Nhiếp ảnh

Kenji Aoki: tưởng đơn giản, hóa ra quá cầu kỳ 03. 05. 14 - 7:28 am

Hoàng Lan dịch

Sinh ra ở Tokyo, lúc đầu Kenji Aoki dành nhiều thời gian để học các môn khác nhau của trường Thiết kế Kuwasa. Sau 20 năm thành công trong sự nghiệp tại Tokyo, Aoki chuyển đến định cư lâu dài ở New York. Anh đã làm việc với nhiều khách hàng  Mỹ và châu Âu, tác phẩm của anh còn có mặt trong kho lưu trữ “những bức ảnh xuất sắc nhất từng đăng trên The New York Times. Kenji từng nhận các giải thưởng của: hội ảnh SPD, The Art Directors Club, Communication Art, American Photography, và Lurzer’s Archive.

Ảnh chụp bóng đèn, Kenji Aoki

 

Ảnh cá ngừ vây xanh, Kenji chụp cho The New York Times

Kenji đam mê hình học, và bố cục trong ảnh của Kenji thể hiện rõ điều này. Anh nói: “Tất cả cảm hứng của tôi đều đến từ hình học. Nếu khi chụp một vật thể mà lại cần phải toát ra được một khái niệm nào đó, bạn sẽ gặp nhiều ‘câu đố thị giác’ phức tạp để giải. Bằng cách dùng trí óc biến vật thể thành một loại hình học đơn giản – ví dụ như hình tròn hay hình vuông – bạn sẽ truyền tải được khái niệm của bức ảnh và của chính vật thể với tốc độ nhanh hơn. Không gian xung quanh vật thể, màu sắc, bóng hình… nếu biết cân bằng tất cả những yếu tố này thì các xúc cảm mới có thể thâm nhập đến một nơi sâu sắc hơn.”

Ảnh chụp ghế, Kenji Aoki

 

Quả trứng, Kenji Aoki

Theo cách suy nghĩ đó, đồ vật làm từ thủy tinh là một đề tài hấp dẫn đối với các nhiếp ảnh gia studio vì chúng vốn mang nhiều đặc tính thị giác. Chúng vừa có độ trong suốt cao, vừa có độ phản chiếu cao. Ành chụp các vật làm từ thủy tinh có thể hé lộ nhiều hình dạng, màu sắc và chất liệu thật ấn tượng. Kenji sẽ chia sẻ kỹ thuật anh dùng để chụp các hình tròn của nhiều ly thủy tinh. Chắc chắn đây là một bài học có ích cho những ai đang hứng thú với ảnh chụp đậm chất hình học hoặc ảnh chụp những vật trong suốt.

Bức ảnh chụp ly thuỷ tinh mà Kenji dùng để giải thích kỹ thuật của mình

Mục đích chính của anh khi chụp bức ảnh này là gì? “Tôi không muốn chúng trông như ảnh quảng cáo ly thủy tinh”, Kenji nói. Quả thật thì chẳng mấy nhiếp ảnh gia studio chuyên nghiệp nào lại chụp đồ thủy tinh từ trên xuống. Đa số sẽ chọn cách chụp chính diện, với đèn chiếu sáng hai bên hông và dùng phông nền màu đen. “Bằng cách chụp từ trên xuống, rồi chiếu đèn từ dưới lên, tôi có thể ghi lại hình tròn của những chiếc ly và dùng đường nét hình học của chúng làm chủ đề. Kết quả: tôi hoàn toàn đem những chiếc ly thoát khỏi ngữ cảnh thực tế của chúng”, Kenji Aoki cho biết.

Ánh sáng Kenji dùng, đặc biệt là kiểu chiếu sáng bù trừ, là một kỹ thuật thiết yếu để anh sáng tác ảnh. Dựa theo kỹ thuật cổ điển, từng được dùng để làm giảm độ phản chiếu, anh để mắt đến những điểm không được chiếu sáng cũng chẳng kém gì những điểm chiếu sáng trong hình. (Phần chú thích trong ảnh minh họa cách anh sắp xếp dụng cụ khi chụp sẽ giải thích chi tiết hơn về điều này).

Một trong những thử thách chính của Kenji là tạo ra một cảnh nền với độ chiếu sáng hoàng toàn đều nhau. Để chiến thắng thử thách này, trước khi xếp những chiếc ly vào đúng vị trí, anh chia các tấm panel dùng để khuếch tán ánh sáng nền cho những chiếc ly thành 9 vùng – hay 9 khu vực – và đo sáng riêng cho từng vùng. Bằng cách chĩa sáu chiếc đèn chớp xuống nền đất trắng và chỉnh góc độ của chúng, anh đã giúp 9 vùng có độ sáng gần như bằng nhau, chỉ chênh lệch khoảng 1/10 một stop (khẩu độ hay còn gọi là f/stop – đơn vị đo độ sáng lọt qua ống kính khi chụp ảnh)

Một kỹ thuật lạ thường khác: Thay cho độ tương phản cao và sắc đen trắng sống động thường dùng để nhấn mạnh đường nét và hình dáng của đồ thủy tinh; Kenji quyết định chụp một bức ảnh khác lạ, cổ điển hơn, bằng cách bổ sung gam màu nâu nhẹ cho cảnh nền vốn đơn sắc của anh. Để thực hiện việc này, Kenji gắn một tấm lọc màu hổ phách 81A trước ống kính. “Ý tưởng ở đây là giúp hình chụp trông như một bức tranh vẽ từ khá lâu rồi, thay cho kiểu hình mạnh mẽ, hiện đại, long lanh”, Kenji giải thích.

Tấm lọc màu hổ phách 81A mà Kenji dùng

Lúc mới xem qua ảnh Kenji chụp, chúng tôi tin rằng anh đã dùng mực đen vẽ viền các vành ly thủy tinh để dáng tròn của chúng nổi đậm nét. Nhưng không. Để chụp được màu đen đó, Kenji đã ngăn ánh sáng chiếu thẳng vào phần viền bằng cách dùng kĩ thuật chiếu sáng bù trừ.

Ảnh minh họa cho kỹ thuật chiếu sáng của Kenji

Anh bắt đầu bằng công đoạn chỉnh đèn chiếu sáng ở dưới các chiếc ly thủy tinh để đảm bảo rằng chúng chiếu đều từ vành này sang vành khác: đó là 6 chiếc đèn chớp Profoto (A), anh gắn chúng vào hai cái máy phát điện Profoto (B). Sau đó Kenji chĩa đèn chớp xuống nền sàn trắng (C) để phản chiếu ánh sáng lên trên; rồi, để khuếch tán ánh sáng hơn nữa, anh đặt một tấm bạt acrylic mờ (D) lên chiếc giá (gắn bên dưới tấm kính đang bày các chiếc ly thuỷ tinh). Nếu anh đặt những chiếc ly trực tiếp lên trên tấm bạt acrylic thì chúng sẽ có độ chiếu sáng cao quá mức, và tạo ra các đường vành ly màu xám, chứ không phải đen. Vì vậy, Kenji dùng những khối gỗ (F) và đặt tấm kính (E) lên các khối gỗ, nâng chỗ để các chiếc ly thủy tinh lên trên tấm bạt acrylic, khiến các đường vành chuyển sang màu xám đậm. Sau đó anh tắt đèn phòng, các đường vành ly sẽ phản chiếu trần nhà tối sậm bên trên, chuyển chúng thành sắc đen hoàn toàn.

Nhờ vậy, Kenji đã chụp nên một bức ảnh ly thủy tinh khác thường. Ai đang muốn thử sức với các bức ảnh kiểu này hãy áp dụng và xem xem kết quả của mình sẽ trông ra sao nhé.

Bây giờ, mọi người ngắm qua vài tác phẩm của Kenji nào, và đoán xem anh ấy chụp cái gì:

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả