Tin tức

Tin-ảnh: Bọ gián điệp, ứng viên đi xem tượng, tranh công chúa bán đắt nhất… 31. 10. 13 - 6:08 am

Phạm Phong tổng hợp

LONDON – Một khách tham quan đang tìm kiếm những con bọ gián điệp tại bảo tàng Churchill War Rooms, trung tâm London, trong sự kiện “Secrets and Spies” (Bí mật và Do thám). Tại sự kiện này, nhiệm vụ của khách tham quan là trong thời gian ngắn phải giải mã những thiết bị (quay/nghe lén) được giấu kỹ, và tìm cho ra những con bọ do thám có GPS cài trong khắp khu vực. Vụ Mỹ nghe lén “anh chị em” đồng minh đang là đề tài giật gân trên thớt chính trị suốt tuần qua, nhưng chẳng phải là Mỹ đã thực hiện đúng lời hứa : “sẽ đem đến một kỷ nguyên mà các nước đồng minh sẽ lắng nghe, học hỏi lẫn nhau” hay sao? Ảnh: AFP/Carl Court

 

PARIS – Ứng viên của đảng Xã hội cho chức thị trưởng Paris 2014 , đồng thời là đương nhiệm phó thị trưởng, bà Anne Hidalgo, đang cùng người phát ngôn của bà là Bruno Julliard, đứng xem một bức tượng của nghệ sĩ Mỹ Barry Flanagan, được bày trong hội chợ FIAC (International Contemporary Art Fair – Hội chợ Nghệ thuật Đương đại Quốc tế), diễn ra tại Le Grand Palais, Paris, từ 24 – 27. 10. 2013. Được biết, ba ứng viên thị trưởng Paris lần này đều là nữ. Anne Hidalgo (gốc Tây Ban Nha) tỏ ra mê nghệ thuật, còn hai bà kia không biết sẽ tranh thủ người Paris bằng sở thích gì? Ảnh: AFP/Francois Guillot

 

DUBAI – Người xem đứng bên một bức tranh của công chúa Thổ Nhĩ Kỳ (nhưng là công dân Jordan) Fahr al-Nissa Zeid (1900 – 1991), có tên “Break of the Atom and Vegetal Life” bày tại tháp Emirates ở Dubai hôm 27. 10. 2013, trước khi được Christie’s cho đấu giá vào hôm 29. 10. 2013, bán được với giá 2.741.000USD.

 

“Break of the Atom and Vegetal Life” có thể coi là tác phẩm đắt nhất của một nghệ sĩ Ả Rập bán được tại Christie’s trong vùng Trung Đông. Giá ước lượng là 3-4 triệu USD. Ảnh AFP/Wissam Keyrouz

 

Fahr al-Nissa Zeid là một công chúa Thổ Nhĩ Kỳ, sinh vào năm đầu tiên của thế kỷ 20, trong một gia đình toàn những nhà văn, họa sĩ danh tiếng. Năm 1930, bà lấy chồng là một ông hoàng Iraq, Emir Zeid al-Hussein, và theo chồng về Baghdad. Năm 1970, khi chồng chết, bà chuyển tới Jordan, sống ở đây, lập một viện nghệ thuật. Quan niệm của bà để có một tuyệt phẩm là: “Trước hết ta phải cảm giác mình ở trong tranh, ta phải ở yên trong đó bằng tất cả tâm và thân.”

 

SYDNEY – Một phụ nữ chụp ảnh một bức tượng gần rặng san hô, có tên… “San hô”. Tác phẩm này nằm trong triển lãm “Điêu khắc và Biển”, diễn ra trên lối đi dọc bờ biển từ Bondi tới Tamarama, Sydney, kéo dài từ 24. 10 đến 10. 11. 2013. Đây là triển lãm điêu khắc ngoài trời và miễn phí hàng năm thuộc hàng lớn nhất thế giới, bày khoảng 100 tác phẩm của nghệ sĩ Úc cũng như thế giới.

 

ROME – Một nhóm chuyên gia nghiên cứu hang động đang tiến hành một việc trước giờ chưa từng làm: vẽ lại bản đồ của hệ thống 11 hầm dẫn nước từng cấp nước cho thành Rome cổ, chạy hàng trăm km dưới lòng đất và trên dọc những cầu cạn. Dùng công nghệ hiện đại, các chuyên gia dựng lại bản đồ, với tài liệu từng được nhà Roman học của Anh, Timothy Ashby, biên soạn vào khoảng 1906 -2925. Trong ảnh là đài phun nước Babuino thuộc hầm dẫn nước Acqua Felice của thành Rome. Ảnh: AFP/Filippo Monteforte

 

ROME – Để khảo sát lại hệ thống hầm dẫn này, các chuyên gia phải chui vào thăm thú. Trong ảnh: một kỹ thuật viên đi trong đường hầm Acqua Vergine – một trong 11 hầm dẫn cấp nước cho thành Rome, dẫn tới những đài phun nước đẹp nhất, hoành tráng nhất của khu vực trung tâm Rome (Piazza Navona, Four Rivers…) và nhất là Trevi Fountain, là nơi mà du khách ngày nay phải đến đó tạo dáng chụp ảnh mới được coi là đã đến Rome. Ảnh: AFP/Adreas Solaro

 

ROME – Một bức ảnh chụp đài phun nước Moses là điểm chốt của hầm dẫn nước Felice. Ảnh chụp hôm 23. 10. 2013 tại Rome. Ảnh: AFP/Filippo Monteforte

 

ROME – Một bức ảnh chụp bức tường Aurelian bên trong có 3 hầm dẫn nước (Aqua Marcia, Aqua Julia và Aqua Tepula), ngang qua con đường cổ Via Tiburtina. Ảnh chụp hôm 8. 10. 2013, tại Rome, của AFP/Filippo Monteforte

 

ROME – Một bức ảnh chụp hôm 25. 10. 2013 cho thấy hệ thống cầu thang “Ốc” trong hầm dẫn nước Acqua Vergine của Rome cổ.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả