Trường phái

Trong hình thức món tráng miệng, nghệ thuật hiện đại trông như thế nào? 02. 10. 13 - 7:34 am

Hoàng Lan phỏng dịch

Một món tráng miệng lấy cảm hứng từ tranh của M. Rothko

Họa sĩ Piet Mondrian dùng sơn dầu trên canvas để vẽ nên bức tranh có bố cục kỷ hà nổi tiếng của mình; những hình vuông đỏ, vàng, xanh, tất cả nhìn chỉn chu với những lằn kẻ đen thằng thớm.

Bức “Bố cục (số 3)” của Piet Mondrian – khơi nguồn cảm hứng cho chiếc bánh bán chạy nhất của Freeman.

Đến lượt đầu bếp Freeman chế ra một phiên bản “bánh ngọt” cho tác phẩm nghệ thuật này, trông bánh hơi khác tác phẩm gốc một chút, nhưng nó ngọt ngào hơn. Chất liệu cô dùng ư? Bột, đường, trứng và hương va-ni, nướng trong khuôn bánh.

Nữ đầu bếp Freeman lấy cảm hứng từ các tác phẩm và đánh bông nó lên thành bánh kem, bánh quy, bánh thạch và món parfait (một món tráng miệng hơi… hổ lốn, có kem có nếp, nhiều khi có cả đậu đỏ, ngũ cốc) cho quán cà phê trên tầng 5 của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) ở San Francisco. Chiếc bánh Mondrian chẳng hạn, là kết hợp những khối vuông bánh ga-tô vàng mềm mọng (pha màu khác nhau để nhìn giống tranh, chứ là bánh ga-tô hết), sau đó cô phủ lên bánh một lớp socola đặc. Đây là loại bánh bán cháy nhất của quán bar kiêm cà phê Blue Bottle nằm bên trong bảo tàng – nơi cô cùng chồng là James cùng quản lý.

Lấy cảm hứng từ tranh của Piet Mondrian, đầu bếp món ngọt Caitlin Freeman đã tốn hai ngày để hoàn thành chiếc bánh Mondrian. Ảnh: Clay MacLachlan

Trong bốn năm quán cà phê hoạt động, Freeman cùng đội ngũ của cô đã làm gần 100 món tráng miệng, tất cả lấy cảm hứng từ những tác phẩm nghệ thuật từng trưng bày tại bảo tàng. 27 trong số đó – có cảm hứng từ các tác phẩm của Andy Warhol, Frida Kahlo và Henri Matisse – sẽ có mặt trong cuốn sách nấu ăn mới nhất của cô: “Tráng miệng nghệ thuật hiện đại: Công thức bánh kem, bánh quy, kẹo mứt, và món lạnh dựa trên những tác phẩm nghệ thuật để đời”. Mỗi món đều đi kèm ảnh của tác phẩm gốc, với tiểu sử chi tiết do Janet Bishop – giám tuyển mảng tranh và điêu khắc của bảo tàng – chấp bút.

Trong cuốn sách của Freeman còn có hình của chiếc bánh Mondrian đầu tiên mà cô làm, cô nói rằng khi nhìn lại chiếc bánh này cô cảm thấy hơi xấu hổ. “Nó không hoàn hảo, nhưng chúng tôi phải làm vài ngàn cái bánh mới an tâm rằng mình đã thuần thục những công đoạn chế biến ra loại bánh này,” Freeman nói. “Bạn sẽ không biết được toàn bộ cái bánh có thành hình chuẩn xác hay không cho tới khi bạn cắt nó, nên đây là một món phức tạp.”

.

Nghề làm “bánh lấy cảm hứng từ nghệ thuật” vốn không nằm trong kế hoạch của Freeman. Cô từng theo học khóa nhiếp ảnh tại Đại học California, Santa Cruz, nhưng nghĩ rằng dần dà mình sẽ trở thành một… nha sĩ. Tham vọng nghề nghiệp này chẳng đi tới đâu vì cô vốn ham ăn đồ ngọt (nha sĩ mà sâu răng thì kinh). Trong một chuyến thăm thú Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở San Francisco, Freeman thích mê tác phẩm sơn dầu vẽ 3 chiếc bánh tên “Display Cakes” (Bánh để trưng bày) của họa sĩ Wayne Thiebaud – một người chuyên vẽ món ngọt. Quyết định theo nghề làm bánh, Freeman nộp đơn vào tiệm bánh nhỏ tên Miette, cô vừa làm vừa học; mới đầu Freeman đi rửa chén, sau đó nhờ “học giỏi” mà cô “tốt nghiệp” và trở thành chuyên gia trang trí bánh. Sau 7 năm, cô rời Miette; và cũng ngay sau đó, MoMA mời cô cùng chồng mở quán cà phê Blue Bottle Coffe tại khu vườn trên sân thượng của họ.

Tranh sơn dầu “Display Cakes” (Bánh để trưng bày) của Wayne Thiebaud

“Hồi còn nhỏ, mỗi khi đi bảo tàng nếu nhìn thấy một tác phẩm (vẽ bánh) mà tôi thích, phản ứng của tôi sẽ là: muốn trộm chúng về hoặc xơi chúng,” Freeman đùa. “Đây là cách tôi giải tỏa cơn thèm – vì tôi rất thích (tranh vẽ bánh) nên chúng đã truyền cảm hứng cho tôi làm việc này.”

Freeman tái thể hiện gần như nguyên xi tác phẩm “Chocolate cake” (bánh sô cô la) do Wayne Thiebaud vẽ năm 1971. Ảnh: Clay Maclachlan

 

Tranh gốc là một bức in thạch bản độc một màu mực nâu. Còn bánh của Freeman thì có thêm tí màu trên mặt bánh.

Làm thế nào Freeman chuyển tranh từ canvas sang khuôn nướng bánh? Cô dành rất nhiều thời gian đi ngắm các bộ sưu tập của bảo tàng, và tốn hàng chục buổi trao đổi ý tưởng với đội ngũ nhân viên của quán mình. Một số tác phẩm nghệ thuật biến thành món ngọt rất mau lẹ. Ví dụ: tác phẩm “Stele I” của Ellsworth Kelly, tác phẩm này là một miếng thép hình chữ nhật dày 2,5 cm có màu gỉ sắt, nhìn nó không khác gì cây cà-rem cỡ bự, nên chuyện Freeman biến nó thành cà-rem là không khó.

Các bạn bấm vào hình để xem rõ hơn các loại kem lấy cảm hứng từ tác phẩm nghệ thuật nhé

Nhưng đôi lúc, Freeman nói, cảm hứng nó… không thèm đến. Thí dụ như tranh phong cảnh, mấy tác phẩm của Ansel Adams và Georgia O’Keeffe; Phác họa ra món ngọt từ những tác phẩm này thật khó khăn, nên Freeman bảo các nhân viên quầy bar của mình ráng thể hiện chúng qua nghệ thuật vẽ hình trên… cà phê latte.

Bên trái: Tác phẩm “Rouen Cathedral, Set V” (Nhà thờ Rouen, bộ thứ 5) của Roy Lichtenstein; còn bên phải là chiếc bánh kem phó-mát đỏ tía nhiều tầng của Freeman. Ảnh: Jeffrey Chiang (trên trang Flickr) và Clay MacLachlan.

Màu của tác phẩm gốc thường là yếu tố để quyết định khẩu vị của món tráng miệng. “Nếu tác phẩm toàn màu xanh lá cây hoặc xanh da trời, sẽ rất khó để tôi chế ra món nào đấy ngon lành với màu xanh,” Freeman nói. Bức ành người nuôi ong cởi trần với ong bu đầy người của Ronald Fischer tạo cảm hứng cho Freeman chế nên một hộp socola trắng với nhân hồ trăn tẩm mật ong. Màu đỏ thẫm từ bức tranh gập ba tấm, vẽ nhà thờ ở Pháp của Roy Lichtenstein hóa thân thành một chiếc bánh bông lan nhiều tầng, có màu đỏ tía. Còn bức tranh sáng màu vẽ Elizabeth Taylor nổi tiếng của Andy Warhol lại truyền cảm hứng cho những chiếc bánh thạch màu đỏ, hồng, và bạc hà vuông vức.

Nhiều món tráng miệng viết trong các sách nấu ăn “đày đọa” bạn, khiến bạn phải tốn hàng giờ hay thậm chí cả ngày trời để hoàn thành; thật là dễ gây nản nếu bạn chỉ muốn làm bánh tại gia bình thường. Sách của Freeman dễ đọc, dễ làm hơn, cô đưa ra chỉ dẫn cụ thể từng bước một, dạy đọc giả cách temper socola, luyện thành thục cách làm kem bơ, và cách dùng giấy kiếng để làm socola (muốn tráng mỏng sô cô la thì bạn phải biết cách dùng giấy kiếng, vì chỉ trên giấy kiếng là khi khô, sô cô la mới không bị biến hình dạng, nhăn nhúm, và không bị bể khi tách khỏi giấy). Khi tráng sô cô la qua giấy, bạn mới có thể tô vẽ thêm họa tiết tinh vi lên thành phẩm bánh kẹo. “Tôi không muốn sách của mình có rào cản lớn nào cho những ai mới nhập môn,” Freeman nói.
Nói thật, khi động tới đề tài tráng miệng, tôi nghĩ hầu hết mọi người sẽ đồng tình (với kiểu sách dạy nấu ăn của Freeman.)

Các loại bánh lấy cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật

 

Súp cà chua với bánh quy mùi nghệ tây, lấy cảm hứng từ bức “Không đề” của Donald Judd.

 

Bánh ga-tô lấy cảm hứng từ bức “Amylamine” của Damien Hirs (bên phải)t: Bánh bông lan chanh với socola trắng đặc, bên ngoài phủ kem phô mai và hoa giấy (ăn được).

 

Một đĩa phô mai và bánh quy nhiều lớp, lấy ý tưởng từ loạt tranh “Homage to the Square” (bên phải): bánh quy bơ sữa, phô mai cheddar, bánh tổ ong nướng với kem phô mai parmesan và phô mai dê gouda.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả