Bàn luận

Về chuyện cháy ở Bảo tàng Mường: Càng đọc càng thấy bực mình 04. 11. 13 - 2:08 pm

Lâm Xung

Một nhà sàn trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Thoạt tiên đọc trên SOI tin về vụ nhà Lang trăm tuổi bị cháy, tôi thấy xót xa cho những gì đã xảy ra.

Là người có quan tâm tìm hiểu chút ít về những hiện vật cổ, tôi biết chắc một điều: những gì đã bị cháy ở Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (mái nhà, vách gỗ, cùng khoảng 200 hiện vật) là không thể cứu vãn được nữa. Cho dù sau này có phục dựng lại được dựa trên những hình ảnh đã lưu giữ trước thì đó cũng chỉ sự mô phỏng, làm lại chứ hoàn toàn không-phải-là-nguyên-bản. Giá trị của việc dựng lại này cũng tương đương như so sánh giữa bản photocopy của một cuốn sách quý 100 tuổi với chính bản gốc của nó. Có nghĩa là nội dung thì cũng gần giống nhau, nhưng giá trị thì bằng giá công copy ở cửa hàng ngoài phố cộng với giá giấy!

Thế rồi đọc tới Thông cáo Báo chí thứ II và đến thông cáo lần thứ III điệu đà này của Bảo tàng không gian văn hóa Mường, tôi chuyển sang tức giận!

1. Bảo tàng đã bao biện cho việc để xảy ra đám cháy nhà Lang

Trong thông cáo báo chí thứ III, Những người chịu trách nhiệm về sự an toàn của Bảo tàng bao biện, đưa ra lý lẽ vì Bảo tàng hoạt động theo mô hình bảo tàng sống, cho phép khách sinh hoạt ẩm thực, lưu trú qua đêm nên việc xảy ra hỏa hoạn là có thể hiểu được, thậm chí cho rằng đó là “sự không may nhỏ trong vô số những vụ việc hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra khắp nơi trong thời gian gần đây” (sic).

Sao lại có thể biện giải một cách hồ đồ và vô trách nhiệm như vậy được! Bảo tàng có thể cho lưu trú, sinh hoạt ẩm thực, nhưng phải ở một chỗ khác, còn nếu biết nhà Lang là bảo bối như trong thông cáo báo chí thứ I đưa ra, rằng nó 100 tuổi, rằng nó là “hiện vật văn hóa giá trị nhất” của bảo tàng, thì sao lại cho khách vào đây mà ăn nhậu, nướng ngô?

Vả lại, cho dù có lưu trú ở khu khác, nhưng việc khách lưu trú gây ra hỏa hoạn thì chắc chắn bảo tàng phải lường trước được chứ, và nhất quyết không bao giờ được phép để cho khả năng đó xảy ra chứ! Sao lại đi “ẩn dụ” hoa mỹ, hàm ý rằng “cháy nổ xảy ra đầy khắp nơi thì đây cũng chỉ là một sự không may nhỏ”? Nói như thế, các anh chị định cho cháy thêm bao nhiêu lần nữa mới thành “không may lớn”? Đúng là hết thuốc chữa cho lối lý lẽ trốn trách nhiệm!

Vụ việc xảy ra do một nhóm khách tại Hòa Bình, gồm 2 nam 2 nữ đi trên hai ôtô, vào Bảo tàng Mường tham quan và sử dụng dịch vụ ăn uống trên nhà Lang. Trong thời gian chờ đợi món ăn, nhóm khách tự ý đốt lửa ở bếp Mường trong nhà Lang để nướng ngô. Trong ảnh: góc bếp ở nhà Lang trước khi bị cháy.

2. Về định giá các thiệt hại

Càng đọc nhiều thông cáo báo chí, càng thấy Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường hoạt động thiếu chuyên nghiệp, khó có thể gọi là bảo tàng nếu chỉ biết mang về ít cái nhà sàn, một số vật dụng mua trong vùng, mà không có những thao tác cần thiết của người làm bảo tàng, chỉ có các thao tác của các khu du lịch sinh thái!

Đầu tiên, trong thông cáo thứ I thì kêu ầm lên là nhà Lang “đã bị thiêu hủy trên 90%, chỉ còn lại bộ khung cột”, gần 200 hiện vật “đã bị thiêu hủy toàn bộ”. Rồi ông Vũ Đức Hiếu còn đánh giá: “Đây là sự tổn hại của cả nền văn hóa Mường, bởi sự độc nhất của ngôi nhà Lang và các hiện vật là không thể tái hiện lại”.

Thoắt một cái, đến thông cáo báo chí thứ II, bảo tàng đã nhoen nhoẻn: “Với những quan sát của những nghệ nhân cao tuổi rành nghề mộc và kiến trúc; thì ngôi nhà Lang chỉ bị cháy phần mái trên và đầu cột, còn phần cấu trúc gỗ ở đế sàn vẫn còn nguyên vẹn, đó là phần rường cột căn bản của công trình này chỉ bị xém phần ngoài vỏ, vẫn còn cơ phục dựng lại được.”

Khung nhà Lang sau đám cháy

Dĩ nhiên là chúng ta không ai mong nhà Lang “bị thiêu hủy trên 90%” cho nó đúng tinh thần thông cáo báo chí đầu tiên, nhưng qua đây mới thấy, anh làm bảo tàng mà đánh giá không đúng như thế, khác nhau một trời một vực giữa hai lần khảo sát gần nhau như thế, làm sao tin nổi khi anh đi giám định và mua hiện vật về cho bảo tàng?

Thêm nữa, giờ Bảo tàng nói sẽ lập Hội đồng khoa học để định giá các thiệt hại nữa chứ! Tưởng giá trị của hiện vật là bảo tàng đã phải có sổ sách ghi lại ngay từ đầu, mỗi năm mỗi ước lại giá trị, để đến khi có cháy, nổ, mất mát thì sẽ nói được vanh vách ngay như một ông chủ tiệm vàng, hôm ấy tủ kính tiệm tôi bị đập, trong ấy có 17 cây 5 chỉ SJC… chẳng hạn thế. Còn đây, đủ biết Bảo tàng cũng mù mờ giá trị thật của các hiện vật, chỉ kêu lên với nhau “quý lắm, quý nhất!”, nên giờ nó mất rồi thì chỉ còn cách nhờ đến các bậc thức giả khả kính định giá hộ! Rồi sẽ chi bao nhiêu kinh phí cho cái Hội đồng ấy hoạt động, mất bao nhiêu cuộc họp để bàn, mất bao nhiêu thời gian để ra được cái giá cuối cùng? Và liệu có chắc là kết luận của cái Hội đồng này có được độ khả tín nhất định?

3. Về thủ phạm làm cháy nhà Lang

Không biết có phải là thủ pháp câu khách của Bảo tàng Mường không, để nhân dịp này mà PR luôn, mà ngay từ đầu, bản tin trên SOI đã xác định thủ phạm của cái vụ việc tày giời đốt nhà Lang trăm tuổi này là hai cặp nam nữ U40 vào nghỉ chân, rồi rửng mỡ nướng ngô kiểu gì không biết mà gây cháy nhà.

Nhưng từ đó đến nay, thông tin về mấy anh ả này cứ mập mập mờ mờ như an ninh quốc gia, cứ như thể đó là những nhân vật cực kỳ quan trọng không thể đụng đến vậy. Rồi đến cái thông cáo của Bảo tàng lần này lại cũng đi theo cái lối nói “ẩn dụ” ất ơ ấy, rằng đó là những người “có tiền, có thế”.

“Có tiền” là bao nhiêu, mấy chục nghìn hay mấy chục tỷ? “Có thế” là thế nào, con của ông to hay là chính ông to ở tỉnh? Chính cái lối đưa tin mập mờ này càng làm cho người dân phẫn nộ. Đã là nghi can của vụ án thì chỉ là nghi can, ai cũng bình đẳng trước pháp luật, “có tiền” với “có thế” thì không phải hứng chịu sự trừng phạt của pháp luật hay búa rìu dư luận à? Và người thường làm cháy nhà Lang thì thông cảm được, người có tiền, có thế thì không thể tha? Vì sao Bảo tàng Mường lại dùng chữ “có tiền, có thế” ở đây? Hay chỉ đơn thuần để gây dư luận, câu khách, tăng views?

Góc bếp trong một nhà sàn. Ảnh: Tấn Minh

4. Cuối cùng…

Đoạn cuối trong thông cáo của Bảo tàng: “Sự phũ phàng của thời gian, sự vô ý hay cố ý của con người, sự tàn bạo của ngọn lửa hủy diệt qua các thời đại, không bao giờ có thể đốt cháy được văn hóa nghìn năm”, làm tôi vừa buồn cười, vừa hy vọng.

Buồn cười vì tính chất bài tập làm văn phổ thông của những người soạn ra cái thông cáo này, cháy nhà rồi mà vẫn còn ngồi nói chữ; hy vọng thì le lói vì qua những dòng chữ này, biết đâu những người có trách nhiệm muốn bắn đi một thông điệp rằng những hiện vật đã bị cháy chỉ là đồ giả, còn đồ xịn vẫn còn được cất ở đâu đó? Hay là đó mới chỉ là một phần rất nhỏ, cứ đốt thoải mái, còn vô khối hiện vật để ở chỗ khác, rồi đây sẽ được bày ra?… Đó chỉ là những phỏng đoán mang tính lạc quan, “đọc giữa các hàng chữ” nên rất có thể sai.

Thế rồi cuối cùng, cái mục đích của Thông cáo Báo chí thứ III này là gì? Là các anh ấy vẫn muốn làm văn nghệ: mời các quý khách đã từng đến gửi “những câu chuyện, kỷ niệm, hình ảnh, vật dụng…, để Bảo tàng chúng tôi sử dụng như những nguyên liệu nghệ thuật, mời các nghệ sĩ tạo hình, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc có uy tín, biến nguồn nguyên liệu đó thành tác phẩm nghệ thuật dưới nhiều hình thức!”

Tác phẩm “Lợn nhảy cầu” của Phạm Thái Bình ở Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường

Ối giời! Hóa ra là gửi vật liệu để các anh lại làm dự án cho một festival nghệ thuật + đám tang + tưởng niệm nhà Lang. Tiện quá đấy Bảo tàng Mường, việc cần làm thì không làm, ấy là cứu cái nhà Lang mà như đã nói ở Thông cáo thứ II là “vẫn còn cơ phục dựng lại được”. Đáng lẽ phải gửi một thư ngỏ, nhờ các kiến trúc sư, dân xây dựng đã từng ghé qua nhà Lang khi nó còn xinh đẹp, nay xuống đây để giúp (không công) cho Bảo tàng cứu nhà Lang, thì Bảo tàng Mường lại chỉ tính tiếp đến một cuộc văn nghệ to, rồi lại uống rượu, nướng ngô bên tác phẩm?

Chốt lại, càng đọc các Thông cáo của Bảo tàng không gian văn hóa Mường chỉ càng thấy bực mình! Không biết họ còn định ra thêm mấy cái thông cáo nữa để chứng tỏ sự thiếu chuyên nghiệp của họ đây?

Một tiệc liên hoan do Bảo tàng mời các nghệ sĩ trên nhà sàn Lang hơn trăm năm tuổi. Thức ăn bày trên lá chuối với những chiếc đũa dài gấp đôi bình thường. Căn nhà này đã bị cháy. Ảnh: Bảo tàng Mường

Ý kiến - Thảo luận

15:57 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  Trung Ngọc
Các cụ ta bảo " cháy nhà ra mặt chuột" mà sao nhà cháy rồi sự việc rõ mười muơi mà chảy thấy chuột đâu. khởi tố hay bỏ qua đã nói phải làm cho rõ chứ sao mập mờ khó hiểu thế. hay a b c xong rồi.

...xem tiếp
15:57 Friday,21.3.2014 Đăng bởi:  Trung Ngọc
Các cụ ta bảo " cháy nhà ra mặt chuột" mà sao nhà cháy rồi sự việc rõ mười muơi mà chảy thấy chuột đâu. khởi tố hay bỏ qua đã nói phải làm cho rõ chứ sao mập mờ khó hiểu thế. hay a b c xong rồi.
 
21:04 Tuesday,5.11.2013 Đăng bởi:  admin

@ Trần Trọng Linh: Soi đã biên tập và đưa lên thành bài rồi nhé. Bài có tên: "Cái khó của anh Hiếu: thập diện mai phục". Linh vào xem nhé.


...xem tiếp
21:04 Tuesday,5.11.2013 Đăng bởi:  admin

@ Trần Trọng Linh: Soi đã biên tập và đưa lên thành bài rồi nhé. Bài có tên: "Cái khó của anh Hiếu: thập diện mai phục". Linh vào xem nhé.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả