Nghệ sĩ thế giới

“Truyền thống và Di sản” tại CAFA
Phần 1: Xu Bing 13. 09. 13 - 6:56 am

Nguyễn Thế Sơn

Tác phẩm điêu khắc lồng chim được ghép từ những chữ “Điểu”

.

Trải qua một quãng thời gian khoảng 30 năm từ khi manh nha hình thành cho đến khi trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ, có độ phủ sóng rộng rãi cả trong và ngoài môi trường Học viện nghệ thuật, có thể nói nghệ thuật thử nghiệm ở Trung Quốc đã có một chặng đường phát triển đầy ngoạn mục.

Ngay từ khi mới có những bước đi khởi đầu chập chững, nghệ thuật thử nghiệm ở Trung Quốc đã gặp không ít những trở ngại, sóng gió, không ít các triển lãm đã bị đóng cửa, không ít các tác phẩm đã bị cấm đoán, không ít nghệ sĩ đã bị bắt bớ… trở thành cái gai trong mắt những nhà cầm quyền Trung Quốc đương thời. Song nhờ sự dũng cảm dấn thân và sự sáng tạo của hàng hàng lớp lớp nghệ sĩ tiền phong liên kết mạnh mẽ với các nhà tư tưởng, giới văn nghệ sĩ các ngành khác đã tạo thành một đội ngũ trí thức sắc sảo với những trào lưu phản tư nổi tiếng thời điểm đó.

“Phong trào 85”(1985) là một phong trào gây chấn động khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc. Hàng loạt các hoạt động của các nghệ sĩ với các tác phẩm sắp đặt ngoài trời, trình diễn, nghệ thuật công cộng… được thực hiện khắp nơi, các tác phẩm luôn thể hiện một sự giằng xé về hệ tư tưởng và hệ giá trị của xã hội Trung Quốc đương thời. với “phản học viện” và “phản truyền thống” là hai xu hướng mạnh mẽ nhất trong phong trào phản tư của các nghệ sĩ tiền phong Trung Quốc.

“Phong trào 85” ở Hạ Môn, Phúc Kiến trong phong trào “phản học viện”

“Truyền thống và Di sản” lẽ dĩ nhiên đã trở thành đối tượng và chất liệu rất phổ biến trong các tác phẩm thử nghiệm. Mấy nghìn năm phong kiến với tư tưởng Khổng giáo vua tôi quân thần cộng với di sản nặng nề tàn khốc đẫm máu và nước mắt của “Cách mạng Văn hóa” đã trở thành khối đá tảng vô hình đè nặng lên thân xác cũng như tinh thần của nghệ sĩ tiền phong đương thời. Chính từ lực đẩy dồn nén vô hình từ hàng ngàn năm lịch sử và suốt thời kỳ cách mạng Văn hóa đó đã sản sinh ra một thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc trứ danh tạo nên những bước đột phá và thay đổi toàn diện cho diện mạo của Nghệ thuật đương đại Trung Quốc sau này.

1. Những bước khởi đầu đầy quyết đoán

“Vạn sự khởi đầu nan” – mọi sự việc trên đời từ khi mới bắt đầu thì không có việc gì dễ dàng và những thử nghiệm ban đầu trong chặng đường, hình thành và phát triển của nghệ thuật đương đại Trung Quốc cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng trong tiếng Trung cũng có câu: “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” – Đường dài trước mắt, tất cả đều dưới đôi bàn chân ta. Những bước đi đầu tiên của nghệ thuật thử nghiệm của Trung Quốc đã bắt đầu bởi một loạt các nghệ sĩ tâm huyết và tài năng như: Ai Wei Wei, Huang Yong Bing, Xu Bing, Cai Guo Qiang, Lv Sheng Zhong, Sui Jian Guo và rất nhiều nghệ sĩ khác.

Người đầu tiên tôi muốn đề cập đến là nghệ sĩ Xu Bing (Từ Băng), hiện đang giữ chức viện phó Học viện nghệ thuật CAFA. Trở lại thời điểm những năm 80, khi còn đang là giáo viên ở khoa Đồ họa của trường, ông đã thực hiện một tác phẩm nghệ thuật thử nghiệm kéo dài suốt 4 năm. Đối tượng trong tác phẩm của ông chính là di sản Hán tự Trung Hoa. Ông đã giải cấu trúc 214 bộ thủ trong chữ Hán, sau đó ghép lại chúng với nhau thành những chữ thể Tống nhưng hoàn toàn vô nghĩa không thể đọc được. Trong suốt 4 năm từ 86 đến 89 ông đã khắc liên tục được 4000 chữ Hán như vậy, sau đó ông đã in chúng ra sách, in thành những trang sách vĩ đại, tạo thành một tác phẩm sắp đặt lấy tên “Thiên thư”(Sách trời) trong cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại đầu tiên được diễn ra vào tháng 2 năm 1989 tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia.

.

 

Bảng chữ vô nghĩa

 

Sách trời vĩ đại

Cách thực hành nghệ thuật của Xu Bing lúc đó đã đánh thẳng vào tư tưởng và hệ giá trị của những thành phần bảo thủ trong môi trường Học viện cũng như cả những người xem khó tính. Rất nhiều người xem triển lãm đã tỏ ra hết sức bực tức khi họ không thể đọc hiểu được những chữ Hán được in trong tác phẩm do ông tạo ra. Ông đã buộc người xem phải tự nhìn nhận lại vấn đề tính khả tín của văn tự, buộc người xem phải nhìn tác phẩm của ông bằng con mắt khác – con mắt của tư duy. Đứng trước tác phẩm của ông dù là người Trung Quốc hay người nước ngoài thì đều bình đẳng như nhau, đều không thể đọc hiểu tác phẩm bằng con mắt thông thường.

Sau dự án “Sách trời” đó cũng là sau sự kiện Thiên An Môn xảy ra vào năm 89, Xu Bing đã phải từ bỏ đất nước để tiếp tục phát triển con đường nghệ thuật của mình ở những mảnh đất mở cửa đón nhận cho tự do sáng tạo. Suốt trong thập niên 90 sau đó, Xu Bing đã hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ và cho ra đời hàng loạt các dự án nghệ thuật thử nghiệm tầm cỡ khác, tiêu biểu như dự án “Điểu” (những con chữ biết bay), khi biến chữ “Điểu” trong tiếng Hán và chữ “Bird” của tiếng Anh thành sắp đặt của những con chim biết bay.

.

 

Những con chữ biết bay

 Hay dự án “Quỷ gõ tường”, khi Xu Bing in bản dập lại một đoạn của “Vạn lý trường thành” rồi biến chúng thành một sắp đặt khổng lồ.

.

 

Tác phẩm “Quỹ gõ tường

Dự án “Động vật văn hóa” khi cho hai con lợn in hình một con chữ triện thể Tống (không đọc được trong tác phẩm “Sách trời”) và một con in hình các chữ cái La-tinh cùng “giao lưu” trên một đống sách… cũng đã gây không biết bao tranh cãi.

Dự án “Động vật văn hóa”

 

.

Các dự án nghệ thuật thử nghiệm hoành tráng của Xu Bing cứ thế diễn ra liên tiếp đã tạo nên một vị trí quốc tế cho ông. Và rồi sau đó cái gì cần phải đến cũng đã đến. Trong thập kỷ 90, từ sau sự kiện Thiên An Môn, chính quyền Bắc Kinh đã có nhiều thay đổi quyết liệt để phù hợp với xu thế thay đổi của thời đại, nhiều quyết sách đưa ra để thu hút nhân tài là Hoa kiều về nước để giúp đất nước chấn hưng theo hướng hiện đại chuẩn quốc tế. Năm 2000, nghệ sĩ Xu Bing đã được trải thảm đỏ mời về làm viện phó Học viện Nghệ thuật Trung ương Bắc Kinh CAFA (trong khi hộ chiếu của ông vẫn là quốc tịch Hoa kỳ).

Dự án dùng chính chữ Hán như chữ “Sơn”,chữ “Mộc”, chữ “Thạch”…ghép lại với nhau để tạo thành những bức tranh thuỷ mạc

 

.

 

Dự án nghệ thuật ” lớp học của Từ Băng”

Quả thật là từ khi Xu Bing về nước cùng với sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc những năm 2000, môi trường nghệ thuật trong Học viện đã có nhiều thay đổi về mặt bản chất. Cũng từ đó trở đi trong suốt hơn 10 năm từ sau 2000 đến nay Xu Bing đã có vô số những dự án nghệ thuật thể nghiệm hoành tráng khác nữa được triển lãm sưu tầm lại nhiều gallery, Bảo tàng nghệ thuật danh tiếng trên Thế giới. Ví dụ như triển lãm “Thuốc lá” – khi dùng thuốc lá để tạo nên những sắp đặt hình tấm da hổ rất lớn.

Tấm da hổ xếp bằng các điếu thuốc lá

 

.

Hay dự án “Câu chuyện phía sau” khi ông dùng “cỏ rác” ở mỗi địa phương ông đến để tái tạo lại những bức tranh Trung Quốc họa nổi tiếng. Rồi dự án “Nghệ thuật cho mọi người” khi ông biến chữ cái La-tinh trong tiếng Anh trở thành những bộ thủ trong tiếng Hán. (nói cách khác là viết tiếng Anh dưới dạng chữ Hán). Dự án này đã được thực hiện ở rất nhiều nơi.

Trong triển lãm “Câu chuyện phía sau”

 

Bức tranh có hai mặt, mặt trước mĩ miều

 

… và mặt sau là rác địa phương

 

… nhìn gần mặt sau

 

Một tác phẩm khác trong “Câu chuyện phía sau”, mặt trước.

 

… Và mặt sau

 

Xu Bing thực hiện tác phẩm với cỏ rác

Di sản Hán tự Trung Hoa trong tác phẩm của Xu Bing quả thật là một nguồn cảm hứng vô tận. Rồi gần đây nhất với dự án “Phượng Hoàng”, ông đã tạo nên một tác phẩm sắp đặt kỳ vĩ từ những dụng cụ, công cụ của các công nhân xây dựng nhập cư – những người đóng góp trực tiếp mồ hôi công sức vào sự nghiệp hiện đại hóa, đô thị hóa trên khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc. Hai con “Phượng Hoàng” nặng mỗi con hơn 4 tấn, làm trong 2 năm tiêu tốn gần 3 triệu đô la Mỹ, như một biểu tượng sừng sững về nghịch lý trong xã hội Trung Quốc đương đại. Có thể thấy ở tác phẩm của Xu Bing xuyên suốt gần 30 năm nay là một thái độ phản tỉnh sâu sắc, trực tiếp tác động vào nhận thức của người xem. “Những biểu tượng của di sản và truyền thống Trung Hoa luôn được ông sử dụng một cách khéo léo tạo nên sự độc đáo riêng biệt đầy cá tính trong các thực hành thử nghiệm táo bạo của mình.

.

 

.

 

.

 

.

 

.

*
Tên bài gốc là “Vị trí của ‘Truyền thống và Di sản’ trong các thực hành nghệ thuật thử nghiệm tại Học viện nghệ thuật CAFA”, đã đăng tại Tạp chí Nhiếp ảnh Mỹ thuật số 8- 2013. Vì bài dài, Soi xin cắt ra thành vài phần để có thể chèn được nhiều hình ảnh.

 

Ý kiến - Thảo luận

0:37 Friday,6.6.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Quốc Thái
Soi cho mình hỏi bài này nằm ở trang nào của tạp chí vậy? Vì mình đang cần để trích nguồn. Cám ơn Soi

...xem tiếp
0:37 Friday,6.6.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Văn Quốc Thái
Soi cho mình hỏi bài này nằm ở trang nào của tạp chí vậy? Vì mình đang cần để trích nguồn. Cám ơn Soi
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả