|
|
|
|||||||||||||
KhácLê Thiết Cương và 39A Gallery 06. 04. 10 - 12:21 pmSOI
39A Gallery Lý Quốc Sư Mấy hôm nay ngang qua Gallery 39A Lý Quốc Sư, thấy đóng cửa. Vài tháng nay tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, chưa thấy có triển lãm mới. Gần đây nhất, gặp ông chủ Gallery 39A – họa sĩ Lê Thiết Cương là ở triển lãm Thế giới đơn độc của họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang tại ArtViet Gallery. Ăn vận đơn giản, vai đeo túi, miệng nở nụ cười hiền, anh xem tranh kỹ, đi hết đủ ba tầng trưng bày. Nhìn Lê Thiết Cương ở một Gallery khác, không giống với Lê Thiết Cương khi đứng trên… cầu thang ở 39A nói lời khai mạc. Nói đến Lê Thiết Cương, tôi thường ghi trước tên anh, không phải danh từ “họa sĩ” như nhiều người vẫn dùng mà là “nghệ sĩ”. Tôi thấy, từ “nghệ sĩ” hợp với anh hơn. Lý do không chỉ Lê Thiết Cương có phong cách sống rất “nghệ”, mà hội họa chẳng bao giờ là ham thích duy nhất của anh. Là người có đời sống dư dả, nhưng không thấy Lê Thiết Cương mua đất dựng nhà sàn, làm trang trại, xây biệt phủ… như các ông bạn họa sĩ khác. Anh rất khoái sưu tập đồ cổ, đồ lạ. Mà những thứ đồ ấy đừng có dễ nhìn, dễ hiểu, cầu kì, mềm mại, nuồn nuột… phải giản dị, đẹp theo kiểu sần sùi, gai góc và thật, thật như chính con người anh, như cuộc sống đang chuyển động chung quanh vậy. Bấy lâu, thấy nghệ sĩ Lê Thiết Cương ngày càng “dấn sâu” vào viết lách, hết truyện ngắn sang viết báo, lại đến làm kịch bản phim. Hỏi thì anh trả lời, vừa thật thật, vừa vui vui: “Cái sự viết của tôi thực ra là những bài báo ngắn về văn hoá nghệ thuật, trong đó chủ yếu là hội hoạ chứ không có ý định “dấn sâu”, “dấn nông” gì. Viết với tôi là cách tự học. Đến một lúc nào đó thì chắc ai cũng thấy rằng không thể chỉ vẽ mãi bằng tay được“. Ở 39 A, tất cả diện tích dùng để treo tranh, hoặc ảnh và đặt các tác phẩm sắp đặt. Trong ngày khai mạc triển lãm, sẽ có một góc cho rượu, một bàn dài bày bánh giày, bánh giò và các loại bánh đặc trưng Việt Nam. Vào ngày thường, là bộ bàn ghế khảm trai, trên bày bộ ấm trà, kèm theo kẹo lạc. 39A diện tích không rộng thênh thênh, nhưng nằm ở vị trí đắc địa, ngay sát Nhà thờ Lớn. Khi đến 39A, ngại nhất là thiếu chỗ để xe, thiếu người trông xe. Nếu biết trước, cách tốt nhất là gửi xe ở Nhà thờ Lớn, rồi đi bộ thong thả vào. Nếu muốn gặp những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, nên đến 39A vào những ngày triển lãm. Tư gia của nghệ sĩ Lê Thiết Cương nổi tiếng là nơi hội họp, gặp gỡ của giới nghệ sĩ thuộc nhiều “sới” khác nhau. Từ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Việt Hà, Nguyễn Quang Thiều đến nhà văn Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh, Phạm Ngọc Tiến. Từ nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn đến Phạm Xuân Nguyên, Cao Việt Dũng. Dân hội họa thì “cao lão” như nhà phê bình Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, đến nhóm trẻ Hanoi-link. Nhiếp ảnh nào Dương Minh Long, Trần Quốc Khanh, Trần Huy Hoan… Liệt kê ra thì nhiều không kể xiết, ấy là còn chưa nhắc tới rất nhiều nghệ sĩ nước ngoài. Liệt kê ra để hiểu, ông chủ Gallery có tâm thế trọng người… tài (theo đánh giá chủ quan). * Trong Lễ kỷ niệm hai năm thành lập trung tâm văn hóa Nhật Bản (J.F) vừa diễn ra ngày hôm qua (8/4) tại Nikko Hotel, gặp lại Lê Thiết Cương, hỏi rõ vì sao 39A thời gian qua im lìm đến thế? Anh cười: Vì cô thư ký (tên là Lý) bận sinh con, khi nào con cô ấy đủ bốn tháng, cô ấy đi làm lại, lúc đó, Gallery tiếp tục hoạt động… Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|