Chính trị

Chuyện Syria: chỉ vì ở cạnh “cậu ấm” 08. 09. 13 - 12:34 pm

Sáng Ánh

Một bé gái Syria đi trên đường phố của Aleppo, quàng lá cờ 3 sao đối lập với chính quyền Syria (2 sao) trên người. Ảnh chụp hôm 13. 2. 2013 của Bruno Gallado/AFP/Getty

Khủng hoảng chính trị tại Syria trong hai năm qua vừa đạt một đỉnh cao là một triệu người tị nạn và 100.000 người thiệt mạng. Phía sau hai con số thống kê này là 100.000 và 1.000.000 khuôn mặt, có vợ có chồng, có rồi hoặc chưa có người yêu, có cha có mẹ, có thày cô, bạn bè, trường học, đồng nghiệp, cơ quan, bạn hàng, khách quen khách lạ, láng giềng, hàng xóm. Nếu họ ở chung một thị xã thì đã có rất nhiều nấm mồ, chung một thành phố thì phố sẽ thành rất vắng và chắc hẳn hoang tàn.

Mai đây, sang năm, sang năm sau nữa, sẽ có thêm những người vắng mặt, mất cả mặt, hay là còn mặt thì sặc sụa chất hóa chất học mà dư luận quốc tế đang xôn xao. Nhưng Syria ở rất xa ta, và rất lạ. Họ không ăn bánh xèo hay cơm tấm giò chả (hai thứ này đều có thịt heo). May ra, họ ăn được phở bò phở gà, và gần gũi chia xẻ, có chăng là cái thời nào đó, ta cũng như họ, ăn đạn và ăn bom.

Các nạn nhân bất tỉnh sau vụ tấn công ở đông Ghouta, ngoại ô Damascus hôm 21. 8. 2013. Không rõ bên nào, chính phủ hay phiến quân (và phiến quân nào), sử dụng vũ khí hóa học, nhưng đã có 1.300 người thiệt mạng.

VÀI THỨ CĂN BẢN

Trước khi nói sâu về những lộn xộn quanh Syria, thì đây là vài nét đại cương (kiểu, đường Lý Tự Trọng thì ở tại Đông Nam Á gần chợ Bến Thành, là một chợ thuộc khu vực lúa nước hạ lưu sông Cửu Long), điểm qua những danh từ mà sau này bạn sẽ gặp nhiều khi nói về Syria:

– Syria là một quốc gia Ả-rạp tại Trung Đông, ở một vị trí chiến lược, đa số Hồi, dưới sự lãnh đạo của đảng Bath.

– Trung Đông là một khu vực rộng lớn, và vị trí chiến lược của Syria là có một biên giới với lại Israel. Israel thì chẳng là cái đinh gì hết, nhưng là con ngươi con mắt của Hoa Kỳ, quý lắm, đừng có chạm vào. Hoa Kỳ, là siêu cường số một hay duy nhất gì đó của hoàn vũ (như trong cụm từ “hoa hậu hoàn vũ”) cho nên vị trí chiến lược (của Syria) thường hay được nhắc đến là vậy. Bolivia hay Zimbabwe chẳng hạn, không ở cạnh Israel nên không có vị trí chiến lược đó.

– Hồi là một tôn giáo, một trong ba tôn giáo độc thần xuất phát từ khu vực, và “hậu duệ” của hai tôn giáo Do Thái và Ki tô. Nếu đạo Do Thái có Cựu ước và Chúa trời thì Ki tô có thêm Tân ước, và Ki tô Giê su bảo ông là con của Chúa trời. Năm thế kỉ sau, Mohammad bảo, ông là Thiên sứ chót còn Ki tô là Thiên sứ trước ông. Như vậy Hồi giáo có Cựu ước, Tân ước và Qran là ba Kinh Thánh của họ. Đó là lý do Jerusalem là đất thánh của cả ba tôn giáo vì cả ba cùng một gốc. Đạo Hồi, xuất hiện sau cùng và thờ các Thiên sứ trước của Do Thái và Ki tô. Chúa trời thì vẫn là Chúa đó. Khi người Công giáo Việt Nam thốt “Lạy Chúa trời”, đó chính là “Allahu Akhbar” (Thượng đế vĩ đại nhất) của người Hồi và cả hai cùng thờ một Thượng đế đó. Tất nhiên, có nhiều người đạo Hồi mang tên Mohammad, nhưng cũng có người mang tên Ibrahim, Moussa… (Abraham, Moses là Thiên sứ của Cựu ước Do thái) hay Issa (Jesus), Mariam (Mary), Yussuf (Joseph).

Ngay sau khi Mohammad mất, đạo Hồi phân chia ra thành hai nhánh, Sunni (chính thống) và Shia.

Sunni là nhánh lớn nhất, chiếm đa số ở các nước Hồi giáo, hơn hẳn nhánh Shia.

Shia, vì không phải là chính thống nên theo giòng lịch sử phân chia ra thêm thành nhiều phái. Đạo Alawi là một trong những phái Shia bí hiểm này, và là phái kín (vì khác người, và bị đàn áp), hiện hữu ở vùng núi non cách trở, chiếm 12% dân số Syria và một số nhỏ ở Lebanon, Turkey (hai nước sát Syria). Khi truyền thông gọi Alawi là Shia thì cũng đúng như là nói đạo Hồi là một phái của đạo Do mà thôi. Tuy là một thiểu số tôn giáo nhưng hiện nay quân đội Syria là do phái Alawi nắm. Người Alawi hay vào lính (như người Sikh tại Ấn độ chẳng hạn) và 40 năm của chế độ cha con Assad (đạo Alawi) đã củng cố thêm vị trí này.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) dự lễ Alawi. (Ảnh SANA, tức thông tấn xã Syria)

– Chính thể Syria trên nguyên tắc là đảng Baath lãnh đạo. Phong trào này theo chủ nghĩa quốc gia và xã hội, sau chia làm hai nhánh đối lập là đảng Baath Syria và đảng Baath Iraq, choảng nhau chí chóe. Gọi là đảng lãnh đạo nhưng tại cả hai nước Syria và Iraq (có biên giới với Syria), Baath chỉ còn là một tổ chức làm vì, quyền lực ở trong tay phe nhóm Saddam Hussein và Assad cha con.

Tổng thống Assad cũng là lãnh tụ đảng Baath. Đảng này nắm quyền từ 1963, đại hội gần nhất là 2005


CHỐNG ASSAD VÀ GIÚP ASSAD

Các nhóm liên kết với al-Qaeda: đây là một cách nói cho Tây nó dễ hiểu thôi. Ý thức hệ của các nhóm này là chống lại Tây phương và thành lập một liên quốc, đế quốc Hồi giáo như trong quá khứ huy hoàng dựa trên tập tục truyền thống. Thí dụ (xa vời) là nếu ở Việt Nam có phong trào “Nhà Trần”, các thành viên đi đâu cũng quấn khăn và mang một trái cam, nghe nói đến nước lạ là bóp nát, thì có thể gọi đó là Al Qaeda Việt Nam. Al Qaeda là tổ chức nổi tiếng nhất trong dòng chính trị tôn giáo (Sunni) này chứ ba mạng còn lại vào giờ này chẳng liên kiết với ai cả, tuy là các nhóm cùng ý thức hệ này có thể đây đó liên kết nhau.

Các tay súng phiến quân ở Syria tấn công một tòa nhà hành chính ở trung tâm thành phố Selehattin. Ảnh chụp hôm 23. 7. 2012 của Bulent Kilic

– Một trong những nhóm chống đối quan trọng tại Syria hiện nay và bị nhóm trên bắt nạt là của người Kurd. Người Kurd là một dân tộc gốc Thổ Nhĩ Kỳ đâu đó, đa số tôn giáo Hồi Sunni và sống trên bốn quốc gia Iran, Turkey, Syria và Iraq. Tại bốn nước này, họ là một thiểu số bị chèn ép và “nổi loạn”, lúc đánh lúc hòa. Sau khi Saddam đổ, người Kurd gần như là độc lập, chí ít là tự trị tại khu vực của họ, đứng ngoài những tranh chấp nội bộ của Iraq. Tại Syria cũng thế, khi chế độ lung lay thì người Kurd cũng muốn theo gương tại Iraq, tiện thế tao ra ở riêng, chúng mày muốn tranh nhau gì thì cứ việc. Tất nhiên, để ra ở riêng, thì ở giai đoạn này người Kurd phải chống lại chế độ Assad, nhưng việc ở riêng này cũng không được thành phần chống đối lại Assad ưa gì. Tại Syria, người Kurd chiếm 10% nhưng có hậu thuẫn của đồng bào họ tại Iraq, và đây là gương xấu các chính quyền Turkey, Iran rất e dè, lỡ chúng nó tách ra thành một quốc gia thống nhất (Kurdistan, đáng lẽ thành hình sau Đệ nhất Thế chiến khi Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ tan rã) thì cả tao lẫn mày đều lỗ cả.

Vệ binh Kurd tại Syria (cờ vàng sao đỏ)

– Còn giúp Syria thì phải nhắc đến Lebanon. Đây là một nước nhỏ, nằm cạnh Syria. Dưới thời Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Syria cùng một đơn vị hành chánh. Vì tại Lebanon có một số lớn người Ki tô (cũng đóng ở vùng núi non hiểm trở) nên bảo hộ Pháp tách riêng thành một quốc gia. Việc tách này, các thành phần quốc gia Syria không chấp nhận, mãi đến 2009 mới chịu mở sứ quán tại Lebanon (tức là công nhận quốc gia này) nhưng không chịu gửi ông Đại sứ. Từ ngày độc lập, Syria không ngưng can thiệp trực tiếp gián tiếp tại Lebanon, có lúc chiếm đóng.  Sau 17 năm nội chiến (1975-1992), hiện Lebanon tạm yên  nhưng lại bị tình hình tại Syria đe doạ. Bất an tại Syria là đe dọa Lebanon. Lebanon lại có một vị trí “chiến lược”, tức là ở cạnh Israel. Bất an tại Lebanon là đe dọa láng giềng Israel và vì thế lộn xộn chết ba mạng người tại đây thì truyền thông quốc tế (tức là Tây phương) nháo nhít, trong khi chết ba mươi ngàn mạng ở Congo chẳng hạn thì chẳng ai nói đến. Chẳng qua vì Congo không có biên giới với Israel.

Ngược đời là khi chế độ Assad của Syria khốn đốn, thì giúp Syria đắc lực là vệ binh Hezbollah của Lebanon, kiểu chư hầu gửi quân sang cứu chúa. Hezbollah chẳng ưa gì chính thể Syria, là một chế độ thế tục. Iran mới là Chúa của Hezbollah. Nhưng ngặt một nỗi đường chuyển vũ khí và huyết mạch của phong trào Hezbollah là qua ngả Syria vui vẻ. Chế độ Assad mà sập thì ngày mai sẽ ra sao đối với lại Hezbollah?

Chiến binh Hezbollah


VÌ SAO PHƯƠNG TÂY BỐI RỐI?

Trung Đông nói chung là một khu vực chiến lược vì tài nguyên dầu hỏa. Syria chỉ có ít nguồn này nhưng (được cái) nằm cạnh Iraq. Toàn bộ khu vực này, ngoài Syria và Iran, là nằm dưới ảnh hưởng của Tây phương. Syria là nơi duy nhất mà Nga còn duy trì ảnh hưởng, vì vậy trong chuyện này thái độ của Nga ngược lại với Tây phương.

Nhân đây xin nói thêm, Mùa xuân Ả-rạp không mang đến thêm thân thiện gì với Tây phương cả. Xin nhắc lại là những chế độ độc tài bị mùa xuân này lật đổ ở Tunisia, Ai Cập, Yemen đều thân Tây phương, ngay cả ở Lybia vào lúc đó đang đà bắt lại tay Anh, Mỹ. Sự xáo trộn này mang lại cho Tây phương bối rối, vì tại đây các phong trào Hồi giáo độc lập với Tây phương lên thay thế các nhà độc tài gia nô. Mở ngoặc, Hồi giáo (về mặt chính trị) là gì thì còn phải bàn cãi, nhưng không hẳn là xấu, mà chỉ là xấu đối với Tây phương. Truyền thông Tây phương rất thành công trong việc đồng hóa “Hồi” với “xấu” trong dư luận toàn cầu, ngay cả tại Việt Nam (đề nghị áp dụng nghị định 72 với những trang Facebook của truyền thông Tây phương).

Vì vậy, Tây phương bối rối trước sự việc Syria, vì chính ra dưới chế độ Assad, “Syria là kẻ thù tốt nhất của Israel”, hay là kẻ thù đáng yêu nhất. Hiện nay cho thấy, các thành phần chống đối Assad, mạnh mẽ nhất và hiệu lực nhất về mặt quân sự và tổ chức lại chính là các thành phần… Hồi giáo (kiểu tạm gọi là Al Qaeda). Và bối rối là phải rồi, vì Assad đổ thì thành phần Al Qaeda sẽ lên thay thế. Tiền lệ là Mỹ đánh Saddam, để từ “khiên chắn Iran”, Iraq hiện nay rơi vào ảnh hưởng của Iran với chính chế độ Shia do Hoa Kỳ giúp.

Một chiến binh của Jabhat al-Nusra – một nhóm nổi dậy Hồi giáo tại Syria – cầm một lá cờ Hồi (cờ đen) tại tỉnh Raqqa province, Đông Syria, hôm 12. 3. 2013

TÁC GIẢ BÍ MẬT

Thế quay lại sự kiện vừa qua, ai dùng vũ khí hóa học? Phải đợi ba tuần nữa có kết quả điều tra của Liên hiệp quốc và có lẽ…mười năm sau mới ra sự thật. Mười năm hay hai mươi năm sau thì mọi người lại quên mất. Thí dụ, khi Saddam dùng vũ khí hóa học để đánh Iran (và thiểu số Kurd Iraq) thì nhà máy hóa học này được Mỹ thiết kế, dùng máy móc Tây Đức và chuyên gia Anh quốc. Làm xong thì dùng gì để trải thuốc đây? Trực thăng Hoa Kỳ viện trợ cho “phát triển nông nghiệp” để trừ sâu. Nhưng mà biết rải ở đâu? Thì chính Donald Rumsfeld sang tận Baghdad trao phóng ảnh của vệ tinh Hoa Kỳ.

Có lẽ, sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ bàn cãi và thông qua, sau khi Liên hiệp quốc công bố điều tra, sẽ có vài ba quả tên lửa tượng trưng bắn vào một sân bay hay nhà máy, kho đạn nào đó cho xong chuyện, kiểu chạy xe đèn đỏ thì phải có giấy phạt. Đó là về phần Tây phương. Còn tương lai Syria đi về đâu? Chắc chắn là sẽ không ngừng lại ở con số một triệu tỵ nạn và 100.000 người chết.

*

Về khu vực Trung Đông:

- Chuyện Syria: chỉ vì ở cạnh “cậu ấm”

- Chuyện Syria: anh Hai, anh Ba, anh Tư, và anh rể

- Chuyện Syria: Lắm mối tối nằm không

- Huyền thoại Do Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào

- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?

- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang

- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)

- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng

- Kỷ lục Ai Cập: Mùa xuân sang có 720 án tử hình

- ISIS giặc cờ đen (phần 1): Trên cái nền rối tinh của Hồi giáo

- ISIS giặc cờ đen (phần 2): Bởi thế giới cần có hung thần

- Người Kurd: dân tộc chỉ có núi là bạn

- Bưu thiếp Trung Đông: Ra ngõ gặp Clooney

- Bưu thiếp Trung Đông: Cô gái Chiclets

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô địch thế giới

- Bưu thiếp Trung Đông: Hàng cơm tùy hỉ

- Bưu thiếp Trung Đông: Có sao nói vậy

- Bưu thiếp Trung Đông: Vô mao bất nghì

- Bưu thiếp Trung Đông: Bữa Pork Adobo – cơm thịt heo kho

- Bưu thiếp Trung Đông: Người ở Lebanon

- Bưu thiếp Trung Đông: Giấc trưa đất thánh

- Người tỵ nạn Syria: gánh nặng đè ngay trong xóm

- Vô lý! Tại sao Hoa Kỳ lại để cho ISIS bán dầu cho Israel qua trung gian Turkey?

- Israel giúp Al Nusra thành công,
Hoa Kỳ chống ISIL thất bại

- Tamara Chalabi, tá điền không dùng trà

- (I)Rắc Bình Vương Ahmed Chalabi, người lừa cả Mỹ

- Ginane thăm Baghdad

- Mặc burqini + đọc Syria Speaks + một quả dưa chuột = đi gặp công an

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 1): từ gợi tình xem thành đe dọa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 2): khi không ưa nữa thì thành hà khắc và bạo chúa

- Hồi giáo thành “khủng bố” từ khi nào (bài 3): cười cũng chết mà ngu ngơ cũng chết

- Tẩy chay Oscar, ra Trafalgar chiếu cũng tốt

- Chuyện ăn mặc của phụ nữ Hồi giáo: đừng căn cứ vào trùm khăn và che mặt…

- Đời không đơn giản, thế mới phải đi tỵ nạn

- Chuyện ông Bernadotte chết ở Jerusalem

- Từ chuyện Yemen nghĩ đến phận nước bé

- Bác tài Bashar và cuốc xe Ghouta

- Vụ nhà báo bị phanh thây:
Chuyện trong nhà chơi dao với nhau

- Cao nguyên Golan (phần 1): Golan ở đâu? Golan của ai?

- Cao nguyên Golan (phần 2): Ba món quà ngon của Mỹ

- Có Do hay không có Do? Trả lời bạn hung898

- Cấm thịt heo trong đạo Do Thái

- Israel với Hamas: tiếc đã muộn rồi

Ý kiến - Thảo luận

18:54 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tớ kiểm tra lại những bài viết nước ngoài về vụ tấn công bằng khí độc ngày 21/8/2013 thì những hình ảnh về những người nằm trong ảnh thứ hai (của bài viết này) đều được chú thích kiểu như là "bodies of victims". Theo tớ hiểu, những người nằm đó đều chết rồi chứ không còn ở dạng bất tỉnh nữa đâu.
...xem tiếp
18:54 Tuesday,27.9.2016 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Tớ kiểm tra lại những bài viết nước ngoài về vụ tấn công bằng khí độc ngày 21/8/2013 thì những hình ảnh về những người nằm trong ảnh thứ hai (của bài viết này) đều được chú thích kiểu như là "bodies of victims". Theo tớ hiểu, những người nằm đó đều chết rồi chứ không còn ở dạng bất tỉnh nữa đâu. 
17:28 Sunday,8.9.2013 Đăng bởi:  SA
Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất 1990-91 (Bush cha), gửi quân sang giúp Mỹ và đồng minh đánh Iraq, có... Syria (Assad cha) Thủa ấy chắc Mỹ chưa thấy Syria đến nỗi xấu, cũng như trong chiến tranh Iran-Iraq (1980-88) họ cũng ko thấy sử dụng võ khí hoá học bởi Iraq là xấu và còn giúp tay vào việc này!Gi
...xem tiếp
17:28 Sunday,8.9.2013 Đăng bởi:  SA
Trong chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất 1990-91 (Bush cha), gửi quân sang giúp Mỹ và đồng minh đánh Iraq, có... Syria (Assad cha) Thủa ấy chắc Mỹ chưa thấy Syria đến nỗi xấu, cũng như trong chiến tranh Iran-Iraq (1980-88) họ cũng ko thấy sử dụng võ khí hoá học bởi Iraq là xấu và còn giúp tay vào việc này!Giờ nếu Mỹ và đồng minh đánh Syria ko biết Iraq có gửi quân sang giúp hay ko? 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả