Chính trị

“Đóng cửa” dạy nhau, ông Hành ho, bà Lập không cho (mua) thuốc 06. 10. 13 - 6:20 am

Sáng Ánh

Obama nói với đảng Cộng hòa: ”Chúng ta sẽ không đi tới đâu trừ khi có được chút xíu hợp tác”

Cặp vợ chồng nhà nọ, như mọi cặp vợ chồng, tất nhiên là dựa vào nhau mà sống. Nhưng cũng như mọi cặp vợ chồng, nội bộ không tránh khỏi lục đục và tiếng bấc tiếng chì, nhiều khi đến mức giúp vui cho hàng xóm.

Ông Hành gần đây nảy ra ý mua bảo hiểm sức khỏe cho bọn trẻ. Số là ông thấy, các hộ quanh quẩn, nhà thì bé tí, có hộ còn kém có gấp chục lần, thu nhập chỉ đến cái ống quần nhà ta, vậy mà con cháu họ, đứa nào cũng có cái bảo hiểm. Chẳng phải ông đua đòi, nhưng đã là giàu nhất xóm trên xóm dưới, mãi cứ thế này coi không được. Bà Lập thì về việc này lại có ý kiến khác. Đấu tranh với vợ mãi, ông mới được bà thông qua chấp thuận. Nhưng đùng một cái, rõ đàn bà, lúc nắng lúc mưa, bà lại đổi ý. Đấy là do ông ép tôi! Nếu ông không chịu lùi, thì đầu tháng 10 này, bà khóa tủ tiền lại, bỏ chìa khóa vào cạp quần, ông có giỏi thì cứ mua bảo hiểm, không có tiền xem ông xoay sở thế nào!

Các thẩm phán Cộng hòa (Tối cao pháp viện) nói với con gà Mỹ đang mon men đưa đạo luật bảo hiểm y tế vào thực thi: “Chúng ta đồng ý giải quyết đề nghị của mi, cứ tiến tới thớt nào!”

Ông Hành này họ là họ Pháp, và bà Lập cũng vậy. Gọi tên theo kiểu Mỹ, thì ông là Hành Pháp (Mỹ), và bà là Lập Pháp (Mỹ). Cả hai đêu là Mỹ, và vợ chồng này được gọi là Chính quyền (Mỹ). Việc “đóng cửa” là do bà Hành nắm hầu bao và không chịu bỏ tiền ra chi nữa cho bất cứ việc gì vì lý do là bà cho rằng ông tiêu hoang.

Theo bảng xếp hạng của WHO (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, thuộc LHQ), thì Hoa kỳ xếp hàng thứ 38, đằng sau Costa Rica. Theo Ngân hàng Thế giới, chi tiêu về sức khỏe (2011) của mỗi đầu người tại Mỹ là 8.233 USD/năm. Con số này, tại Costa Rica là 943 USD. Nhưng so sánh với Canada có lẽ là thích ứng nhất ở trong trường hợp Mỹ (vì các điều kiện khác, kinh tế, lịch sử… gần như nhau). WHO xếp hạng sức khỏe bên kia thác Niagara là thứ 30, chi tiêu tại đây theo đầu người (World Bank) là 5.630 USD. Như vậy, bơi qua Đại Hồ thì tuổi thọ, sức khỏe tăng lên, mà tốn kém về thuốc thang lại bớt 3 phần 10. Bơi qua Đại Tây Dương thì danh giá. Nước Pháp, đứng đầu bảng của WHO, chi tiêu sức khỏe đầu người là 4.952 USD. Pháp có bảo hiểm sức khỏe cho tất cả mọi người. Canada có, và ngay cả Costa Rica cũng có.

Cộng hoà (Voi) từ chối cắt cổ nền y tế Hoa Kỳ với đạo luật Obamacare (quan điểm hí họa cho rằng với y tế Hoa Kỳ đây là thuốc toi chứ không phải thuốc cứu)

Chương trình bảo hiểm sức khỏe được gọi là “Obamacare” là một đạo luật 800 trang (!) mới được thông qua sau khi tìm cách dung hòa quyền lợi của đủ tất cả các nhóm lợi ích ở Mỹ. Chưa ai hiểu đạo luật này sẽ được thực thi thế nào và tác dụng của nó sẽ ra sao. Trước hết, chưa ai hiểu đạo luật này là gì (từ từ nào, mới đọc đến trang thứ 8). Điều mà có thể biết được, là nó không đáp ứng sự mong đợi (theo các cuộc thăm dò) đa số người Mỹ. Mong đợi ấy là một chế độ bảo hiểm tương tự như là ở Canada gần gũi. Tuy vậy, dù có đầu voi đuôi chuột, đầu chuột đuôi voi hay mình hổ lưng khỉ thế nào, thì Obamacare cũng là một bước tiến vì nó ra đời được. Chính phủ Clinton, trong hai nhiệm kỳ, đã không đạt được việc sinh ra dù là quái vật này. Đây từng là một hứa hẹn của ứng viên Clinton. Vào nhiệm kỳ đầu Clinton, bà Hillary còn được đặc trách vấn đề này, sau đó quên luôn. Đây cũng là một hứa hẹn của ứng viên Obama cũng như là hứa hẹn kinh niên của các ứng viên Dân chủ. Và dù chưa biết đứa bé Obamacare này sẽ ra sao nhưng “thà như giọt mưa, rớt trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không”.

Để Obamacare thực hiện được, người Mỹ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong hí họa này, bác sĩ X quang Obama nói với bác sĩ lâm sàng (đang cầm bệnh án “Kế hoạch bảo hiểm y tế của chính phủ” của bệnh nhân “Người đóng thuế”): “Cần phải loại bỏ cái ví này đi”.

Vậy mà cũng không xong, cuộc “đóng cửa” 1. 10 của phe hữu tại quốc hội là nhằm rời lại ngày thực thi chương trình bảo hiểm này. Phe chống đối và nắm hầu bao trên tuyên bố, đại khái là cha ông ta thủa dựng nước giết mọi da đỏ không hề có bảo hiểm, vậy mà con cháu cũng làm nên một nền điện ảnh huy hoàng khắp thế giới biết đến. Chúng ta sổ mũi thì sổ mũi, ung thư thì ung thư, nhất định không chấp nhận một nền bảo hiểm cho tất cả mọi người.

Chiếc máy bay Obamacare do đảng Dân chủ (con lừa) lái bị rớt. Phi công hỏi hành khách Voi (Cộng hòa), “Mi đã làm gì vậy?”

Obamacare chỉ là một trong những cái cớ sinh sự. Tội hoang phí kể ra thì dài lắm, nào là về an sinh xã hội, về bảo vệ môi trường, chương trình trợ giúp thực phẩm cho người nghèo… là những quỹ phe bảo thủ đều đòi giảm bớt hay là hủy bỏ. Việc gây gổ trong bếp và dẫn đến chuyện đóng cửa chính quyền này là sự cố chót trong nỗ lực chuỗi dài 30 năm của bảo thủ Hoa Kỳ, không phải để đánh Obama hay Clinton gì đó, mà là để đánh những thành quả xã hội của chính quyền Roosevelt 70, 80 năm về trước và đội mồ ông lên.

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929, chính quyền Roosevelt đã có công đem an sinh xã hội, bảo vệ lao động… để “sửa sai” các quá độ của tư bản và kinh tế thị trường trong chương trình gọi là “New Deal”.

Một hí họa năm 1937, diễn tả kế hoạch cải cách của chính quyền Roosevelt muốn được nghị viện Mỹ thông qua cũng khó như lạc đà chui qua lỗ kim.

Sang thập niên 60, chính sách xã hội này được tiếp tục bởi các chương trình “New Frontier” (Kennedy) và “Great Society” (Johnson). Nhưng từ thập niên 80, lực lượng tư bản thị trường ở Anh Mỹ (Thatcher-Reagan) làm một cuộc Tổng khởi nghĩa dưới lá cờ “Tự do” và nỗ lực đẩy lùi các thành quả xã hội này trở lại vị trí cũ. Họ thành công xuất sắc chí ít là về một mặt. Bất công bằng xã hội, tức là cách biệt giàu nghèo, tại Mỹ hiện nay đã trở về điểm tiền “New Deal” của thời kỳ Roosevelt. Trong khi số tỉ phú tỉ tỉ gì đó tăng trưởng, thì lương lao động tối thiểu ngày nay tại Mỹ thấp hơn so với năm 1970. Giai cấp trung lưu Hoa kỳ, điển hình là thành phần công nhân kỹ nghệ nghiệp đoàn, đã từng làm nên sự sung túc của đất nước, hiện giờ đâm vào cảnh lao đao và hụt hẫng.

Một hí họa diễn tả tình cảnh nguy kịch của tầng lớp trung lưu, trong khi người giàu hỏi: “Sao mà tụi bay lại đến nông nỗi đó?”

Khủng hoảng kinh tế từ 2007 và khó khăn gặp phải của giới trung lưu Mỹ thụt lùi này lại giúp cho việc thành hình một đội xung kích mới. Đây là mũi nhọn của phong trào được gọi là “Tea Party” (lấy tên từ phong trào chống thuế của Mẫu quốc Anh trong thời kỳ cách mạng độc lập Mỹ). Họ đòi “tự do” kinh tế, tức là mạnh ai nấy sống, và chính quyền càng bé càng hay, không can thiệp bằng chính sách vào bất cứ việc gì. Thành phần “Đảng Trà” này hiện nay chỉ khoảng 45 người ở Quốc hội (10%) nhưng trong dịp này được sự hậu thuẫn của thành phần bảo thủ của đảng Cộng hòa. Nói rộng ra, thành phần ĐảngTrà này, về nhiều mặt có thể gọi là ‘tiền phát xít’, là con đẻ con nuôi của bảo thủ truyền thống Cộng hòa. Dùng để đánh Dân chủ trong những năm vừa qua, đám hung hăng này được mang về nhà và trao cho gậy gộc, nhưng đang có đà trở thành quái vật đến chính Cộng hòa truyền thống cũng không còn kiểm soát được.

Đảng Trà được ví như một bầy Vampire uống máu chính “Cha già” của Đảng Cộng hòa là Tổng thống Lincoln (Tổng thống Cộng hòa đầu tiên 1861-1865 trong thời kỳ nội chiến. Đảng Cộng hòa được coi là tiến bộ trong thời kỳ này, giải phóng nô lệ đồn điền để đưa họ vào nhà máy khi nước Mỹ đang rục rịch chuyển vào kỹ nghệ)

 

… Và đến thời Obama đã là công cụ của Đảng Cộng hòa

Ngày 17.10 này, chính quyền Mỹ sẽ đến kỳ hạn xin tăng nợ. Nước Mỹ mà đã muốn nợ thì ai mà chẳng cho vay, vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là thành phần bảo thủ ở Lập Pháp cho rằng nợ đã ngập quá cổ rồi  (12.000 tỉ, tức 75% GDP, với 5.500 tỉ là nợ nước ngoài). Họ có thể thành công trong việc tôi cấm ông vay thêm chị Trung (quốc), anh Ả (rập). Việc này trở thành mâu thuẫn với quyền lợi của tư bản tài chính (đại diện ở Quốc hội bởi, thí dụ, ông John McCain). Tư bản tài chính không sản xuất xe con, máy móc, đồ dùng gì tất mà chỉ sản xuất… tiền. Tức là họ làm giàu từ việc mượn đi vay lại, giờ hung hăng giới hạn việc nợ thì họ lấy gì mà ăn sáng xỉa răng? Không được vay thêm thì nước Mỹ sẽ không có khả năng … trả nợ đúng hạn; mà không có khả năng trả nợ thì ai cũng vậy, kể cả Mỹ, gay go lắm, mất mặt anh hung (hay anh tài). Cho nên hồi tới sẽ có nhiều bối rối và chủ chốt trong việc dàn xếp chuyện đóng cửa này không phải là giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ, mà sẽ là giữa Cộng hòa khuyên can nhau, thôi mà bớt nóng mấy cha, khéo mà chết cả lũ.

Chánh án tối cao John Roberts rầu rĩ: “Thay vì đóng cửa (shutdown) chính phủ, tốt hơn là (hai phe) chính phủ câm mồm (shut up)”

Rồi sẽ ổn thỏa. Đằng nào thì các chính quyền Dân chủ gần đây (Clinton, Obama), về mặt xã hội, cũng đều là thỏa hiệp và thoái hóa (so với thời kỳ trước). Rồi sau màn sẽ lại là “Không làm thật đâu. Làm thật thì khốn cả hộ. Em làm nũng đấy, tại mình không chịu nghe em chứ bộ, em chỉ dọa mình mà.”

Cửa sổ màn hình ghi: “Lỗi: Chính phủ đã ngừng đáp ứng”. Người dùng chỉ có nước bấm “OK”

Ý kiến - Thảo luận

16:53 Monday,7.10.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Đơn giản, hài hước, dễ hiểu :))
...xem tiếp
16:53 Monday,7.10.2013 Đăng bởi:  IQ ABC
Đơn giản, hài hước, dễ hiểu :)) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả