hình ghép vào đâu nhé.

Anh nghĩ gì về ngành công nghiệp ảnh cưới hiện nay, và trong 5 năm nữa nó sẽ ra sao?

Quá nhiều nhiếp ảnh gia mà do thiếu kinh nghiệm cộng với thiếu quyết đoán nên hiện nay ảnh cưới họ chụp thường bị lỗi, và trông chẳng khác gì ảnh của lắm kẻ khác, họ cũng thường chịu mức thù lao còm cõi. Trong 5 năm tới ư? Tôi thấy một mô hình truyền thông thống nhất, và thị trường sẽ tìm kiếm những hình ảnh mang tính khác biệt. Đây quả thật là một thời điểm thú vị cho nghề nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả