Gẫm & Bình

Từ sự chết cứng của tranh ta, nhớ đến tranh Laura Knight 10. 09. 13 - 6:01 am

Nhân xem loạt tranh trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2013 của Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên, tôi bỗng thấy như rơi vào một thế giới tĩnh lặng, chết chóc.

Bức số 120, Lê Minh Đức (Quảng Ninh), “Thành phố của tôi”, sơn dầu

Những tranh mà tôi được xem trên Soi đây, không bàn về màu sắc, cách tạo chất…, vì những thứ ấy qua ảnh chụp chắc chắn đã bị biến đổi nhiều (đó là điều không tránh được, và vẫn phải cảm ơn các bạn đã bỏ công đi chụp ảnh cho chúng tôi xem), tôi chỉ muốn nói: tranh các họa sĩ này không có tính động của chủ thể, hoặc giả nếu tranh nào miêu tả cảnh sinh hoạt thì cũng như vẽ lại một khung cảnh bị đông đá.

Bức số 42, Nguyễn Phương Bắc (Hải Phòng), “Giao thời”, sơn dầu

Các tranh phong cảnh thì thôi rồi, khỏi nói: nước không như chảy, mây không như trôi, cây cỏ như ở một vùng chết. Chắc phải gọi là “tử họa”:

Bức số 33, Ngô Hải Anh (Hải Phòng), “Phố bên sông”, sơn dầu

Xem tranh mà cảm tưởng các họa sĩ rất chán đời, không có khoảnh khắc hành động gì của con người, của thiên nhiên khiến các anh chị muốn nắm bắt. Ở đây chỉ đơn thuần là bôi màu lên toan, lên lụa. Không thấy năng lượng sống trong hình ảnh. Cảm giác cọ đưa ơ hờ, ngừng lúc nào cũng được, tợp tách trà chén rượu cái đã, tí vẽ tiếp.

Ngoài ra trong tranh chỉ thấy cảnh đơn, “tình đơn”: một người ngồi, một khung cửa, một bình hoa, một con thuyền, một ngọn núi. Trong khi đời sống con người và đời sống thiên nhiên là sự giao tiếp: người giao tiếp với người khác, với chính mình; gió giao tiếp với cây, nước giao tiếp với thuyền. Nhưng họa sĩ của những bức mà tôi xem trên Soi có vẻ không có khả năng diễn tả giao tiếp, hoặc đúng hơn là không nắm được cái thần, cái bản chất của mối giao tiếp nếu anh/chị có mô tả, nên họ thường chọn tả cảnh đơn, hoặc các cảnh có giao tiếp thì cũng chỉ là những cá thể đơn lẻ, rời rạc đứng cạnh nhau, không giao tiếp với nhau. Buồn bã, ẻo lả, nên tranh của nam họa sĩ mà cũng chẳng khác gì tranh của nữ họa sĩ.

Bức số 66, Nguyễn Chí Cường, “Chuyện phiếm”, sơn dầu, 130 x 150 cm

*

Nhân chuyện nam hay nữ, tôi muốn giới thiệu với các nam họa sĩ nước nhà một nhân vật nữ nổi tiếng của Anh quốc: Dame Laura Knight (1877 –1970).

Laura Knight là một trong những nhân vật tiên phong và được yêu chuộng nhất của nghệ thuật nước Anh thế kỷ 20. Bà tuy có tính cách mạnh mẽ nhưng lại cũng để cho chồng lấn át sự nghiệp. Nhưng thôi, đó là chuyện của phụ nữ… Laura Knight vẽ rất nhiều đề tài, nhưng nổi tiếng nhất là mảng sân khấu, rạp xiếc, và… chiến tranh. Trong chiến tranh, bà được giao nhiệm vụ là họa sĩ chính thống tường thuật chiến tranh. Tranh của bà bắt trúng và bắt kịp, “không để thoát” hơi thở của thời bà đang sống. Dù bà vẽ chân dung hay đại cảnh, năng lượng động trong tranh đều như được bảo tồn nguyên vẹn từ đời vào tranh.

Mời các bạn xem một số bức của Dame Laura Knight, về tính động và hỗ tương trong tranh của bà:

Chân dung Ethel Bartlett, 1926

 

Tự họa, 1913

 

Tự họa, 1913

 

Corporal (hạ sĩ) Elspeth Henderson và Sergeant (trung sĩ) Helen Turner (1941): đây là hai nữ chiến sĩ trẻ từng được thưởng Military Medal (huân chương quân đội) vì lòng dũng cảm. Cả hai vẫn tiếp tục làm việc trên tổng đài ngay cả khi căn cứ của họ bị dội bom. Một lời bình của báo Anh: “Hãy ngắm vẻ mặt không xúc động (vì được vẽ) đến kỳ diệu của hai cô. Và trong lúc Knight chăm chút đến bộ quân phục của họ, thiết bị của họ, và thậm chí cái bản đồ trên bức tường sau lưng, thì màu son đỏ cam trên môi họ khiến ta phải chú ý; sự can trường đã được nắm bắt chính trong cách hai cô gái này thoa cẩn thận một chút phấn hồng Max Factor!” (Các bạn bấm vào hình để xem bản lớn hơn).

 

The Yellow Dress (Chiếc đầm vàng)

 

The end of the dance (Kết thúc vở múa), 1920

 

“Clowns and an acrobat” (Các anh hề và người nhào lộn)

 

“The three clowns” (Ba anh hề)

 

Một bức tranh về dân du mục. Hãy xem làn khói!

 

A Balloon Site (Điểm thả khinh khí cầu), Coventry, 1943/. Phụ nữ ở đội dịch vụ mặt đất phải làm công việc cột dây neo khí cầu.

 

The Nuremberg Trial (Phiên tòa Nuremberg), 1946: Năm 1946, vào tuổi 68, Laura Knight vẫn được War Artists Advisory Committee (Hội đồng Cố vấn Nghệ sĩ thời chiến?) cử đến Nuremberg để ghi lại (bằng tranh) phiên tòa xử tội phạm phát xít.

 

Ý kiến - Thảo luận

12:37 Sunday,2.3.2014 Đăng bởi:  Phương Vẹt
@ Thông: Khi thuyền đổ bộ cho quân bộ binh tràn lên bờ, khinh khí cầu sẽ bay lờ đờ nhưng dày đặc để cản máy bay tầm thấp của chủ nhà thả bom giết đám bộ binh. Sau đó khinh khí cầu có nhiệm vụ rải truyền đơn, nếu cần.

...xem tiếp
12:37 Sunday,2.3.2014 Đăng bởi:  Phương Vẹt
@ Thông: Khi thuyền đổ bộ cho quân bộ binh tràn lên bờ, khinh khí cầu sẽ bay lờ đờ nhưng dày đặc để cản máy bay tầm thấp của chủ nhà thả bom giết đám bộ binh. Sau đó khinh khí cầu có nhiệm vụ rải truyền đơn, nếu cần.
 
9:46 Sunday,2.3.2014 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Nhân có bức tranh về khí cầu. Có ai biết tác dụng của mấy cái khí cầu đó không nhỉ. Tớ xem các phim về D-day, ngày đổ bộ lên Châu âu của quân đồng minh, thì khi ở dưới là các thuyền đổ bộ lao vào bờ thì xa xa rất nhiều khí cầu kiểu này. Không biết để
...xem tiếp
9:46 Sunday,2.3.2014 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Nhân có bức tranh về khí cầu. Có ai biết tác dụng của mấy cái khí cầu đó không nhỉ. Tớ xem các phim về D-day, ngày đổ bộ lên Châu âu của quân đồng minh, thì khi ở dưới là các thuyền đổ bộ lao vào bờ thì xa xa rất nhiều khí cầu kiểu này. Không biết để làm gì?
 
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả