|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamVới Bàng Nhất Linh (phần 1): Tại sao là “Sinh năm 1983/Khâm Thiên”? 01. 09. 13 - 7:31 pmTrần Anh Ngọc phỏng vấn. Ảnh: Tuấn CX, Nguyễn Hồng HảiTừ 5. 9 tới 28. 9. 2013 tại L’espace 24 Tràng Tiền – Hà Nội diễn ra triển lãm cá nhân thứ ba của Bàng Nhất Linh. Triển lãm được đồng tổ chức bởi L’espace và Hội đồng Anh Anh Ngọc: Anh có thể nói gì về triển lãm mới này? Nó sẽ có những gì? Nhất Linh: Triển lãm gồm 1 sắp đặt và 1 video. Sắp đặt có tên “Vũ khí và Mục tiêu” – là một tập hợp những đồ vật sinh hoạt được người Việt Nam, những người lính, người dân trong thời chiến chuyển dụng từ những vật phẩm chiến tranh như đạn pháo, những mảnh xác máy bay…, và một vài đồ chơi của trẻ em do tôi làm từ phần còn lại của chiếc trực thăng chiến đấu. Mỗi đồ vật này đi kèm với một tài liệu nhỏ về loại vũ khí là nguyên gốc của nó. Video là câu chuyện về một cựu chiến binh người Bru (còn gọi là người Vân Kiều) ở Ka Tăng – một bản nghèo sát biên giới, cuối đường 9 nam Lào thuộc tỉnh Quảng Trị – nơi có vĩ tuyến 17 từng chia cắt hai miền Nam Bắc và là một trong những chiến trường khắc nghiệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Người cựu chiến binh ấy cải tạo những hố bom trên núi ở nơi nhiều năm trước là chiến trường mình từng chiến đấu thành một cái ao để nuôi cá.
AN: Tôi nghe nói triển lãm này là khởi đầu cho một dự án mới của anh? NL: Vâng, vài năm gần đây, tôi bắt đầu viết một dự án mới. Dự án này là một chuỗi triển lãm nối tiếp nhau, những triển lãm này sử dụng những vật phẩm từ chiến tranh, nhưng đôi khi chúng không còn mang hay hướng tới những ngữ nghĩa, cảm xúc từ nguồn gốc của chúng. Trong chuỗi triển lãm này, những vật phẩm từ chiến tranh có thể được thay đổi hình dạng, thay đổi công năng, được tách khỏi ngữ cảnh gốc của chúng, rồi đặt trong những ngữ cảnh mới hay đóng vai trò như một đối tượng tương tác với một nhân vật sống… hoặc được sử dụng như một chất liệu kết nối, gợi mở để đưa ra những cảm quan khác nhau… Sau khi chắc chắn từ bỏ dự án sắp đặt “Anh hùng/Hero” dang dở mà tôi đã làm việc với nó từ năm 2010, tôi bắt tay vào thực hiện triển lãm đầu tiên của chuỗi dự án mới này – triển lãm sắp đặt & video “Sinh năm1983/Khâm Thiên”.
NL: Tôi sinh ra ở Khâm Thiên – nơi phải chịu trận oanh tạc lớn nhất của không quân Mỹ từ sau Thế chiến II- trận Linebacker 2 trong sự kiện Giáng sinh 1972. Ở đó, những năm 80, tôi chơi đùa bên những hố bom chưa lấp như những cái ao nhỏ và lớn lên cùng những câu chuyện kí ức của người thân … Những điều đó là lí do đầu tiên khiến tôi quan tâm tới chiến tranh và tìm hiểu về nó. Dần dần, tôi bắt đầu sở hữu những món đồ từ chiến tranh, có một thời gian ngắn thậm chí tôi đã kiếm tiền từ việc mua bán chúng. Sau đó tôi chỉ tìm và giữ lại những gì mình thực sự thích. Dù vậy nhưng tôi cũng từng cảm thấy rất khó khăn khi bắt đầu xây dựng nền móng cho dự án dùng những món đồ ấy cho các tác phẩm.
NL: Tôi ý thức được mình đang có một chất liệu tốt, nhưng mặt khác nó cũng là một con dao hai lưỡi. Vào buổi bình minh của cái chúng ta đang gọi là Nghệ thuật đương đại, Sol Lewitt đã than phiền rằng, các chất liệu mới thậm chí là “một trong những tai họa của nghệ thuật đương đại”, đôi khi nghệ sỹ bị nhầm “vật liệu mới” với “ý tưởng mới” Chị có thể đọc nó, một bài viết rất có ích cho cả người xem và người thực hành Nhiều người bạn tôi cũng hỏi rằng, tôi sẽ dùng chúng để tạo thành thứ gì đó có tính chất dữ dằn hay khốc liệt? Trên thực tế, những đồ vật chiến tranh luôn đem lại cảm xúc thầm mĩ đầu tiên, trực tiếp nhất đó là từ nguồn gốc của chúng. Nhưng sẽ là một thất bại nếu sử dụng chúng theo hướng đó. Và tôi cũng không sống trong thời chiến, có trải nghiệm hay tư cách để nói về nó theo cách những người thế hệ trước AN: Tôi hiểu ý của anh rồi… NL: Tôi hình thành được viên gạch đầu tiên cho dự án khi xem Đài tưởng niệm Hiroshima của Kenzo Tange. Đó là một đài tưởng niệm nhỏ và không đồ sộ, nhưng nó được xây dựng rất đặc biệt. Khi đứng trước nó, người xem sẽ thấy nó bao trùm, ôm lấy chứng tích chiến tranh phía xa mà Kenzo cố ý giữ lại. Rồi một chỉ dấu cho tôi từ Kundera rằng mọi việc sẽ tốt hơn nếu tôi không phải là một người minh họa, mà là một người khảo sát… Thêm một chỉ dấu nữa từ Kafka rằng tôi cần phải vượt qua “những bối cảnh” nếu muốn đi xa hơn… Cuối cùng, tôi xây dựng chuỗi dự án này từ góc độ của một cá nhân thuộc thế hệ hậu chiến. Mỗi triển lãm như những khảo sát vào tầng sâu của kí ức, lịch sử, của những không gian tâm lí đã chìm khuất, của sự lãng quên… Những đồ vật chiến tranh được đặt trong mối quan hệ với con người như những đối tượng có thể tương tác và đối thoại…. Và những tác phẩm ở đó được khởi phát từ bối cảnh địa phương, nhưng cuối cùng, rộng hơn, chúng mang những cảm quan, là những câu chuyện của con người… AN: Đó là lí do triển lãm đầu tiên của dự án có tên là “Sinh năm 1983/Khâm Thiên”?! NL: Vâng, “Sinh năm 1983/Khâm Thiên” như là keyword của dự án. Ngoài ra cách viết đó cũng gợi đến cách người ta thường viết trong các hồ sơ quân nhân… * Phần 2: “Về dự án cũ, những ngày làm việc ngắn ở Sài Gòn và những đồng nghiệp đàn anh“
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|