Gẫm & Bình

Phải đến xem anh Hà dài “im lặng” thế nào… 26. 09. 13 - 6:38 am

Vũ Lâm

Một góc phòng triển lãm

1.

Một lần Festival Huế cách đây chưa lâu, có một cuộc trình diễn thơ của tác giả từ ba miền bên bờ sông Hương. Các tác giả lên đọc thơ mỗi người một kiểu, người thì nghiêm trang, người thì vặn vẹo, có người còn… co giật, đàn địch sáo nhị đủ kiểu để “diễn” kịch thơ. Gần cuối buổi, có một nữ sĩ trẻ (nhà thơ, kiêm văn, kiêm báo…) lên “trình diễn thơ” của mình, nhưng cô hoàn toàn im lặng, đứng nhắm mắt không đọc gì. Đằng sau cô có một tấm phông chiếu lần lượt những tấm ảnh nơi cô đã đi, và những dòng thơ chạy khiêm tốn như phụ đề ở dưới. Khán giả hơi bị bất ngờ, trước “chiêu” không đọc gì này, sau khi xong phần của cô, phải một lúc mới vỗ tay rầm rộ. Có vẻ như tác phẩm “trình diễn thơ” trong im lặng đó là ấn tượng nhất buổi hôm ấy.

Mới hay biết im lặng đúng lúc giữa một đám ồn ào nhao nhao hỗn độn, hay gào lên “tao muốn làm người lương thiện” giữa một bầy cừu im lặng, thật là khó khăn, và vừa khôn ngoan hoặc phải thật dũng cảm (đôi khi nữa thì do phẫn uất hay đơn giản vì cú quá mà… liều).
Vậy, nghe tin triển lãm của anh Hà “dài” (nickname của nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà từ hồi sinh viên, bởi anh dài người và chân cẳng lòng khòng) có tên là “Im lặng”, tôi phải mò đến xem bằng được. Mặc dù ai cũng biết, điêu khắc, hay hội họa, hay mỹ thuật nói chung (trừ mấy món lẩu mới) là nghệ thuật trong im lặng rồi.

Trong tình hình hội họa và các nghệ thuật “tiền phong” mới du nhập thời gian gần đây có vẻ gì đó cứ như… trà đá uống ở quán không quen, sáng tác điêu khắc lại được lên ngôi. Vì điêu khắc chậm hơn, và không bị “thị trường” đánh cho trồi sụt điên đảo mấy năm nay, cũng như các nhà điêu khắc lì lợm hơn, không bồn chồn lắm trong công việc sáng tác (trừ lúc phải “mần ăn”). Cứ xem tình hình giáo viên ở các khoa trong trường mỹ thuật Yết Kiêu, khá nhiều người trẻ có bản lĩnh nghệ thuật đang “nằm” nhiều nhất ở khoa Điêu khắc, thì tạm biết điêu khắc thời nay nó thế nào.

Xem một lượt triển lãm, bẩn thẩn bần thần mất một hồi. Thì chợt nghĩ, trong đời có mấy thứ vô duyên, là chạm cốc bia bằng cốc nhựa hay tệ hơn là cốc giấy, hoặc xem pháo hoa mà xem qua ti-vi, thì đến nay nghĩ thêm được một thứ là xem điêu khắc không chịu khó đi xem thực mà chỉ xem qua ảnh. Ngắm hội họa mà ngắm qua ảnh đã dở, thì ngắm điêu khắc mà chỉ xem qua ảnh còn dở hơn (các triển lãm sắp đặt tốt, mà chỉ xem qua ảnh cũng dở thế). Bởi vì xem điêu khắc là xem bốn phương tám hướng, là xem cái không gian vòng vòng xung quanh trên dưới, trước sau, trái phải của nó, có khi còn phải chui cả vào trong nữa kia (với “hàng” to, tất nhiên).

2.

Khi nhìn một đứa trẻ con khoảng từ 3 – 5 – 7 tuổi nghịch đất nặn một mình, bạn nao nao và quan sát nó chăm chú, nó chợt nhìn lại bạn bằng ánh mắt trong veo rồi thản nhiên quay lại với thế giới của nó. Chắc chắn đứa trẻ nghịch đất một mình đó sẽ là một đứa có nhiều câu chuyện nội tâm. Nhưng để rồi lớn lên, trở thành một nhà điêu khắc chuyên nghiệp như một sự ám ảnh, chẳng làm chẳng được, chẳng hạn thế, thì cần thời gian rất dài, rất là dài…

Đứa trẻ nghịch ngợm vài cục đất thì tâm tưởng nó hoàn toàn ở đấy, cho đấy là thành quách, là thiên hạ, là núi Everest, hay Hy Mã Lạp Sơn, thậm chí có thể là cả hệ hành tinh quanh mặt trời cũng nên (thế mới kinh). Nhưng khi lớn lên, bị “tha hóa” đi rồi (theo nghĩa “tha hóa” của Hegen) trở thành nhà điêu khắc, liệu khi làm ra mấy khối, mấy cục thù lù loằng ngoằng, người ta có còn dám gửi cả cõi nhân sinh vào trong đó, là cả Thái Sơn hay Hồng Hà ở đó, hay chỉ là một vài món đồ chơi nho nhỏ vui tay, vui mắt?

Câu trả lời là: chẳng ai hiểu chỉ người làm mới hiểu! (Và cứ thế mà suy vui ra thì, chẳng nhà điêu khắc nào, dù vĩ đại đến mấy, lại có cái sướng bằng, hay vĩ đại bằng thằng cu con nghịch đất!)

Xem tác phẩm của Nguyễn Nguyên Hà, thì thế quái nào tôi lại lẩm bẩm đoán ngược lại rằng, hồi bé, thể nào anh cũng là một thằng cu con hay nghịch đất, mà chuyên nghịch đất một mình. Đó là bởi cách mà bây giờ người ta hay dùng từ (cho người lớn) là “trân trọng”, “kỹ lưỡng”, hay “cầu toàn”, hoặc là thân mật hơn nữa là “khó tính”, hay “cầu kỳ”, “chu đáo”. Đó là bởi thấy qua cái cách anh xăm soi đối xử với tác phẩm của mình. Từ cách anh lên nhiều bước phác thảo rất lâu công rồi mới đến hoàn thiện. Từ bục bệ, ánh sáng, từ khoảng cách các tác phẩm, từ cách anh chụp đi chụp lại một tác phẩm suốt trong quá trình làm, từ rất nhiều hướng để “nghía” đi nghía lại từng góc một. Đó không phải là sự cẩn thận của một người thợ thủ công yêu nghề. Đó không phải là sự tính toán cân nhắc của một nhà chính trị có đầu óc (phải “có đầu óc” nhé) trước khi ra một quyết sách; mà đó là cả tâm trí và tấm lòng của một “thằng cu con nghịch đất một mình”. Tôi cũng không biết dùng từ gì khác hơn được cả!

3.

Giờ thì hãy xem cái “tâm tưởng” ấy thế nào:

Mười một tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Nguyên Hà bày lần này, là triển lãm cá nhân đầu tiên khi anh mới… 47 tuổi. Hẳn đó không còn là sự “manh động” gì nữa. Tuy chỉ vỏn vẹn có 11 tác phẩm, nhưng mỗi tác phẩm bày ở đây là một vị tướng đại diện cho cả “binh chủng” các tác phẩm khác nhau Nguyên Hà đã từng làm (mặc dù với tính cách của anh, thì tổng số tác phẩm anh làm trong 23 năm chắc là cũng không đến nỗi quá nhiều).

Triển lãm này tự nó phân ra làm bốn nhóm tác phẩm. Tôi không rõ ý tác giả như thế nào, nhưng tôi thích sắp xếp bình luận các nhóm tác phẩm này theo chiều thời gian từ “trẻ thơ” đến “thanh niên”, rồi “đàn ông trưởng thành và sắp già”. Cách sắp xếp này dựa vào tâm tưởng của tác giả toát ra (mà tôi cảm thấy) trong từng nhóm tác phẩm:

a. Ba cây cầu – nhóm tác phẩm có tâm tưởng trẻ thơ

Tôi ấn tượng với một tác phẩm cũng tên “Cầu” của Nguyên Hà bày 2001 tại triển lãm Ánh Mắt Trẻ.

.

Lúc chỉ nhớ tác phẩm chứ không nhớ tác giả. Tác phẩm bằng nhựa tổng hợp, phủ vỏ trứng ở bên ngoài. Nhìn có cảm giác như ta đứng ở một vách núi, nhìn một cây cầu trong mộng, cũng ở một vách núi phía xa, nhỏ xíu. Cái cảm giác này đeo đẳng mãi khi tôi nhìn vào những tác phẩm cầu khác sau này của Nguyễn Nguyên Hà. Làm cầu, bắc cầu là ước mơ lớn của con người. Nghe nói khoa học về kiến trúc cầu thuộc loại kiến trúc khó nhất (chứ không phải các tòa nhà cao tầng). Từ cái cầu thật, người ta gọi các thứ cầu ảo như “cầu hàng không”, “cầu truyền hình”. Cảm giác mọi chiếc cầu của Nguyễn Nguyên Hà với tôi là như vậy, nhìn từ trên rất cao, như đồ chơi, nhỏ xíu, và gợi một không gian bát ngát vây quanh. Mỗi chiếc lại gợi mỗi không gian khác nhau. Ví dụ, chiếc “Cầu I” gợi nên cả một thành phố hiện đại. Chiếc “Cầu II”, không biết tác giả kiếm được ở đâu ít đá marble hồng nhạt da người ngon mắt rùng rợn. Nhìn tác phẩm này thấy như là anh Hà “thửa” cả một khoảnh bãi biển hoang sơ toàn đá tảng hình thù êm dịu đâu đó về đây. Muốn có cảm giác bãi biển ấy, phải nhìn ảnh chụp từ hướng này, như trong cái ảnh dưới đây. (Nói vui chứ, tác phẩm thơ mộng đến mê hồn như thế này, nếu ai đó đề nghị mua giá cao với thái độ tốt, tác giả cũng khó mà từ chối lắm…).

.

Còn chiếc “Cầu III”, phải đến khi nhìn cái bóng đổ của nó, tôi mới nghĩ ra được ý nghĩa của chiếc cầu này. Nhưng tôi không thể nói ra điều ấy được, muốn biết, bạn phải đến xem thôi!

Những chiếc cầu mà Nguyên Hà đã làm ấy, có lẽ đơn giản nó tượng trưng cho những ước mơ của con người. Những ước mơ thời thơ bé, lộng lẫy và hồn nhiên. Đứa trẻ đang nghịch đất miên man một mình, không biết chút gì đến mọi thứ xung quanh nó.

b. Nhóm tác phẩm “một nét” – tâm tưởng hoa niên

Nguyên Hà làm vô số tác phẩm với chủ đề “Con Bướm”, có những cánh bướm phồn thực đến kỳ dị như thế này.

Bướm 2008

Ba tác phẩm uốn một nét lần này là “Lọ hoa”, “Bướm”, và “Đi dạo”. Ngoại trừ “Bướm” uốn bằng đồng một sợi, còn “Lọ hoa” và “Đi dạo” là trò chơi tung hứng giữa khối rỗng tạo ra bằng sợi sắt uốn nét và khối đặc, nêu được hai đặc tính tiêu biểu của chất liệu kim loại.

Mà công phu nhất tập trung ở tác phẩm “Đi dạo”. Tôi thích cái tên đầu tiên là “Người đàn bà dắt chó” hơn, cũng như thích xem tác phẩm này qua một cái ảnh phác thảo hơn, là đây:

.

Nhóm tác phẩm này chứa nhiều rung động có nhạc tính. Đó là xúc cảm của tâm tưởng thanh niên, dào dạt và có giai điệu. Khi người ta mới lớn, thường thì những rung cảm ấy là rung cảm với “gái”, nếu ta là “giai”, và ngược lại. Ta được nghe người lớn đặt tên cho rung cảm đó là “yêu” với đầy ham muốn kiêu hãnh và thể hiện. Đứa trẻ nghịch đất này đã lớn, đã biết lắng tai nghe và thi thoảng liếc mắt nhìn thích thú, thông cảm.

c. Ba con Ăn Mồi, Săn Mồi – tâm tưởng của “người lớn”

Một bữa tiệc chơi khối – tranh đấu giữa các khối cầu – khối chóp, hoặc các biến thể giữa cầu – trụ và chóp; giữa đá và đồng, giữa đồng và sắt. Có thể gọi ba tác phẩm này là thân phận con người và thân phận các sự kiện của thời nay. Trong đó nổi lên chủ đề… ăn và bị ăn, tinh thần con người cá nhân và văn hóa dân tộc, cho đến đất đai… bị bóp nặn, rỉa rói, xâu xé tranh ăn, xâm thực, lai căng, thập cẩm được gọi bằng từ sang trọng là “tiếp biến văn hóa” ba lăng nhăng nọ kia. Nhưng nếu tôi phân tích, diễn dịch “ý nghĩa xã hội” thô sơ như thế, thì lại thành quy kết, chụp mũ mất rồi. Như thế ngày xưa thì không những rất nguy hiểm cho nghệ sĩ mà còn giảm giá trị của tác phẩm nữa. Anh Hà đang “im lặng” kia mà, anh ấy có nói thế đâu. Đứa trẻ nghịch đất đã thành người lớn, đã biết lắng nghe, thấm thía, đau cái nỗi đời đang diễn ra xung quanh nó, mà bởi vì đã lớn, nó không thể đứng ngoài cuộc.

d. Hai con sóng- tâm tưởng của người đàn ông trưởng thành và… sắp già!

.

 

.

Miêu tả sự một chu trình vận động, đây là một cuộc tầm nghiên các diễn biến của khối trụ cầu và trụ lập phương, cũng như các biến thể và các khối giao cắt giữ các khối này từ lúc manh nha, quần tụ, cuồng nộ đỉnh điểm rồi tan vỡ ra từng mảnh nhỏ. Một con sóng bằng mầu đỏ lộng lẫy và một con sóng bằng sắt hàn đen sì. Hai tác phẩm này in dấu tâm tưởng của một người đàn ông trưởng thành, trầm tư mặc tưởng trước các chuỗi vận động, biến hóa tang thương của cuộc đời, từ nhỏ như con người chưa kịp lớn đã bạc đầu, hay một đại gia đình hưng thịnh rồi xuống dốc, hay lớn nữa là một triều đại dâu bể, hay là vớ vẩn nhạt nhòa, thoảng chốc như từng con sóng biển, lớp nọ đè lớp kia rất nhanh trong giây lát, phù du và hữu hạn giống như kiếp nhân sinh.

Chết, viết đến đây tôi chợt nhớ mình lại mắc cái bệnh “diễn dịch ý nghĩa xã hội” lăng nhăng “bôi nhọ tác phẩm” mất rồi. Nói gọn lại, nhìn bằng cảm quan trực cảm với một tác phẩm tạo hình. Thì hai tác phẩm Sóng này có quy mô của những công trình kiến trúc + điêu khắc đồ sộ đặt ngoài trời, rất cá tính, có năng lượng và hiện đại (điêu khắc hoành tráng mang nhiều tính trừu tượng như kiến trúc, hoặc kiến trúc có nhiều phẩm chất điêu khắc). Các công trình điêu khắc + kiến trúc công cộng lớn ở ta đang rất hiếm những công trình có chất lượng như thế này được thực thi.

4. Kết

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, thuộc lứa tuổi thầy của nghệ sĩ Nguyễn Nguyên Hà, và hình như từng dạy học anh, bị tai biến đau nửa người mấy năm nay, người rất yếu. Khi nghe tin Nguyên Hà triển lãm, ông lọ mọ đến xem. Về, hai hôm sau ông gọi cho tôi, nói một vài nhận xét, tôi ghi lại như sau:

1. Tác giả làm không nhiều về sắt, nhưng là người rất am hiểu về chất liệu

2. Điêu khắc của Nguyên Hà là loại “điêu khắc bằng lý trí”, rất kỹ lưỡng, ở ta ít người làm được điêu khắc kiểu này

3. Tuy xuất hiện (một cách đầy đủ) muộn so với một số người đồng học cùng thời, nhưng điêu khắc của Nguyên Hà là một sự sang trọng của thời đại, anh “đợi quả chín nục”, hái rồi tìm “đồ đựng đẹp” sau đó còn tìm không gian thoáng đãng, “view đẹp” rồi mới mời người ta thưởng thức (chứ không như một số người mới nặn ra được một vài thứ sường sượng đã mời sống mời chết bắt người ta ăn lấy ăn để)

Đó là mấy ý đánh giá của một người thuộc thế hệ đi trước. Còn tôi, để kết lại cho bài viết dài dòng trên, cũng có mấy ý như sau: Hệ tác phẩm thuần thục bằng nhiều chất liệu của nhà điêu khắc Nguyễn Nguyên Hà có sự mẫu mực và dịu dàng với tinh thần hướng tới chuẩn cổ điển của điêu khắc hiện đại, nhìn về núi có núi cao, nhìn về biển có biển rộng, trầm tư mà khoáng đạt. Với một cuộc tổng kết chu toàn ở tuổi bốn bảy, ông xác định mình là một nhà điêu khắc có tầm vóc, thuộc số ít những người xuất sắc của thế hệ mình. Điều này cho thấy rằng, dù là mạch ngầm hay được bày ra, thì tinh thần điêu khắc Việt có lẽ chưa bao giờ bị đứt xích ở quãng nào cả, mặc dù ít ỏi về “nhân sự” và đối diện những cơn bão nhảm nhí đủ kiểu.

Còn có một điều thú vị nữa là “hiện tượng” Nguyễn Nguyên Hà bên điêu khắc có một điểm gì đó gần giống với “hiện tượng” Lý Trực Sơn bên hội họa, mặc dù tuổi hai người cách nhau tới gần một thế hệ (1949, 1966). Họ đều có cơ hội “định danh” sự nghiệp của mình ngay trong thời kỳ Đổi Mới. Tuy nhiên vì lý do mải chơi thế nào đó (Lý Trực Sơn thì rong chơi bên trời Tây chục năm, Nguyên Hà thì rong chơi ở cơ quan nhà nước gần hai chục năm), nên họ là những người “chín muộn” rơi vào thời Hậu Đổi Mới rất xa, và quãng tới còn chưa biết thế nào, vì họ sáng tác vẫn còn sung sức, còn vặn mình, còn thay đổi.

(Dắt chó) đi dạo trong vườn nghệ thuật, lúc mùa quả cũ đã qua, mùa quả mới chưa đến, lá cành xơ xác tiêu điều, hy hữu tia được dăm ba quả chín muộn còn sót lại đỏ mọng lấp ló trên cành, thì cứ gọi là lòng sướng như điên, sướng hơn nhiều việc trúng cả lô cả đề…

Ý kiến - Thảo luận

17:56 Saturday,2.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
nghệ thuật cho các tiến sĩ trở lên xem. dân chúng em "im lặng" ra chỗ khác chơi.
...xem tiếp
17:56 Saturday,2.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
nghệ thuật cho các tiến sĩ trở lên xem. dân chúng em "im lặng" ra chỗ khác chơi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả